Ở tuổi 60, nghệ sĩ hài Mạc Can mới bước vào văn chương và được gọi là "cây bút trẻ". 10 năm, ông cho ra 10 đầu sách, trong đó có tiểu thuyết, truyện ngắn và tạp bút. Mạc Can cũng đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương trong nước, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt
Làm tuyển tập để "trả ơn đời"
Hiện Mạc Can không có mặt ở TP Hồ Chí Minh để đón nhận cuốn sách "dày nhất từ trước tới nay của mình" vì ông vẫn đang chu du ở nhiều quốc gia trên thế giới để diễn hài nhằm làm giàu vốn sống. Nhưng khi biết cuốn "Tuyển tập Mạc Can" (NXB Thanh Niên và Công ty sách Liên Việt) chính thức ra mắt độc giả, ông "vui trào nước mắt".
Mạc Can tâm sự: "Có người nói tôi không biết gì về những tai nạn văn chương. Hay biết mà bỏ ngoài tai. Thật ra khi viết tôi cũng sợ nhưng không vì thế mà ngưng viết. Cuộc đời quá khó với tôi. Tuy nhiên tôi không hận, không giận mà còn cám ơn. Vì cuộc đời đã cho tôi vốn sống. Bây giờ là lúc tôi trả ơn đời. Tôi rất muốn có một "Tuyển tập" về tiểu thuyết và truyện ngắn mà tôi viết vào lúc còn chưa biết gì nhiều về chữ nghĩa. Thật ra đọc lại thì thấy có thiếu sót. Nhưng nó thô mộc, thật thà".
Cuốn sách dày 680 trang, gồm ba phần: Tiểu thuyết, Truyện và Dư luận. Trong phần một, tiểu thuyết duy nhất được giới thiệu đó là "Tấm ván phóng dao". Đây là cuốn tiểu thuyết lần đầu tiên ra mắt vào năm 2004 và ngay sau đó đã khiến dư luận chú ý, khiến Mạc Can nổi danh "cây bút trẻ" trong làng văn. Dù đến bây giờ, Mạc Can đã có trong tay những tiểu thuyết khác, như "Phóng viên mồ côi", "Bầy mèo vô sinh", "Ba… ngàn lẻ một đêm" nhưng chân dung văn chương của Mạc Can đầy đủ nhất ở "Tấm ván phóng dao".
Chiếm hơn 400 trang trong cuốn sách là 21 truyện ngắn của Mạc Can, từ các sáng tác đầu tay "chưa biết nhiều gì về chữ nghĩa": "Món nợ kịch trường", "Người nói tiếng bồ câu", "Tờ 100 đôla âm phủ"… cho tới những truyện ngắn sau này đã được "áp dụng" các kỹ thuật viết "hiện sinh": "Hè muộn", "Cuộc hành lễ buổi sáng", "Và… những hạt cát vẫn tìm nhau", "Con Kapka"…
Bí mật lần đầu được tiết lộ
Phần cuối Dư luận chiếm hơn 60 trang, là những bài báo, bài phê bình về sáng tác của Mạc Can. Nhưng đáng chú ý nhất lại chính là bài viết của Mạc Can: "Những cuộc phiêu lưu vào cõi miền không có thật". Một bài viết "lộn xộn, không giống ai" nhưng nó "rất Mạc Can".
Ở đó, độc giả biết thêm một chi tiết: Bản thảo tiểu thuyết "Tấm ván phóng dao" này chỉ là "bản ngắn". "Cuốn "Tấm ván phóng dao" mà bạn đọc trong "Tuyển tập" này chỉ là đoạn đầu của một cuốn tiểu thuyết trường thiên dài hơi. Hiện tôi còn giữ bản thảo chính của "Tấm ván phóng dao", bản đánh máy cơ, khoảng hơn một ngàn trang. Tôi không biết là có nên triển khai nó không. Không phải tập hai mà là những điều chưa nói hết của câu chuyện…", Mạc Can viết.
Rồi Mạc Can còn tiết lộ: "Tấm ván phóng dao" là một cuộc phiêu lưu lớn với bản thân tôi trong mê cung của chữ và nghĩa, tôi đã viết trong một hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất, điều kiện sống và tinh thần. Vì tôi không thèm làm việc gì khác hơn là cắm đầu viết dù cho là đói. Viết trong đói kém vô vọng. Mà nhiều lúc, khi tôi viết trong cả vô thức, tôi say chuyện liền bị nhân vật cuốn đi theo…".
Còn nhiều "bí mật" khác được nhà văn tiết lộ, nhưng quan trọng nhất khi đọc hết cuốn sách này, độc giả bắt gặp một Mạc Can "rất Nam bộ mà cứ như không hề cố tình" (lời của nhà văn Nguyên Ngọc).
Mai Hoàng
(Nguồn: Hà Nội Mới Online)