Thứ sáu, 20/09/2024,


Chiếc yếm cổ truyền (03/07/2010) 

 

 

Nhác trông cái yếm cũng xinh
Khen ai khéo dệt ra hình hoa mai
Khen người khâu yếm cũng tài
Cổ thêu con nhạn có hai đường viền
Cổ thì em ngả màu hiên
Thắt lưng mùi huyền, dải yếm cũng xinh
Khen ai khâu yếm cho mình
Đường lên đường xuống ra hình lưng ong
Yếm này em ngả màu hồng
Yếm này nhuộm mất mấy công hỡi nàng?
Khi xưa lụa hãy còn vàng
Khen ai khéo nhuộm cho nàng, nàng ơi!

Theo Đào Đức Nhuận- nguồn daovien.net

 

 

 

 

Chiếc yếm cổ truyền

 

Người con gái được coi là đẹp phải có cái lưng ong và phải biết tôn vinh cái lưng ong ấy bằng trang phục yếm - váy cổ truyền.

Người Việt cổ sống gắn với nền văn minh lúa nước, luôn mong muốn con đàn cháu đống để tăng sức lao động, và điều đó đã chi phối quan niệm về vẻ đẹp của họ. Người con gái được coi là đẹp phải có cái lưng ong và phải biết tôn vinh cái lưng ong ấy bằng trang phục yếm - váy cổ truyền. Văn hóa mặc yếm cũng có từ đó. Yếm đã đi vào ca dao, dân ca và để lại bao nuối tiếc, ngợi ca trong lòng nhà thơ ở các thời. Ngày nay, văn hóa mặc yếm vẫn còn tồn tại qua sự biến tấu những mẫu mã áo của người Việt Nam hiện đại.

Quả là người phụ nữ Việt cổ, đặc biệt là các cô thôn nữ của làng quê cổ truyền vùng châu thổ Bắc Bộ, không những khéo léo tinh tế trong nết ăn, nết ở, mà còn rất khéo léo tinh tế trong cách phục sức cho phần thân thể phía trên của mình là lưng và ngực.

Các nhà nghiên cứu văn hóa mặc của phụ nữ Việt cổ truyền cho biết: đồ mặc phía trên của người phụ nữ qua các thời kỳ lịch sử chính là cái yếm, chủ yếu dùng để che ngực.

Theo quan niệm cổ truyền, cái được coi là đẹp chứa đầy nữ tính nhất, thuộc về thân người phía trên của phụ nữ Việt cổ, không phải là khuôn mặt tròn trịa trăng rằm, hay trái xoan, đôi mắt lá răm hay mắt dao cau, cái miệng có đôi môi ăn trầu đỏ thắm, hay cái cổ ba ngấn kiêu sa, hoặc đôi vai xuôi tròn, mà cái đẹp nhất chính là cái lưng được thắt đáy nhỏ nhắn: kiểu lưng ong. Và một người phụ nữ phàm đã có một cái lưng ong đẹp, ắt hẳn cái dáng người sẽ phải đẹp một cách ăn ý. Cùng với cái đẹp của lưng ong, thường là vẻ đẹp trong cả toàn thể con người, lẫn dáng điệu và phẩm hạnh: Đàn bà thắt đáy lưng ong/ Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con, như ca dao dân gian từng khẳng định.

Việc coi cái đẹp nhất là lưng ong này cũng dựa trên một cơ sở văn hóa hẳn hoi của một dân tộc mà trong vài ngàn năm lịch sử đã chỉ sống, tồn tại và phát triển bằng nghề làm ruộng với văn hóa nông nghiệp và văn minh lúa nước cổ truyền.

Dân tộc Việt, do hành nghề làm ruộng, là dân ruộng thứ thiệt, nên chỉ quan tâm nhất đến sự sinh sản thịnh vượng của mùa màng, lúa gạo, hoa trái và nhân lực làm ruộng, nên đã tự nhiên mà theo tín ngưỡng phồn thực. Chẳng phải ngẫu nhiên, bản chất của tín ngưỡng này là sự trọng thị sinh nở và sinh sôi càng nhiều càng hay. Chẳng gì hơn đối với dân ruộng là thóc lúa đầy bồ, rau cỏ hoa trái trĩu trịt xanh tươi, 'con đàn cháu đống', bốn mùa 'mưa thuận gió hòa', cho trời yên biển lặng, 'chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa'. Từ đó, lẽ dĩ nhiên, người Việt cổ trọng thị một thứ kiểu dáng của thân hình người phụ nữ với mâm cao cỗ đầy, lưng ong thắt đáy, với nghiệm sinh rằng: những người có kiểu dáng như thế, sẽ làm vợ đảm, mẹ hiền, chồng con được nhờ phúc ấm.

Cũng từ đó mà suy nghiệm, thì thấy dân gian Việt Nam nói 'chắc như đinh đóng cột', vừa tinh tế, sành sỏi lại vừa thâm thúy, thanh nhã trong cách đánh giá người đẹp. Thử ngược về nguồn, mới thấy rằng người Việt cổ truyền không hề bao giờ có tổ chức thi hoa hậu như hiện đại, trong đó những người đẹp Việt Nam cứ phải răm rắp trình diễn các màn trang phục áo tắm, áo đi hội, áo truyền thống và phần thi ứng xử văn hóa, vốn thường là phần thi đầy khó khăn, thách đố với những người đẹp vốn hay coi trọng cái đẹp của người hơn là cái đẹp của nết... Và người xem vẫn cứ cảm thấy Trong ký ức vẫn trống vắng một nhan sắc (thơ của Nguyễn Quốc Chánh trong tập 'Thơ tự do - 10 tác giả' - Nhà xuất bản Trẻ TP Hồ Chí Minh 1999).

Các cụ ngày xưa dung dị và đơn giản hơn nhiều, và lại đúng điệu nữa trong cách tuyển người đẹp. Người được coi là đẹp, phải có cái lưng ong đã đành, mà còn phải biết tôn vinh cái lưng ong ấy bằng cái yếm ở trên và cái váy ở dưới, với sự gắn kết của một bộ trang phục yếm - váy cổ truyền. Như thế, các bà các cô người Việt cổ do quan niệm đúng về vẻ đẹp ngoại hình gắn với việc sinh đẻ, mà đã đạt đến cái văn hóa mặc đồ lót thật thâm sâu tinh diệu: văn hóa mặc yếm.

Đàn bà con gái Việt ai ai cũng mặc yếm để che ngực, và thường tự tay cắt may lấy bằng chất liệu tơ tằm, vốn là kết quả của nghề tằm tang truyền thống, ra đời cùng lúc từ rất sớm với nghề trồng lúa nước. Sau khi phát minh ra yếm, thật thuận tiện, không bị bó chặt như cái áo lót cầu kỳ ren rua kiểu cách của thời nay, đàn bà con gái Việt bắt đầu nghĩ cách mặc thế nào cho đẹp và cho vừa xinh với từng hoàn cảnh xã hội. Khi ở nhà, không phải chợ búa, cấy hái, họ thường mặc yếm trắng - váy đen buông chùng, hoàn toàn để hở lưng, hai cánh tay, đôi vai... Khi ra đường, đi công chuyện, họ mặc thêm áo cánh, phủ ngoài là áo dài vừa phải, có thắt lưng tôn vinh cái lưng ong. Đi chơi hội, du xuân, thăm nom nhau, ngày vui, ngày Tết, đàn bà con gái mặc cầu kỳ hơn, với yếm nhiều mầu sắc, trong đó các sắc độ của mầu đỏ được sử dụng nhiều nhất: đỏ điều, hoa đào, râm bụt, xác pháo, đỏ tươi, đỏ cam... áo cánh khoác ngoài thường được chọn mầu chói chang đến nhức mắt, như mầu vàng chanh, cam chín, vàng hườm, cùng với thắt lưng xanh bỏ giọt đung đưa theo dáng đi tinh tế, uyển chuyển của thân người...

Để có một bộ cánh hoàn hảo, đàn bà con gái Việt cổ thường dùng thêm đồ trang sức vàng bạc đeo cổ, cổ tay, tai và đội nón quai thao, hoặc đội khăn mỏ quạ, bên trong là tóc vấn...

'Không chỉ thơ ca dân gian, mà những nhà thơ của thời hiện đại đều phải lòng yếm, nhất là yếm đào của đào chèo: Thị Mầu, Thị Phương, Xúy Vân, Châu Long... của sân khấu dân dã chiếu chèo sân đình. Yếm trở thành ngôn ngữ của tính nữ ở người con gái Việt, và đã trở thành ngôn ngữ trao gửi tình yêu.

Dân gian ca tụng yếm trắng: Yếm trắng mà vã hước hồ. Vã đi vã lại anh đồ yêu thương. Đàn bà dễ được chú ý khi mặc yếm thắm, biết phô ra: hở lườn mới xinh. Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Nhược Pháp viết bài thơ Chùa Hương, để nhấn mạnh vào cái đẹp thiếu nữ hơn hớn xuân thì của người con gái mặc yếm lên chùa: 'Em đeo giải yếm đào - Quần lĩnh áo the mới - Tay cầm nón quai thao'.

Nhà thơ chân quê Nguyễn Bính thì tỏ ý không bằng lòng khi em gái thôn nữ đi ra tỉnh may đồ mới, mà bỏ lại cái chân quê của yếm áo cổ truyền. Ông đã vặn vẹo đau khổ: Nào đâu chiếc yếm lụa đào. Chiếc khăn lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?... Còn nhà thơ Hoàng Cầm viết riêng cho yếm một huyền sử, mang tên Hội yếm bay trong tập '99 tình khúc Hoàng Cầm' (Nhà xuất bản Văn học 1996):

Ngất núi ô kìa anh vỗ nhịp
Bay
cờ triệu yếm ríu ran ca
Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội
Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi...

Vì thế, hôm nay yếm vẫn để lại một văn hóa vận đồ lót, và thấp thoáng trong nhiều biến tấu phong phú đa dạng của các mẫu mã áo lót, áo dài, áo đầm của những người đẹp Việt Nam hiện đại. Chắc một điều rằng, văn hóa - yếm sẽ còn lại như một nét tinh tế trong cách ăn vận của người đẹp Việt Nam cổ truyền. 


Nguyễn Thị Minh Thái

 

(nguồn quehuongonline)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: