Chủ nhật, 22/12/2024,


Mái tóc dài của các cô gái quê hương (07/07/2010) 

 

 

...Thế rồi, mỗi đứa một phương
Tôi mang suối tóc dài tuôn trong đời.

Tóc dài ơi, tóc dài ơi!
Thướt tha mái tóc thay lời con tim.

Bây giờ tôi gặp lại em

 Ngập ngừng muốn gọi, sao nhìn chẳng ra

Vẫn là ánh mắt thẳm xa

Em tôi, tóc ngắn rối xoà chấm vai...

 

Tìm đâu mái tóc suôn dài
Bao nhiêu xuân sắc của thời mộng mơ?

Đâu rồi em của ngày xưa
Cái ngày tiếng sét sững sờ tình tôi?

 

Hỏi ra, tôi mới lặng ngưòi

Tóc em cắt bán mất rồi... còn đâu!
Bỗng nhiên em khẽ ngoái đầu

Nhìn con, hai đứa dắt nhau tới trường.

Vẳng xa ở cuối con đường
Tiếng rao bán tóc, buồn thương não nề...

                                          (trích Thương lắm, tóc dài ơi - Phạm Thanh Cải)

 

 

 

 

Những người đàn bà bán tóc

 

Quê hương bao giờ cũng là miền yên bình thân thương nhất, là nơi ta tìm về để thân xác và tâm hồn ta được chìm đắm như một cơn mơ lộng lẫy trong bầu không khí trong lành và thơm thảo nhất.

Một chiều tháng năm, tôi trở về ngôi làng bé nhỏ của mình sau những tháng ngày học tập vất vả ở thành phố. Quê tôi đang vào vụ gặt, bước qua cổng làng tôi đặt chân lên con đường đất quen thuộc. Vẫn con đường đầy rơm rạ, sau trận mưa đêm mùi đất và mùi rơm trộn lẫn bốc lên một mùi ngai ngái. Mùi của quê hương như đang gột rửa con người còn vướng bụi thị thành. 

Và những người đàn bà làng tôi vẫn đen đúa, gầy gò, vẫn chăm chỉ cần mẫn từ bao đời. Vẫn còn đó những hàng dừa, những bụi tre. Quê tôi vẫn còn nguyên thủy và dân dã lắm.

Tôi thích sự nguyên thủy, dân dã đó. Không phải vì tôi ích kỉ không muốn cho quê mình đổi mới, mà tôi sợ rồi một ngày nào đó khi sự đổi mới tràn về nhanh chóng nó sẽ làm thay đổi tất cả, có những thứ thay đổi mà tôi và mọi người sẽ có một cảm giác mất đi một thứ gì đó mà ta không bao giờ tìm lại được.

Lần này về quê tôi mang tâm trạng của một người bị mất đi một thứ như chính tâm hồn mình, như là ruột rà máu mủ. Những người đàn bà làng tôi vẫn gầy gò, đen đúa, vẫn vất vả, lầm lũi, nhưng mái tóc họ không còn dài như xưa. Những người đàn bà đã bán tóc. Họ bán đi một thứ như chính là linh hồn của họ. Tôi đã khóc, khóc cho tóc những người đàn bà làng tôi, khóc cho tóc của mẹ.

Đã hơn một lần tôi lang thang trên mạng, ở đâu đó tôi biết về những người bán tóc. Cũng đã hơn một lần tôi thấy xót xa khi nghe, khi đọc và biết về những nhát kéo của người mua tóc cứ vô tình xén ngang những mái tóc. Một bé gái mười lăm tuổi ngượng ngùng lắng nghe người rao mua tóc, cô bé thoáng bối rối rồi gật đầu. chỉ chờ thế người phụ nữ cầm chiếc kéo cắt xoẹt mái tóc mượt mà đã được đặt lên bàn cân. “Lạng mốt! Đáng ra được hai trăm nhưng tóc bị chẻ. Một trăm tám nhé'.

Cô bé cầm tiền, mắt len lén như sợ ai trông thấy, kéo sụp vành nón che mặt rồi bỏ đi như chạy. Và câu chuyện người mẹ dẫn con của mình chưa đầy mười hai tuổi đi cắt tóc chỉ để lấy năm mươi ngàn. Cắt xong, đứa con gái sờ mái tóc cụt lủn thút thít khóc, càng lúc càng nấc to hơn.

Người mẹ không biết dỗ dành con thế nào cũng ôm con khóc. Rồi một phụ nữ có vẻ khắc khổ cắp giỏ trứng gà đứng tần ngần giữa một nhóm người đang chuẩn bị xuống tóc cho một cô gái và nghe thỏa thuận “Tóc của cháu chưa được nửa lạng. Thành tiền là một trăm ngàn…”.

Không chỉ người mẹ ấy khóc mà tôi cũng đã khóc, nhói lên trong tôi những câu hỏi, những niềm day dứt không nguôi. Tôi biết rằng vì đồng tiền như một cuộc mưu sinh những người đàn bà bán tóc làng tôi và những người đàn bà khác đã phải đau đớn bán đi phần quý giá nhất của mình. Đó là thứ đứng hàng đầu trong mười thứ (một thương tóc bỏ đuôi gà…).

Cả những người mua tóc nhiều lần cũng đau đáu một nỗi niềm. Họ cảm thấy mình đang làm một công việc kì kì. Công việc mua tóc. Không ít người trong số họ đã thốt lên rằng khi sắp những mớ tóc vào hộp họ có cảm giác mỗi bộ tóc là một số phận như có linh hồn vậy. Đó chủ yếu là tóc những người nghèo khổ.

Lần này tôi không lang thang trên mạng nữa. Tôi đang lang thang khắp ngõ ngách làng mình để tìm hồn quê, tìm lại hồn cho những người đàn bà làng tôi, tìm lại hồn cho mẹ. Mỗi bước chân tôi đi là một giọt khóc. Khóc cho tóc những người đàn bà làng tôi, khóc cho tóc của mẹ.

Tôi lại nhớ đến những câu thơ của một nhà thơ, những câu thơ viết nhiều về mái tóc của bà, của mẹ. Nó trở đi trở lại như một niềm trăn trở, một nỗi suy tư. Tôi thấy tôi giống như cậu bé làng trong những câu thơ của nhà thơ ấy đang tìm lại những sợi tóc của bà, của mẹ:

Đó là tháng bà tôi đòi cắt tóc
Cha tôi mang tóc bà tôi chôn xuống cánh đồng
Cỏ mộ tóc tốt tươi trong bóng tối
Tôi trốn bà ra khóc tóc bà tôi

Và một ngày tôi đã biết một điều, tóc những người đàn bà làng tôi, tóc mẹ tôi không còn như xưa nữa. Tôi ngỡ ngàng, tôi sững sờ như chết lặng đi khi biết rằng những mái tóc kia đã bán đi để góp một khoản nhỏ gửi hàng tháng lên cho những đứa con học đại học, hay đóng tiền học phí cho con. Tôi thấy mình như mang nặng tội lỗi.

Cô Nhung, một người làng tôi, kể cho tôi nghe lần đầu bán tóc cô rất ngượng ngùng. Hôm đi chợ bán rau muống, cả chợ toàn rau là rau, rẻ đến mức người làng tôi muốn bỏ nghề, cả gánh rau 100 mớ chỉ đáng giá 10 ngàn đồng.

Nhà có hai đứa con học đại học, cô xoay đủ nghề nhưng vẫn thấy túng quá. Và tình cờ cô biết được có những người mua tóc. Cô quyết định bán tóc của mình. Mái tóc đen bóng, mượt mà, dài đến tận gót chân của cô lần đầu bán được giá trị gấp một trăm lần gánh rau kia vẫn chưa đủ chi tiêu một tháng cho cả hai đứa con.

Chồng cô biết được, chú đã nổi giận trong niềm đau đớn. Và cứ thế cô vẫn thường xuyên bán tóc. Cô còn nói lần đầu tiên bán mất một thời gian dài cô nhớ tóc lắm, nhớ đến nỗi nhiều khi muốn khóc. Rồi cô Kì, bác Hoa, chị Vinh và mẹ tôi... Kiên con cô Kì khi nghe tôi kể nó phản ứng một cách hài hước, nó bảo các mẹ đang chạy theo mốt nhưng tôi biết nó cũng đang đau nỗi đau như tôi.

Tôi đã đọc, nghe nhiều và biết nhiều về những người bán tóc. Có người đàn bà bán tóc để nuôi thân khi bị lũ con bỏ rơi, có những em bé gái bán tóc để đi học, và có những người vợ phải bán tóc để đãi bạn chồng. Giờ đây ở làng tôi có những người đàn bà bán tóc để nuôi con ăn học. Dẫu biết trước mà sao tim tôi vẫn nhói đau.

Đó là một buổi trưa hè, khi tôi và mẹ ngồi bên gốc khế cha tôi trồng, tôi muốn bắt tóc sâu cho mẹ. Đó là lúc mà tôi hiểu tất cả để yêu mái tóc của mẹ nhiều hơn. Cái khăn trùm đầu của mẹ được lật lên, và tóc mẹ đã không còn như xưa.

Tôi không thể tin vào chính mắt mình, tôi không thể tin! Cảm giác trong tôi thật khó tả, tôi thấy mình đã mất đi một cái gì đó, tôi thấy mình có lỗi với mái tóc của mẹ và tôi ân hận. Mẹ bảo mẹ cắt tóc đi cho mát và khỏi vướng mỗi khi đi làm, giờ mẹ có tuổi rồi lúc gội đầu và hong tóc cũng khó khăn. Tôi hỏi mẹ để tóc ở đâu, mẹ nói là đã bán. Tôi như lặng người đi.

Trước đây đã có một lần mẹ phải cắt tóc cho tôi vì tôi phải vào viện, mẹ rất tiếc, gói cất cẩn thận. Vậy mà giờ đây mẹ đã ngậm ngùi bán tóc của mình. Mẹ bảo cắt tóc đi rồi mỗi lần chải đầu mẹ thấy nhớ tóc quá. Tôi biết mẹ rất đau. Tôi biết mẹ buồn nhiều…

Mái tóc của mẹ dài nhưng không mượt, lại bạc sớm. Ngày tôi còn học tiểu học vẫn hay bắt tóc sâu cho mẹ. Thời gian đầu thấy tóc mẹ đốm bạc tôi không biết lại ngỡ đó là những tóc sâu và tôi đã nhổ chúng. Rồi tôi cũng nhận ra tóc mẹ đã bạc, lúc đó tôi không biết vì sao tóc mẹ lại bạc sớm như vậy.

Từ đó tôi ít bắt tóc sâu cho mẹ hơn, dần dần lớn lên đi học xa nhà tôi không làm điều đó nữa. Tôi thích mái tóc bạc trắng của bà cô tôi nhưng tôi không thích mái tóc bạc của mẹ. Tôi còn nói với mẹ rằng mẹ chưa làm bà mà tóc đã bạc trông chẳng thích chút nào.

Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao tóc của một người đàn bà ba tuổi đã mất cha, lấy chồng về lại thay mẹ chồng lo chuyện gia đình cho các em. Chồng mất sớm người đàn bà ấy một tay nuôi sáu đứa con ăn học và nên người. Và tôi thương cho mái tóc của mẹ. Mái tóc đã một thời mượt mà óng ả nổi danh cả một vùng.

Mẹ thích con gái để tóc dài, mẹ vẫn dặn chị em chúng tôi “cái răng cái tóc là vóc con người”. Mẹ nâng niu mái tóc chúng tôi như nâng niu từng mơ ước, như muốn được ngắm lại mái tóc của mình một thời.

Tôi thích cảm giác mỗi lần về quê được sà vào lòng mẹ và ngủ những giấc ngon lành, được bàn tay mẹ vuốt ve mái tóc xem tóc tôi có dài thêm không, tóc tôi có bị xơ không. Đã bao lần trong làng có những người mua tóc, có những người đàn bà làng tôi bán tóc nhưng tóc mẹ tôi vẫn còn như cũ. Tôi biết mẹ quý trọng mái tóc nhiều, bởi mái tóc mẹ còn gắn bó với những kỉ niệm của cha tôi.

Tôi lại hỏi tóc của mẹ, và của những người đàn bà làng tôi giờ đang phiêu bạt nơi đâu. Những bộ tóc ấy tưởng đã chết rồi mà vẫn còn vương vấn trong đời để bao người phải thổn thức, tiếc nuối.

Tiếng thở dài vì nhớ tóc của những người đàn bà bán tóc làng tôi, của mẹ tôi cứ ám ảnh, day dứt trong tôi. Cả trong mơ tôi vẫn nghe thấy những tiếng thở dài tưởng đi qua cả chân trời trước mặt.

Tôi lại mơ thấy mái tóc của mẹ, mái tóc dài của cô Nhung, cô Kì, của bác Hoa, chị Vinh… Trong mơ tôi thấy tất cả những người đàn bà nghèo khổ ở quê tôi chỉ còn lại những cái đầu trọc.

Tôi đã khóc trong những giấc mơ ấy. Và sau mỗi lần tôi khóc thì trên những chiếc đầu trọc của những người đàn bà thôn quê nghèo khổ tóc lại mọc lên xanh tốt và chảy tràn như suối. Và tôi biết mình đang phiêu du cùng Nguyễn Tuân đi tìm những mái tóc của chị Hoài, mái tóc của mẹ và của những người đàn bà làng tôi.

Lưu Kim

( nguồn vietnamnet)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thị Liên -  honglienbc2005@gmail.com -  0982092685 - CLB Báo chí với Doanh nghiệp   (Ngày 15/07/2010 12:22:21 PM)
Tiếc thương niềm thương nhớ
Tác giả Lưu Kim đã khóc mái tóc của người Phụ nữ Việt Nam bán tóc để mưu sinh. Một tiếng khóc chân thành tự đáy lòng. Tiếng khóc ấy đã thức tỉnh tôi – người mà đã từng sở hữu một mái tóc dài quá hông! Tôi đã cắt tóc! Tôi đã cắt đi phần hồn của mình. Chỉ vì một phút bồng bột của tuổi trẻ, chỉ vì một phút ngẫu hứng của tuổi vị thành niên, chỉ vì một phút mê muội của con nít… Ngày ấy tôi 17 tuổi. Cái tuổi bẻ gãy sừng trâu. Tính tôi rất hiếu động. Mỗi lần làm việc hay đùa nghịch là tôi rất khó chịu với mái tóc của mình. Tôi đi xe đạp, tóc chạm bánh xe. Tôi đi cắt cỏ, tóc quệt vào liềm. Tôi cột tóc lên trên đỉnh đầu thì khó đội được nón. Mà tôi buộc tóc sau gáy thì phần đuôi tóc vẫn cản trở những hoạt động, những công việc của tôi. Chưa kể những lúc muộn giờ học, lại chợt nhớ ra mình chưa chải tóc. Và tôi phải mất 5 – 10 phút chải tóc cho gọn mái có thể đến trường được. Đã muộn lại còn muộn hơn. Lúc gội đầu mới khổ. Tóc dài, chải khó lại rụng nhiều. Nhìn những sợi tóc rụng mà tôi xót xa. Tôi than thả với mẹ: “Con không biết làm thế nào cho tóc khỏi rụng nữa”!. “Bán tóc đi con!” – Mẹ tôi gợi ý.
Bán tóc ư? Ngày ấy, làng tôi có trào lưu bán tóc mà. Cứ khoảng 25 -30 cm tóc là được khoảng 30 – 40 nghìn đồng. Tôi lưỡng lự nhưng sau rồi cũng thấy phải và đã quyết định bán. Bán xong tôi thấy hụt hẫng quá. Mái tóc dài của tôi đã nằm gọn trong giỏ tóc của người mua. Mẹ tôi cầm 30 nghìn mà ngậm ngùi. Còn tôi, từ ngày xuống tóc, tôi không thể nào nuôi được tóc dài nữa. Vì tôi sợ cái giây phút nhìn tóc dài của mình bị cắt. Thà rằng, tóc ngắn, khi nó hơi dài một tí, mình có thể tỉa đi, nhìn thấy từng lọn tóc ngắn rơi xuống mà đỡ xót xa.
Giờ đây, tôi đang để tóc ngắn. Nhưng tôi vẫn thấy ngắm những mái tóc dài của các bà, các mẹ, các chị, các bạn gái. Ở những vùng thôn quê, tìm được mái tóc dài không phải là hiếm. Nhưng ở thành phố, mài tóc dài “sống” được lại là một chuyện hiếm. Đi khắp thành phố, đâu đâu tôi cũng chỉ thấy toàn là tóc ngắn với đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng và đủ kiểu dáng. Chạy theo mốt mới, ở những vùng thôn quê, các cô bé tuổi teen giờ cũng thích “sành điệu”. Chúng ngẫu hứng lên rủ nhau đi bán tóc. Số tiền bán được, chúng sử dụng vào việc nhuộm, là, hấp, sấy, ép cho mái tóc mình cho thật “phong cách”. Có biết đâu, mẹ chúng vẫn đang ngày đêm mò mẫm cấy nốt thửa ruộng, nhặt từng cọng rau bán lấy tiền cho chúng ăn học. Có biết đâu, bảng điểm tồng kết cuối năm của chúng toàn 0, 1, 2. Trong khi đó, chúng tụ tập, a dua, chơi bời lêu lổng…
Chao ôi!. Mới chỉ mấy năm trôi qua thôi. Nếu như ngày xưa tôi cắt tóc với mục đích là cho mát, cho gọn. Thì bây giờ, bằng tuổi tôi, tuổi teen cắt tóc để chạy theo mốt này mốt nọ. Chúng có bao giờ nghĩ rằng khi tóc mình rơi xuống là như đã mất đi phần hồn của mình? Tôi không muốn nhìn thấy mái tóc của mình dài ra để tôi lại cắt đi khi nhìn tóc rời ra mà xót xa. Tôi cứ cắt mỗi khi nó tốt hơn một chút để cho dễ chịu, gọn gàng. Hay cũng như tôi đang để phần hồn mình trôi nổi đi theo năm tháng!!!... Hỡi ôi mái tóc của tôi! Và có lẽ tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện cắt tóc nữa! Để hồn tôi không phải trôi nổi nữa…(vnn)
  Nguyễn Thị Quyên - thaonguyenxanh_0362000@yahoo.com - 0975454828 - Vĩnh Lộc - Thanh Hóa  (Ngày 9/07/2010 04:44:01 AM)
                            Tóc dài ơi
         Tôi cũng là một cô gái may mắn vì sở hữu một mái tóc dài và thẳng tuy là nó không được mềm mại cho lắm. Nhưng đó chỉ là tất cả những gì mà cách đây 4 năm tôi có được với cái tên "Tóc dài ơi"còn giờ đây thì nó đã thành chưa tới vai. Tôi cắt đi không phải vì không có tiền để ăn, để học mà vì những thay đổi của cuộc sống. không hiểu tạisao có lúc tôi lại nghĩ mình nên thay đổi một chút cho phù hợp với thời đại để giờ đây mỗi lần nhìn thấy những cô gái tóc dài lướt qua lòng tôi lại có cảm giác nuối tiếc vô cùng. Đã không ít lần khi có một bóng dáng đó nhẹ qua tôi lại ngẩn ngơ nhớ về mình của ngày xưa. Trước đây mỗi lần nhìn thấy mọi người đứng cầm nắm tóc rồi ra giá với mái tóc của mình. Tôi đã tự nhủ sau này mình sẽ không bao giờ làm thế, không bao giờ để cho vật linh thiêng của mình thành của người khác vậy mà tôi đã tệ quá không thể làm được điều đó.
         Ngày tôi cắt tóc đi có bao nhiêu người con trai ngậm ngùi nhìn tôi lắc đầu,"Sao lại làm thế"! còn không hiểu sao tất cả những cô gái đều gật gù khen"cắt đi trông mày trẻ ra rất nhiều". Mẹ nhìn thấy mái tóc dài của tôi không còn nữa Mẹ đã tiếc rất nhiều, trong vẻ nuối tiếc đó kèm theo một lời trách móc mà giờ đây mỗi lần nghĩ tới tôi thấy lòng mình có lỗi quá. 3 chị em gái chỉ duy nhất có mình tôi sở hữu cái vẻ đẹp dài thướt tha đến ghen tị như vậy. Tôi thật lòng thật tiếc cho những ai có một thời giống mình, đọc bài viết trên tôi ước gì sẽ không còn những cô cậu cắt rồi nối hay chạy theo kiểu này, kiểu kia...để không phải có những người đứng rồi cân tóc, rồi ngả giá....Và rồi lại có người ngậm ngùi (VNN).
  Thu Huyền - thuhuyen252@gmail.com -  - TP.HCM  (Ngày 8/07/2010 10:38:55 AM)
             Tôi đọc và thấy mắt mình ướt, có cái gì đó đè nặng trong lồng ngực khi nghĩ đến những người đàn bà quê tôi cũng như vậy.
           Bác dâu của tôi có mái tóc rất dày và rất dài. Hồi còn nhỏ, mỗi lần qua nhà bác chơi, thấy bác gội đầu, tôi nhìn cả "chậu tóc" được thả trong nước. Nhưng bây giờ, tóc bác ấy chỉ còn một búi nhỏ vì đã cắt bán quá nhiều lần. Và tôi nghe nói, lần đầu tiên bán, tóc của bác được gần 400 ngàn. Số tiền quả thực là lớn với gia đình bác ấy. Còn rất rất nhiều những cô gái, những người đàn bà quê tôi cũng vậy.
           Như bản năng, tôi đưa tay lên vuốt mái tóc dài chỉ ngang vai của mình. Ngày xưa, tóc tôi cũng dài qua gấu áo rất nhiều. Mỗi lần nấu nước lá gội đầu lại đứng hong trước gió và ai đi qua nhà cũng xuýt xoa khen "Tóc đẹp". Nhưng cuộc sống đô thị và những đổi thay đã khiến tôi cứ dần dần cắt mái tóc của mình đi theo thời gian. Để rồi một ngày về quê, mái tóc dài qua gấu áo ngày xưa được thay bằng mái tóc ngang vai, anh họ - và cũng là một người bạn rất thân của tôi đã thốt lên khi nhìn thấy: "Thế mà em nói với anh rằng sẽ không bao giờ cắt tóc". Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác anh ngấy ngây người đứng nhìn tôi, bàn tay đưa lên định lắc đầu tôi như ngày xưa nhưng khi vừa chạm vào mái tóc thì anh dừng lại và bảo: "Trông cũng đẹp nhưng anh thích em để tóc dài hơn". Tôi vẫn là tôi và anh ấy vẫn yêu mến tôi nhưng tôi biết, có một chút tiếc nuối nào đó sẽ trở thành kỷ niệm ở anh.
           Tối qua, đi uống nước với vài người bạn. Lúc chuẩn bị ra về, tình cờ chúng tôi nhìn thấy một cô gái ở bàn bên cạnh xõa mái tóc bị rối vì gió ra cột lại. Tóc cô buông dài xuống thành ghế và gần chạm xuống đất khi ngồi. Tất cả những người bạn của tôi là nam đều quay lại nhìn, ồ lên một tiếng trầm trồ khen khi thấy mái tóc dài ấy. Có mấy anh còn mang điện thoại ra chụp hình.
            Tôi mỉm cười, vì biết một cái gì đó giữa cuộc sống xô bồ, hối hả này thì những điều gọi nét đẹp tryền thống vẫn được mọi người rất ngưỡng mộ.
           (vietnamnet)
  Đinh Huyền - kdinhhuy@yahoo.com.vn - ............ - Hà Nội  (Ngày 7/07/2010 10:23:15 PM)

                                       Đọc mà buốt ruột quá
                   
Đọc bài này, tôi thấy buốt ruột quá. Là đàn ông, thi thoảng có việc về quê tôi vẫn được bạn bè khen tóc tôi dày và đen... và tôi luôn thấy vui và tự hào về mái tóc của mình. Không nói thì ai cũng biết những người đàn bà quê rất quý trọng mái tóc của mình. Sự quý trọng thể hiện cả ở góc độ tinh thần và vật chất. Khi yêu nhau, quý trọng, thương yêu, thề hẹn người phụ nữ mới dám cắt một nhúm tóc của mình, trân trọng gói vào khăn mùi soa tặng người thương lúc chia tay đi xa... Vậy mà những người đàn bà ở quê này phải bán tóc. Xót xa nhưng tôi cũng bùi ngùi trân trọng sự hy sinh cao cả của họ dành cho con cái. Hỡi những chàng trai, cô gái sinh viên đang rời quê lên thành phố học, các cô cậu phải biết trong mỗi bát cơm bụi, tập sách học đều được chắt góp từ những sợi tóc xơ chẻ ngọn của mẹ mình vừa được cắt đi bán với giá rẻ mạt để mà sống, mà học cho tốt.  (theo vietnamnet)

Các bài khác: