Chủ nhật, 22/12/2024,


NSND Chu Thúy Quỳnh: Có buồn nhưng không mỏi cánh (10/07/2010) 

Gần 20 năm nay, cái tên Chu Thúy Quỳnh trong vai trò tổng đạo diễn, được gắn liền với nhiều chương trình lớn: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ; chào mừng Đại hội Đảng CSVN lần VI, VII, VIII; chào mừng Hội nghị cấp cao các nước nói tiếng Pháp; hội nghị cấp cao các nước ASEAN; kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội; Khai mạc, bế mạc SEA Games 22... Và trong dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, NSND Chu Thúy Quỳnh sẽ tiếp tục đóng góp với vai trò tổng đạo diễn một số chương trình trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa nghệ thuật của đợt kỷ niệm trọng đại này. Với chủ đề Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa, kịch bản này thu hút tới 600 nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian và các diễn viên quần chúng trong các điệu múa cổ Hà Nội. Bà cho biết: “Hiện tại chúng tôi đã bắt đầu lựa chọn diễn viên cho chương trình, cũng không phải là dễ dàng vì số lượng diễn viên của chương trình đông, mà từ nay đến ngày đại lễ, rất nhiều chương trình được tổ chức”.

 

Bên cạnh chương trình lớn này, Hội Nghệ sĩ múa cũng đang xây dựng hai vở múa là Ngọn lửa thành Hà và Mệnh trời tình đất. Đây là hai vở được Nhà nước đặt hàng để giới thiệu trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Phóng viên: Thế hệ của bà may mắn là có điều kiện phát huy nghề nghiệp của mình, đóng góp tích cực cho đời sống văn hóa nghệ thuật, nhất là trong quan hệ quốc tế, điều mà những lớp nghệ sĩ sau này không dễ gì có được. Bà nghĩ sao?

 

- NSND Chu Thúy Quỳnh: Đúng như thế. Những chuyến lưu diễn Nhật Bản, Cuba, Pháp, Algeria... có thể coi là những ký ức huy hoàng nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của tôi. Riêng Nhật, tôi đến đất nước này lần đầu vào năm 1968, sau đó thì đi rất nhiều lần, có những chuyến lưu diễn kéo dài đến hai, ba tháng trải khắp đất nước này. Đoàn chúng tôi diễn ở đâu, khán giả ở đó đều đến trước hàng giờ để chờ đợi... Thật hạnh phúc!


* Từ ký ức huy hoàng ấy, bà có chạnh lòng khi nghĩ đến hiện tại, rất nhiều nghệ sĩ múa không sống được bằng nghề?

 

- Tôi không chỉ buồn, không chỉ băn khoăn mà còn lo lắng rất nhiều cho cuộc sống của các đồng nghiệp, đặc biệt những nghệ sĩ trẻ. Sống không được bằng nghề là vấn đề nóng bỏng của những người làm nghề chúng tôi. Nghề múa đòi hỏi các diễn viên phải khổ luyện từ rất sớm, 12 tuổi đã vào trường, học trung cấp ít nhất 7 năm mới xong, ra trường 100 em thì chỉ có khoảng 10 em là hạt nhân được chọn vào các nhà hát, đại đa số còn lại đầu quân cho các nhóm múa. Học khổ, hành nghề khó khăn, càng dễ không được làm nghề. Đến 30 tuổi là các nghệ sĩ khó đứng biểu diễn trên sân khấu, phải chuyển sang làm việc khác rồi. Rất nhiều người chuyển sang đi dạy, một giờ chỉ ba mươi ngàn đồng thôi, nhưng họ vẫn làm. Họ đi dạy vì tâm huyết chứ không vì tiền, họ không chỉ dạy về kiến thức mà bồi dưỡng về tâm hồn cho các nghệ sĩ.

 

* Bà nghĩ sao khi nhiều học sinh tài năng của trường múa phải kiếm sống bằng việc tham gia biểu diễn ở những phòng trà, quán bar mà không phải sống bằng nghề múa?

 

- Và nhiều người đang lợi dụng các em để làm những điều không lành mạnh nữa chứ. Tôi biết. Mỗi khi đọc báo, nghe chuyện nọ chuyện kia bàn tán trong giới, tôi lại thấy rất đau lòng. Muốn giỏi nghề thì phải được biểu diễn, rèn luyện, nhưng cơ hội đứng trên sân khấu của các em không nhiều. Khi tuyển diễn viên, nhà hát phải lấy những người xinh đẹp. Mà những ngành khác, học trung cấp chỉ có 2 năm, ra trường có khi lương tháng cũng vài triệu, đằng này sinh viên múa học 7 năm mới tốt nghiệp, đi làm lương tháng chỉ có một triệu đồng, không đủ tiền trang trải cho việc giữ gìn thanh sắc, đừng nói gì đến việc sống để giữ lửa để yêu nghề. Các em khổ lắm chứ, như Cao Chí Thành ấy, giành giải tư cuộc thi ballet quốc tế Helsinki (Phần Lan) nhưng lương tháng nhắc đến thì ai cũng giật mình.

 

* Với tư cách Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, bà cũng bất lực trước việc cải thiện tình hình này?

 

- Tiền hỗ trợ của Nhà nước dành cho nghệ sĩ múa cũng có nhưng rất ít. Thực tế, nếu chỉ trông chờ vào tiền hỗ trợ của Nhà nước thì rất khó phát triển nghề nghiệp. Một chương trình múa của Trung Quốc được đầu tư cả trăm ngàn nhân dân tệ, nhưng ở ta thì khác. Phải có sự  đánh giá, có một chế độ chính sách đúng mức đối với các nghệ sĩ múa thì đời sống nghệ sĩ mới khá lên được. Chúng tôi là những người lao động thực thụ, cả chân tay lẫn đầu óc nhưng không được đánh giá đúng đặc thù nghề nghiệp của mình. Ba khóa làm đại biểu Quốc hội (từ khóa 8 đến khóa 10 – PV), tôi đã “kêu” nhiều nhưng chưa có kết quả.

 

NSND Chu Thúy Quỳnh được chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc vì những đóng góp tích cực trong việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị Nhật – Việt và là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên nhận được huân chương cao quý này.

* Nhắc đến Chu Thúy Quỳnh, người ta hay nhắc đến một “cánh chim không mỏi”. Nhưng đến giờ, hỏi thật, đã có khi nào bà thấy mỏi cánh chưa?

 

- Đến năm 45 tuổi, tôi mới học múa Ấn Độ, vẫn tham gia diễn trong các chương trình. Nói điều ấy để thấy rằng mình có thể làm được những điều mình muốn. Buồn thì đôi khi có buồn, nhưng mỏi cánh thì không, vì tôi biết mình không thể bỏ múa được. Nghề đã chọn tôi chứ tôi không chọn nghề. Nghề múa đã mang đến cho tôi mọi thứ tôi đang có, không phải ai cũng có được điều đó đâu.

 

* Công việc bận rộn, lao động vất vả, nhưng hình như tuổi tác không ảnh hưởng đến vẻ đẹp của nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh. Bí quyết giữ gìn vẻ đẹp của bà như thế nào?

 

- Đó là sống thoải mái, tự do, không ai quản lý và cũng không quản lý ai, không quấy rầy ai và cũng không ai quấy rầy mình, thích làm gì thì làm. Nhưng thích nhất với tôi là được xem các chương trình liên quan đến nghề nghiệp của mình, nó là nỗi khao khát được sống với nghề của một nghệ sĩ đã lớn tuổi.

 

 

Yến Anh thực hiện

(Nguồn: Báo Người Lao Động)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: