Trong lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng, diễn ra vào sáng 28/5, nhà nghiên cứu Phong Lê đánh giá, tác giả "Anh đom đóm" là một trong những cây bút hiếm hoi đã dành trọn cuộc đời sáng tác của mình chỉ để viết cho thiếu nhi. Lễ kỷ niệm do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với NXB Kim Đồng tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều nhà phê bình, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình Võ Quảng.
Nhà văn Võ Quảng (1920 - 2007), sinh ra tại Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam, là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, nhiều nhà phê bình, nhà văn đã nêu bật nét độc đáo trong sự nghiệp văn chương của Võ Quảng. Ông là tác giả hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất, chỉ viết cho thiếu nhi. Nhà nghiên cứu Phong Lê gọi Võ Quảng là "người hết mình và trọn đời cho thiếu nhi". Ông Nguyễn Huy Thắng - Phó giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng - nhận định: "Võ Quảng đến với văn học thiếu nhi khi đã 37 tuổi, tuy có hơi muộn, nhưng đã đến là ở lại mãi mãi, và cho đến hết đời, chỉ chuyên tâm làm một việc: viết cho các em". Với những cống hiến của ông, nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn khẳng định, Võ Quảng là người có công lao to lớn trong việc phát triển nền văn học thiếu nhi Việt Nam.
Trong gần 50 năm cầm bút, Võ Quảng đã để lại cho văn học thiếu nhi Việt Nam một di sản đồ sộ với những tuyển tập như Nắng sớm (thơ, 1965), Anh Đom đóm (thơ, 1970), Quê nội (truyện, 1973), Tảng sáng (truyện, 1973), Gà mái hoa (thơ, 1975), Kinh tuyến, vĩ tuyến (truyện, 1995)... Trong đó, về văn xuôi, nhà nghiên cứu Phong Lê đánh giá, Quê nội và Tảng sáng của ông xứng đáng xếp vào loại hay nhất trong kho tàng văn học thiếu nhi Việt Nam. Cùng với những tác phẩm như Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), hai tập sách của Võ Quảng là một phần của kho sách thiếu nhi kinh điển. Truyện của ông, với sự quan sát tinh tế và nghệ thuật miêu tả chi tiết, hóm hỉnh, đã làm bật nổi một thế giới tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo. Họa sĩ Ngô Mạnh Lân cho rằng, truyện thiếu nhi của Võ Quảng rất giàu triết lý, mang đậm ý nghĩa nhân văn và giàu giá trị lịch sử. Những đứa trẻ trong Quê nội của ông lớn lên trong những ngày đạn bom và trải qua tuổi thơ vừa nhọc nhằn, lam lũ vừa thiết tha gắn bó với quê hương.
Ngoài văn xuôi, Võ Quảng còn có thơ. Những vần thơ đã in đậm vào tâm hồn thiếu nhi hàng thế hệ như: "- Cốc, cốc, cốc! / - Ai gọi đó? / - Tôi là Thỏ / - Nếu là Thỏ / Cho xem tai..." (Mời vào); "Dưới vỏ một cành bàng / Còn một vài lá đỏ / Một Mầm Non nho nhỏ / Còn nằm nép lặng im" (Mầm Non) hay "Ai dậy sớm / Đi ra đồng / Cả vừng đông / Đang chờ đón" (Ai dậy sớm)... Nhà nghiên cứu Phong Lê nhận xét: "Thơ Võ Quảng ít nói điều gì cao xa, to tát, trừu tượng. Ông chỉ nói những chuyện nhỏ nhẹ, bình thường, với giọng vui hóm, ngộ nghĩnh... Nhưng mặc dù vậy, hay chính vì vậy, thơ ông lại rất giàu ý vị giáo dục".
Bên cạnh chuyện sáng tác, văn chương, các đồng nghiệp của nhà văn Võ Quảng còn chia sẻ những kỷ niệm về nhà văn lúc sinh thời. Nhà văn Nguyễn Kiên cho biết: "Võ Quảng là người hiền lành, nhỏ nhẹ nhưng ẩn chứa bên trong là những trải nghiệm sống động về thiếu nhi". Còn họa sĩ Ngô Mạnh Lân tâm sự: "Võ Quảng có tầm nhìn xa, rất dũng cảm bênh vực cho những trang văn có giá trị mà có thể chúng chưa được nhận ra lúc đương thời".
Vì tuổi già, sức yếu, vợ của cố nhà văn Võ Quảng không thể tham dự buổi lễ. Nhưng bà gửi thư, bày tỏ lòng tri ân của gia đình, đồng thời nhấn mạnh, nhà văn hẳn sẽ rất hạnh phúc trước tấm lòng của bạn văn, của độc giả dành cho tác phẩm của ông.
Hà Linh
(Nguồn: Evan.VnExpress)