Chủ nhật, 22/12/2024,


Cái giậm quê nghèo (23/07/2010) 

Lời xưa

 

Ngày xưa bố mẹ hẹn lời

Hai ta vừa lứa xứng đôi vợ chồng

 

Cái ngày em mặc áo hồng

Tôi còn đánh giậm bờ sông cuối làng

 

Chiến tranh - xóm nhỏ - lìa tan

Tháng năm thêm rộng tán bàng tuổi thơ

 

Chuyện xanh như cỏ đến giờ

Sáng con chim hót, chiều cờ bông lau

 

Bây giờ gió những đẩu đâu

Để cho mây trắng trên đầu ngẩn ngơ...

 

Trương Thiếu Huyền

 

 

 

 

CÁI GIẬM QUÊ NGHÈO

 

 

Những năm bảy mươi, tám mươi thế kỷ hai mươi về trước, bên bờ ao, bờ đầm, bờ ngòi, bờ sông con, bờ sốc hay bên bờ vùng chiêm trũng ở đồng bằng Bắc Bộ, người ta thường thấy có những người đánh giậm. Người đánh giậm có thể đã già nhưng có khi chỉ là những cậu bé tuổi choai choai mới lớn. Cũng có khi người đánh giậm là các bà, các chị, các cô gái làng với nón mê, trùm khăn kín mặt. Những năm sau này, những người đánh giậm ít hơn, nghề đánh giậm cũng khó kiếm ăn hơn.

Thời xưa, đất và nước còn trong lành lắm. Ao chuôm, hồ đầm, sông rạch là quê hương yên bình của nhiều loài thuỷ sinh. Tép, tôm, cua, ốc, cá lớn, cá bé và cả lươn, chạch nữa cứ tha hồ mà tung tăng nhảy bơi, lặn hụp. Con người muốn ăn cá, tôm, cua, ốc, lươn, chạch… phải tìm ra nhiều cách đánh bắt chúng. Những cách ấy là đi câu, là cất vó, đơm đó, thả lờ, đánh rọ, là kéo lưới, quăng chài và…cả đánh giậm nữa. Cái giậm được ra đời ngay từ thời xa xưa ấy.

Cái giậm được đan bằng tre, mắt vuông như mắt sàng nhưng nan nhỏ và tròn hơn (có lẽ người ta đan nống hai tức là cất hai đè hai ở nan ngang thứ nhất rồi lại cất hai đè hai nhưng so le đi ở nan ngang thứ hai sao cho các nan giậm cách đều nhau một khoảng cách bằng độ dài một cạnh của hình vuông mắt sàng ấy). Cái giậm cạp lại thành hình nửa quả bí ngô lớn bổ dọc. Nan giậm làm thành cái vỏ ngoài của nửa quả bí ngô đó. Khi đánh giậm, cá, tôm, cua, ốc sẽ chạy vào bên trong nửa quả bí ngô lớn đó.

Giậm có miệng giậm và mình giậm. Miệng giậm có chiều rộng chừng gần ba gang tay, chiều dài chừng năm, sáu gang tay. Nếu để miệng giậm nằm nghiêng theo chiều cán giậm về bên phải, ta sẽ thấy miệng giậm như hình chữ D in lớn. Phần phình to và rộng để hứng, chao được nhiều tôm cá.

Ngay từ sớm tinh mơ, người đánh giậm đã lên đường. Phần thịt giậm được vác về phía sau lưng, phần cán giậm đưa về phía trước. Người đánh giậm treo vào phía trước ấy một cái giận nhỏ (có người gọi cái cần giận ấy là cái doạ. Đó là một ống tre to hơn cổ chân người, dài khoảng ba, bốn tấc có đục nhiều lỗ được kết nối với một đoạn thanh tre nhỏ làm thành hình một chữ D in nữa nhưng chỉ nhỏ bằng già nửa hình chữ D in miệng giậm. Đó là giận).

Người đánh giậm phải chuẩn bị hai cái giỏ. Một cái giỏ luôn đeo ở bên hông để đựng cua, ốc vì cua, ốc không bị chết khi ở trên cạn. Một giỏ nữa để đựng tôm, cá đánh được. Giỏ thứ hai này khi đánh giậm được thả trôi trên mặt nước, nối với hông người đánh giậm bằng một sợi dây thừng chắc chắn.

Khi đánh giậm, người đánh giậm lội xuống ao hồ. Tay trái anh ta cầm cán giậm đưa về phía trước mặt chừng hơn một mét rồi từ từ ấn mạnh và dìm cái giậm xuống đáy nước. Tay phải anh ta cầm quai cần giận, chân phải đồng thời giận xuống cần giận dưới nước. Cần giận là một đoạn tre to rỗng có đục nhiều lỗ, khi giận dưới nước sẽ tạo ra những âm thanh ục…ục…sủi nhiều bọt để xua đuổi tôm cá chạy vào giậm. Tay phải anh ta nhắc thừng (quai cần giận), chân phải giận cái giận tiến dần tới miệng giậm. Khi chân anh ta giận đến sát miệng giậm thì hai tay anh ta nhanh chóng kéo miệng giậm ngửa lên trên mặt nước.

Thế là các loại tôm tép búng mình đi giật lùi, các loại cua bò ngang, các loại cá tung tăng bơi trong hồ, đầm trong khu vực bị một phen sợ hãi, chạy tán loạn vào giậm. Người đánh giậm lúc bấy giờ mới nhắc cái giậm lên trên mặt nước, bắt chúng bỏ vào giỏ.

Cái giậm là bạn đồng hành của những con người lam lũ ở làng quê. Ngày ba tháng tám nông nhàn, những ngày giáp hạt, những năm thất bát, mất mùa, cái giậm đã cứu bao nhiêu gia đình khỏi đứt bữa, cái giậm đã giúp các bà, các mẹ, các chị giữ cho căn bếp gia đình không bị nguội tàn ngọn lửa.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đã có biết bao nhiêu thanh niên lớp lớp tình nguyện lên đường ra mặt trận. Những bàn tay xưa chỉ quen cầm cuốc, cầm cày, cầm giậm đã cầm súng chiến đấu kiên cường, dũng cảm góp phần giành lại Độc Lập Tự Do. Có biết bao nhiêu những con người như thế đã vĩnh viễn không trở về để một lần nữa được cầm cái giậm thân quen đánh bắt cá tôm nơi ao đầm của quê hương mình.

Và, cũng đã có biết bao nhiêu các cô, các cậu học trò “con nhà khó” đã lớn lên, đã học thành tài nhờ cái giậm tre trong tay những người cha, người mẹ, người anh, người chị ở những miền quê nghèo khó ấy?

Giờ đây, ở các miền quê đất nước rất hiếm nơi nào còn lại cái giậm và những người đánh giậm. Không bao lâu nữa, cái giậm sẽ vĩnh viễn không còn trong đời sống của chúng ta. Nhưng, hình ảnh những cái giậm quê nghèo đã cứu nguy cho bao nhiêu gia đình không bị đứt bữa trong các kỳ giáp hạt, hình ảnh những cái giậm trong tay những cậu bé ngày nào nay đã trở thành những anh hùng, dũng sĩ, hình ảnh những cái giậm thân thương đã gọi tép, tôm về những chợ làng buổi sớm mai để nuôi chí bền cho những cử nhân, tiến sĩ … thì còn mãi, còn mãi trong tâm trí của người dân quê, còn mãi, còn mãi trong hồn làng, hồn nước

 

PHẠM MINH GIANG

số 19, tổ 50, phường Quang Trung

thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đào Tuyết Thành - daotuyetthanh@gmail.com - 0123 228 2766 - Phan Long Tân Hội đan Phượng HN  (Ngày 8/08/2010 04:14:15 PM)

           Giờ đây, ở các miền quê đất nước rất hiếm nơi nào còn lại cái giậm và những người đánh giậm. Không bao lâu nữa, cái giậm sẽ vĩnh viễn không còn trong đời sống của chúng ta. Nhưng, hình ảnh những cái giậm quê nghèo đã cứu nguy cho bao nhiêu gia đình không bị đứt bữa trong các kỳ giáp hạt, hình ảnh những cái giậm trong tay những cậu bé ngày nào nay đã trở thành những anh hùng, dũng sĩ, hình ảnh những cái giậm thân thương đã gọi tép, tôm về những chợ làng buổi sớm mai để nuôi chí bền cho những cử nhân, tiến sĩ … thì còn mãi, còn mãi trong tâm trí của người dân quê, còn mãi, còn mãi trong hồn làng, hồn nước…

             Đào Tuyêt Thành xin trích đoạn kết của bài viết của PMG, để giao lưu cùng bạn đôi điều sau đây :
Đọc bài " Cái dặm quê nghèo " của bạn, mình hình dung tuổi bạn cũng cỡ cùng trang lứa mình, mới biết những hình ảnh quê xưa...
          Có rất nhiều hình ảnh đáng nhớ, và nó đang mất dần đi khi đất nước đổi mới sang thời kỳ CNH, HĐH, thời @...
           Mình gởi tặng bạn bài thơ ngắn " Mắm tôm riu":Mắm tôm riu

Bao giờ trở lại ngày xưa
Tôm riu mẹ ủ mỗi mùa đông sang
Cơm niêu, mắm hấp chin vàng
Một thời thơ ấu nhớ ngàn ngày xưa.

20/6/2010
Bạn có rành về cái dậm to chuyên đánh tôm riu và cách đánh tôm không ? Nếu có hãy viết thêm về đề tài ấy ! Chào thân ái !

ĐTT

  Phạm Minh Giang - phamminhgiangtb@yahoo.com.vn - 3843.765 và 3604.68 - số 19, tổ 50, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình  (Ngày 6/08/2010 07:11:19 AM)
Thưa Ban Biên tập lucbat.com, thưa các thi huynh, thi hữu.
Xin được cảm ơn Ban Biên tập đã đăng bài "Cái giậm quê nghèo" của tôi trên trang lucbat.com. Xin cảm ơn các nhà thơ, các thi huynh, thi hữu đã đọc bài này.
Thời gian qua, vì điều kiện gia đình nên tôi không thường xuyên theo dõi được lucbat.com. Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng nhớ các nhà thơ, các thi huynh, thi hữu, nhớ lucbat.com như một người bạn tri kỷ thân thiết.
Mong được Ban biên tập và các nhà thơ, các thi huynh, thi hữu thông cảm.
Xin được chúc Ban biên tập cùng các nhà thơ lucbat.com luôn luôn dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc.
Phạm Minh Giang
  Tiến Văn - nhvntin786@Gmail.com - 0974497471 - Hải Dương  (Ngày 31/07/2010 03:41:31 PM)
SA PA
Phủ GIầy,Kiếp Bạc đi rồi
Thế nào cũng phải lên chơi chợ tình
Hẳn là duyên nợ ba sinh
Sa Pa chưa tới lòng mình còn vương...
Đây rồi ! Thị trấn trong sương
Cổng trời lồng lộng chín phương giao hoà
Đỉnh cao nhìn xuống Qui Hồ
Như trên mây ngó khắp Lồ Suối Tung
Mây như biển cả mênh mông
Tả Van,Cát Cát,Hàm Rồng đâu xa
Tả Phìn,Thác Bạc,Mường Hoa
Cầu Mây lễ hội nơi ta hẹn hò
Khăn tiêu thấp thoáng sa mu
Tiếng khèn hồa biển sương mù tìm nhau
Chợ tình trai gái Mông Dao
Trăng thanh lơ lửng trên đầu thâu đêm
Sao trơìi sáng tỏ tình em
Rượu Mèo duyên thắm say quên đường về
Chợ tình như phải bùa mê
Hẹn ai năm tới lại về SA PA !
Các bài khác: