Thứ tư, 15/01/2025,


Festival Huế 2010: Chuyện với người thích chơi cùng trẻ con (30/06/2010) 

Nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn, tác giả tập truyện ngắn “Lối đi ngay dưới chân mình” năm nay lại có mặt tại Festival Huế 2010 trong vai trò tổ chức chương trình dành riêng cho trẻ con có tên “Những khối vuông mùa hạ” vừa khai mạc sáng 6-6 tại công viên Tứ Tượng (Huế).

 

Tập truyện “Lối đi ngay dưới chân mình” viết cho tuổi teen của Nguyễn Lê My Hoàn nhận giải Nhì của NXB Trẻ năm 1995. Sau hơn 10 năm vắng bóng, mới đây tên của chị lại gắn nhiều với các chương trình dành riêng cho trẻ con.

 

Tại Festival Huế 2010, chị lại cuốn hút bọn trẻ tham gia vào thế giới vuông khá ngộ nghĩnh. Ở đây trẻ em được vẽ những bức tường gạch vuông, tự do sáng tạo trên những chiếc hộp vuông, thậm chí, chúng được quyền phóng tác những nhân vật cổ tích... qua lăng kính “vuông” của chúng. Nguyễn Lê My Hoàn cho biết:

 

- Từ những chiếc hộp các-tông, võ hộp sắt, bọn trẻ cũng có thể chơi mải mê cả ngày. Có lúc chúng biến những thứ đó thành nhà, thành ô-tô, thành cây cối, thành những con vật, thành bạn bè. Bởi, bọn trẻ thường chơi trò đóng giả, chúng đóng giả bác sỹ, cô giáo, và cho những đồ vật chung quanh tham gia trong những vai giả. Ví dụ búp bê thành con, thành em. Con chó con mèo thành bạn, thành chị... Từ đó tôi nghĩ, giả sử, có một ngày thế giới của trẻ con biến thành hình vuông thì sao? Tại sao không kéo mọi người bước vào thế giới của chúng trong dịp Festival Huế. Như bạn đã thấy, tại đây bọn trẻ đã vẽ lên những khối gạch vuông. Trong những chương trình của mình, tôi không muốn những gì bọn trẻ làm xong sẽ trở thành những thứ phù phiếm mà muốn trở thành vật hữu ích cho một ai đó. Ở đây cũng vậy. Sau khi các em vẽ giấc mơ vuông của mình lên đó, những viên gạch sẽ được chuyển đến một nơi khác để xây một ngôi nhà. BTC Festival Huế 2010 và tất cả các em tham gia chương trình đều biết điều đó.

 

Nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn

 

* Festival Huế 2008, và 2010 chị đều có những chương trình dành riêng cho trẻ em. Và trước đó cũng là những hành trình mà đích ngắm cũng không ngoài việc mang lại lợi ích cho bọn trẻ. Tại sao chị muốn làm điều này?

 

- Mình thích bọn trẻ. Và với chúng, những ý tưởng hoang tưởng, điên rồ đến mấy đi nữa đều cũng có lý. Cái sự có lý của trẻ con nó bao dung hơn người lớn. Với chúng, nếu mình làm điều điên rồ nào đó mà có kết quả tốt thì sẽ trở thành điều kỳ diệu. Nhưng nếu nó chưa tốt thì sẽ được nhìn nhận như điều khác biệt và được bao dung. Mình không giỏi nên luôn muốn được bao dung. (cười).

 

* Trong "Lối đi ngay dưới chân mình" chị viết “những con trai có ngọc khác con trai không có ngọc ở chỗ nó mang trong mình một vết xước”. Đến thời điểm này có thể nói những chương trình dành riêng cho bọn trẻ của chị đã thành công. Liệu tất cả điều này có bắt đầu từ những “vết xước”?

 

- Chơi với trẻ mới thấy những lúc bị xước đều do mình không biết cách chấp nhận và nhìn nó một cách cực đoan quá, hoặc, chỉ nhìn theo cách của mình như: Tại sao mình bị như thế này? Tại sao chuyện này lại rơi vào mình mà không rơi vào người khác? Còn với bọn trẻ, nếu có gì đó rơi vào đầu thì có thể chúng sẽ nghĩ, à có một quả táo vừa rơi xuống trúng mình và bước tiếp theo sẽ nghĩ mình sẽ làm gì với nó chứ không ngồi băn khoăn quá nhiều. Chúng chấp nhận tất cả, mà khi đã chấp nhận thì mọi việc sẽ rất nhẹ nhõm. Như mình đã nói rồi đó. Khi có thùng các-tông, bọn trẻ sẽ “à mình có cái thùng rồi, bây giờ sẽ làm được rất nhiều thứ”. Điều này có nghĩa là, bọn trẻ không hề than thân trách phận. Ở đây những vết xước cũng không trở thành vấn đề. Bởi với chúng, vết xước chẳng qua là vừa trải nghiệm qua một cái gì đó mới, rất thú vị. Nói tóm lại, mình không thông minh. Nhưng chơi với trẻ em mình học ở chúng cách nghĩ thoáng, rất tiến bộ.

Năm 2007, từ chương trình “Đổi chuông gió lấy một ngôi trường”, Nguyễn Lê My Hoàn đã kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ xây tặng học sinh vùng cao huyện Dak Krông, tỉnh Quảng Trị một ngôi trường. Năm 2008, cũng từ chương trình này, thêm một ngôi trường được xây mới tại huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên.

 

Ở Fetival Huế 2008, qua chương trình “Nối những tấm lòng vì vạn trái tim”, nhà văn trẻ đã kêu gọi các nhà hảo tâm mua những bức tranh do trẻ em vẽ, dùng số tiền đó phẩu thuật cho những em bé mắc bệnh tim ở Huế, và TP Hồ Chí Minh.

 

Cuối năm ngoái, cùng với hội đồng đội tỉnh Bến Tre, chị đã thực hiện chương trình “Nối dài chuyện cổ tích-một triệu viên gạch vì các bạn nhỏ Cu Ba”. Chương trình đã xây dựng một trường học ở làng Bến Tre, quận Batou, Lahabana.

* Chơi với trẻ con đã khá lâu, vậy chị có lời nào để chuyển cho người lớn?

 

- Thì đó đó. Bọn trẻ luôn đón nhận những gì mà cuộc sống tặng cho nó với thái độ rất hồ hởi mà không hề so đo tại sao chỉ có chừng này. Chúng chỉ nói ta có cái này để làm ra những cái khác. Cụ thể, nó xem vật có được là nền móng để đi tới. Còn người lớn thì luôn mong được nhiều hơn và thắc mắc, tại sao ta chỉ được chừng này.

 

* Có một câu không thể không hỏi. BTC xem chương trình của chị là Festival trẻ em trong lòng Festival Huế 2010 nhưng thời gian dành cho nó chỉ vỏn vẹn có một ngày, trong khi Festival cho người lớn có đến 8 ngày. Như vậy có ít quá không?

 

- Như hồi trước mình sẽ thắc mắc tại sao chỉ có một ngày. Còn bây giờ thì không. Mình nghĩ một ngày là đủ rồi, đủ theo nghĩa của trẻ con. Mình không quan tâm một hay nhiều ngày mà quan tâm đến chất lượng hơn. Giống như khi bố mẹ chơi với trẻ con năm phút với toàn bộ tâm ý thì hay hơn rất nhiều với khi bỏ ra một giờ chơi với con theo kiểu vừa chơi vừa nghe điện thoại hoặc vừa nghe vừa lướt internet như thể ở đó mà không ở đó. Sự quan tâm hững hờ còn đáng sợ hơn. Theo mình thì BTC Festival Huế 2010 đã quan tâm đến Festival trẻ em một cách thấu đáo.

 

* Xin cảm ơn chị về buổi nói chuyện thú vị này!

 

 

DƯƠNG QUANG TIẾN thực hiện

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: