Chủ nhật, 22/12/2024,


Sự "trở về" bất ngờ sau gần nửa thế kỷ (11/06/2010) 

Sau 41 năm lưu lạc, cuốn nhật ký bằng tranh của họa sỹ Lê Đức Tuấn đã được trả về đúng chủ nhân của nó... Số phận của cuốn nhật ký này là một cuộc hành trình với một kết thúc có hậu đầy bất ngờ.

 

“Buồn quá, mất hết cả tranh vẽ kể từ ngày bước chân vào bộ đội, và mất hết cả những dụng cụ vẽ rồi. Biết làm thế nào. Từ nay mình không được vẽ nữa. Tiếc quá! Bao nhiêu hình ảnh sinh động thời bộ đội mình ghi lại được đều mất cả… - Ngày 29/3/1968”. - Đây là những dòng tâm sự của họa sỹ Lê Đức Tuấn trong một cuốn nhật ký khác mà ông đã cho tôi xem, ghi lại thời điểm sau khi cuốn nhật ký bằng tranh của ông bị thất lạc sau trận đánh đầu tiên ông tham gia - trận Chư Tăng Cơ Ra - trong Chiến dịch Mậu Thân tháng 3/1968 tại Tây Nguyên. Không ngờ 41 năm sau, cuốn nhật ký bằng tranh của họa sỹ Lê Đức Tuấn đã được trả về đúng chủ nhân của nó... Số phận của cuốn nhật ký này là một cuộc hành trình với một kết thúc có hậu đầy bất ngờ.

 

      

Thiếu tướng Lê Mã Lương (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)

 trao tượng trưng cuốn ký họa cho tác giả Lê Đức Tuấn.

 

Từ Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến...

 

Một kỷ vật khá đặc biệt nằm trong số 50 kỷ vật kháng chiến mà phía Mỹ gửi Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ngày 9/1/2010, đó là cuốn nhật ký bằng tranh của một họa sỹ lúc đó được biết đến với cái tên L.Đ.Tuấn cùng với giả thiết: tác giả đã hy sinh. May mắn thay chỉ ít ngày sau đó, qua các phương tiện thông tin đại chúng, cùng với những dấu hiệu để lại trên cuốn nhật ký: tên tác giả L.Đ.Tuấn và nét viết của người bạn thân Hoàng Thư đề tặng tác giả trên trang đầu cuốn sổ nhật ký, cuốn nhật ký đã được trở về với chủ nhân của nó. Ông là họa sỹ Lê Đức Tuấn - nguyên họa sỹ trình bày Báo Quân đội nhân dân.

Cuốn nhật ký gồm 109 bức vẽ với nội dung đầy lạc quan, tả cảnh thiên nhiên, con người thân thương, gần gũi. Đây là những bức ký họa đẹp, sắc nét, bố cục chặt chẽ, màu nước tươi tắn... Những trang đầu vẽ bằng màu nước nhiều màu sắc, những trang sau vẽ bằng màu nước đen, và những trang sau nữa thì chỉ được vẽ bằng chì than và mực... Điều này cũng phần nào phản ánh được sự thiếu thốn của chiến tranh mà những người lính đã phải trải qua. Trong cuốn nhật ký đặc biệt này, họa sỹ Lê Đức Tuấn đã vẽ lại những vùng đất, làng quê, bắt đầu từ nơi đầu tiên anh đóng quân, những hoạt động của người lính, những gương mặt đồng đội như đội trưởng Lâm, đồng chí quản lý đại đội Quyết Thắng, Y tá H... Qua đó, người xem hiểu được từng ngày, từng giờ những người lính đã sống và làm việc trước ngày ra trận như thế nào.

 

Họa sỹ Lê Đức Tuấn (bên trái) cùng các đồng đội cũ và

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Đoàn Công Huynh xem lại quyển ký họa.

 

Toàn bộ cuốn nhật ký gồm 112 bức vẽ, 3 bức bị thất lạc, nên chỉ còn 109 bức. Khi nhặt được cuốn nhật ký này, người lính Mỹ, sau này là thiếu tướng Robert Simpson đã ngăn các đồng đội của mình đừng đốt, rồi xé ba bức ký họa gửi về cho vợ ở Mỹ - đang làm việc tại một trung tâm nghiên cứu về Việt Nam, để nhờ thẩm định nội dung tranh. Ông cho rằng: “Đó không phải là những bức khá nhất nhưng đã giúp ta có thể hiểu rằng con đường hành quân vào Nam đã ảnh hưởng đến Tuấn như thế nào?”.

Trong bài viết đăng trên báo The Columbus Enquirer của Mỹ do chính Robert Simpson viết ngay sau khi đó, ông cho rằng: “Anh (L. Đ. Tuấn) đã chết tại đồi Yên Ngựa, cách một làng người Thượng có tên là Polei Kreng Chông 10 dặm”. Robert Simpson còn mô tả: “Người lính có tên L. Đ. Tuấn còn rất trẻ, là người có học thức và có giáo dục. Anh còn mang theo một tập thơ. Lê Đức Tuấn đã hành quân hàng ngàn kilômét. Các bức vẽ, tập thơ rất quan trọng đối với anh. Thông thường, người ta không mang theo những gì không quan trọng khi hành quân trong rừng hàng tháng trời”.

Theo những gì mà Robert Simpson kể lại trong bài báo, khi thu được cuốn nhật ký, chính ông đã ngăn cản đồng đội đừng đốt bỏ. Những người lính Mỹ tiểu đoàn 3 đã không đốt cuốn nhật ký, sau đó đem tặng viên tướng chỉ huy mặt trận Đắc Tô, Tân Cảnh thời đó - tướng William R. Peers. Từ đó, cuốn sổ đã được gia đình tướng William R. Peers giữ gìn rất cẩn thận. Ngày 9/1/2010, cuốn nhật ký bằng tranh được gia đình tướng William R. Peers gửi tặng Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến, thông qua Bộ Ngoại giao và Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam.

 

... đến cuộc tái ngộ bất ngờ sau 41 năm

 

Căn hộ trên tầng 5 khu tập thể quân đội tại 4B Lý Nam Đế, trong căn nhà của người họa sỹ già đã nghỉ hưu treo những bức tranh do chính ông vẽ với nét vẽ giản đơn, mộc mạc về làng quê, con người đã để lại cho người xem cảm giác bình yên. Chỉ cách đây khoảng nửa năm thôi, ông vẫn không hề nghĩ rằng một điều kỳ lạ sẽ đến với mình.

Từ cuộc trao tặng kỷ vật kháng chiến diễn ra hôm mùng 9/1/2010 vừa qua giữa những người từng đứng giữa hai phía chiến tuyến, một cuộc “truy tìm” tác giả bắt đầu... Khi chủ nhân của cuốn nhật ký bằng tranh được tìm thấy, với những ai từng được xem những bức vẽ trong đó, và xem những bức vẽ họa sỹ Lê Đức Tuấn treo trên tường nhà mình, thì rất dễ dàng nhận ra, tất cả những bức vẽ ấy đều cùng mang một phong cách: Bình dị, gần gũi và rất lính…

Họa sỹ Lê Đức Tuấn kể lại, trong suốt gần mấy chục năm trời, ông chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó mình tìm lại được cuốn nhật ký, cho dù mỗi lần nhắc tới nó ông lại thấy tiếc nuối. Bởi sau trận càn của địch vào cứ địa Đại đội 1 năm đó do ông làm Đại đội trưởng, hầu như tất cả đồ đạc đều mất, kể cả cuốn nhật ký nếu có rơi đâu đó thì qua thời gian cũng sẽ bị hủy hoại bởi thời tiết Tây Nguyên hồi đó đang là mùa mưa. Cho đến khi cuộc vận động sưu tầm những kỷ vật kháng chiến được tổ chức, cuốn nhật ký được phía Mỹ trao tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, ông có nghe đến nhưng không nghĩ rằng chính là của mình. Bởi ông nghĩ, thời đó có hàng ngàn văn nghệ sỹ ra trận chứ đâu có riêng ông.

 

 

Tác phẩm ký họa của họa sỹ Lê Đức Tuấn

 

... Từ bức tranh vẽ người đồng đội có tên Khanh (hiện là thương binh bị mù cả hai mắt) đang đọc báo Tiền phong trong cuốn nhật ký, báo Tiền phong chính thức bắt tay vào cuộc kiếm tìm. Dựa trên những dấu hiệu có trong cuốn nhật ký như người bạn Hoàng Thư tặng L.Đ.Tuấn với những lời chúc trước khi ra trận, bạn bè, rồi người thân đã nhận ra ông chính là tác giả, đã báo lại...

Họa sỹ Lê Đức Tuấn tâm sự: “Khi biết được đó chính là cuốn nhật ký đã thất lạc của mình cách đây gần nửa thế kỷ, tôi rất bất ngờ. Bất ngờ về người đã nhặt được cuốn nhật ký, và càng bất ngờ hơn khi biết nó được gìn giữ cẩn thận suốt mấy chục năm trời. Cám ơn những người ở chiến tuyến bên kia, đã vượt qua những rào cản văn hóa, rào cản quá khứ để đưa cuốn nhật ký về với chủ nhân của nó”.

Lê Đức Tuấn kể, những ngày ra trận, có ba thứ mà ông luôn mang theo, đó là cuốn nhật ký dạng ghi chép, cuốn nhật ký bằng tranh và cuốn thơ tình Puskin. Puskin là một nhà thơ trữ tình với những vần thơ đầy xúc cảm: “Lòng ta trong trẻo vô ngần/ Nỗi buồn tràn ngập trong lòng tình em”, nhưng Puskin cũng là nhà thơ suốt đời đấu tranh cho tự do: “Ta muốn ngợi ca tự do cho trần thế/ Ta muốn đập vào những tật xấu gian tham”, mà không chỉ riêng ông, thế hệ chiến sĩ ra trận cùng thời với ông, luôn ấp ủ như những phương châm sống và chiến đấu của mình.

Theo kế hoạch, nhân dịp 30/4 năm nay, con gái tướng William R.Peers (William R.Peers đã mất năm 1989) sẽ sang Việt Nam, đáng tiếc cuộc gặp đã phải hoãn vì bà mang trọng bệnh. Họa sỹ Lê Đức Tuấn vẫn chưa có dịp gặp lại gia đình người Mỹ đã gìn giữ cuốn nhật ký của mình suốt mấy chục năm qua./.

 

 

Lê Huệ (Báo TNVN)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: