Chủ nhật, 22/12/2024,


NSƯT Thu An: Người nhà quê giữa phố (24/07/2010) 

Những ai muốn tới thăm NSƯT Thu An chỉ cần đi tới đầu phố Hoàng Hoa Thám, đoạn giáp với dốc Bưởi là nhiều người bán hàng ở khu vực đó có thể chỉ tường tận nhà bà. Không ít người dân sống ở khu phố này đã quen với hình ảnh người nghệ sĩ già có mái tóc trắng như cước, hiền hậu ngồi giữa những mướt mát cỏ cây hoa lá và sự tấp nập của phố phường như một "điểm nhấn" của Hà Nội nghìn năm tuổi.

 

NSƯT Thu An là một trong số ít những nghệ sĩ tham gia bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam "Chung một dòng sông" và vẫn tiếp tục làm nghề cho tới nay. Không chỉ thành công ở những vai phụ nữ nông thôn trong các phim "Sao Tháng Tám", "Mẹ chồng tôi", "Tướng về hưu", NSƯT Thu An còn là một trong những nghệ sĩ tham gia diễn xuất ở một số bộ phim đầu tiên của Điện ảnh Công an nhân dân như "Quán trúc đào", "Người mẹ", "Tội và tình"... Giờ đây, khi đã ở tuổi 87, dù tóc bạc, da mồi, bà vẫn túc tắc đi đóng phim và thường xuyên đi làm từ thiện...

 

1. NSƯT Thu An năm nay đã vào tuổi 87, bà gầy và đôi chân đã yếu nhưng mắt vẫn tinh thông, đặc biệt trí nhớ minh mẫn một cách kỳ lạ. Vừa gặp, bà đã hát tặng tôi một câu dân ca khá hóm hỉnh và "khoe": "Tôi vừa đi quay phim về. Gặp mặt những nghệ sĩ từng tham gia bộ phim "Chung một dòng sông" của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi. Cô có biết còn ai không? Chỉ còn lại mấy người trong đó có tôi, NSND Trần Phương, nghệ sĩ Tuệ Minh... Đó là bộ phim đầu tiên tôi đóng, 50 năm qua rồi nhưng tôi vẫn không thể quên được những ngày đóng phim này". Nói rồi, mắt bà hoe đỏ...

 

"Chung một dòng sông" là bộ phim đầu tiên đánh dấu sự hình thành của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Còn với NSƯT Thu An thì đó lại là kỷ niệm về "mối tình đầu" của bà với nghệ thuật thứ 7, kỷ niệm về những bỡ ngỡ đầu tiên của một cô diễn viên sân khấu làm quen với ống kính máy quay. Bộ phim này đã đưa nghệ sĩ Thu An từ một cô bộ đội của Sư đoàn 308 trở thành diễn viên điện ảnh. Cũng từ bộ phim này, NSƯT Thu An vinh dự được gặp Bác Hồ. Bà nhớ lại, ngày ấy, khi đoàn làm phim đang quay thì Bác Hồ tới thăm. Để động viên, khích lệ đoàn làm phim, Bác nói: "Các cô, các chú đóng phim là để phục vụ nhân dân lao động". Rồi bác quay sang hỏi: "Các cô, các chú có biết nông dân là gì không?". Khi mọi người còn đang ấp úng thì Bác ôn tồn giải thích: "Nông dân chính là cái nôi của cách mạng. Vì thế các cô chú muốn đóng phim hay, muốn có hình ảnh thật và sinh động phải đi xuống dân để học hỏi, chứ chỉ ở nhà nghiên cứu là không được".

 

Nghệ sĩ Thu An cảm động: "Đấy, chỉ ngần ấy câu thôi mà cả cuộc đời tôi ngẫm nghĩ và học tập, làm theo lời dạy của Người. Từ đó, trước bất kỳ một bộ phim nào, tôi cũng dành thời gian để thâm nhập thực tế thật sâu kỹ".

 

2. Lời căn dặn của Bác Hồ đã được nghệ sĩ Thu An ghi lòng tạc dạ và áp dụng ngay từ bộ phim đầu tiên. Trong phim "Chung một dòng sông", nghệ sĩ Thu An vào vai cô Can, một cô lái đò ở Quảng Bình. Để nhập vai, Thu An đã dành cả một ngày để quan sát động tác chèo đò, cách ăn mặc cũng như giọng điệu hò của các cô gái đất Quảng. Sau đó còn cẩn thận so sánh để ra sự khác biệt giữa cô lái đò ở Quảng Bình với cô lái đò ở Huế hay vùng quê khác. Ngày ấy, mỗi nghệ sĩ đi đóng phim đều mang theo mình 1 túi gạo 10kg để ăn dần. Đêm về lại lấy bao gạo làm gối ngủ. Bà vẫn nhớ như in những ngày đóng phim dưới cái nắng bỏng rát của xứ gió Lào cát trắng này. Từ trường quay về chỗ nghỉ ăn trưa, nghệ sĩ Huy Công và Thu An phải đi vòng khá xa, còn nghệ sĩ Tuệ Minh lại nghĩ ra cách lấy áo bọc 2 bàn chân rồi chạy thật nhanh qua những trảng cát nóng như rang.

 

Sau phim "Chung một dòng sông", nghệ sĩ Thu An đóng một loạt những bộ phim tiêu biểu như "Sao Tháng Tám" và trong đó có một số phim của Điện ảnh Công an như "Quán trúc đào", "Người mẹ", "Tội và tình"... Với gương mặt phúc hậu và nụ cười tươi hiền dịu, NSƯT Thu An là sự lựa chọn hàng đầu của các đạo diễn khi cần giao bà mẹ. Ngay từ khi còn trẻ, nghệ sĩ Thu An đã được giao vai bà mẹ trong phim "Tội và tình". Những ngày quay phim ở trại Ba Sao (Phủ Lý, Hà Nam), Thu An đề nghị các đồng chí cảnh sát trại giam cho vào khu người nhà thăm nuôi phạm nhân của trại để quan sát. ở đó, nghệ sĩ Thu An đã chứng kiến cảnh những người mẹ, người chị thăm em, thăm con như thế nào. Sau đó, bà chỉ việc đưa những điều mình nhìn và cảm nhận ấy vào trong hành động của nhân vật.

 

Thời đó, đóng phim nào cũng vất vả. Phim "Quán trúc đào" mất nhiều công sức tới mức anh em nghệ sĩ thường đùa nhau là "Quán... húc vào". Bà chia sẻ, những ngày đóng phim của Điện ảnh Công an nhân dân đã tôi luyện cho bà kinh nghiệm trong diễn xuất và thái độ nghiêm túc trong nghệ thuật.

 

NSƯT Thu An trong phim "Mẹ chồng tôi"

 

Xem phim nghệ sĩ Thu An đóng, nhiều người chắc mẩm bà phải sinh ra ở nông thôn mới có thể làm những công việc của nhà nông thuần thục đến vậy. Kỳ thực, Thu An là người Hà Nội gốc, từ bé tới lớn chưa từng biết tới cấy hái, cày cuốc. Để có thể vào vai nông dân "ngọt" như vậy, với bà chỉ có một bí quyết là quan sát và học hỏi. Nhiều đạo diễn mời bà đóng phim không đơn thuần là khả năng diễn xuất mà hơn cả là sự xả thân cho vai diễn. Dù là vai chính hay vai phụ, bà đều nghiên cứu kỹ lưỡng từng câu thoại, hành động. Vai bà mẹ trong phim "Mẹ chồng tôi" là một dấu mốc trong sự nghiệp diễn xuất của nghệ sĩ Thu An. Dưới diễn xuất của NSƯT Thu An, người mẹ đó không chỉ tảo tần mà còn là người có tấm lòng bao dung và cao thượng. Trước hoàn cảnh con dâu có thai với người khác, đứa cháu không phải dòng máu nhà mình, bà chân tình: "Con ơi, con hãy đứng dậy mà đi, cứ để mọi việc mẹ lo, đời người ai cũng có những sai lầm". ít ai biết trong kịch bản không có câu này, nghệ sĩ Thu An đã lấy những suy nghĩ thực của lòng mình ra để làm lời thoại của nhân vật.

 

NSƯT Thu An tâm sự, đóng phim mà để khán giả thấy mình diễn là thất bại, chính vì thế, bà luôn chú ý để sao cho thật nhất ngay từ những chi tiết nhỏ. Có lần quay cảnh người mẹ gánh nước, đạo diễn thấy bà cao tuổi, không muốn để bà gánh nặng nên chỉ yêu cầu cho mấy viên gạch vào thùng. Bà không đồng ý, một mực đòi phải cho đầy nước vào thùng, để đòn gánh trĩu xuống và nước sóng sánh ra ngoài mới cho bấm máy. Hay có lần quay cảnh dắt trâu ra đồng. Trong khi nhiều người trong đoàn làm phim xuống dắt, con trâu nhất quyết không đi, thậm chí còn cọ sừng vào cạnh sườn trầy cả da. Vậy mà bà đến bên, vỗ về một chút, chú trâu to khỏe nghe lời cung cúc đi theo.

 

Tôi hỏi rằng, có bao giờ bà thấy thiệt thòi khi cả đời diễn viên chỉ vào những vai nông dân ăn mặc tuềnh toàng. Bà cười hồn hậu: "Chưa bao giờ. Tôi thấy hạnh phúc khi được vào những vai ấy". Những lần đi đóng phim là dịp bà hòa mình vào cuộc sống thôn dã để hiểu và yêu hơn những người lao động. "Cũng là cách để học các bác, các chị làm việc nhà nông" như bà chia sẻ.

 

3. Hiếm có người nghệ sĩ nào có cách sống và cách nghĩ mộc mạc, giản dị như NSƯT Thu An. Có lẽ điều đó khiến đi đâu bà cũng được các bà con ở nông thôn quý mến như người nhà. Dù phim "Mẹ chồng tôi" quay cách đây đã lâu nhưng mỗi lần có dịp sang Đông Anh, bà lại được người dân nơi đây vồn vã chào hỏi như gặp người thân. Ai cũng mời bà vào nhà bằng được dù chỉ để nói dăm ba câu chuyện hay uống ngụm nước vối. Với bà, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến trong đời làm nghệ thuật.

 

Ở tuổi gần 90, NSƯT Thu An vẫn đóng phim đều. Nếu khỏe, bà sẵn sàng đi cùng đoàn phim cả mấy ngày. Không đi đóng phim thì bà ở nhà trông hàng hoa, cây cảnh cho con cháu. Gần đây, bà còn năng làm từ thiện. Con cháu sợ bà mệt, khuyên bà ở nhà ngơi nghỉ, bà gạt phăng: "Tôi còn khỏe thì tôi còn đi". Đã đi nhiều nhưng trước mỗi chuyến đi bà luôn háo hức. Tối hôm trước chuẩn bị mọi thứ đến khuya rồi sớm mai lại lọ mọ dậy sớm. Bà dùng tiền tiết kiệm của mình, huy động quần áo sách vở của họ hàng, bạn bè để mang tới cho những trẻ em thiệt thòi. Tới nơi nào, bà cũng cùng các em hát, đọc thơ, kể chuyện. Càng đi, bà càng thấy mình khỏe ra và thấy cần sẻ chia hơn nữa với những số phận bất hạnh. Có lẽ quan niệm sống nhân hậu, cởi mở với người và với đời đó đã giúp bà luôn khỏe khoắn.

 

Điều mà nghệ sĩ Thu An làm tôi thực sự ngưỡng mộ là suốt cả buổi trò chuyện, tôi chưa bao giờ bắt gặp ở bà sự mệt mỏi. Bà luôn lạc quan nhủ rằng, mình là người hạnh phúc. Hạnh phúc vì có một đàn cháu con hiếu thảo, trưởng thành. Hạnh phúc còn bởi đến tuổi này vẫn có sức khỏe để làm những công việc yêu thích.

 

 

Thảo Duyên

(Nguồn: Văn Nghệ Công An)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: