Chủ nhật, 22/12/2024,


Đằng sau những phím đàn (14/07/2010) 

Ở cái tuổi ngoài 50, và làm một công việc khá vất vả là lên dây đàn piano nhưng ông Nguyễn Đức Phúc, hiện là cán bộ của Trường Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vẫn còn khá trẻ so với độ tuổi của mình. Nói về nghề của mình ông nói: Xã hội phân công, mỗi người một nghề, và nghề nào cũng có cái khó của nó. Điều quan trọng là mình phải có cái tâm và ý chí vươn lên”...

 

* Lựa chọn một nghề thầm lặng, đứng sau những hào quang nhưng cũng đầy khó khăn, vậy xin ông cho biết cơ duyên nào đưa ông đến với nghề?

 

- Tôi may mắn có một người bác ruột làm nghề này và rất có tiếng từ những năm Pháp thuộc. Ông bác tôi kể lại khi đó cả Hà Nội có dăm chiếc của các nghệ sĩ piano nổi tiếng lúc bấy giờ. Và sau này, tiếc nghề ông đã truyền lại cho con và cháu là tôi. Tuy nhiên, người con trai của ông đã bỏ dở chừng vì thực tế, đây là nghề đòi hỏi sự chăm chỉ, cần mẫn, yêu nghề và hơn thế cũng cần có chút năng khiếu. Đồng thời, sau đó tôi còn đi tu nghiệp ở nước ngoài nên quy trình đào tạo bài bản hơn.

 

* Người nghệ sĩ piano vốn rất kỹ tính vậy chỉnh sửa làm sao cho chuẩn, làm người chơi hài lòng quả không dễ dàng thưa ông?

 

- Đa số những người biết chơi đàn giỏi, nghe có thể biết hỏng, và biết đúng sai nhưng để chỉnh và lên dây đàn rất khó. Vậy người lên dây đàn piano cũng phải biết nghe được, tay làm được và dù có thể đánh đàn không hay. Đôi tay khéo léo và cái tay nghe chuẩn có thể xem như yếu tố quyết định trong việc lên dây đàn piano. Và để đạt được mức người nghệ sĩ chơi đàn chấp nhận tay nghề của người lên dây đàn thì người lên dây phải thật sự đủ tài năng. Và thú thật theo nghề này rất vất vả mới thành tài, vì muốn sửa phải đứng cả ngày. Nếu tay nghề chưa tốt có thể phải đứng trọn cả ba ngày để sửa, rồi tay nghề nâng lên có thể xuống ba giờ đồng hồ, tốt hơn nữa là chỉ cần một nửa thời gian đó để có thể sửa được một cây đàn. Không kiên trì không thạo nghề, tay nghề kém có khi còn làm hỏng cả đàn. Với đặc thù này, cần phải làm bằng cái tâm, lòng yêu nghề chứ không thể nghĩ đó là nghề kiếm sống.

 

* Với kinh nghiệm về nghề của mình, ông cho đâu là giai đoạn khó nhất khi sửa đàn piano?

 

- Thực tế, đây là nghề ít người biết đến, muốn làm nghề tốt phải tìm hiểu kỹ, bởi bình thường nhìn một chiếc đàn bóng bẩy đẹp, nhiều người nghĩ nó chẳng bao giờ có thể không chính xác. Nhưng thực tế, cây đàn piano cũng giống như một cơ thể sống, quá trình vận chuyển, thời gian sử dụng... có thể khiến nó sinh ra đủ thứ bệnh. Lúc này, người lên dây như bác sỹ phải bắt bệnh chính xác thì mới có thể chữa nhanh được. Và “bắt bệnh” cho nó có thể là xem là công đoạn khó nhất. Bởi trong mỗi chiếc đàn có hàng nghìn chi tiết nhỏ, người lên dây phải nắm được và chẩn đoán chuẩn. Ví như khi phím đánh không đều tay, người sửa kỹ thuật phải tìm ra nguyên nhân nó nằm chỗ nào? Hay như dây rè, thì phải xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, như do chất lượng dây kém, mặt cộng hưởng có gì đó chạm vào khi tiếng đàn rung lên làm rung cả mặt đàn... hoặc tiếng có thể đàn bị câm. Và chỉ khi người thợ bắt bệnh chính xác thì mới có thể sửa được, và không thể chữa mò theo kiểu “dò dẫm”. Bởi thực tế, nhiều trường hợp chỉ còn rất ít thời gian là đến giờ biểu diễn mà người thợ không bắt được bệnh thì coi như buổi biểu diễn phải huỷ. Vì người nghệ sỹ có giỏi và sáng tác hay đến mấy nhưng âm thanh đàn mà không chuẩn thì mọi thứ thành vô nghĩa.

 


Ông Nguyễn Đức Phúc và NSND Đặng Thái Sơn.

 

* Như vậy, với nghề lên dây đàn piano thì tính “nguy hiểm” cũng khá cao,  Ông đã từng rơi vào cảnh “toát mồ hôi hột” khi có nguy cơ khiến buổi biểu diễn của nghệ sỹ phải huỷ không?

 

- Trong đời làm nghề của mình, tôi nhớ nhất một kỷ niệm. Lần đó, một vị Đại sứ quán Thuỵ Sỹ có buổi biểu diễn đàn piano ở Nam Định. Và bà đã  phải chuyển một cây đàn to ba chân, từ nhà riêng về Nam Định. Biết việc vận chuyển có thể khiến cây đàn bị sai sót nên bên cạnh việc cẩn trọng trong lúc vận chuyển, bà còn thuê cả tôi về tận nơi. Khi về đến nơi, tôi đã lên dây gần như như xong. Và lúc đó chỉ còn khoảng 10 phút nữa là đến giờ  biểu diễn thì tôi phát hiện nốt son ở giữa bàn phím kẹt. Sự cố ở vị trí này là rất quan trọng nếu không khắc phục được thì nghệ sĩ không thể đánh được. Phát huy hết khả năng và kinh nghiệm của mình tôi cũng không tìm ra được nguyên nhân. Lúc này tâm lý của tôi rất căng thẳng vì được thuê từ Hà Nội lên nếu mình làm không được, buổi biểu diễn sẽ hỏng. Không chịu bó tay, dẫu buổi biểu diễn chỉ còn 5 phút nữa bắt đầu, tôi vẫn quyết định mở đàn để tìm bệnh một lần nữa. Và bất ngờ tôi đã phát hiện ở khe nối nốt son có một chiếc nhẫn bằng vàng của trẻ con rơi vào. Tôi thở phào nhẹ nhõm, quên hết cả mệt mỏi. Đúng là toát mồ hôi hột bởi không quyết định mở đàn, có thể sẽ khiến buổi biểu diễn phải huỷ.

 

* Có những thời điểm, đàn piano vốn chỉ dành cho giới trung lưu và thượng lưu. Liệu gánh nặng “cơm áo” có khiến ông nản chí?

 

- Thú thật, lựa chọn một nghề vốn đòi hỏi sự vất vả, kiên trì và thực tế tiền công cũng không đáng là bao đôi khi khiến tôi cũng suy nghĩ. Song nghĩ đi nghĩ lại tôi cho rằng, nghề này như cái duyên của mình rồi, mình cứ phấn đấu làm cho tốt thì trời chẳng phụ công. Và cũng chính vì áp lực cuộc sống cũng khiến tôi phải cố gắng hơn, bởi làm nghề lên dây đàn này, khi đi làm, mình phải làm được việc thì người ta mới trả tiền công, còn không sửa được,  thì cũng không có tiền công. Vừa có lòng đam mê và không ngừng học hỏi, đến khi làm được việc, theo nghề nhiều năm, tôi lại cảm thấy hãnh diện với nghề. Bởi thực tế, đây là nghề độc đáo, không phải ai muốn cũng làm được.

 

* Chơi đàn piano hiện nay đang có xu hướng được xã hội ưa chuộng, ông có mong muốn điều gì?

 

- Với những năm tháng gắn bó với nghề, tôi mong chúng ta có nhiều người lên dây đàn tốt hơn nữa. Bởi thực tế, số lượng người làm nghề này được đào tạo bài bản và có thật sự tâm huyết với nghề không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay. Tôi cũng đã đào tạo con cháu trong nhà, nhưng các cháu lại không theo nghề, đó là điều tôi cảm thấy tiếc. Đặc biệt, khi xã hội càng  phát triển thì càng cần.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Thanh thực hiện

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: