Nhạc sĩ Từ Công Phụng khẳng định: “Rồi đây, khi sức khỏe trở lại bình thường, tôi sẽ đến bất cứ nơi nào mà những người yêu nhạc muốn tôi xuất hiện...”
Tôi nghĩ thật không cần thiết khi nói đến kho tàng âm nhạc của Từ Công Phụng vì lẽ đơn giản là đã có nhiều người tôn vinh các tác phẩm của ông. Và hàng ngàn khán giả thương yêu dòng nhạc của ông đã viết về Từ Công Phụng trên khắp diễn đàn trên các trang web.
Tôi chỉ muốn nhắc đến đời thường - rất thường về người được nhân gian đặt cho danh hiệu “Người nhạc sĩ viết tình ca” này. Thật vậy, ngay cả chính Từ Công Phụng cũng xác nhận điều này và cụ thể nhất khi lần đầu tiên trở về hát cho khán giả trong nước, ông đã lấy chủ đề cho những đêm nhạc của ông tại phòng trà Văn Nghệ vào năm 2008 là “Từ Công Phụng 45 năm tình ca”.
“Quê tôi nghèo lắm”
Ngày chúng tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất đón ông và gia đình, gồm cô vợ Jannine Kim Ái, cậu con trai Từ Công Phan Huy và con gái Từ Công Phan Đoan về thăm quê hương lần đầu, sau thời gian xa cách khá lâu, tôi và nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng chứng kiến cảnh ông khệ nệ khiêng hàng chục kiện hàng mang theo. Tôi thầm nghĩ, về Việt Nam có 3 tuần lễ, ăn diện gì mà rinh “cả nước Mỹ” theo cho khổ sở như vậy.
Sau đó, tôi mới biết những kiện hàng này là tất cả những gì ông có thể góp nhặt được để mang về quê ông, biếu tặng bà con cả làng, từ vật dụng sinh hoạt, quần áo cùng một ít tiền. Ông lý giải: “Quê tôi còn nghèo lắm. Những bạn bè, họ hàng, người thân quen sẽ rất vui khi nhận những món quà mình cất công mang từ Mỹ về”.
Ngày ấy, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng có nhiệm vụ mỗi đêm chọn một địa điểm để đưa ông và gia đình đến vui chơi. Và buổi “vui chơi” đầu tiên của gia đình ông là phòng trà Văn Nghệ (thời điểm này phòng trà Văn Nghệ còn do ông Nguyễn Ngọc Thạch, chủ nhà, làm chủ và đây cũng là phòng trà ca nhạc đầu tiên của TPHCM được phép tổ chức ca nhạc chuyên nghiệp).
Đây là nơi biểu diễn hằng đêm của nữ ca sĩ có giọng ngâm thơ tuyệt vời Hồng Vân cùng các ca sĩ Ánh Tuyết, Cao Minh, Yến Thu. Tại đây, nhạc sĩ Từ Công Phụng cũng không thể từ chối khi một số khán giả nhận ra tác giả Mắt lệ cho người, đã yêu cầu ông hát tặng khán giả và đặc biệt cho Kim Ái, người vợ luôn gắn bó, chia sẻ với ông.
Mãi đến 10 năm sau, với nỗi nhớ quê hương - nơi ông đã sinh ra và đã có một thời tuổi trẻ, nhớ bạn bè, bà con, ông đã trở về qua lời mời biểu diễn tại phòng trà Văn Nghệ mà đã có lần Vũ Xuân Hùng đã đưa gia đình ông đến, gần 10 năm trước. Ông muốn có một lần trở về hát những nhạc phẩm tình ca của mình trước khán giả quê nhà.
Tình ca vĩnh cửu
Từ Công Phụng từng tâm sự với công chúng Việt Nam: “Tôi tôn thờ tình yêu nên cuộc đời của tôi luôn gắn liền với tình ca. Trong gia tài hơn 100 ca khúc, tôi toàn viết về tình yêu thôi. Chính vì vậy, trở về Việt Nam biểu diễn, tôi không chỉ giữ lấy nhạc tình cho mình mà còn mong muốn những bản tình ca vẫn có thể đến được và lay động cảm xúc khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ”.
Buồn nhất là hát sai lời
Có lần Từ Công Phụng tâm sự rằng trong đoạn cuối của bài Mắt lệ cho người: “Xin em hãy cho tôi tạ tình, khi em đã đi qua quãng đời tôi. Dù một khoảnh khắc sớm phai tàn, và lệ em ngấn trên mi nhạt. Đôi mắt em rất buồn. Đôi chúng ta rất buồn. Vàng câu tình cũ gửi vời theo đời” có một số ca sĩ lại hát: “Vàng câu tình cũ gửi lại cho đời”.
Theo ý Từ Công Phụng: “Cuộc tình dang dở đó chưa nói hết thành lời thì người đã quay lưng nên mình mới phải chạy vội “gửi vời theo đời”. Rất gần với chữ “gửi với theo” vậy.
Cũng như hình ảnh rất đẹp, rất ngậm ngùi trong Mắt lệ cho người là câu: “Dù một khoảnh khắc sớm phai tàn và lệ em ngấn trên mi nhạt” “ngấn” chứ không phải là “rớt” trên mi nhạt. Nghe thật ngây ngô. Theo ông, không có gì buồn bằng lời bài hát bị thay đổi một cách vô tội vạ. |
Ông nói: “Trên đời còn những người yêu nhau thì nhạc tình vẫn sẽ được đón nhận. Tôi vẫn thường nói với nhiều người rằng tình ca như chiếc gương soi mà khi đi qua đó, mọi người đều thấy phần đời mình. Khán giả tìm về những bản tình ca xưa cũng là cách để họ tìm thấy chính mình trong đó”.
Lý giải vì sao trong nhiều tác phẩm của ông: Như chiếc que diêm, Mắt lệ cho người,... hay khi đề cập về cái chết, Từ Công Phụng nói: “Cái chết với tôi nhẹ nhàng lắm bởi tôi nghĩ không có gì tồn tại mãi được, cũng phải đến lúc phai tàn. Nếu có điều gì vĩnh cửu thì đó là tình yêu như sáng tác mới nhất của tôi: Mãi mãi bên em”.
Những ngày qua, biết tin nhạc sĩ Từ Công Phụng đang lâm trọng bệnh, hàng trăm e-mail đã gửi đến gia đình ông từ khắp nơi với nhiều lời chia sẻ và cả những toa thuốc mà họ hy vọng sẽ giúp nhạc sĩ vượt qua cơn bạo bệnh.
Tin mới nhất từ gia đình nhạc sĩ Từ Công Phụng gửi về trong ngày 3-6 cho biết tình trạng sức khỏe của ông đang tiến triển tốt hơn, nhịp độ sinh hoạt hằng ngày của ông đang trở lại bình thường: ăn được, ngủ được... tốt hơn cả sự chờ đợi của các bác sĩ điều trị.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng cho biết theo yêu cầu của bác sĩ, ông sẽ trải qua thêm 6 kỳ hóa trị nữa. Ông gửi lời cảm ơn sự quan tâm, thăm hỏi của các thân hữu và những người yêu mến ông. Ông nhấn mạnh: “Rồi đây, khi sức khỏe trở lại bình thường, tôi sẽ đến bất cứ nơi nào mà những người yêu nhạc của tôi muốn tôi xuất hiện...”.
Xuân Hòa
(Nguồn: Báo Người Lao Động)