Thứ bảy, 27/07/2024,


Một chiều bưng bát cơm quê (05/06/2010) 

       Những buổi chiều trên đảo vắng. Trời yên biển lặng, sóng vỗ nhẹ rì rào. Khung cảnh nên thơ nhưng tĩnh mịch, lòng tôi da diết nhớ quê hương đến lạ lùng. Nhớ dòng sông quê hương với con đê đầu làng. Nhớ bãi sông ngút ngàn đay, mía. Nhớ người con gái má đỏ ửng thẹn thùng chào tôi khi gặp ở bên dốc triền đê. Người lính thuỷ với chiếc ba lô đồng hành ngỡ ngàng gặp lại giọng quê hương vừa thanh vừa ngọt, ngay khi mới trở lại quê nhà sau nhiều ngày đóng quân trên đảo. Vẫn nụ cưởi  ấy, vẫn giọng người con gái ấy, ngày nào còn là một cô bé nhỏ xíu khi anh lên đường nhập ngũ. Nay thời gian đã biến cô thành người thiếu nữ  xinh đẹp đến lạ lùng...

      Đang vơ vẩn nhớ nhà, nhớ quê, tôi bỗng nghe bài hát “Về quê”, một bài hát rất hay của Nhạc sĩ  Phó Đức Phương, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.  Mỗi lời hát như giọt nước mát lành thấm vào hồn tôi giữa trưa hè khát cháy:

         Theo em anh thì về /Theo em anh thì về thăm lại miền quê /Nơi có một triền đê có hàng tre ru khi chiều về /Ơi quê ta bánh ta bánh đúc /Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt /Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ / Ơi quê ta dầu sương dãi nắng / Phiên chợ nghèo lều mái tranh xiêu / Kìa dáng ai như dáng chị dáng mẹ tôi / Đưa nhau ta thì về / Đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi / Nơi sáo diều chơi vơi / Với dòng sông bên lở bên bồi / Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen / Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi /Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi /Nước qua cầu thời gian trôi mau /Nơi bền lâu là nơi lắng sâu /Thiếu quê hương ta về ta về đâu ? /Ơi quê hương ta bánh đa đúc... Một chiều bưng bát cơm quê/ Rưng rưng ta hát giọng quê dãi dề...

         Cả bài hát thật hay. Nỗi nhớ quê hương bùng cháy trong tôi bằng ngọn lửa của thi ca qua lời bài hát. Có lẽ, trong những bài hát về quê hương thì Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đi đến đỉnh của  tình yêu và nỗi nhớ qua bài hát Về quê Mạng đậm âm hưởng của dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi hình ảnh quê hương như sóng trào lên trong hồn người lính nỗi nhớ khát khao khó tả.

       Cả bài hát, chỉ có một câu thơ lục bát:

Một chiều bưng bát cơm quê
 Rưng rưng ta hát giọng quê dãi dề...

      Với những nhà nghiên cứu thơ Lục bát thì câu thơ này có lỗi về trùng vận (hai chữ thứ 6 và thứ 8 câu bát vần với nhau: quê-dề), và lỗi lặp vận ( hai chữ “quê” đồng nghĩa bắt vần với nhau). Nhưng lúc này tôi quên cả niêm lẫn luật của thơ lục bát, chỉ nhớ tới cái hồn của câu thơ, nhớ tới quê hương, và nhớ tới bữa cơm quê, bữa cơm gia đình có đầy đủ cha, mẹ, anh em...

       Những người xa quê mong ngày về để có bữa cơm gia đình ấm cúng. Tôi nhớ tới bài Tản văn BỮA CƠM GIA ĐÌNH của Nhà văn Phạm Minh Giang, một cựu chiến binh trên đất lúa Thái Bình. Tôi nôn nao nỗi mong chờ ngày được trở về nhà cùng ăn bữa cơm gia đình trên quê hương Thái Bình yêu dấu.

 

Lính Thuỷ
Điện thoại: 01682938853

Linhthuy55@gmail.com

 

 

BỮA CƠM GIA ĐÌNH

                                    Tản văn 

  

Ai đó nói rằng yêu quê hương mà lại không yêu gia đình? Hẳn trên đời này không có ai lại như thế cả.

Người yêu quê hương chính là người yêu gia đình nhiều nhất. Mà trong những ký ức về gia đình quê hương thì bữa cơm gia đình có lẽ là ký ức sâu đậm nhất trong tâm trí của chúng ta.

Vâng! Con người ta sống được ở trên đời này, trước hết là nhờ có ăn. Mà ăn ở nhà, ở gia đình là nhiều nhất. Vì thế, bữa cơm gia đình gắn liền với đời người ngay từ ngày con người còn tấm bé.

Ngay từ ngày còn tấm bé trong bữa cơm gia đình, mẹ ta vừa ẵm ta vừa xúc bột cho ta ăn. Ta đã là thành viên trong bữa ăn gia đình ngay từ những ngày thơ bé ấy. Lớn lên tí nữa, ta biết bưng bát, cầm muôi chan canh, cầm đũa chọc chọc bát cơm, rồi xúc cơm ăn cùng với người lớn, có khi xúc được một hột cơm vào miệng thì chín hột rơi xuống đất, nhưng rồi ta cũng quen dần đi, những lần sau không đánh vãi nữa. Ta làm sao quên được những bữa cơm gia đình hồi khó khăn thiếu đói, mỗi người chỉ được xới một lưng cơm độn khoai nhưng bố mẹ, ông bà, anh chị đã nhường cho ta một bát cơm đầy trắng muốt.
      Ta làm sao quên được những bữa cơm gia đình những trưa hè cả nhà trải chiếu dưới giàn mướp bên cầu ao. Gió nam ở ngoài cánh đồng thổi về mang theo hương lúa rung rinh những cánh hoa vàng. Dưới cầu ao, từng đàn mương nổi, mương chìm lượn lờ hớp hớp những cánh hoa mướp rụng. Bát canh cua mồng tơi với mướp hương mẹ nấu thơm phức ngọt ngào. Quả cà nén giòn tan. Cơm gạo mới đầu mùa lại thêm món tôm kho cha ta ngày ngày xuống ao đổ bối. Những con tôm trứng được vặt râu, còn cái đầu, cái mình kho lên co lại như hình chữ “sờ sỏ lợn”.

    Quên làm sao được những bữa cơm gia đình những chiều đông giá rét cả nhà quây quần bên ổ rơm. Cái mâm hồi ấy là cái mâm gỗ từ thời các cụ xưa để lại.  Cũng có khi mâm là một cái sàng, cái met. Mâm cơm có rau muống luộc chấm mắm tép ngọt lừ và một niêu cá quả, cá rô kho mặn. Mẹ bảo ăn cơm là chính, thức ăn chỉ để đưa cơm. Một miếng cá, một bát cơm cơ đấy! Thức ăn là phải ăn dè. Lúc ấy ta đã là anh học trò dài lưng tốn vải, ăn bốn năm bát chưa no. Cái cơm gạo mẹ nấu sao mà dẻo thơm làm vậy? Ngọn rau muống mẹ luộc không rắn, không nũn, luộc chín rồi rau vẫn xanh chứ không đỏ quạch, ăn vừa mềm vừa ngọt làm sao! Còn miếng cá mẹ kho vừa bùi vừa ngậy. Mẹ bảo rằng cá đừng có kho xác. Kho khô nhưng còn độ ẩm. Khi mở vung niêu cá ra ta vẫn còn nghe thấy tiếng xèo xèo nhưng nghiêng đi không thấy nước. Cá kho khô nhưng còn giữ được độ dẻo, độ ngậy mới ngon. Ôi, cái mùi thơm của cá rô đồng kho niêu đất với lá mơ thuở thiếu thời - dẫu ta có đi cuối đất cùng trời - vẫn có thể nhận ra.

Nhớ nhất là những bữa cơm gia đình ngày Tết. Ngày ba mươi Tết, cả nhà sum họp quây quần bên mâm cơm gia đình. Nhà ai dù giàu nứt đố đổ vách hay nghèo rớt mùng tơi thì bữa cơm ngày Ba mươi Tết bao giờ cũng được ăn tươi. “Số cô chẳng giầu thì nghèo, ba mươi Tết có thịt treo trong nhà”...

Bữa cơm ngày Tết không như bữa cơm ngày thường. Mâm cơm ngày tết là mâm cỗ. Thế nhưng, nhớ lại những Tết xưa. Có năm ba ngày Tết cả nhà chỉ có dăm lạng thịt với một vại dưa hành... Có năm ba ngày Tết cả nhà chỉ được ăn một bữa cơm còn lại là khoai lang, khoai lang thay cho thịt gà, cá chép...

Dẫu rằng ăn cá ăn thịt hay ăn rau, ăn dưa, ăn khoai, ăn ráy nhưng ngày Tết được sum họp gia đình đầm ấm - cả nhà ai cũng được vui...

Thế rồi ta lớn lên đi học xa nhà, hay đi bộ đội, đi công tác, những bữa cơm ở ký túc xá, ở nhà trọ, ở đơn vị, cơ quan được thay thế những bữa cơm gia đình. Thật ra, đấy cũng là bữa cơm của một gia đình lớn...

Thế rồi đến một lúc nào đó ta phải lập gia đình riêng. Bữa cơm gia đình nho nhỏ của ta là sự nối tiếp bữa cơm gia đình truyền thống của ông bà bố mẹ.

Có thể nói rằng: đời người chính là sự tiếp nối của những bữa cơm gia đình đầm ấm.

Con người ta lớn lên vì những bữa cơm ấy.

Nếu không có những bữa cơm gia đình, chắc hẳn ta không thể lớn nổi thành người. Bởi vì những gì tinh tuý của đất trời, những gì chắt lọc từ đất quê, từ hương đồng gió nội, từ nắng sương và giọt mồ hôi mặn chát của ông bà, bố mẹ ta và của dân làng đã làm nên chất bổ dưỡng và hương vị thơm ngon, ngọt ngào trong những bữa cơm gia đình đầm ấm. Các cụ bảo rằng “ăn vóc, học hay”. Vâng, nhờ những bữa cơm gia đình, con người ta lớn lên về sức vóc. Cũng nhờ những bữa cơm gia đình, con người ta còn lớn lên cả về tâm hồn, trí tuệ nữa.

Bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn. Bữa cơm gia đình còn là trường học đã dạy con người ta bao nhiêu điều nhân nghĩa ở đời. Ông bà, bố mẹ thường dặn con cháu “ăn phải nhai, nói phải nghĩ”, “ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân...”. Trước bữa ăn phải mời người trên. Trong bữa ăn phải quan tâm đến mọi người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Phải làm sao để mọi người ai cũng được ăn những món ngon, ai ăn cũng được ngon miệng. ăn uống phải ý tứ. “ăn trông nồi,ngồi trông hướng”. Đó là lễ giáo, đó là gia phong, đó là nét đẹp truyền thống  của người Việt ta được truyền từ đời cha ông cho đến đời con cháu. Trong không khí đầm ấm của bữa cơm gia đình, ông bà, bố mẹ biết được tình hình sức khoẻ và tâm trạng tinh thần của con cháu để tìm cách tốt nhất chăm sóc và chia sẻ những vui buồn với con cháu. Con cháu cũng biết được tình hình sức khoẻ và tâm trạng vui buồn của ông bà bố mẹ...Qua những bữa cơm gia đình, nhờ những bữa cơm gia đình đầm ấm mà các thành viên trong gia đình luôn luôn được cảm thông, chia sẻ, xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau hơn để an ủi nhau, động viên nhau, khích lệ nhau phấn khởi, vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình, có thể là một xã hội thu nhỏ. Hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu gia đình thì thành một xã hội lớn. Có thể nói không ngoa rằng: bữa cơm gia đình góp phần xây dựng nên một xã hội lành mạnh, một xã hội không có ma tuý, mại dâm và các loại tội phạm khác, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Thiệt thòi biết bao cho những ai (vì lý do nào đó) mà không được hưởng những bữa cơm gia đình đầm ấm. Thiệt thòi biết bao cho những ai đang có một gia đình đầm ấm mà lại không biết chăm lo cho bữa cơm đầm ấm gia đình!...

 

PHẠM MINH GIANG

số 19, tổ 50, phường Quang Trung

thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Hải Yến - lucbattamxuan@yahoo.com.vn - 0988131936 - Hàn Quốc  (Ngày 16/06/2010 08:18:43 PM)

Đồng cảm cùng quê hương Thái bình

Tuổi thơ

Tuổi thơ chúng mình chân đất
Sông luộc ngoằn ngoèo chồng chất phù xa
Nước sông trộn sóng hồng hà
Mồ hôi đổ xuống mặn mà lúa khoai

Giọt sương tắm nắng ban mai
Chén trà ướp đượm hương nhài thoảng thơm
Tình người sẻ áo nhường cơm
Hai ta đã lớn vẫn ''bờm''lắm cơ

Chuyến đò nghiêng những vần thơ
Ắp đầy củ ấu bên bờ sông quê
Mít thơm ổi táo đề huề
Con đường giữa xóm đi về qua nhau

Bây giờ mái tóc bạc phau
Tuổi thơ chân đất chẳng nhàu nốt xưa

Trần Hải Yến

  Tú Cười  - butkim@gmail.com -  - Hà Nam  (Ngày 12/06/2010 02:02:34 PM)

AI MUỐN THÌ VÔ...

Sang giầu thèm bát cơm quê
Nhà nghèo áo vá nón mê...thảo lòng.

Cái Cò lặn lội bờ sông
Xe hơi sang trọng...đợi mong nhớ Cò.

Quê nghèo...ai muốn thì vô
Phồn hoa mua bán...sợ... lo suốt ngày...

Ai ơi...bưng bát cơm đầy
Thắt lưng buộc bụng...đắng cay muôn phần...!

Giầu sang đi quá...về gần
Nhớ câu "hết gạo..." nhớ lần về quê...

Tay bùn chân lấm... nón mê
Tình làng nghĩa xóm...chẳng chê cái Cò !
Tú Cười

  Phạm Văn Tự  - thcsts@gmail.com - 0919760699 - Quản Bạ - Hà Giang  (Ngày 12/06/2010 11:31:32 AM)

TÌNH ĐỜI !

 

Một ngày mưa nắng bon chen

Gần xa đong đếm sang hèn đó đây...

Tối về xum họp...vui thay

Rưng rưng... bưng bát cơm đầy... có nhau !

 

Tình đời nghĩa cả biển sâu

Cơm quê - Hạnh phúc...,sang giầu mặc ai !

 

Phạm Tự

  Pham Minh Giang - phamminhgiangtb@yahoo.com.vn - 0363.843.765 &%3B - so 19, to 50, phuong Quang Trung, thanh pho Thai Binh, tinh Thai Binh  (Ngày 5/06/2010 10:53:27 PM)
         Th­ua Ban bien tap Lucbat.com! Thua cac ban!
        Truoc tien, xin cac ban thong cam khong hieu vi sao hom nay may cua toi khong danh duoc dau (danh chu co dau khong duoc).
           Xin duoc chan thanh cam on Ban bien tap da dang bai tan van BUA COM GIA DINH cua toi len trang lucbat.com. Xin chan thanh cam on nha quan su, nha tho LINH THUY va ban NGUYEN THANH MINH da doc va gianh cho tac gia bai tan van BUA COM GIA DINH nhung tinh cam quy bau. Duoc cac ban doc va dong cam voi nhung vui buon cua toi trong bai tan van do la dieu hanh phuc lon cua toi. Mot lan nua toi xin duoc tran trong tinh cam ma cac ban da gianh cho tac gia bai tan van BUA COM GIA DINH.
          Xin chuc nha quan su - nha tho LINH THUY, nha tho NGUYEN THANH MINH va cac ban yeu lucbat.com co suc khoe doi dao, gia dinh hanh phuc.
                              phamminhgiangtb@yahoo.com.vn
                               (DT: 0363.843.765 va 0363.604.687).
  PHẠM MINH GIANG -  -  - số 19, tổ 50, phường Quang Trung  (Ngày 5/06/2010 09:22:23 PM)
      BBT ơi, nhà tôi nghèo lắm làm gì có số điện thoại mà liên lạc! À, gọi số này: 0978225487 (số anh Thử - gọi Minh Giang)
  Nguyễn Thành Minh - minhthanh1954@gmail.com - ---- - Saint Peterburg , Nga  (Ngày 5/06/2010 03:00:08 PM)
           Đọc hai bài văn của hai Tác giả về bát cơm quê, về bữa cơm gia đình, về chất quê hương trong bài hát Về quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương tôi thấy mang đậm chất thơ.
         Đúng là trong văn có thơ, trong thơ có nhạc, có tâm hồn của con người rung lên theo từng lời thơ, nét nhạc. Đó là tính nhân văn của bài văn, bài thơ, bài nhạc, hướng tới tình cảm quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình thương yêu giữa con người với con người.
        Cảm ơn lucbat.com đã có những trang thơ hay, mang đậm đà bản sắc tâm hồn Việt , lại có những trang văn thấm đậm tình người.
  BAN BIÊN TẬP LUCBAT.COM -  -  -   (Ngày 5/06/2010 08:51:08 AM)
          Kính đề nghị Tác giả Phạm Minh Giang cho số diện thoại để tiện liên lạc bài vở, nội dung.
Các bài khác: