Chủ nhật, 22/12/2024,


Có một người lính xa Đà Thành “Tây tiến”, mang tên Trần Duy Chiến (26/07/2010) 

     Nhân kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhận lời mời của Hội Nhà văn Thành phố Đà Nẵng, Nhà thơ Đặng Vương Hưng, Chủ nhiệm website lucbat.com cùng nhà văn Chu Lai vừa có chuyến đi Đà Nẵng tham dự buổi giới thiệu cuốn nhật ký của một liệt sĩ và giao lưu với hàng ngàn văn nghệ sĩ, trí thức, cựu chiến binh, thày cô giáo, học sinh của Thành phố Đà Nẵng…

    Nhân đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Đặng Vương Hưng về tác phẩm “Tây tiến viễn chinh” của tác giả Trần Duy Chiến - Cuốn sách vừa được giới thiệu long trọng tại Đà Nẵng ngày 24-7-2010.

 

    Xin được nói ngay rằng: Trần Duy Chiến không phải thế hệ những người lính cùng thời với nhà thơ Quang Dũng - tác giả của bài “Tây tiến' bất hủ. Bởi Quang Dũng viết 'Tây tiến' trong kháng chiến chống Pháp, còn nhật ký của Trần Duy Chiến được viết trong Cuộc chiến tranh giữ nước và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Cam-pu-chia. Cuộc chiến đấu của họ cách nhau gần 30 năm, nhưng lại có một điểm chung, đó là: Cùng hành quân về phía Tây, cùng chiến đấu xa Tổ quốc, cùng tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế cao cả và bảo vệ quê hương yêu dấu... Vì thế, chúng tôi xin được mượn tứ của bài thơ để làm đề tựa cho cuốn sách này.

    Trần Duy Chiến sinh năm 1957, quê gốc tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhưng sinh trưởng tại, thành phố Đà Nẵng, (trong những trang viết của mình, Chiến rất thích gọi là “Đà Thành'). Chiến không phải là người lính của Cuộc kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ cứu nước. Nhưng anh được kế thừa và sinh trưởng từ hai cuộc kháng chiến đó, được ấp ủ bởi những giấc mơ và niềm tự hào của một dân tộc anh hùng. Và cuối cùng, anh đã trở thành một trong hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, tham gia “Cuộc chiến tranh bắt buộc' với tất cả tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh và ý nghĩa cao cả của nó.

               

       

Trước buổi giới thiệu sách và giao lưu các cựu chiến binh

đến thắp hương trước bàn thờ và di ảnh liệt sĩ Trần Duy Chiến.

 

    Những trang nhật ký của Trần Duy Chiến trong cuốn sách này mờ ra từ ngày 7-10-1978, khi anh mới nhập ngũ, huấn luyện tại Quân trường Mỹ Thị (Đà Nẵng) và khép lại vào ngày 25-6-1980, (trước khi anh hy sinh gần một tháng) tại vùng biên giới cực tây của đất nước Cam-pu-chia.
    Đọc nhật ký của Trần Duy Chiến, ta bắt gặp một con người lạ, một giọng điệu lạ, không khiên cưỡng trong một thể loại văn học hay nghệ thuật gì và cũng chẳng gò bó trong một cái khuôn khổ hay một sự chi phối nào,... tất cả cứ hồn nhiên mà giãi bày cảm xúc, nghĩ suy của cá nhân mình với cây cỏ, với thiên nhiên và với con người của một thời...

    Có thể nói qua những trang nhật ký của Trần Duy Chiến, lần đầu tiên bạn đọc hiểu được những tâm trạng, suy nghĩ, hành động rất thật của một người lính đã từng sống, chiến đấu và ngã xuống tại mặt trận 479 năm xưa. Hãy nghe anh tâm sự từ những ngày đầu nhập ngũ: 'Có lắm lúc tôi muốn vụt bay ra khỏi quân trường này, nhưng liền sau đó lại thôi. Tôi không thể làm như thế được. Mọi người thanh niên đều nghĩ rồi làm như tôi, thì lấy ai đứng ra cầm súng giữ nước? Tôi không phải là cách mạng, nhưng tôi suy nghĩ rất nhiều. Nếu mình không trực tiếp cầm súng đứng lên để bảo vệ Tổ quốc, thì mình cũng sẽ chết sau khi giặc ngoại xâm chiếm được Tổ quốc mình.'

Và chụp ảnh chung với người mẹ của liệt sĩ Trần Duy Chiến...


    Trần Duy Chiến đã quyết định ra đi chiến đấu từ những suy nghĩ giản đơn nhưng rất ý nghĩa như thế. Tuy anh chưa thật sự hiểu hết tính chất của cuộc chiến mình đang sắp tham gia. Không sục sôi như những tình khúc của tuổi trẻ một thời 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai...”, nhưng sự ra đi của lớp thanh niên lúc bấy giờ mà Trần Duy Chiến là một đại diện vẫn chứa đựng nhiều chất bi hùng...
 Xuyên suốt nhật ký của Trần Duy Chiến, là nỗi nhớ quê hương da diết đến khắc khoải - cái tâm trạng của những người đi xa... Những ngày đầu từ giã gia đình đến Tây Nguyên, thiên nhiên và con người nơi đây đã để lại trong anh những ấn tượng đẹp, nhẹ nhàng, bởi anh luôn nghĩ rằng đâu cũng là quê hương, là đất nước thân yêu của mình. Song từ trong sâu thẳm trái tim của người lính trẻ vẫn khôn nguôi day dứt khi nhớ về Đà Thành - nơi chôn rau cắt rốn, nơi tuổi thơ anh trôi qua thật êm đềm và đầy ắp kỷ niệm...

Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Nhà văn Chu Lai giao lưu trên sân khấu

    Đến khi đã thật sự rời xa Tổ quốc, sống trong những khu rừng biên giới của Cam-pu-chia, nỗi nhớ ấy càng nhân lên đến xót xa, thậm chí có lúc còn tạo nên tâm lý u uất, chán chưởng không thể diễn tả được... Nhưng cũng như đồng đội, Trần Duy Chiến luồn xác định được vị trí và nhiệm vụ vẻ vang: Chiến đấu tiêu diệt kẻ thù cho bạn cũng chính là bảo vệ hòa bình cho quê hương Tổ quốc mình. Cho dù cuộc sống của người lính viễn chinh vô cùng gian khổ, khó khăn và thiếu thốn trăm bề. Ở những nới ấy, các anh hầu như không còn ý niệm về thời gian, mà dường như chỉ còn chỉ nhớ mang máng về những thời điểm, thời khắc, những đoạn đường mình đã đi qua, những ấn tượng ban đầu... Và tất cả những điều đó được Trần Duy Chiến diễn tả rất tự nhiên, rất sống động trong nhật ký.

    Ngày đầu ngồi gác trong đêm, giữa rừng sâu, lúc nào anh cũng nơm nớp lo sợ địch (trong nhật ký, anh thường ghi tắt là 'K' - tức lính Pôn-pốt) mò đến phục kích. Chỉ cần một con sóc, con chồn lướt trên lá khô cũng làm anh giật mình thảng thốt... Cái chết luôn rập mình và nằm trong gang tấc: 'Cứ mỗi chiều, khi chút nắng vàng còn đậu lại trên chóp đầu cây thốt nốt trước nhà, là tôi lại một lần lo lắng: không biết đêm nay địch có tập kích vào nơi tôi ở không? Đó là câu hỏi thường hiện lên trong tôi vào những lúc trời chập choạng tối. Để đến lúc ông mặt trời ló chiếc đầu đỏ hói từ phương đông nhìn sang, thì câu hỏi của tôi mới được trả lời - đêm qua địch không tập kích tôi vẫn còn sống và tiếp tục một ngày mới. Cứ thế ngày này nối ngày kia trôi nhanh qua trong sự lo lắng khiến tôi chẳng nhớ rõ ngày nào là ngày nào cả.' (2-8-1979).

    Vậy mà sau những ngày dài hành quân truy quét địch mệt mỏi, tận mắt chứng kiến những xác người bị lính Khơme đỏ giết một cách man rợ trong những khu rừng, người lính ấy chai dạn dần, tự đặt ra những tình huống xấu sẽ xảy ra với mình, đón nhận những điều đau thương nhất một cách bình tĩnh... Chiến tranh dường như đã giết đi một phần tâm hồn của người lính trẻ. 

 

Hàng ngàn văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh Đà Nẵng tham dự.


    Tuy nhiên, không phải vì thế mà Trần Duy Chiến thôi không suy nghĩ, thôi không ước mơ. Những lúc rãnh rỗi, vắng tiếng súng địch, thậm chí ngay cả lúc đang đi truy quét hay phục kích anh vẫn đều đặn ghi nhật ký. Nhiều trang viết của anh thật sự là những trang ghi chép văn học với những cảm nghĩ đẹp lạ lùng: 'Tôi như cánh cò hoang dưới chiều nhạt nắng, lang thang tìm chút dư hương trên đồng vắng lững lờ, không nơi trú ẩn. Cò bay mãi cho tôi được nhìn quê hương qua đôi mắt nhỏ. Tôi không mơ bạc vàng hay châu báu. Tôi chỉ giữ lại trong tôi một buổi chiều khi nắng vàng len lén vướng hồn tôi”. (11-12-1978).

    Một phần lớn những trang sổ ghi nhật ký của Trần Duy Chiến dành để chép những bài thơ do anh sáng tác. Bài ngắn chỉ có 4 câu, bài dài nhất 'Một cuộc tình' anh viết ngày 8-2-1979 'để kỷ niệm mối tình tan vỡ' của mình dài tới 140 câu! Hơn 70 bài thơ như thế đã được Chiến làm trong khoảng thời gian hơn một năm. Rất tiếc, vì khuôn khổ số trang có hạn, nên trong cuốn sách này, chúng tôi chỉ giới thiệu được 40 bài thơ của anh. Nhưng chừng ấy cũng đủ để chứng minh phẩm chất thi sĩ trong con người anh lính trận Trần Duy Chiến.

    Tôi có cảm giác Chiến làm thơ rất dễ dàng: Đi nướng sắn trong rừng, bỏ quên chiếc khăn tay, bị chỉ huy đơn vị phê bình, đi phục bị muỗi đốt... Hình như nỗi buồn vui nào cũng có thể khiến anh viết thành thơ. Tôi không vội vàng khi khẳng định rằng: nếu như không hy sinh, rất có thể Trần Duy Chiến sẽ trở thành một nhà thơ tài danh của đất nước! Những bài thơ có trong phần phụ lục của tập sách này chỉ là hé mở tài năng của anh - Một tâm hồn thi ca có thật, đã mãi mãi ra đi cùng hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Cam-pu-chia ngày ấy.

    Vì là người thích làm thơ, nên nhiều đoạn nhật ký của Chiến cũng viết như thơ văn xuôi. Đó chính là những trang 'đoản văn' có rất nhiều trong nhật ký này. Và điều đó đã giúp cho những trang sách mềm mại, có không ít những giọt nước mắt và cả những nụ cười: 'Tôi viết những dòng mà tim tôi không muốn viết. Tôi đọc những lời mà chính tôi không muốn đọc. Tôi đang nghĩ những lời mà tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi đã nói những lời mà hình như không phải tôi nói. Tim tôi còn đó hay đã mất rồi người ơi, tôi đang là tôi chăng?! Trái tim đang đập là tim của tôi chăng? Tôi không được biết nữa. Tôi đang sống cho người khác. Thân xác tôi không còn là của tôi. Ai đó đã lấy mất trái tim tôi, cướp mất hơi thở tôi. Đôi mắt tôi không còn nhìn thấy chung quanh. Mắt thấy chỉ còn là mắt người. Giờ đây tôi không còn là tôi nữa!' (10-11-1978).

    Có thể nói mà không sợ quá lời rằng những trang hồi ức xúc động và hay nhất có trong cuốn nhật ký này chính là những trang Trần Duy Chiến viết về mẹ. Và người mẹ luôn là nguồn cảm hứng bất tận của anh - nơi anh muốn chia sẻ những cảm xúc thật của lòng mình nhiều nhất: 'Mẹ ơi! Con bắt đầu sợ cái bộ chiến y màu lá thắm mà con đang mặc. Nó là cái gì làm ngăn cách giữa con và mẹ? Nó ôm kín và dìu con vào những nơi có tiếng súng nổ, có sự chết chóc. Con sợ nó lắm mẹ ơi! Con muốn cởi trả nó lại cho đất nước để được về gần bên mẹ. Lúc mẹ ốm đau có đứa con trai bên mình cơm cháo thuốc thang, để chiều mưa không làm con ướt, để chiếc ba lô và khẩu súng không đè nặng mãi hồn con và lẽo đẽo theo con suốt cả tháng trời hành quân. Để đêm đêm con được yên lành trong giấc ngủ, để cánh rừng rậm không phủ kín được ước mơ của con...
    Tôi tin rằng những trang chữ ấy, đã được Trần Duy Chiến viết bằng cả trái tim và tấm lòng kính yêu mẹ, bằng tình ruột thịt mẫu tử mà không phải người mẹ nào cũng hạnh phúc có được 'Mẹ kính yêu! Rồi mai đây trên vạn nẻo đường đất nước, lúc đứng bên lề biên giới, lúc ngoài biển khơi, lúc trên hải đảo xa xôi lúc đứng trước mặt quân thù. Hay lúc con gục xuống trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc... con đều thầm gọi tên mẹ. Lúc đó mẹ sẽ hiện ra trước mặt con như một bà tiên hiền dịu, an ủi con, khuyên nhủ con. Thế là con lại có đầy đủ nghị lực, xông ra phía trước tiêu diệt quân thù, hay đứng vững trước gió mưa lạnh buốt.

    Mẹ thân yêu của con ơi! Mẹ đừng buồn đừng nhớ và đừng khóc nghe mẹ. Ngày mai đây, khi dân tộc mình đã thoát khỏi vòng điêu linh chết chóc, đất nước mình thoát khỏi nạn ngoại xâm. Lúc đói con sẽ về bên mẹ, để mẹ được nhìn kỹ đứa con của mẹ sinh ra'. (4-11-1978).

    Ngoài tình cảm dành cho mẹ, Trần Duy Chiến cũng lãng mạn trong tình yêu như những người lính trẻ khác. Anh cũng nhớ nhung một 'bóng hồng' ở hậu phương xa xôi, cũng mơ những giấc mơ của ngày trở về.... Nhưng người con gái mà Chiến hướng tới chỉ là một hình ảnh tưởng tượng ra như tiểu thuyết, để Chiến có thể bay bổng, mộng mơ quên đi tháng ngày đang trôi qua buồn bã nơi đất khách: 'Cho tôi một ngày Chúa nhật đẹp trời rong chơi nơi phố cảng quê hương tôi sẽ lang thang mãi trên đường để ngắm thành phố đẹp và tôi thấy yêu cuộc sống hơn. Để chiều chiều khí tan sở tôi đạp xe trên con đường tráng nhựa thẳng tắp về nhà, gặp người yêu nhỏ bé của tôi đi về ngược chiều. Em cười. Ôi! Nụ cười xinh quá tôi ngắm đến say sưa. Để màu mắt tôi không vướng buồn khi nhìn dải mây chiều lang thang ở cuối chân trời xa tít. Để tôi chẳng bao giờ rơi một giọt lệ nào trên lứa tuổi đôi mươi, khi đêm nằm tôi nhớ về người mẹ hiền của tôi nơi quê hương xa mù đó. Ôi! Ước mơ của tôi đã bay vào hư không mất rồi”. (2-1- 1979).

    Ước mơ nhỏ bé của Trần Duy Chiến không 'bay vào hư không', nhưng anh đã không thực hiện được, khi càng ngày đơn vị anh càng đi sâu vào những nơi nguy hiểm, cái chết lúc nào cũng rình rập bên mình. Cứ xong mỗi nhiệm vụ, họ lại cùng nhau lên đường đến những vùng chiến sự khó khăn gian khổ hơn của nước bạn. Đôi bàn chân các anh đã in dấu lên nhiều nơi trên quê hương Chùa Tháp này; Lâm Phát, Buôn Lung, Tà-keo, Lô-via, Tam-vi-leng... rồi Mung, Phô-xít-đây, Trà-mốc, Phờ-ray-chít, Tà-lá, Phum-phênh, Xay-cờ-rơn, Long-cóp, Tà-sanh... Đến đâu các anh cũng gặp toàn là 'những bộ quần đen kín và những chiếc xe 2 bánh do bò kéo đứng gần toát ra mùi hôi hám khó chịu. Khi chạy thì phát ra tiếng gỗ nghiến ken két ken két, oái ăm nức nở...'. Suốt dặm đường gian khổ ở cái đất nước mà lúc đầu anh đã ao ước được đặt chân đến để biết thêm cái mới cái lạ, bây giờ nó không thu hút anh như cái lúc đầu nữa. Không phải vì anh đã đi khắp, nhìn thấy hết nền văn hoá của đất nước Ăng-ko này rồi mà vì anh nhớ quê hương của mình một cách day dứt.

    Xin đừng bao giở nghĩ rằng anh không xác định được nhiệm vụ của lứa tuổi thanh niên đối với đất nước, mà tất cả chỉ vỉ anh mong muốn được làm một người dân bình thường để được sống trong sự hoà bình, không tang thương, chết chóc, để được gần quê hương, bạn bè thân thiết, gần những cái mà người lính nơi rừng núi xa thẳm không sao có được. Có đọc những đoạn tâm sự rất thật này mới hiểu lòng anh: “... Quay viên thì nhàn thật súng đạn khó mà hỏi thăm. Thế nhưng tôi chả thích tí nào. Thà ra ngoài chiến trường cầm súng bắn thẳng vào mặt quân thù còn sướng hơn làm cái anh quay viên này. Phải chi tôi được ở 2w như cũ thì khoái thật. Mang máy ra chiến trường phục vụ cho bộ binh để tôi được nhìn thấy rõ hơn về cuộc sống của người lính ngoài mặt trận. Tôi không sợ chết. Tôi chỉ sợ trong suốt quãng đời bộ đội của tôi sẽ chẳng bao giờ được cầm cây súng bắn thẳng vào mặt quân thù, được nhìn quân thù gục xuống, được thấy tận mắt súng nổ, đạn reo... “ (13-11-1978).

    Những nỗi gian khổ thiếu thốn, sự tàn bạo khốc liệt của chiến tranh, những cảnh chết chóc khủng khiếp trên 'đất nước Chùa Tháp' đã làm anh lính trẻ phần nào chai dạn - như anh từng giãi bày ở không ít đoạn trong nhật ký. Nhưng từ trong sâu thẳm của tâm hồn và trái tim anh vẫn đầy những khúc ngân trong trẻo an lành, xen lẫn những dòng buồn thương của anh. Đấy là những đoạn anh viết về chú sáo nhỏ “Chú sáo nhỏ xinh của tôi ơi! Hãy theo tôi nhé! Tôi sẽ bắt cào cào, dế cho chú ăn suốt ngày. Chú cần gì tôi sẽ làm vừa lòng chú ngay, đừng bỏ tôi mà đi nghe chú sáo thương yêu. Tôi sẽ nhớ chú lắm đấy' (ngày 20-7-1979); về 'đất nước Chùa Tháp' với những cánh rừng, 'những cánh đồng rộng mênh mông bát ngát cộng với những con đê to, chạy dài, thẳng tắp' đã khiến anh 'phải rùng mình khiếp sợ và cảm phục cho cái sức lực nhỏ bé của con người, chỉ dùng hai bàn tay đắp từng nắm đất nhỏ' (ngày 14-8-1979)... Đó là những câu anh viết về cây thốt nốt với 'những tàu lá to tướng giống như chiếc quạt khổng lồ', về 'con đường cái bên bờ hồ nằm lặng lẽ' về trăng “nơi rừng cao nguyên'...

    Và nhất là những khúc đoạn anh viết về thiên nhiên đất nước quê hương 'Cứ lần lượt những vẻ giàu đẹp của Tổ quốc tôi lại hiện ra dưới tầm mắt. [...] Kia là rừng dừa bạt ngàn [...] kia là rừng cà phê xanh ngắt kéo dài ra xa tít [...] Rừng cao su kéo dài ra như không bao giờ dứt, không biết ai trồng, mà thẳng như giăng dây' (ngày 29-10-1978).

    Yêu quê hương, yêu thiên nhiên, yêu trăng... Trăng tràn trề lấp lánh trong những trang thơ và trong cả những dòng nhật ký của anh: 'Trăng nơi rừng cao nguyên đẹp thật. Trăng đứng ngay đỉnh đầu tôi. Mấy cụm mây dật dở bay không định hướng. Trăng trốn vào mây rồi lại hiện ra. Trăng soi sáng cảnh rừng núi âm u, tĩnh mịch. Những giọt trăng vàng yếu ớt, như tâm sự cùng tôi” (ngày 14-11-1978); “Lắm lúc ôm súng ngồi gác dưới khuya, ánh trăng chập chờn nghiêng vành mũ” (ngày 18-6-1979)...

    Đọc nhật ký của Trần Duy Chiến, ta thấy thiên nhiên, con người của Tổ quốc mến yêu và của cả nước bạn trong chiến tranh hiện ra dưới những dòng ghi chép đơn sơ của anh với cả cái dáng vẻ hồn nhiên của nó.

Không chủ tâm, hoàn toàn hồn nhiên, Trần Duy Chiến đã phác hoạ cảnh vật anh từng nếm trải bằng cả tấm lòng yêu thương tha thiết, bằng cả trái tim thổn thức thương nhớ, bằng cả nỗi lòng trăn trở cùng niềm khao khát một cuộc sống hòa bình, yên lành và bình dị của anh.

    Trong cuốn nhật ký này, có nhiều đoạn là những lá thư độc lập viết cho mẹ, cho bạn bè, cho anh em. Với giọng văn tình cảm, dí dỏm, xen lẫn hài hước, Trần Duy Chiến đã không chủ ý cung cấp cho bạn đọc những thông tin tình cảm riêng tư của mình, nhưng đọc lại, đôi khi ta có cảm giác anh không chỉ viết riêng cho một người cụ thể nào đó, mà còn viết cho cả những bạn đọc hôm nay: 'Con cũng chẳng biết giờ đây con đang vui hay đang buồn nữa. Con đang ở nơi xa lắm, muốn viết về cho mẹ với những gì thương yêu nhất của đời con. Con thấy mình yếu mềm đi một cách lạ thường. Mắt con bỗng nhòa đi. Con đang trở về với mẹ, với ước mơ bằng tiềm thức suy tư và thương nhớ'. (28-1-1979).

    Khi viết nhật ký, Chiến thích dùng đại từ nhân xưng 'tôi' thay cho 'mình'; ở một số trang anh tự xưng là 'tớ' và đôi khi còn xưng mình là 'lính': 'Giờ đây giữa lính và các bạn có một khoảng cách quá xa. Lính chỉ gặp được các bạn qua nét chữ thân quen. Mỗi lá thư đến rơi tuyến lửa này là một nguồn vui to tát đến với lính'. (10-12-1978).

    Còn đây nữa: 'Có những lần ngồi gác muỗi vo ve dày đặc muỗi chích từ phía, nhưng lính ta đâu dám đập mạnh. Trên đoạn đường hành quân gặp địch, ai cũng phải nhoài người nằm xuống đâu kể hục bùn, bãi cứt hay là hang kiến, mặc kệ! Cả tháng trời không đánh răng, không tắm rửa, áo quần lên men bốc mùi khét khó chịu, lính vẫn mặc đâu kể nhớp nhúa'. (25-5-1979)

    Nếu Trần Duy Chiến không phải là một người lính trực tiếp chiến đấu ở vùng cực tây Cam-pu-chia đầy khó khăn gian khổ và chết chóc, thì chắc anh không thể định nghĩa về biên giới độc đáo như thế này: 'Chắc mẹ của con chưa biết biên giới là gì? Để con kể cho mẹ nghe: biên giới nó ngoằn ngoèo và ghê rợn. Nó là một dãy rừng rậm mịt mùng đầy bụi và gai. Nó là một con sông, một đỉnh đồi, hay một bãi cát. Nó chứa trong mình đầy rẫy thứ giết người: nào mìn, nào thuốc nổ, nào chông. Nó là cái gì ghê sợ, mỗi khi người lính bước chân vào đó'. (3-6-1979).

    Tuy nhiên, trong nhật ký cũng không hiếm những hồi ức đẹp, buồn và xúc động: 'Mùa hè qua mau, xác phượng rơi đầy sần trường át tiếng ve than. Màu áo trắng thư sinh vấy mực vì đùa nghịch với bạn bè cũng dần trôi qua. Tủ sách ngày thêm nhiều, cậu đã lớn, cậu nhìn xác phượng rơi sân trường không là những cánh hoa màu đỏ, tiếng ve than không là thú vui tai. Cậu biết buồn vào những đêm mưa, nụ cười nở trên môi cũng giấu thêm một chút gì e thẹn. Cậu biết ngại ngùng mỗi khi đứng trước mặt người con gái cùng lứa tuổi. Ôi cái tuổi đáng yêu, cậu thấy trái tim rộn ràng từ đó...'. (10-10-1979).

    Nhưng trên hết, cái quý giá nhất của thể loại nhật ký vẫn là sự thật và tính trung thực, như chính cuộc sống đã đang và sẽ diên ra. Đọc những trang viết của Trần Duy Chiến, có lúc ta không khỏi bật cười đến rơi nước mắt. Đó là đoạn mấy anh ình thèm thuốc hút, đơn vị không có cung cấp, vào dân xin chẳng được chợ không có bán, chẳng tìm đâu ra, đành phải cùng nhau đi bới rác: 'Bươi hoài, có khi cũng chả được vì đâu phải chỉ có một vài người bươi, cả chốt cùng bươi tìm mẩu. Cái đống rác bị trộn xới liên tục, kể gì nhớp nhúa. Cái mẩu thuốc đã lên mốc vì nằm ngoài trời ẩm ướt thế, nhưng tìm được ôi thôi là mừng vô kể, xúm lại mỗi người hút chỉ được một hơi gọi là đỡ ghiền'. (14-4-1980).

    Cũng vì tôn trọng sự thật và tính trung thực, nên trong cuốn nhật ký này chúng tôi đã để nguyên văn cả những đoạn Trần Duy Chiến nhận xét về đồng đội. Những chuyện tốt đẹp có, mà hạn chế, khuyết điểm cũng có. Cứ nghĩ sao là anh viết vậy, không giấu lòng mình. Ví dụ như ngày 20-12-1979, Chiến nhận xét về những tính cách của anh cán bộ A trưởng có tên là Đại Bảng. Anh đã thống kê, đúc kết thành 'bảy điểm' hạn chế của người cán bộ này... Vẫn biết rằng đó chỉ là cảm nhận nhất thời, chưa thật chính xác của Chiến về một sự vật, hiện tượng, con người cụ thể nào đó mà anh có quyền viết ra cho riêng mình. Và mặc dù đã 25 năm, nghĩa là một phần tư thế kỷ trôi qua - Thời gian đủ để ta bình tĩnh suy xét và chiêm nghiệm về sự gian khổ hy sinh, cái mất còn của cả một thế hệ cha anh ngày ấy - Nhưng chúng tôi vẫn phải thành thật mong các nhân vật của Trần Duy Chiến thứ lỗi, nếu như có ai đó còn sống, trở về và đọc được những trang viết đầy máu lửa của cuộc đời anh.

    Sáng sớm ngày 20-7-1980, trên đường đi truy quét định, tiểu đội của Trần Duy Chiến đã không may sa vào ổ phục kích của chúng. Tiểu đội chỉ có 5 người, mỗi người đi cách nhau 10 mét, Chiến là A trưởng nên đi đầu. Một quả mìn địch gài trên đường bất ngờ phát nổ, đã khiến một đồng đội đi sau Chiến bị thương vào đầu, còn anh bị trọng thương, nát chân phải. Đồng đội kể lại: Trước khi kiệt sức vì mất máu nhiều, Chiến còn bắn hết một băng AK về phía bọn địch, rồi mới gục xuống. Khi lực lượng tiếp viện của ta lên tới nơi, thì Trần Duy Chiến đã hy sinh. Khuôn mặt của anh bị bọn địch bắn nát, không thể nhận ra.

    Anh Nguyễn Văn Chính, người bạn đồng hương thân thiết nhất, cùng đại đội, mà nhiều lần Trần Duy Chiến đã nhắc tới trong nhật ký, kể lại: Chính anh là người đã trực tiếp vuốt mắt cho Chiến. Hồi đó, mặt trận này rất ác liệt, mấy ngày sau, khi chiếc xe tô chở thi hài Chiến và một số liệt sĩ khác về gần tới Pai-lin, lại bị trúng mìn chống tăng lần nữa. Xe cháy và hỏng hết. Thêm một cán bộ của ta hy sinh. Như thế, có thể nói Trần Duy Chiến đã hy sinh tới hai lần! Năm 1984, hài cốt của Trần Duy Chiến được quy tập từ Cam-pu-chia về nước. Hiện ngôi mộ của anh được đặt tại nghĩa trang Thuận Giao, tỉnh Sông Bé. Năm 2007, gia đình và đồng đội đã đưa hài cốt anh về Đà Nẵng.

    Từ 30 năm trước, vào đúng ngày Trần Duy Chiến hy sinh, đồng đội phát hiện trong ba lô di vật của anh có một cuốn sổ bìa xanh, đã ghi chép gần kín. Lẽ ra, cuốn sổ này đã bị đốt đi, nhưng một chiến sĩ đã giữ lại chỉ với mục đích để... xé dần làm giấy cuốn thuốc lá. Biết đó là cuốn nhật ký quý báu của Chiến, anh Nguyễn Văn Chính đã phải liều lấy 8 quả pin đèn (dùng cho thông tin) để đổi, khiến sau đó anh suýt bị kỷ luật. (Hồi đó ở chiến trường Cam-pu-chia, pin để nghe đài rất quý hiếm). Nhưng cũng nhờ thế, mà cuốn sổ ghi chép 186 trang, dày đặc chữ, nhiều chỗ đã ố vàng, nhoè mờ vì mồ hôi và mưa nắng của Trần Duy Chiến, đã còn lại cho đến hôm nay.

    Thật tình cờ và ý nghĩa, qua một số đồng nghiệp, chúng tôi đã liên hệ được với Đại tá Nguyễn Văn Hồng (tác giả của cuốn hồi ức 'Cuộc chiến tranh bắt buộc' - NXB Trẻ, năm 2004; nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 309, nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 4), người chỉ huy cao cấp của anh lính Trần Duy Chiến năm xưa tại chiến trường Cam-pu-chia.

    Đại tá Nguyễn Văn Hồng hiện đã nghỉ hưu và đang sống tại số 212, đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh (điện thoại: 0913957777). Rất có thể tại chiến trường nước bạn cách đây 25 năm, vị Đại tá Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh anh hùng ấy chưa gặp Trần Duy Chiến lần nào. Nhưng khi nhận được bản thảo chúng tôi chuyến đến, ông đã rất xúc động, dành thời gian nghỉ ngơi của mình nhiệt tình đọc, góp ý, sửa lỗi chính tả và viết thêm chú thích cho cuốn sách này (những đoạn in nghiêng, bằng co chữ khác).

Không chỉ có vậy, bằng tất cả tình cảm của một vị chỉ huy sư đoàn dành cho người lính của mình đã ngã xuống tại chiến trường năm xưa, Đại tá Nguyễn Văn Hồng đã gửi cho chúng tôi một số ảnh tư liệu của Sư đoàn 309 và viết những dòng cảm nhận dưới đây:

    'Qua những trang nhật ký xúc động lòng người của liệt sĩ Trần Duy Chiến, một lần nữa cho ta thấy ý chí chiến đấu, niềm ước mơ khao khát, lòng nhớ thương cháy bỏng quê hương, gia đình của tác giả. Anh đã đại diện cho một thế hệ làm nên lịch sử của quân đội ta, dân tộc ta. Giai đoạn lịch sử nào cũng có những lớp người làm nên lịch sử. Thế hệ của Chiến là thế hệ sau 30-4-1975, lẽ ra phải được ngồi trong giảng đường là trụ cột trong công cuộc kiến thiết đất nước sau ngày giải phóng...

    Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, theo tiếng gọi của Đảng, lớp thanh niên ấy lại xung phong ra trận. Trong mọi hoàn cảnh gian khổ, hy sinh... họ vẫn yêu đời, tin tưởng vào ngày toàn thắng, làm xong nhiệm vụ mới trở về quê mẹ thân yêu.

    Là người chỉ huy của một sư đoàn đảm nhiệm trên một hướng then chốt của mặt trận, tôi thực sự xúc động và cảm phục những người lính như Trần Duy Chiến. Tôi đánh giá cao sự hy sinh của những đồng đội như các anh.

    Qua những trang nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến, thay mặt các thế hệ chiến sĩ của Sư đoàn bộ binh 309, một lần nữa, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, người thân của anh. Chúng tôi cũng rất mong thế hệ trẻ hôm nay hãy đọc cuốn nhật ký này, học tập, noi gương những người lính như Trần Duy Chiến, để Tổ quốc ta mãi mãi được sống trong hoà bình và thịnh vượng'.

 

        *

    Ngày 24-7-2010, Tạp chí Văn hóa Quân sự Việt Nam phối hợp với Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng và Hội Nhà văn Thành phố Đà Nẵng, Hội Cựu chiến binh mặt trận 479 Thành phố Đà Nẵng cùng thân nhân gia đình liệt sĩ Trần Duy Chiến… đã long trọng tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm “Tây tiến viễn chinh” trước hàng ngàn các văn nghệ sĩ, trí thức, cựu chiến binh, thày cô giáo, học sinh và các phóng viên báo chí… Đặc biệt, những người có mặt tham dự buổi lễ giao lưu giới thiệu sách đã cùng thống nhất: trân trọng đề nghị Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng xem xét đặt tên đường phố mang tên Trần Duy Chiến, tại Quận Sơn Trà – Thành phố Đà Nẵng.

 

Hà Nội - Đà Nẵng, 2005-2010

Đặng Vương Hưng

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: