Thứ bảy, 20/04/2024,


NGUYỄN BÍNH – Nhà thơ của hương đồng cỏ nội (11/09/2008) 

     Từ thuở nhỏ không ai trong thế hệ 50-60 chúng ta không chịu ít nhiều ảnh hưởng qua những trang sách giáo khoa bậc tiểu học ở quê nhà, trường học đôi khi còn ở trong các ngôi đền, dưới mái chùa hoặc đình làng  trong thời chiến tranh loạn lạc. Cái thời mà câu chuyện về một ông nhà quê cặp dù đi chu du khắp thiên hạ, trở về không phải nhắc đến những kỳ quan như tượng thần Tự Do, những nhà chọc trời ở Nữu Ước, chiếc cầu Golden Gate vĩ đại ở San Francisco, hay tháp Eiffel ở Paris, tháp chuông Big Ben, Tower Bridge ở Luân Đôn, Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, ngôi nhà vòng cầu ở Úc Đại Lợi, Ngọn Phú Sĩ Sơn ở Xứ Hoa Anh Đào... mà chỉ đứng ngẩn ngơ nhìn cây đa đầu làng rợp bóng mát trưa hè, hàng dừa nghiêng ngả soi trên giòng sông trăng, những cánh đồng lúa vàng bát ngát thẳng tắp những cánh cò bay, những cô lái chèo khua tiếng hát bay vút lên đỉnh trời... có phải quê hương mình mới là kỳ quan tuyệt diệu nhất?

 

 

     Khi viên ngọc quý không còn trong tầm tay mới đích thực là viên ngọc quý. Khi chúng ta xa rời quê hương yêu dấu chúng ta mới cảm thấy những tình tự non nước chôn nhau cắt rốn mới là miền đất đầy thiêng liêng lôi cuốn nhất, vì nơi chốn đã chứa chan tình cảm trong tâm hồn chúng ta từ khi tiếng khóc chào đời, nằm êm ả trong chiếc nôi đầy lời ca dao ngọt lịm của mẹ, ru sớm chiều đều đặn tháng năm. Và chính những giây phút tận cùng nhớ thương đó chúng ta mới khám phá trong thế giới thơ NGUYỄN BÍNH là cả bầu trời quê hương đầy kỷ niệm.

 

     Thơ của Nguyễn Bính mang bản chất những giòng ca dao trữ tình đôn hậu. Nhẹ nhàng nhưng chan chứa tình cảm đích thực hiền hòa của đôi trai gái đồng quê yêu nhau. Trong thơ Nguyễn Bính chúng ta không cảm thấy ngôn từ phù thủy điệu nghệ bóng bẩy văn hoa của thị thành. Đã từ lâu nhiều nhận xét trên thi đàn văn học qua bộ môn thi ca tiền chiến, hầu như mọi người đều đồng ý cho rằng Thơ Nguyễn Bính gần gũi với dân chúng nhất, biểu lộ được tính chất sinh hoạt đơn giản hàng ngày, những phong tục bình dân, những sắc thái phong cảnh mộc mạc của làng xóm, những cảm nghĩ chơn chất như giọt sương trên cành lá sớm mai, như tiếng chim hót trên hàng tre ban trưa và làn khói lam thổi cơm buổi chiều...

 

     Đi vào thế giới thơ Nguyễn Bính, chúng ta có thể nhận chia những vùng ảnh hưởng tình cảm khác nhau: Tình quê hương, tình bằng hữu, tình yêu và cuộc sống trôi nổi giang hồ. Có lẽ tính chất quá ủy mị ướt át tình tứ qua lối diễn đạt những ngôn từ xuất phát từ nhân gian, nên thơ Nguyễn Bính không được giới trí thức yêu thích. Tuy nhiên, phải công nhận thơ Nguyễn Bính đi sâu vào quần chúng lâu dài nhất. Đặc biệt về tình yêu thật sự, thơ Nguyễn Bính đã chiếm lĩnh ngọn đỉnh tuyệt vời trong thi đàn Việt Nam qua nhiều thế hệ. Những câu thơ mà chính thi bá Vũ Hoàng Chương, hồi sinh tiền, phải công nhận là “tuyệt cú”:

 

...Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Nắng mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng...

 

...Nhà em có một giàn trầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?

 

     Tình yêu ở Nguyễn Bính là thứ tình yêu đôn hậu mộc mạc như con bướm lượn vu vơ trong khu vườn em hiền hòa. Không có những bộc lộ sỗ sàng, không có những tỏ tình bén nhạy qua những giây phút đầu tiên, quá tự nhiên như kiểu tình yêu Tây Phương trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận... Ngay người con gái bên hàng xóm xinh đẹp duyên dáng... nhưng Nguyễn Bính cũng không bao giờ dám lên tiếng thăm hỏi làm quen... cho đến một ngày kia, nàng từ giã cõi đời mới làm thơ than khóc khổ đau:

 

...Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn

Hai người sống giữa cô đơn

Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi

Giá đừng có giậu mồng tơi

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng

Có con bướm trắng thường sang bên này

Bướm ơi! Bướm hãy vào đây

Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi

Chẳng bao giờ thấy nàng cười

Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên

Mắt nàng say đắm trông lên

Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!

 

...Bên hiên đã vắng bóng nàng

Rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng

Nhớ con bướm trắng lạ lùng...

 

 

     Thơ Nguyễn Bính không cầu kỳ chải chuốt mật ngọt để tán tỉnh người yêu, ngay cả chuyện ghen của người đàn ông là cái yếu điểm không nên bộc lộ cho phái nữ biết, vì dù sao cũng là đấng “Trượng phu ngang dọc giữa trời đất”. Hơn bảy mươi năm trước, một anh chàng nhà quê cục mịch mà có lối ghen như Nguyễn Bính thì cũng thực lạ:

 

...Cô nhân tình bé của tôi ơi

Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười

Những lúc có tôi và mắt chỉ

Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi

 

Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai

Đừng hôn, dù thấy đóa hoa tươi

Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ

Đừng tắm chiều nay bể lắm người

 

Tôi muốn mùi thơm của nước hoa

Mà cô thường xức chẳng bay xa

Chẳng làm ngây ngất người qua lại

Dẫu chỉ qua đường khách lại qua

 

Tôi muốn những đêm đông giá lạnh

Chiêm bao đừng lẩn khuất bên cô

Bằng không tôi muốn cô đừng gặp

Một kẻ trai nào trong giấc mơ

 

Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ

Đừng làm ẩm áo khách chưa quen

Chân cô in vết trên đường bụi

Chẳng bước chân nào được dẫm lên

 

Nghĩa là ghen qua đấy mà thôi

Thế nghĩa là yêu quá mất rồi

Và nghĩa là cô là tất cả

Cô là tất cả của riêng tôi...

 

     Bảo yêu là yêu. Bảo ghen là nói ra cho hết ý nghĩ yêu thương trong lòng mình rất thực thà. Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Chân Hoài Thanh đã có những nhận xét về Nguyễn Bính... “Những tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời mới lôi cuốn ta, nên ở mỗi chúng ta, người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi ta tưởng chừng như đã chết rồi. Ở Nguyễn Bính thì không. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn hiên ngang sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính giữ được bản chất nhà quê, rất dễ thương và đã đánh thức con người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng mỗi chúng ta...”

 

     Cho đến bây giờ, chúng ta tìm đâu những hình ảnh thẹn thùng ngớ ngẩn của đôi trai gái thuở ban đầu làm quen nhau ở một đầu thôn chiều vắng:

 

...Hỡi cô con gái hái mơ già

Cô chửa về ư đường còn xa

Và bóng tà dương dần sắp tắt

Hay cô ở lại về cùng ta...

 

   Cái thời yêu đương của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Lưu Trọng Lư, Thái Can, Thế Lữ...thật sung sướng hạnh phúc vô cùng. Giữa đời sống chạy theo cơm áo vội vã trong guồng máy thực dụng ở hải ngoại, dễ tìm đâu những giây phút êm ả hoàn toàn không lo âu, để mà yêu nhau như kiểu “Thoi Tơ” của Nguyễn Bính thì lý thú biết chừng nào.

      Ở cái thế giới thi sĩ giang hồ lãng tử khác, Nguyễn Bính cũng đã lưu lại nhiều bài thơ hay qua những cảnh trí khi thi sĩ có dịp ghé thăm như ở Huế, rồi trôi nổi miền Nam, xuống tận Hà Tiên vui chơi cùng thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết. Và ở Kiên Giang, cùng với Hà Huy Hà dựng Lều Thơ, nhốt mình trong cổ mộ, chỉ dán bốn câu thơ lên hàng cột:

 

...Từ độ về đây sống rất nghèo

Bạn bè chỉ có gió trăng theo

Những thằng bất nghĩa xin đừng đến

Hãy để thềm ta xanh sắc rêu...

 

     Có lúc buồn qúa, Nguyễn Bính lại bỏ lên Saigon sống lang thang như một kẻ vô gia cư thật thảm đạm:

 

...Một buổi sớm mai đến Saigon

Thân em chẳng khác con chim non

Bơ vơ trong xứ người xa lạ

Rợn những phồn hoa, em chạnh buồn

 

...Quán trọ nhà thơ như chiêm bao

Khi thì chợ Quán khi Đa Kao

Hiện nay sống tạm bên Cầu Muối

Rồi biết mai kia ở chốn nào?

 

     Theo bước chân ngàn dặm phiêu linh, Nguyễn Bính đến thăm xứ mơ mộng Núi Ngự Sông Hương. Tại đây, Nguyễn Bính đã sáng tác bài thơ Xuân Tha Hương:

 

...Vườn nhà Tết đến hoa còn nở?

Chị gửi cho em một cánh hồng

(Tha hương chẳng gặp người tri kỷ

Một cánh hoa tươi đỡ lạnh lòng...)

 

Không hiểu vì sao hai đứa lại

Chung lưng làm một chuyến đi đày

Mai đây bỏ Huế rồi quên Huế?

Quên được làm sao bữa rượu này

 

     Đến miền đất Thần Kinh thơ mộng, đáng lý, Nguyễn Bính phải ca ngợi Huế như bao thi nhân tài tử đã đến Huế ngắm trăng và thả thuyền lênh đênh trên sông Hương. Nhưng không may cho thi sĩ đến Huế vào những ngày mùa đông mưa gió lê thê sầu não nuột. Cái mưa xứ Huế thôi thì buồn đứt ruột đứt gan, nhất là những viễn khách tha hương.

 

     Chính trong thời gian phiêu bạt ở phương Nam, sống cuộc đời lận đận giang hồ, ngay cả đến tình yêu cũng không còn được nhắc nhở trong những giòng thơ đầy cay đắng mỉa mai cuộc đời, tỏa lên hơi thở khinh bạc chất chứa trong những sáng tác như Thư Cho Chị, Thư Gởi Thầy Me, Một Trời Quan Tái, đặc biệt ở bài Hành Phương Nam:

 

Đôi ta lưu lạc phương Nam nầy

Trải mấy mùa qua, én nhạn bay

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở

Mà ta với người buồn vậy thay...

 

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu

Mà không uống cạn mà không say

Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã

Mà áo khinh cừu không ai may...

 

...Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén

Ai kẻ dâng vàng kẻ biếu tay

Mơ gì Ất Tiết thiêu văn tự

Giầy cỏ gươm cùn ta đi đây...

 

     Người đi rồi nhưng tiếng thở dài chất chứa niềm hoài cảm nhớ cố hương như còn quyện trong không gian buồn thảm. Cuối cùng, Nguyễn Bính đã trở về nơi chốn khởi điểm của cuộc hành trình ngày xưa.

Theo THÁI TÚ HẠP 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: