Thứ ba, 14/01/2025,


Di chúc của Bút Tre (09/09/2008) 

 

    Vè sĩ Bút Tre mất ngày 18-5-1987 trong cảnh thanh bần tại quê nhà. Ngoài những tác phẩm đã công bố ông còn để lại hơn nghìn trang bản thảo chưa kịp xuất bản.

    Bạn đọc yêu lục bát ngày nay ai cũng thuộc một vài câu thơ nhại của Bút Tre, nhưng không phải ai cũng biết tên thật của ông là Đặng Văn Đăng. Sinh ngày 23-8-1911, tại xã Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ. Trước năm 1945, Đặng Văn Đăng dạy học ở Tuyên Quang, đã có truyện dài kỳ đăng trên trang Tiểu thuyết thứ 7 của tờ Đông Pháp, bút danh Lục Y Lang. Năm 1956, ông từng thư ký cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm.

    Năm 1962, Đặng Văn Đăng làm Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ. Năm 1968, là Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ. Năm 1970, nghỉ hưu....

“Cả đời công tác của cha tôi đến khi về hưu vẫn ở trong gian nhà lá, đi lại bằng chiếc xe đạp không có chắn bùn. Trước khi mất, gia tài mà cụ để lại cho con cháu là một chiếc xe đạp và một chiếc radio cũ” - ngồi bên mộ người cha - anh Đặng Thành Phiến - con trai thứ hai của vè sĩ Bút Tre, kể lại chuyện gia đình.

 

     Gia tài của ông Trưởng ty

     Anh Phiến kể rằng trước khi về hưu, ông Trưởng ty Đặng Văn Đăng cho chở một thuyền sách về nhà. Hôm có người làng về nhắn bảo mẹ anh chuẩn bị một xe cải tiến ra bến đò để chở đồ đạc của “quan” Đăng hồi hương mang từ tỉnh về, bà cùng các con tất tả đi mượn một chiếc xe cải tiến kéo ra bờ sông chờ đợi. Thuyền cập bến, ông Đăng hối hả gọi vợ con lên khuân vác. “Toàn sách là sách với chiếc xe đạp sắm được từ ngày đi công tác, cùng chiếc đài bán dẫn mà cha tôi hay đeo bên hông để nghe thời sự” - anh Phiến kể. Bà Thảo, vợ Bút Tre, ngơ ngác: “Có còn gì nữa không?”. Ông Đăng cười: “Ối, thế là nhiều lắm rồi, còn một ít sách nữa nhưng tôi cho mấy cậu ở cơ quan, sợ mang về nhiều nhà mình chật không có chỗ để!”.

      Nhưng những sách đó trong làng không ai đọc được vì toàn là sách tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Anh Phiến cho hay cha anh thích đọc sách bằng nguyên bản tiếng nước ngoài vì ông muốn tự dịch. Gian nhà lá của nguyên trưởng ty văn hóa vẫn như tự thuở nào ông xa nhà đi công tác: mái lá, tường đất, cửa ra vào là một tấm liếp. “Từ hôm cha tôi về nghỉ hưu, trong nhà vui hẳn lên vì có tiếng radio” - anh Phiến kể.

      Gian nhà lá của Bút Tre hầu như ngày nào cũng đông khách đến chơi, đàm luận về thơ ca hò vè cũng như mọi chuyện bức xúc của nông thôn thời ấy. Mỗi lần nghe những chuyện như vậy, ông Đăng lại cặm cụi suy nghĩ viết những lá thư đầy tâm huyết gửi lên các cấp lãnh đạo để giúp bà con đỡ vất vả.

      Cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ, nguyên bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, đã gửi cho họa sĩ Ngô Quang Nam đôi dòng cảm nhớ về Bút Tre nhân dịp ông Nam hoàn thành cuốn Bút Tre và giai thoại.

      Ông Ngọ nhớ lại: “Ngày tôi làm bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú, tôi thường được Bút Tre gửi cho những bài thơ và những tập nghiên cứu của ông. Lúc đó ông đã nghỉ hưu nhưng đầu óc vẫn luôn quan tâm đến hoạt động của cấp ủy. Đọc những điều ông trăn trở, tôi cứ suy nghĩ về một đồng chí cán bộ lãnh đạo ngành văn hóa nhưng rất tâm huyết, quan tâm đến đời sống người dân.

      

     Sống ở vùng trung du, Bút Tre quan tâm tới vấn đề đất đồi, đất rừng, vườn. Ông khuyến khích việc trồng cây công nghiệp ở quê hương, phê phán chính sách thu mua, phàn nàn về tình trạng đất trống đồi trọc, chê việc đưa máy cày lên đồi... Đều đặn tháng nào cũng nhận được ý kiến của ông và có lần chúng tôi đã trao đổi những suy nghĩ ông nêu ra, trong đó có vấn đề văn hóa Hùng Vương”.

      Anh Phiến cho hay cha anh lúc nào cũng lo việc thiên hạ nhưng rất vụng việc nhà. Bà Thảo cũng có lúc sốt ruột vì ông không biết làm việc nhà, “cho đến khi hưu rồi vẫn đi lo chuyện thiên hạ”. Những lúc bà vợ cáu giận là Bút Tre lỉnh mất, ông đi xuống các thôn làng nghe chuyện nông dân. “Lúc nào mẹ tôi nguôi giận thì cha tôi mới về!”- anh Phiến nói. Bút Tre chỉ biết làm bếp duy nhất một món là “xúp sắn” theo kiểu Tây, sắn được nghiền ra rồi quấy thành hồ, cho gia vị tương hành vào rồi nấu chín là xong. Ông sống cuộc đời thanh bạch và bần hàn như thế cho tới khi mất - năm 1987.

 

                                Di chúc của Bút Tre Đặng Văn Đăng:

 

Tôi dặn, tiễn tôi tới suối vàng
Thưa kèn, giảm trống, chẳng đò ngàng
Dứt đường Tây Trúc, kinh thôi tụng
Buông sách Thọ Mai, lễ chẳng màng
Xã hội, cơ quan ngừng phúng viếng
Họ hàng thân thuộc chút khăn tang
Hương thơm, đèn sáng, vòng hoa trắng
Trầm mặc, cử hành đám lễ tang

  

 

      Vè Bút Tre đã lan ra cả nước rồi!

 

      Theo nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, khi còn sống vè sĩ Bút Tre đã tiên đoán: Bản chất dân gian ham nghệ thuật/ Tự nhiên xã hội hẳn trường tồn/ Có ngôn ngữ hẳn ca vè có/ Sàng lọc truyền ngôn với nước non. Năm 1987, Bút Tre rời bỏ cuộc đời về với tổ tiên. Họa sĩ Ngô Quang Nam kể lại lúc ấy chưa có thông tin nhanh như bây giờ nhưng tin Bút Tre mất lan truyền nhanh lắm, bạn bè văn nghệ sĩ khắp nơi vượt sông Thao đến Đồng Lương để đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà con nông dân khắp vùng lân cận cũng kéo đến thắp nhang cho Bút Tre.

      Anh Phiến kể trước lúc cha anh ra đi, ông có gọi anh đến bảo rằng: “Cha sinh ra được ba người con, anh con đã hi sinh vì đất nước, chị gái con theo chồng làm ruộng. Nhà ta cha thấy không ai theo được nghiệp cha. Tất cả pho sách mà cha để lại, con đem thuyền chở đi hiến tặng thư viện tỉnh. Còn những bài thơ vè của cha, cứ để lại sau này ai đến xin thì cho, con đừng giữ làm gì. Vì thơ vè như cha làm, dân gian ai thích cũng làm được”. Nói xong, ông rút dưới gối đưa cho anh Phiến tờ di chúc viết bằng thơ.

     Hơn mười năm sau, họa sĩ Ngô Quang Nam, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn cùng nhiều văn nghệ sĩ khác trên đất Phú Thọ đã đi sưu tầm những giai thoại về Bút Tre tập hợp in thành sách. Nhưng khi đưa đi xuất bản lại gặp vấn đề. Tại Phú Thọ, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn bị “đánh lên, đánh xuống” vì ký giấy phép xuất bản tập sách sưu tập thơ Bút Tre và Bút Tre dân gian', có thời ông Nhàn còn bị trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ gọi lên kiểm điểm vì “tội nói xấu phụ nữ”. Ông Nhàn hỏi lại: “Nói xấu chỗ nào?”. Bà trưởng ban nói: “Cái câu“Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình” chả là nói xấu chị em à?”. “Cái câu ấy là dân gian nói đấy thôi”. “Dân gian là ai? Anh phải trả lời rõ, nếu không sẽ bị cấm viết báo”.

      Ông Nhàn sang gặp bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Trần Văn Đăng trình bày. Ông Đăng cười xòa, rồi điện thoại sang Ban tuyên giáo Tỉnh ủy thôi “truy xét” buồn cười ấy, ông bảo: “Bút Tre đã lan ra cả nước rồi, đấy là thơ cười Việt Nam cũng như truyện cười tiếu lâm Việt Nam, có gì mà phải truy xét ai viết với ai nói!”.

      Nhà thơ Kim Dũng, biên tập viên báo Văn Nghệ Đất Tổ, cho biết trên đất Phú Thọ hôm nay có nhiều người tự nhận mình là hậu duệ của Bút Tre như ông Đặng Trần Luật - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Ngọc Chân - nguyên Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, còn sáng tác hẳn tập thơ Hậu Bút Tre.

      Ông Dũng cũng cho biết những sách viết về Bút Tre được bán chạy nhất ở Phú Thọ. Tập Thơ và giai thoại về Bút Tre của họa sĩ Ngô Quang Nam được Hội Văn học - nghệ thuật Phú Thọ tái bản đến lần sáu đã hết veo trong dịp lễ hội đền Hùng năm ngoái và đang chuẩn bị tái bản lần bảy. Đó là chưa kể đến hằng ngày, hằng giờ trên khắp đất nước và những vùng có nói tiếng Việt, thơ kiểu Bút Tre ứng khẩu vẫn đều đặn được “xuất bản miệng” đem lại tiếng cười vui vẻ và trong trẻo.

      Cả đời thanh bạch, cả đời theo đuổi sáng tác thơ ca hò vè để đưa vào dân gian một trường phái mới, tạm gọi nôm na là “thơ cười” Việt Nam sánh cùng với truyện cười dân gian Việt Nam, cho thấy công lao vè sĩ Bút Tre không phải là nhỏ.

                                                              Theo ĐỖ ̃HỮU LỰC (TTO)

 

 

    Chú thích ảnh trong bài:

    - Anh Đặng Thành Phiến - con trai thứ hai của Bút Tre Đặng Văn Đăng đang kể chuyện những ngày cuối đời của cha mình.

    - Bút Tre - Đặng Văn Đăng (đứng thứ nhất, từ phải qua), ảnh chụp tại quê hương khi vè sĩ đã 75 tuổi, một năm sau thì ông mất.

    - Bút tích bản di chúc bằng thơ của vè sĩ Bút Tre - Đặng Văn Đăng.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: