Thứ sáu, 18/10/2024,


Chiếc ấm của một thời đói khổ. (17/06/2010) 

Ngày chồng tôi qua đời, tôi không có một đồng xu dính túi. Nỗi buồn len tận trong tâm hồn tôi, đi vào giấc ngủ tôi như một cơn ác mộng. Giật mình tỉnh giấc chồng đã đi xa, con dại đang nằm một bên. Ngước mắt nhìn trời, trời cao và xa quá. Ngước mắt nhìn con, con còn quá dại.

 

Khuôn mặt thơ ngây của đứa con gái đầu chưa đầy 6 tuổi đang nhoẻn miệng cười, đứa con thứ hai đang quẫy mình đạp chân, đứa con gái út mới sinh một tháng 20 ngày đang khóc ngất lên từng hồi vì đói sữa. Ba đứa con thơ đang ở bên tôi. Rồi lấy tiền đâu cho chúng ăn, tiền đâu cho chúng đi học, tiền đâu khi chúng ốm đau... Đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện chết đi cho xong, nhưng nghĩ đến ba đứa con gái nhỏ bơ vơ trên cõi đời.

 

Gạt nỗi đau, tôi đứng lên để bước khi vết mổ sinh chưa thật lành, trong tay không tiền không gì cả. Khi đang loay hoay tìm cho mình một lối thoát, dì Tư bán bún mắm nêm ở chợ Đông Ba bày cho tôi bán nước chè xanh, chỉ cần một chiếc ấm, một cái ly và 2.000 đồng tiền vốn. Nhưng nó là một khoản khổng lồ đối với tôi hồi ấy. Tôi đến hàng ấm chén của dì Sáu, nước mắt ngắn dài khi tôi nói chuyện với dì Sáu, dì đồng ý bán nợ cho tôi một chiếc ấm nhôm cũ của Liên Xô và mỗi ngày chỉ cần trả cho dì một ấm nước chè là đủ. Suốt một năm trời tôi mới trả xong tiền ấm. Chiếc ấm đầu tiên đem lại cơm áo cho các con tôi qua những ngày đói khổ.

 

Sau mùa hè thứ nhất, tôi đã tích góp và mua thêm một chiếc ấm nữa. Hai chiếc ấm trên tay, tôi đã đi lên lầu Chuông, đi ra bến xe, đi xuống bến đò, đi qua hàng bánh, đi về hàng cơm... Tôi không thể nhớ nổi đôi chân tôi đi qua bao nhiêu con đường, đi qua bao nhiêu gian hàng ở chợ Đông Ba.

 

Tôi đi như được tiếp thêm sức mạnh của lòng thương người và tình nhân ái ở chợ. Các mệ, các chị dần quen tôi và thương cho hoàn cảnh của tôi nên thường cho các con tôi áo quần cũ, cặp sách và đôi khi cả những đôi dép. Tôi vẫn còn nhớ như in những buổi trưa nắng như lửa đốt, tôi cố chạy thật nhanh qua đường Trần Hưng Đạo, đem ly nước mát lạnh đến với những bác xe thồ; những buổi chiều chủ nhật, đứa con gái đầu của tôi lại xách ấm nước xuống chân cầu Tràng Tiền bán cho các chị bưng hàng dưới bến. Rồi cả những ngày mưa dầm dề đất Huế, tôi ngồi co ro ở góc chợ với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Chiếc ấm mang hơi nóng của nước xua cái lạnh của mùa đông.

 

Mùa hè thứ hai qua đi, tôi đã mua thêm một chiếc ấm nữa, chiếc này chỉ để dành cho đứa con gái lớn của tôi. Sau những ngày đi học, chủ nhật đến, hai chị em nó lại ngồi dưới gốc cây phượng già chân cầu Tràng Tiền bán chè xanh và bong bóng cho các gia đình đưa con đi phố, tiền lời bán được chúng bỏ vào con lợn con để mua sách cho học kỳ tới.

 

Mỗi một năm qua đi, quai ấm lại mòn thêm phân nửa nhưng các con tôi lại trưởng thành hơn rất nhiều. Sáu năm trời tôi bán nước chè xanh bên hàng bún mắm nêm của dì Tư, những đứa con gái của tôi ngày một lớn, xinh đẹp và học giỏi. Mẹ con tôi dần dần bước qua những tháng ngày cực khổ nhất. Giờ đây đứa con gái lớn sắp tốt nghiệp đại học, đứa thứ hai đang là sinh viên năm 2 và tôi đã có một gian hàng nhỏ ở chợ. Tôi đã trồng một giò phong lan tím trong chiếc ấm cũ bị thủng đáy đặt ở sau vườn như một lời tri ân cùng chiếc ấm. Cám ơn mi, chiếc ấm của một thời đói khổ.

 

 

NGUYỄN THỊ XINH

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: