Có thâm niên 65 năm làm cái nghề “đè đầu, vít cổ” để “sửa sang sắc đẹp” cho thiên hạ, phó cạo Cao Văn Tuế không quá nổi tiếng với nghề mà “bén duyên” hơn với nghiệp văn chương.
Giờ đã ở cái tuổi 80, ông Tuế vẫn ngày ngày cặm cụi ở cái quán cắt tóc có cái tên mỹ miều: “Tô Xuân” trên phố Thụy Khuê (Hà Nội). Với ông, đó không chỉ là nơi kiếm kế sinh nhai mà còn là “kho ý tưởng” cho cái nghiệp viết. Để tối về, ông lại hí hoáy bên sách bút viết lên những câu thơ, châm ngôn độc đáo…
Ông Cao Văn Tuế
'Vác' chuyện thiên hạ vào văn chương
Tư gia của ông Cao Văn Tuế là một căn nhà nhỏ bé, cũ kỹ. Bên chiếc bàn tre sờn cũ, mấy chiếc ghế gỗ hằn vết dầu thời gian, ông nở nụ cười hiền: “Tớ chỉ có châm ngôn tiếp khách…” Nói rồi, ông khoe “gia tài” là những quyển sổ cũ mèm, quăn mép có tuổi đời hàng nửa thế kỷ. Trong cuốn sổ ấy là chi chít những câu châm ngôn, bài thơ do chính tay ông viết từ những ngày đầu đến với nghiệp văn chương.
Ông Tuế có gốc gác ở làng Sủi (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội). Học hết tiểu học, ông Tuế nghỉ học để phụ giúp kinh tế gia đình. Năm 15 tuổi, ông học nghề cắt tóc từ một ông thợ trong làng. Nghề cắt tóc ngày ấy vốn không “thịnh” như bây giờ. Mở cửa hàng ở quê không có khách, phó cạo Cao Văn Tuế tìm đến làng An Thọ (phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) để hành nghề, rồi kết duyên với con gái của làng, an cư lập nghiệp đến giờ.
Nghiệp cắt tóc thăng trầm theo thời gian. Hết vào hợp tác xã, lại ra cắt tóc ở góc cây ven đường. Sau này, ông “mượn” được một gian phòng nhỏ, cạnh cổng đình làng An Thọ - vốn là nơi khai báo tạm trú, tạm vắng của phường Bưởi để hành nghề với biển hiệu: Tô Xuân. Ông lý giải, cắt tóc làm trẻ con người, cũng là tô đẹp cho tuổi thanh xuân, là vậy.
Bên cạnh việc cắt tóc, ông Tuế rất thích làm thơ, viết văn. Cũng lạ, học hành thì “chữ tác ra chữ tộ,” thế mà ông Tuế lại “có chân” hội viên Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội từ lứa đầu tiên, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước.
Nghề cắt tóc “buộc chân” khiến ông Tuế chẳng đi đến đâu, nhưng bù lại hay được “hóng hớt chuyện thiên hạ”. Chính cái miệng có duyên đến lạ của ông khiến nhiều người khách dốc ruột, dốc gan kể chuyện đời mình. Câu chuyện có thể từ chuyện vặt vãnh trong gia đình đến quốc gia đại sự, có thể là chuyện đời, chuyện nghề… Ông ghi chép, gom góp lại rồi đêm về lại đem nhưng câu chuyện người ta tự nguyện… cho không ấy, viết thành văn rồi gửi đăng báo, kiếm thêm tiền… tiêu vặt.
Chuyện sáng tác văn chương, viết báo của ông phó cạo Văn Tuế còn… nở rộ hơn khối người khi ông lần lượt “ẵm” nhiều giải báo chí. Có thể kể đến bài thơ “Chú công an tý hon” sau khi đăng báo Độc lập năm 1959, được Nhà Xuất bản Văn học đưa vào “Hợp tuyển Thơ văn thiếu nhi 1945-1960”.
Viết về làng Sủi quê mình, ông Tuế nhận nhiều giải thưởng như các tác phẩm: “Đường về làng quê không bị lấm giày” (Giải A, Báo Hà Nội mới năm 1999), “Nếp làng Sủi” (Giải ba cuộc thi Phóng sự báo Quân đội nhân dân năm 1998), “Hạnh phúc trên tay bà đỡ” (Giải B cuộc thi Sáng tác văn năm 2000)...
Ông bảo, cho đến nay, ông đã có 10 tác phẩm viết về làng Sủi quê mình được nhận giải từ cấp báo đến cấp huyện… Với ông, không biết thì không viết đã đành, không biết rành rọt ông cũng không đặt bút.
Sáng tác châm ngôn để… răn mình
Câu chuyện “vào guồng,” ông Tuế lệ khệ bê hàng chồng tài liệu ra khoe. Lạ nhất, trên nhiều tờ lịch có in những câu châm ngôn mà tác giả chính là… phó cạo Cao Văn Tuế.
Thấy khách “mắt tròn mắt dẹt,” ông Tuế cười khà khà nghe chừng sảng khoái lắm. Rồi kể, đêm 29/7/1991, nằm mãi không ngủ được, ông bèn dậy hí hoáy viết một cái gì đó. Cuối cùng, ông hí hoáy được 32 câu châm ngôn với câu đầu tiên: “Người già mọi cái đều co lại, riêng cái mồm lại rộng ra.”
Câu châm ngôn này của ông Tuế bắt nguồn từ câu chuyện của một người khách cắt tóc chiều hôm ấy. Vị khách này thao thao bất tuyệt cả buổi mà chẳng đi vào vấn đề gì cụ thể, và ông nảy ra câu châm ngôn kia để tự răn mình. Rằng khi về già, da mặt, chân tay, mắt… đều co lại, nhưng lại nói thật nhiều đến mức “mồm rộng ra”. Bởi thế, ông viết ra để tự răn mình kìm chế lời nói trong mọi tình huống sao cho hợp lý.
Trong số 32 câu châm ngôn “mất ngủ” ấy, ông Tuế gửi đi các báo thì có tới 31 câu được đăng tải. Có những dòng tâm thức khi ngắn gọn:“Chê nhau nhăn mặt, chán nhau quắt gan”, khi hóm hỉnh: “Bố con đều khôn, khó bàn/Chủ khách đều khôn, khó nói”. Thậm chí, nhiều câu làm người khi sưu tầm để đăng lại trên báo, sách, lịch, đã nhầm là của... Khổng Tử: “Chê người mà được thưởng là gặp Thánh/Khen người mà bị phạt là gặp Thần”, “Nói viển vông phí một lúc, làm viển vông phí một đời...
Ông Tuế vui vẻ khoe, đến thời điểm hiện tại ông đã có 3.688 câu châm ngôn với hơn 1.000 câu được đăng trên các sách, báo, lịch. Chúng đều là những câu nói ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ và đúc kết từ cuộc sống, từ những câu chuyện lẽ đời đổi thay, đen bạc. Từ đó, hướng con người tới cuộc sống vị tha, biết nhường nhịn, yêu thương, đối nhân xử thế. Thành quả là, năm 1995, ông Tuế được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin chọn một số câu châm ngôn để in thành sách có tên là 'Tâm Văn'.
Không chỉ viết báo, làm thơ, viết châm ngôn, ông thợ cạo Cao Văn Tuế còn viết câu đối bằng Hán tự cho dù không hề biết viết tí chữ Hán nào. Ông bảo, đấy là do học lỏm, hay đọc thơ dịch từ chữ Hán sang nôm, rồi nhớ lại để khi nào viết thì… lắp ghép vào. Sau đó, ông sẽ mang tới những người bạn là bậc túc nho để nhờ sửa xem có… sai sót gì không.
Trong “kho” câu đối của mình, ông có nhiều câu nói về các bậc danh tướng, người có công với nước như câu về Tướng quân Nguyễn Sơn: “Chí tráng sơn hà Lưỡng quốc tạc/ Danh truyền sử sách thiên thư lưu” (tạm dịch: Chí khí sông núi hai nước khắc ghi/ Danh tiếng truyền lại trong sử sách vạn trang lưu giữ) – câu đối này được trang trọng in trong cuốn sách giới thiệu về vị tướng tài ba này, do Nhà Xuất bản Thông tấn ấn hành…
Ông Tuế tâm sự, đang ấp ủ nhiều áng văn thơ cho Hà Nội nghìn năm văn hiến để chào mừng Đại lễ. Rồi ông lão tóc bạc ấy đọc cho khách nghe những dòng thơ, như bật từ tâm can: '...Ngàn năm - Ngàn năm/ Lấy nước sông Tô, sông Hồng làm mực không đủ/ Máu của chúng ta/ Viết về Thăng Long Hà Nội/ Oai hùng cùng thương tích/Thấm hồng trang sử'.
Bây giờ, ông chỉ có một ước mong, có một đơn vị nào đó tái bản cuốn châm ngôn Tâm Văn, hoặc in những bài viết về mảnh đất làng Sủi quê mình để làm vật gửi cho Hà Nội. Còn về mình, ông chỉ xin ít sách gửi bạn thơ trong dịp Đại lễ. Ấy cũng là cách để ông đóng góp những hiểu biết về Hà Nội ngàn năm văn hiến, về con người Tràng An vào kho tư liệu quý giá của mảnh đất kinh kỳ.
Chia tay khách, ông Tuế đọc hai câu như tóm lại cuộc đời mình, để kết cho một câu chuyện về người cắt tóc đầy duyên nợ với văn chương: “Ngày vương tóc vụn, tối dốc tâm can/ Gieo vần ủ chữ, thấm đọng nhân gian...”. Ông bảo, đầu mình ít chữ, nên phải dốc tâm can, xương tủy để gieo vần.
Với ông, nghề hớt tóc chỉ là một lẽ tự nhiên để đảm bảo duy trì cuộc sống, còn duyên nợ đối với văn chương thì chỉ dứt khi đã xanh cỏ mà thôi.
(Theo Vietnam+)