Tháng 4, sau thành công của Con đường âm nhạc “Miền xa thẳm”, chưa kịp nghỉ ngơi, Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã đến với bộ đội Trường Sa…
Nhạc sĩ Đức Trịnh với bộ đội Trường Sa.
Trên con tàu HQ936 giữa mênh mông đất trời biển đảo Tổ quốc, lần đầu đến với quần đảo Trường Sa, Đức Trịnh đã có những cảm xúc lạ.
Song Tử Tây đẹp và quyến rũ lòng người không chỉ bởi thiên nhiên thơ mộng của hoa lá phong ba, bão táp, của những trái bàng vuông, của những cây mu, keo lá tràm, tra biển… hòa quyện với màu xanh của biển mà đẹp hơn cả là đó chính là tình người. Nắng tháng 4 đã gay gắt nhưng trên khuôn mặt của chiến sĩ và người dân nơi này, nụ cười và ánh mắt luôn thân thiện, khiến những vị khách lần đầu tiên đặt chân đến không khỏi cảm thấy thân thương và lưu luyến trước giờ tạm biệt.
Sau khi đặt chân lên đảo, nhạc sĩ Đức Trịnh đã viết ngay ca khúc “Ánh mắt Song Tử Tây” trong vòng vài giờ đồng hồ. Phải chăng đây là cảm xúc ban đầu và chân thật nhất trong chuỗi hành trình gần 2 tuần ở Trường Sa của nhạc sĩ: “Song Tử Tây bốn bề sóng vỗ, đảo nhỏ thân yêu xanh một góc trời, ánh điện sáng đêm về như phố, ẩn hiện một mái chùa linh thiêng giữa mây trời”. Là một đảo nhỏ, số hộ dân sinh sống trên đảo không nhiều. “Ánh mắt” ở Song Tử Tây làm ông ấn tượng, khiến cảm xúc trào dâng để viết nhanh ca khúc này chính là ánh mắt của các em bé. Với ánh mắt mở to trong veo nhìn người nhạc sĩ, một cô bé hồn nhiên “bi bô bi bô” hát tặng ông bài “Bài ca người lính biển”. Ánh mắt của cô bé đã truyền cảm xúc để “Ánh mắt Song Tử Tây” ra đời trên nền nhạc pop vui tươi, tràn đầy lạc quan.
Đến với Trường Sa, âm thanh của gió, của sóng vỗ bờ, lời thì thầm của biển, tiếng xào xạc của những tán phong ba đã “bắt” Đức Trịnh viết thật nhiều nốt nhạc đầy ắp cảm xúc. Ca khúc “Huyền tích Trường Sa” được ra đời cùng với “Ánh mắt Song Tử Tây”. “Huyền tích Trường Sa” là sản phẩm tinh thần của hai con người: Một vị tướng và một nhạc sĩ quân đội. Sự am hiểu sâu sắc về quần đảo Trường Sa của Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã viết nên toàn bộ lời cho ca khúc này: “Từ thuở nào mẹ Âu Cơ sinh đàn con. Và năm mươi người anh em xuống biển xây đời. Đảo là nhà, biển là quê hương. Từ đảo chìm… i… đảo nổi, từ đảo gần đến đảo xa. Ôi Trường Sa quê hương ta, Tổ quốc ta. Như cây phong ba vững vàng, hiên ngang trung kiên người lính đảo. Sóng gió bão táp bốn mùa. Đảo là nhà, biển cả là quê hương dấu yêu. Rực sáng những công trình đẹp tươi, rạng rỡ những mái nhà đẹp xinh. Ôi mùa xuân trong mắt người lính. Tiếng trẻ thơ, trang sách mới rộn ràng. Đảo thân yêu ơi. Biển quê hương ta Trường Sa”. Những ca từ cô đúc, ngắn gọn, sâu lắng đó kết hợp với phần nhạc của nhạc sĩ Đức Trịnh đã tạo nên “Huyền tích Trường Sa” một sức sống mới thật đẹp và huyền bí.
Ngay từ những nốt nhạc đầu tiên, nhạc sĩ Đức Trịnh đã sử dụng nét âm nhạc đậm chất ca trù dân gian để gợi lại điển tích từ thuở hồng hoang với huyền thoại mẹ Âu Cơ sinh hạ trăm con, rồi cha Lạc Long Quân dẫn năm mươi anh em xuống biển lập nghiệp. “Từ thuở nào mẹ Âu Cơ sinh đàn con. Và năm mươi người anh em xuống biển xây đời”. Các đoạn nhạc sau, tiết tấu ngày càng sôi động, mang hơi thở đương đại, toát lên hào khí oai hùng của dân tộc Việt.
Vũ Phương Hà
(Nguồn: Báo QĐND)