Chủ nhật, 08/09/2024,


Nhà thơ Mỹ Fred Marchant: “Trong tim tôi, có một khoảng dành cho Việt Nam” (18/06/2010) 

Fred Marchant, nhà thơ Mỹ, nói về Việt Nam thật nồng nàn. 30 năm trước, Fred Marchant đã từ chối sang Việt Nam tham chiến và xin giải ngũ. Ông là sĩ quan đầu tiên giải ngũ trên tư cách một người phản đối cuộc chiến. Ông từ chối sự giết chóc ở Việt Nam, dù không biết trước rằng, gần 30 năm sau ông lại yêu đất nước đó như một phần của trái tim mình.

 

Nhà thơ Fred Marchant.

Tôi hỏi Fred Marchant, câu thơ nào viết về Việt Nam mà ông thích nhất. Marchant hỏi lại tôi: “Chị đã đến Huế rồi chứ, chị biết đàn Nam Giao?”, và cho tôi xem bài “Huế trong bóng đêm”. Ông viết bài thơ này trong một chuyến thăm tới Huế. Đêm đó nhà thơ Võ Quê đưa ông và các bạn thơ Mỹ đi ăn tối ở một quán ăn tên là Nam Giao Open. Mọi người bắt đầu hát và đọc thơ.

Đến lượt Fred Marchant, ông không thể nhớ gì hết. Lúc đầu ông nghĩ có lẽ mình không phải là một nhà thơ thực sự. Ông rất buồn vì không thể nhớ nổi thơ của mình... Khi trở về khách sạn, ông thức 2-3 tiếng để viết bài thơ này. Sáng hôm sau dậy, ông thay đổi chỉ một chữ, “con mắt yêu thương” (loving eyes) thành “con mắt sống động” (tạm dịch) (living eyes).

Ông nhận ra điều gì đã ngăn cản ông không nhớ nổi thơ. Đó là vì, ông ý thức rất rõ rằng có rất nhiều người chết xung quanh mình, cảm thấy sức ép từ họ, ông biết cuộc chiến tranh ở Huế đã kinh khủng như thế nào. Và ông viết: “Huế là trung tâm của vũ trụ / Hàng nghìn con mắt hướng về chúng ta... / Con mắt của nhiều người không còn trên đời này nữa / Mắt sống của những người bạn xung quanh ta”. Fred Marchant không trực tiếp cầm súng ở Việt Nam, với ông, đó là một may mắn lớn.

- Năm 1970, đang là lính thuỷ đánh bộ Mỹ đóng quân ở Okinawa, Nhật Bản, tôi được lệnh sang đất nước các bạn nhưng tôi từ chối. Tôi nhận ra rằng cuộc chiến tranh là sai lầm, vì vậy sau hai năm trong lực lượng lính thuỷ đánh bộ, tôi quyết định xin giải ngũ. Phải mất một quá trình pháp lý kéo dài và phức tạp, nhưng cuối cùng, tôi là lính thuỷ đánh bộ đầu tiên được giải ngũ trong danh dự (honourably discharged).

* Nhưng lúc đó ông đang ở Okinawa, người ta nói với ông rằng sang Việt Nam  là để “bảo vệ dân chủ”, vậy tại sao ông lại từ chối?

- Lúc đó phong trào phản chiến ở Mỹ rất mạnh mẽ, có rất nhiều tiếng nói thể hiện sự nghi ngờ, thể hiện sự phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Vì vậy, tôi đã đọc, tìm hiểu và nhận ra, cuộc chiến đó sai lầm về đạo lý, về linh hồn, sai lầm đủ mọi cách. Tôi gia nhập lính thuỷ đánh bộ vì nghĩ, là nhà văn, tôi muốn có tư liệu để viết. Đó là một cuộc phiêu lưu. Nhưng không có lý do gì để tham gia vào bạo lực chống lại loài người nữa.

* Ông có bị trừng phạt vì quyết định xin ra khỏi quân đội không?

- Trong các lực lượng quốc phòng Mỹ có một quá trình pháp lý để thuyết phục các cấp rằng bạn trung thực khi muốn giải ngũ. Tôi trải qua 6 tháng khó khăn để làm điều đó. Tôi bị phỏng vấn ở các cấp và đã viết 90 trang giải thích lý do. Nhiều người trong lực lượng lính thuỷ đánh bộ ủng hộ tôi ngay trong những năm đó. Sau vụ thảm sát Mỹ Lai, tôi nghĩ rằng chiến tranh là thứ không bao giờ tôi muốn tham gia cả. Vụ Mỹ Lai chính là bước khởi đầu, tôi suy nghĩ rất kỹ. Quyết định giải ngũ thay đổi cuộc sống của tôi từ đó. Đó là thời khắc quan trong của tuổi trẻ - lúc đó tôi mới 23-24 tuổi. Tôi không tin vào chiến tranh nữa, tôi không tin rằng loài người có thể giải quyết mọi khó khăn của họ bằng cách giết chóc lẫn nhau.

* Quả thực là ông may mắn, vì tôi đã nói chuyện với nhiều cựu chiến binh Mỹ, họ từng muốn phản chiến nhưng không thể làm được?

- Rất nhiều bạn tôi không may mắn thế. Tôi ở Okinawa chứ không phải ở Việt Nam, tôi đã tốt nghiệp đại học và là sĩ quan nên mọi việc dễ dàng hơn. Có lẽ họ sợ tôi sẽ lên tiếng với báo chí, mà tôi thì rất sẵn sàng làm điều đó. Có một vị tướng trong lính thuỷ đánh bộ, khi điều tra vụ của tôi, ông đã phỏng vấn và nói chuyện với tôi 4 tiếng. Ông ấy nói rằng ông ấy cũng phản đối cuộc chiến, cũng không thích thú gì với cuộc chiến cả, mà ông ấy là vị tướng. Tất cả mọi người đều biết rằng có điều gì đó sai trái, nhưng một số người sẵn sàng nói ra, một số người thì muốn tránh né.

Về Mỹ, đi học tiếp, rồi tham gia phong trào phản chiến, đi làm, Fred Marchant thấy cần viết ra những kinh nghiệm bản thân trong quá trình từ một lính thuỷ đánh bộ trở thành một người phản chiến. Nhưng ông mất rất nhiều năm mới viết được - đó là cuốn thơ đầu tiên “Tipping Point” xuất bản năm 1992 và được giải thưởng thơ quốc gia Mỹ mang tên Washington.

Cuốn thơ này là lý do để Trung tâm William Joiner mời Fred Marchant đến đọc thơ và nói chuyện tại hội thảo của Trung tâm. Ở đó Marchant đã gặp Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Thiều và sau này là các nhà văn, nhà thơ khác. “Chúng tôi thành bạn từ 1994 đến giờ, hơn 15 năm rồi. Những cuộc gặp ấy thực sự là một phát hiện,” ông nói.

- Phát hiện đầu tiên là tôi thấy mình biết quá ít về Việt Nam. Quá ít. Lại càng không biết gì về văn học Việt Nam, không biết rằng thơ ca quan trọng như thế nào trong lịch sử và cuộc sống của đất nước, của người dân. Đó là một phát hiện đẹp, thực sự tôi rất kinh ngạc. Tôi rất hào hứng khi biết rằng văn hoá Việt Nam phong phú đến thế. 6 tháng sau tôi thăm Việt Nam lần đầu tiên, tôi lại càng yêu mến Việt Nam, khi biết rằng nghệ thuật, văn hoá có vai trò quan trọng trong việc hình thành đời sống tinh thần của đất nước này.

Tôi mong sao nước Mỹ cũng vậy, thơ ca và văn học cũng quan trọng trong việc hình thành đời sống tinh thần của người Mỹ. Vì vậy tôi bắt đầu đưa những gì tôi biết về văn học Việt Nam vào công việc giảng dạy. Ở Mỹ nhiều người không muốn nhớ tới cuộc chiến tranh và những người đã ngã xuống. Công việc của tôi, với tư cách là nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, tôi phải nhắc nhở mọi người không quên điều đó.

* Vậy, ông nói gì với mọi người về thơ ca Việt Nam với tư cách là nhà thơ Mỹ?

- Trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, tôi đã thăm các nhà thơ Tô Nhuận Vỹ, Võ Quê ở Huế. Chúng tôi đọc thơ cho nhau. Với tôi, việc đọc thơ ở Việt Nam, về quyết định giải ngũ 25 năm trước làm cho tôi cảm thấy một vòng đời lớn đã hoàn thành. Tôi học được từ những người bạn Việt Nam rất nhiều về thơ ca, về sự tinh tế của hình ảnh, sự chân thật của cảm xúc, tất cả những điều đó truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều với tư cách là một người viết.

Tôi cho chị xem cái này. Fred Marchant lấy ra cuốn thơ thứ hai ông xuất bản có tựa đề “Full Moon Boat” - (tạm dịch “Chiếc thuyền tràn đầy ánh trăng”). “Giờ đang là lúc trăng tròn phải không?” ông hỏi. Marchant giở từng bài, bài đầu tiên nói về thời gian ông ở Okinawa, nhiều bài thơ ông viết về Việt Nam, về Huế, về sự gặp gỡ của ông với các nhà thơ VN, từ Nguyễn Trãi tới Trần Đăng Khoa Trong sách có cả hai bài thơ của Trần Đăng Khoa do ông và nhà thơ, dịch giả người Mỹ gốc Việt Nguyễn Bá Chung cùng dịch.

* Trong một tiểu luận, ông trích bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy tên tập thơ này có phải lấy cảm hứng từ “Nguyên tiêu”?

- Tôi lấy cảm hứng từ đó và thay đổi một chút thành tên tập thơ.

* Ông lần đầu đọc thơ Hồ Chí Minh khi nào?

- Tôi đã đọc “Nhật ký trong tù” lần đầu trong chuyến thăm đầu tiên của tôi đến đây. Trung tâm William Joiner cũng đã xuất bản tập thơ “Mountain River” (“Dòng sông núi”), gồm các bài thơ về chiến tranh của Việt Nam. Tôi đã đọc tập thơ đó, và bài thơ đầu tiên trong đó là của Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ, bài thơ này nói rằng con người không phải là một cỗ máy, chính là sự chuyển động của thiên nhiên đã đồng hành cùng ta. Cho dù nói về việc thảo luận “việc quân”, nhưng Hồ Chí Minh vẫn nhìn thấy sự chuyển động của tự nhiên, điều đó thật phi thường, thật đẹp, thật mạnh mẽ.

* Trong cuốn sách này tôi thấy có nhiều bài nói về Việt Nam...

- Quyển sách này ra đời từ sự tương tác của tôi với Việt Nam. Đây là đối thoại giữa cuộc sống của tôi ở Mỹ với một Việt Nam mà tôi gặp gỡ, không phải Việt Nam trong chiến tranh mà là Việt Nam thời hậu chiến. Tôi nhận ra rằng với cuốn sách này, tôi đã được tặng một món quà, không phải với tư cách một công dân Mỹ, mà với tư cách của một nhà thơ: Món quà đó, là gặp được tận trái tim của một nền văn hoá khác. Tôi chưa bao giờ biết rằng tôi sẽ được nhận món quà đó, học hỏi từ nó. Tôi muốn nói, tôi biết ơn vì điều đó.

Nhà văn Mỹ Lady Borton đã tìm thấy trong Bảo tàng Hồ Chí Minh bản thảo 20 bài thơ mà Trần Đăng Khoa viết gửi Bác Hồ năm 1968, lúc Khoa là một chú bé mới 12 tuổi. Chúng tôi đã dịch nó năm 2005. Năm 2006 khi vợ chồng tôi đến Việt Nam, Khoa đã mời vợ chồng tôi đến thăm bố mẹ anh ấy ở Hải Dương. Và chúng tôi ăn trưa ở góc sân nhà anh với bố mẹ và anh trai anh ấy, nhà thơ Trần Nhuận Minh. Cuộc gặp rất cảm động...

Mẹ của Trần Đăng Khoa thường lẩy Kiều cho anh ấy nghe. Trong bài thơ “Thư gửi mẹ”, anh ấy đã viết về điều đó: “Mẹ đừng lo, con không chết trong chiến tranh đâu”. Vì vậy tôi rất muốn gặp bà. Chúng tôi rất hiểu nhau. Từ góc sân của Trần Đăng Khoa, tôi nhìn rất rõ cậu bé ấy, gia đình cậu, bom B52. Và với tôi, một vòng đời khác lại hoàn thành. Ở Okinawa tôi đã nhìn thấy máy bay B52 cất cánh ném bom miền Bắc Việt Nam và trở lại vào ban đêm. Khi chúng trở lại, chúng nhẹ bẫng vì bom trút hết rồi. Vậy mà giờ đây tôi ngồi ở “góc sân” của Khoa.

Tôi muốn bạn hiểu rằng Việt Nam là một phần đang diễn ra trong tôi. Cho dù tôi không sống ở Việt Nam, nhưng trong trái tim tôi có ngăn dành cho gia đình, cho việc sáng tác, và cho Việt Nam.

 

 

Mỹ Hằng thực hiện

(Nguồn: Báo Lao Động Cuối Tuần)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: