Chủ nhật, 22/12/2024,


Người có duyên với các vai bà mẹ (14/06/2010) 

Với vẻ mặt phúc hậu, diễn viên Hoài An vào vai các bà mẹ ngọt đến nỗi nhiều người quên mất tuổi thật của chị. Hàng loạt các phim như: Gọi giấc mơ về, Hai mảnh đời, Lửa đáy hồ, Tường Vi cánh mỏng... những bà mẹ qua diễn xuất của Hoài An luôn để lại cho khán giả những tình cảm sâu sắc. Ðó là những bà mẹ Việt Nam luôn tảo tần hy sinh vì chồng con, không suy tính thiệt hơn.

 

Nghệ sĩ Hoài An (phải) trong phim 'Hai mảnh đời'.

Xem Hoài An trong phim, không ai nghĩ là chị đang diễn, bởi chị như đang sống cùng nhân vật. Vai diễn gần đây nhất của chị trong Câu chuyện pháp đình là một người mẹ gánh ve chai nuôi con ăn học. Từ dưới quê lên Sài Gòn cùng đứa con trai, mỗi ngày, khi con trai đi làm thì người mẹ già lầm lũi đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Mỗi chiều trở về căn nhà trọ trống hoác, bà tẩn mẩn đếm từng đồng bạc lẻ nhàu nát. Yêu thương con, đặt tất cả hy vọng vào các con, nên khi biết con trai vướng vào ma túy, bà ngã quỵ rồi lại đứng lên để giành giật con trở về. Ánh mắt đau đớn, yêu thương xen lẫn bất lực của người mẹ đã thức tỉnh đứa con trai trong cơn nghiện, nhưng tình thương dành cho mẹ đã bị ma túy làm mờ mắt nên anh ta bất chấp. Khai thác đôi mắt biểu cảm, Hoài An tải hết thông điệp yêu thương tận cùng vào trong đó, để khi xem hết bộ phim, nỗi xúc động về tình mẹ vẫn đong đầy trong khán giả.

 

Bà Hào trong Tham vọng là vai lạ của Hoài An, sau hàng chục vai người mẹ hiền lành, nghèo khổ. Tuổi đời lớn hơn con trai - diễn viên Cao Minh Ðạt một tuổi, Hoài An vào vai mẹ rất... 'tỉnh'. Mỗi lúc con trai kiếm chuyện với đứa em trai cùng cha khác mẹ là bà Hào hùa theo con, không cần phải trái. Giọng nói chì chiết và sự ngoa ngoắt của bà Hào được Hoài An đẩy lên cao độ thành một người vợ thủ đoạn, một người mẹ yêu con mù quáng. Bà Hào đáng trách hơn đáng thương.

 

Hơn mười lăm năm theo nghề diễn viên, Hoài An 'chết' ở vai già. Càng đóng, chị càng 'lên' tuổi, từ vai người mẹ trung niên đi thẳng đến vai mẹ già 60 tuổi rồi 80 tuổi. Chưa kể, sắp tới, chị lên đến chức bà ngoại trong Hoàng hôn mẹ. Nhiều khán giả gặp chị ngoài đời đã phải ngạc nhiên, bởi người họ gặp là một Hoài An trẻ trung, sôi nổi. Chị cứ nhớ mãi lời một khán giả khi gặp chị ngoài đường: 'Trời ơi, Hoài An chuyên đóng vai mẹ già đây sao?'. Ở Hoài An có sự chín chắn, điềm đạm của người phụ nữ đã trải qua sóng gió cuộc đời. Mỗi lần có phim mới, các đạo diễn quen gọi chị đến nhận vai, không cần hỏi chị cũng biết đó là vai mẹ, vai bà. Ðược yêu thích ở vai lớn tuổi, chị vui. Nhưng nhìn lại mấy chục bộ phim toàn vai mẹ, chị sợ mình bị đóng khung. Bởi thế, mỗi khi có cơ hội, Hoài An luôn tận dụng để thử sức ở nhiều loại vai khác nhau.

 

Từ mơ ước bình dị là mở một tiệm may sống yên ổn, Hoài An chạm ngõ nghệ thuật khi tình cờ đọc báo biết đến cuộc thi Khuôn mặt điện ảnh triển vọng qua ảnh. Ði thi chơi cho biết không ngờ bén duyên luôn. Nhưng 24 tuổi chị đã lấy chồng, tạm rời bỏ cuộc chơi với nghệ thuật. Bốn năm sau, hôn nhân tan vỡ, chị một mình nuôi con và trở lại với phim ảnh như cái nghiệp. Với những trải nghiệm từ cuộc sống, chị vào phim tự nhiên như đời thật của mình.

 

Nhiều người nói, Hoài An nhận vai nào thì sống chết với vai đó. Vào nhiều vai mẹ, sợ trùng lặp nên chị rất chú trọng ở khâu tạo hình nhân vật. Khán giả hiếm khi thấy các vai diễn của chị giống nhau, mà mỗi vai luôn có sự sáng tạo. Chị cẩn thận ghi chép từng chi tiết vai diễn trong quyển sổ. Có lần, chị quên mang sổ theo, người lo phục trang đưa ra bộ đồ sai với cảnh đầu, Hoài An đã chờ xem phim phát sóng trong sự lo lắng. Chị tự hứa sẽ không có 'sự cố' này ở những lần sau.

 

Với Hoài An, 'máu' nghề đã thấm vào chị. Thỉnh thoảng hết phim, nghỉ ngơi một tháng là chị bứt rứt không yên, mong có phim mới để được thể hiện. Ði diễn là công việc duy nhất nuôi sống hai mẹ con, nên Hoài An cố gắng nhận nhiều phim, dành dụm tiền nuôi con. Nhưng một năm qua nhìn lại, chị thấy mình cần phải có những khoảng lặng để tự đánh giá và hoàn thiện.

 

Hạnh phúc đời thường của Hoài An rất bình dị. Mỗi ngày đi quay phim, chị thường tranh thủ chở con trai đến trường, để được nghe con thủ thỉ chuyện trường lớp. Ðứa con trai 10 tuổi là niềm vui vô tận của chị. Tám năm qua, hai mẹ con chị sống cùng ông bà ngoại. Yêu con, chị đã bỏ qua nhiều cơ hội tìm kiếm hạnh phúc riêng. Chị sợ đủ điều, sợ người đến sau không yêu thương con mình, sợ mình say hạnh phúc mới bỏ bê con... Từng trải qua cảm giác hạnh phúc rồi đau khổ, chị sợ những đổ vỡ bất chợt, nên luôn biết cân bằng cảm xúc.

 

 

Thanh Phúc

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: