Thứ năm, 25/04/2024,


Người cuối cùng của một gia tộc từng bị “trùng tang liên táng” (phần cuối) (12/09/2008) 

      Ông Cao Văn Chung rất xúc động và tự hào, khi cấp trên và các đồng chí lãnh đạo luôn thường xuyên quan tâm và đã phúc đáp rất chu đáo mọi trăn trở suy tư và những kiến nghị thể theo lòng dân, qua những lá thư của mình.

     Ngoài tất cả các công việc thuộc dạng “đối ngoại” kia, ông Cao Văn Chung vẫn không hề lơi những chức phận “đối nội” của mình. Bây giờ không chỉ là chồng, là cha, là ông, mà ông đã lên chức cụ, chức kị của một bầy con đàn cháu đống.

     Chính bản thân ông, trong suốt đời mình đã bỏ công sức tiền của để làm cho gia đình mình đến 5 cái nhà. Phần lớn các ngôi nhà trên vẫn còn tốt và hiện được các con các cháu ông gìn giữ và sử dụng đến bây giờ.

     Các bà vợ của ông Chung cũng thực sự là những người luôn kề vai sát cánh cùng chồng, rất mực chịu thương chịu khó để nuôi dạy con cháu và gìn giữ nề nếp gia phong. Họ đã từng nhiều lần, trong những thời gian dài, thay chồng cáng đáng mọi việc nhà, giúp ông Chung có thể hoàn toàn yên tâm công tác. Vợ đầu của ông Chung là bà Chu Thị Tặng còn là một đảng viên cộng sản, được kết nạp từ năm 1948. Bà là cán bộ nhà nước, đã được tặng thưởng Huân chương và nhiều Bằng Giấy khen, được hưởng chế độ hưu trí, đến năm 77 tuổi đã qua đời... Cả hai bà vợ đều giống chồng trong ý thức luôn cố gắng để đùm bọc nuôi dạy con cháu và giữ mình như tấm gương sáng để cho chúng noi theo.

     Vợ chồng ông Chung có cả thảy 7 người con: 4 trai và 3 gái. Tất cả các con ông đều đã trưởng thành, được bố mẹ dựng vợ gả chồng, được giúp đỡ để tạo công ăn việc làm, được hỗ trợ để xây dựng cơ ngơi riêng và luôn tối lửa tắt đèn có nhau trong cuộc sống.

     Điều đặc biệt là tất cả các con trai và con rể của ông Chung đều đã từng tham gia bộ đội trong thời gian xảy ra cuộc kháng chiến chống Mỹ và những năm sau đó. Nhiều người trong số đó đã trở thành Đảng viên Cộng sản. Khi ra quân, mỗi người một ngành một nghề và không phải ai cũng giữ được mình, nhưng truyền thống hiếu thuận với mẹ cha và người trên kẻ dưới ở xung quanh, vẫn luôn được các con ông Chung tuân thủ.

     Xin hãy một lần lắng nghe những lời bộc bạch của ông Cao Văn Chung với tất cả con, cháu, chắt, chút... trong một lần mọi người tổ chức Lễ Mừng thọ:

     “Các con, các cháu yêu quý! Nhờ hồng phúc của Tổ tiên xưa, bố được hưởng lộc trời nên sống lâu và mạnh khoẻ, nhờ lộc Nước nên được hưởng chế độ hưu trí và vẫn minh mẫn để tiếp tục tham gia hoạt động xã hội suốt mấy chục năm nay. Bố lại được sung sướng hơn cả là nhìn thấy cháu con xum vầy đầy đủ, vẫn giữ được nề nếp gia phong tích tụ qua nhiều đời, đang nỗ lực lao động xây dựng cho đời sống của gia đình mình và góp phần với sự nghiệp chung của đất nước. Bố cho đó là điều mình may mắn nhất.

     “Những gian khổ trong đời mà bố từng trải qua, không bút mực nào có thể tả xiết và cũng không bao giờ bố có thể quên được, các con các cháu ạ. Rất nhiều lúc gian truân tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng cũng được đôi lần hưởng niềm vinh hạnh. Nhưng bao giờ bố cũng học tập phẩm hạnh của ông cha: Đứng đắn, hiền lành, giản dị... Suốt đời sống Cần Kiệm Liêm Chính, Chí Công Vô Tư như lời Bác Hồ dạy, để không bao giờ làm điều gì bạc ác, không bao giờ phải cúi đầu ân hận, nên không chỉ được gia đình con cháu mà đông đảo những người xung quanh đều yêu mến tin cậy. Cho phép bố được quyền tự hào, được để lại phúc đức đời mình cho con cháu bây giờ và mãi mãi về sau.

     “Song, còn sống ngày nào, bố còn tự răn mình: Không được tự mãn. Vả lại, nhìn kỹ đàn con cháu hôm nay, thấy nhiều đứa có lớn nhưng chưa có khôn, sống với đời còn nhiều sai sót. Các con các cháu hãy suy nghĩ kỹ, nhìn vào mình và nhìn ra đời để tự kiểm điểm chính mình và học tập những cái hay cái đẹp của người khác. Sống làm sao đàng hoàng đúng đắn nhất, để cho những ước muốn cao cả nhất của các bậc sinh thành sớm trở thành hiện thực.

     “Vì bổn phận trách nhiệm với đời trước, phải lo chăm bón cho thế hệ mai sau. Chứ dứt khoát không được phó mặc theo kiểu: Đời cua cua ngoáy, đời cáy cáy đào. Đó là điều bố rất băn khoăn lo lắng cho đến tận bây giờ. Vậy các con các cháu cần suy sâu nghĩ kỹ để thấy được sai sót, để tu tỉnh mà sống giữa đời, để vun đắp thêm cao thêm dày nền móng đức độ của Tổ tiên!...

     Thật khó có thể nén nổi xúc động trước những lời tâm huyết của một con người đã suốt đời tận tuỵ dâng hiến cho đất nước, cho quê hương và cho con cháu trong gia đình mình.

     Cũng trong Lễ Mừng thọ ông Cao Văn Chung, có hai người em kết nghĩa đồng thời là bạn văn thơ khác tên là Đào Dương Oanh và ... đã làm những bài thơ chân tình xuất phát tự đáy lòng để kính mừng ông anh đại thọ. Xin được dẫn ra đây đôi dòng:

“...Còn như Bác xưa làm Chưởng bạ

cũng chức quyền quý hoá đó đây

Làm cho Tây, lại đánh Tây

năm ba mốt tuổi đến nay tỏ tường

Đảng Cộng sản Đông Dương kết nạp

đúng lúc tuổi Bác vừa ba lăm

Trung thành suốt bấy nhiêu năm

ra đi cống hiến tới tầm về hưu

Giáo dục con mọi điều nhân nghĩa

Thật là trọn đạo nghĩa thuỷ chung”...

     Có thể coi đây như một sự ghi nhận mộc mạc của những người xung quanh về cốt cách và cống hiến của ông Cao Văn Chung.

     Nhưng, chuyện tới đây cũng chưa phải là hết.

     Từ ngày còn rất trẻ, sự mất mát quá lớn của những người thân trong gia đình thuở ăn đói mặc rét làm thuê làm mướn ở nông trại Xóm Thẩm, vẫn luôn là nỗi ám ảnh và khắc khoải không nguôi đối với ông Cao Văn Chung. Một công việc hệ trọng luôn được ông chú ý đan xen trong cuộc sống là kiên tâm tìm tòi, nghiên cứu và vận dụng các cách điều chế và chữa trị bằng được nhiều căn bệnh hiểm nghèo từ các loại thuốc Nam.

     Còn nhớ: Năm 1968, mới chỉ 57 tuổi, đang nhiệt tình tham gia công tác, đang còn có bao việc cần làm để đóng góp phần nào cho đất nước trong lúc nước sôi lửa bỏng, nhưng sức khoẻ ông Chung bấy giờ quá suy kiệt, bởi di chứng của nhiều căn bệnh cũ như sốt rét, bệnh báng, thương hàn,mà đặc biệt là bệnh hen suyễn, đang thừa cơ tái phát, khiến Cấp trên buộc lòng phải cho ông hưởng chế độ nghỉ hưu sớm. Đây không chỉ là nỗi buồn mang nặng mặc cảm, mà còn là nguyên nhân chính thôi thúc ông Chung quyết tâm đầu tư nhiều thời gian công sức hơn cho việc tìm tài liệu tìm thuốc để tự học tự bào chế ra những phương thuốc bài thuốc hữu hiệu nhất bằng thuốc Nam, hòng chặn đứng con đường phát triển của những căn bệnh hiểm nghèo kia. Trước hết là để tự cứu chính bản thân mình.

Ông Cao Văn Chung hạnh phúc bên con cháu trong Lễ mừng thọ.

 

     Từ đó, ngoài thời gian vẫn tích cực tham gia các công tác được giao tại địa phương, thậm chí còn tranh thủ hoặc kết hợp trong lúc làm những việc đó, người ta thường thấy ông già Cao Văn Chung tay gậy tay dao mang bao mang túi xăng xái sục sạo khắp rừng sâu núi cao để tìm để đào và hái nhiều củ nhiều quả lạ, nhiều cây nhiều lá chẳng ai biết tên, rồi hăm hở mang về thái phơi tẩm xao chưng cất. Đã nhiều phen ông Chung tự lấy thân mình để kiểm tra cho thấy công hiệu thực tế của những vị thuốc do mình tự chế. Đã nhiều phen ông chua chát xuôi tay lắc đầu sau một bài thuốc vừa chế không mang lại kết quả như mình mong. Đã nhiều phen ông lặn lội tới tận những miền xa tìm thầy, tìm tài liệu để kiểm chứng giá trị thực tế nhiều bài thuốc đã trải qua kiểm nghiệm của mình. Đã nhiều phen ông phải chỉnh sửa lại một số bài thuốc của các vị tiền bối cho đúng với thực tế của chất lượng nguyên liệu và thổ nhưỡng khí hậu vùng miền...

     Trời không phụ lòng người có công. Chỉ vài năm sau ngày về hưu, nhiều căn bệnh nan y tàng trú từ lâu trong người ông Cao Văn Chung dần dà biến mất. Chính thời gian dài tới ba bốn chục năm, rồi sức khoẻ và trí tuệ minh mẫn đến phi phàm của một cụ già 94 tuổi, chính là minh chứng cho câu trả lời xác đáng nhất.

     Hơn thế- và hơn nhiều lần thế- tại vùng quê trung du Hương Nộn và cả huyện Tam Nông, cả tỉnh Phú Thọ, từ lâu, rất nhiều gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo đã không tiếc lời ca ngợi và lưu truyền danh tiếng cũng như ân đức của Vị Thầy thuốc Nam Cao Văn Chung. Bởi, từng đi cứu chữa cho rất nhiều người thoát khỏi chứng bệnh nan y, từng tuyên truyền phổ biến rất nhiều tài liệu về phương thức điều trị và các bài thuốc quí hiếm... nhưng không bao giờ, Lương y Cao Văn Chung lại lấy tiền công làm thuốc của bất cứ ai. Chỉ có lòng thương người như bản năng và đức độ của một con người đang trải rộng.

     Hơn 5 năm trở lại đây, ông Cao Văn Chung còn lấy Toạ Thiền và miệt mài Toạ Thiền làm phương cách tĩnh tâm và bồi bổ sinh lực cho mình và cho người. Ông duy trì đều đặn 3- 4 lần ngồi Thiền mỗi ngày, thường là vào những thời khắc âm dương cởi mở, trời đất giao hoà. Và không chỉ cho mình, ông còn phổ biến, vận động và nhiệt tình hướng dẫn cho nhiều người khác cùng làm theo.

     Thật ít có người nào đã lớn tuổi về hưu mà còn làm được rất nhiều việc có ích đến thế để phụng sự cho mình và cho đời. Lại một lần nữa ông Chung hồn hậu cười: “Suốt cuộc đời, nếu Chung tôi có phòng cơ tích cóp được chút ít phúc đức nào, xin tất cả được dành để lại cho cháu con”.

     Nhưng người viết bài này, đã không chỉ tận mắt chứng kiến ông già 94 tuổi Cao Văn Chung thung thăng sải bước trên mặt bờ ruộng rộng không quá gang tay trên đường về nhà, mà còn chắp tay... bái phục Lão gia này, đang bước những bước trường thiên vượt ải biên tuổi tác.

 

                                                                                     Phan Nguyễn

 

________

     LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: