Cùng lứa tuổi, cùng quê Nghĩa Hưng và cùng là hội viên bộ môn thơ của Hội VHNT Nam Định. Thế vậy mà mãi tới năm 2006, tôi mới được gặp Trần Văn Lợi. Tuy vậy nhưng rồi khi gặp nhau tôi lại không có sự bất ngờ nào cả, bởi từ trước đó rất lâu, khoảng từ giữa những năm 90 tôi đã biết về Lợi, đã được đọc nhiều thơ của Lợi trên các tờ báo và tạp chí của tuổi mới lớn lúc đó như Hoa Học Trò, Mực Tím... Và rồi sau này, khi có trong tay hai tập thơ “Miền gió cát” (NXB Thanh Niên - 2000) và “Lật mùa” (NXB Hội nhà văn - 2005) của tác giả Trần Văn Lợi, tôi lại càng có một định hình rất rõ nét về một con người, một tâm hồn thơ dung dị và đằm sâu, mang đặc tính của một miền châu thổ.
Tới tập thơ thứ ba “Bàn tay châu thổ” này thì cái chân dung về một miền châu thổ ấy đã thực sự được lột hết lớp vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài để lộ rõ ra cái cốt lõi thực chất của nó. Những câu thơ không cầu kỳ, bóng bẩy, thậm chí đôi chỗ còn cảm giác như tác giả chưa có được sự trau chuốt, vậy nhưng khi đọc, nó lại có được sự lôi cuốn, điều mà những người sáng tác văn học luôn mong chờ ở độc giả. Tuy vậy, ở bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập đến cái khía cạnh nổi bật của tập thơ, đó là chất quê, hồn quê trong thơ Trần Văn Lợi.
Một vùng châu thổ mênh mang cùng những con người tảo tần, nồng hậu được khắc hiện ra theo từng câu chữ. Mùi hương nồng nàn của đất phù sa, của lúa đồng chiêm đang vào vụ gặt...; vị mặn của gió biển, của những giọt mồ hôi lam lũ... tất cả như được hòa quyện vào tâm hồn thơ Trần Văn Lợi. Từng câu thơ chan chứa nỗi niềm, trở trăn cùng đất, cùng gió, cùng người mang đến cho người đọc một chút gì thật ấm áp, thân thương và khơi gợi cõi lòng. Ta hãy đọc những câu này: “Hạt giống bồn chồn trong vại/ Lắng nghe tiếng gọi mùa màng/ Phù sa trở mình phơi ải/ Cánh đồng tâm sự ngổn ngang...” (Tâm hồn ngậm sữa quê hương), rồi: “Lan man ngọn khói đốt đồng/ Thả bình yên cõi mênh mông đất làng/ Thưa dần những chuyến đò ngang/ Sông quê cũng bớt dềnh dàng nước lên.” (Tháng Mười)... Có thể nói, thơ Trần Văn Lợi mang đậm chất “nhà quê”, có cảm giác những nét mộc mạc, dân dã chốn thôn quê luôn được tác giả tập trung khai thác với niềm say mê đặc biệt.
Trong tập thơ “Bàn tay châu thổ”, mảng thơ lục bát được tác giả Trần Văn Lợi chăm chút khá kỹ càng. Phải chăng một phần đó là bởi tự thân thơ lục bát từ bao đời nay đã gắn liền với đời sống của cư dân miền châu thổ, phần nữa hẳn tác giả có dụng ý muốn mượn cái hồn của thơ lục bát để tạo nên cái tự nhiên, chất phác cho thơ mình? Hẳn là vậy, khi ta đọc những câu thơ nửa như vô ưu, hời hợt, nửa lại mang một triết lý nhân sinh sâu sắc:
“...Bến sông ngập ánh trăng vàng
Ta ra cởi bỏ nhọc nhằn, âu lo
Lợi danh một thực, mười hư
Trăm điều khao khát cũng phù sa trôi!...”
(Thôi ta về với ruộng đồng)
Đời sống sinh hoạt thường nhật của những cư dân châu thổ cũng đã được khắc họa khá rõ nét và giàu hình ảnh trong tập thơ này. Cảnh ruộng chiêm mùa gặt mùa cấy, cảnh những con thuyền nan lắc lẻo chài lưới trên sông, cảnh sân đình đêm trăng rộn rã với những cuộc liên hoan văn nghệ của các “diễn viên làng”...:
“Đêm đêm cùng bạn tập tành
Say mê, dẫu chẳng mong thành diễn viên
Sân đình chật ních người xem
Dù không rực rỡ ánh đèn, màn nhung…”
(Diễn viên làng)
Và cũng thật sống động với hình ảnh những đứa trẻ nhà quê hồn nhiên như củ khoai củ sắn làm rộn lên cả một góc sân:
“Góc sân loẹt quẹt chắt chuyền
Tóc râu ngô lách láng giềng chạy sang
Mệt nhoài cái bống cái bang
Con kiến kiện củ khoai lang xì xào...”
(Đồng dao)
Những góc cạnh của chốn quê mùa được lột tả rất tự nhiên và có hồn. Cái tươi tắn, hồn nhiên của cảnh vật, của con người miền châu thổ đã được lồng trong một sự sắp đặt có chủ định của tác giả.
Nói như vậy hoàn toàn không phải là khẳng định thơ Trần Văn Lợi đã đạt tới độ chín, không phải tất cả những bài thơ của tác giả này đều đã có chất lượng cao. Ngay trong tập thơ “Bàn tay châu thổ” này cũng vẫn còn có những bài mà tôi cho rằng nó còn hời hợt, dễ dãi, hoặc như cách nói mà gần đây nhiều người thường sử dụng, đó là “chưa đủ tầm để vượt ra khỏi lũy tre làng”.
Khi viết bài giới thiệu này, tôi không muốn mình viết chỉ để khen lấy lòng tác giả, hoặc tán tụng theo kiểu “một... hai... ba... chúng ta cùng vỗ tay nào!”. Ngược lại, tôi rất muốn tìm ra những khiếm khuyết trong thơ Trần Văn Lợi hòng để góp ý, mổ xẻ mong cho thơ của bạn mình sẽ ngày một chỉn chu hơn, và cũng là để làm ra vẻ mình cũng là kẻ hay chữ. Thế vậy nhưng rồi tôi cũng thấy rằng mọi thứ ở trên thế gian này đều không có đủ được sự vẹn toàn, được cái này thì mất cái khác, thơ văn cũng vậy, khó có thể nào mà hoàn hảo, kín kẽ được mọi mặt. Chính vì vậy mà tôi nghĩ ta nên nhìn nhận mọi vấn đề một cách cởi mở hơn. Cụ thể là ở tập thơ này, nếu cứ chỉ nhìn vào những yếu điểm để đánh giá thì sẽ là phiến diện. Mỗi một tác giả khi cho ra đời một tác phẩm cũng đều rất mong có được sự đón nhận của độc giả, như chính tâm tư của tác giả Trần Văn Lợi đã nói lên trong bài thơ “Một mình ra đứng bờ sông”: “Góp gom vốn liếng đời mình/ Nhớ thương mắc nợ, nghĩa tình nặng vay...”, vì vậy mọi sự phản hồi đánh giá cũng cần có sự trân trọng nhất định đối với tác phẩm và tác giả, cho dù có thể tác phẩm còn chưa đáp ứng được niềm mong đợi. Khen chê sao để cho tất cả cả cùng hướng tới một cái đích hoàn mỹ, tốt đẹp nhất cho thi ca, đó mới là việc nên làm.
Bình Chánh - Tp. Hồ Chí Minh, tháng 6 - 2010
Trần Hồng Giang
------------------------
Tác giả Trần Văn Lợi có nhã ý gửi tặng 20 tập thơ “Bàn tay châu thổ” tới các thi hữu cùng bạn đọc gần xa và rất mong có được sự đánh giá, nhận xét chân thành nhất. Mọi yêu cầu tặng sách xin được liên hệ theo số điện thoại: 0350.3705484, email: tranvanloi1976@yahoo.com.vn