Chủ nhật, 22/12/2024,


Nguyễn Thị Kim Ngân và "Bến đợi" (31/05/2010) 

Khi chưa biết mặt nhau tôi cứ nghĩ Nguyễn Thị Kim Ngân là một phụ nữ luống tuổi nhưng khi trao đổi qua điện thoại, nghe giọng nói, tiếng cười thì trẻ măng, hỏi bao nhiêu tuổi thì bảo: “Em sinh năm 1963”. Tôi buột miệng: “So với bọn anh em vẫn... “chíp hôi” lắm!”. Rồi khi gặp, thấy Nguyễn Thị Kim Ngân trẻ hơn tuổi khá nhiều, biết lái xe ôtô và nền nã trong giao tiếp…

Rồi tôi được Nguyễn Thị Kim Ngân tặng tập thơ “Bến đợi”. Kim Ngân rào đón: “Chỉ còn quyển duy nhất tặng anh, bìa hơi ố qua đợt chuyển nhà”. Tôi bảo: “Cơ bản là cái bên trong, áo mão xiêm y không quan trọng” và thế là tôi đã có trong tay một tác phẩm thơ xinh xẻo.

Mải bươn chải với cuộc sống nên khi đó tôi chỉ đọc chộp choạp. May mà rồi… bị ốm phải nằm mấy ngày nên có thì giờ nhẩn nha đọc lại thơ Nguyễn Thị Kim Ngân, nhẩn nha nghĩ về một giọng thơ đầy nữ tính…

Cái nhận xét tổng thể là tập thơ dễ đọc vì bài nào cũng ngắn, cũng cô đọng và khá ám ảnh, đọc thơ Nguyễn Thị Kim Ngân không có cảm giác lỗ vốn thời gian vì bài nào cũng cho độc giả một chút gì phải suy ngẫm, có nhiều bài khá triết lý, cái triết lý nhẹ thảnh nhưng không rao giảng, mà tự thân nó tỏa sáng:


Phải đâu được ở bên nhau

Là xoa dịu được nỗi đau riêng mình!

Phải đâu thỏa một chút tình

Băn khoăn tự hỏi: Phải mình thực không?

(Phải đâu)

 

Nếu là nhà phê bình “chính hiệu con Nai vàng” tôi dám chắc là rất bối rối khi bình thơ Nguyễn Thị Kim Ngân, bởi tổng thể của tập thơ khá đa diện: Tình yêu, tình quê hương đất nước, tình bạn bè, thày trò… Những bài về chồng con gia sự, cảnh sắc. Tôi bị ngợp vào những bài thơ giống một gã tham ăn mà bữa cỗ dọn ra nhiều món, cứ hoắng lên khua đũa mà gắp, món nào cũng muốn nếm náp. Quá nhiều câu tôi thích nhưng tầm chương trích cú lại sợ sa vào lối liệt kê dài dòng. Tôi xin chọn món thích nhất để khen cái tài dọn cỗ của chủ nhà đấy là món thơ Lục bát.

Nói đến lục bát, thể thơ truyền thống, vừa bác học, vừa dân dã đã ăn sâu vào đời sống dân tộc, nó như nhịp thở ra hít vào của con người, như hình tượng cánh cò bay la, bay lả trên thảm lúa xanh.

Nguyễn Khuyến than rằng: Bao nhiêu cái mầu mỡ trong lục bát Nguyễn Du hớt sạch cả rồi, Khuyến này có bới cũng là lục cái bã”… Tài như Nguyễn Khuyến còn hãi huống hồ chúng ta, bởi lục bát dễ làm nhưng khó hay… Ông Nhà thơ siêu hạng cũng làm, bà thợ cấy cũng làm, bác phó cối cũng làm… Ai làm thơ, ai chỉ dừng lại làm vè còn nhờ cái tài… Ai bật lên tứ, ai kể lể con cò con vạc còn nhờ vào đẳng cấp khi hạ bút. Nói như vậy không phải tôi đưa đà dẫn dụ để người đọc bảo tôi so sánh Nguyễn Thị Kim Ngân với thi hào sáng giá, nếu như vậy tôi thành thằng lưu manh, thằng nịnh đầm trơ tráo.

 

Lục bát đắt nhất là hai câu kết, nếu không có hai câu kết hay thì bài ấy sẽ không vượt khỏi “vè”… Cả một đoạn dài có thể dông dài, là thông tấn báo chí, thậm chí như biên bản tóm tắt nhưng câu kết sẽ cứu toàn bài, câu kết bật lên tứ thơ, tư tưởng thông điệp nhưng cao hơn cả là khẳng định phẩm chất thi sĩ. Hãy đọc mấy câu kết trong lục bát của Nguyễn Thị Kim Ngân: Tàu đi để lại mình tôi/ Tóc bay dài mãi về nơi một mình (Trên sân ga). Đấy là hai câu nói về sự chia tay, bóng bẩy mà không sáo, đọc lên như vừa cạn gọn một ly nếp cái hoa vàng. Hay bài “Sợi nhớ”:


Chẳng còn dải yếm mà sang
Ta làm sợi nhớ để ràng buộc nhau
Từ ngày xưa đến ngàn sau
Sợi êm mà lại làm đau lòng người…

Với tâm hồn nhạy cảm và đa cảm, dưới góc nhìn, góc cảm mang mỹ cảm dân gian đậm nét, Nguyễn Thị Kim Ngân đã biết biến cái rất thường thành thơ mà lại là thơ hay. Nâng được giá trị dân gian lên giá trị tư tưởng, khéo kết hợp vốn ca dao tục ngữ vào thơ nên rất dễ đọc nhưng không dễ nhàm, nó không bông phèng mà thâm trầm, cái thâm trầm khá nữ tính của người có học vấn.

Khi cuộc tình không thành, khi người mình yêu đã xa, qua bao kể lể nhớ nhung, kỷ niệm vơi đầy nhưng đọc bài “Một mình” với hai câu kết: “Bên hồ liễu cứ lả lơi/ Mình em - Chẳng dám đến ngồi ghế xưa.” mới thấy Nguyễn Thị Kim Ngân đã khá thành công trong Lục bát với những câu kết tương tự như thế… Đấy là sự vượt ngưỡng để đưa Nguyễn Thị Kim Ngân chạm được vào thành công trong thể thơ dễ làm nhưng khó hay này.

 

Nguyễn Thị Kim Ngân là giáo viên dạy toán của trường THCS Phùng Chí Kiên, Tp. Nam Định. Quanh năm suốt tháng ngồi ôm đội tuyển học sinh giỏi và cai trị lũ học trò “học gạo”… Dân dạy tự nhiên mà lại làm thơ, và càng đáng nể hơn đó lại là cây thơ rất ấn tượng, rất đẳng cấp, có chỗ đứng trong thời buổi lạm phát thơ ca này. Cũng đúng thôi, bởi Nam Định là đất học, đất thơ văn, bởi cái từ trường thi phú của “Thủ đô Thiên Trường” vẫn luôn có lực hút rất mạnh.

 

Bao nhiêu tôn vinh của bạn bè, đồng nghiệp, của báo chí đã nói rồi, có thêm tôi nữa có khi thành vô duyên và huyên thuyên, khác nào khen ca sĩ hát hay, khen phò mã áo đẹp… Tôi là dân Văn xuôi chay, lại quê mùa bụi bặm, nên táy máy vào thơ phú cũng giống gã hoạn lợn vụng về đi làm thày cúng. Nhưng tôi chắc rằng cũng sẽ không thừa nếu như vẫn còn ai đó nói về Nguyễn Thị Kim Ngân, một giọng thơ mượt mà, nền nã và đầy chất men say.  

 

 

Lưu Quốc Hòa

(Hội VHNT Hà Nam)

ĐT: 01685083357

Email: luusong55@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Hoàng Văn Chi - hoang29758@yahoo.com.vn - 0988903503 - Bạch Long - Giao Thủy - Nam Định  (Ngày 02/05/2012 15:48:31)

Còn gì hoang vắng cho hơn,
Không em chiều nổi từng cơn nhạt màu.

  Hoàng Minh Trung Hiếu - XX_baby_moilon_bietyeu_XX@yahoo.com.vn - 01237271998 - 397 đường Điện Biên Nam Định  (Ngày 01/05/2012 14:27:06)

Ôi cô giáo chủ nhiệm em đấy cô dạy toán

  Nguyen Thanh Lan - thuytien_151997_nd@yahoo.com.vn - 3635036 - 10/246 Hung Vuong  (Ngày 13/10/2010 03:49:37 PM)
Bac Ngan noi tieng qua ha
  Nguyễn Tường Thụy - tuongthuy59@yahoo.com - 0983485952 - Hà Nội  (Ngày 31/05/2010 06:09:31 PM)
Nhiều bài giới thiệu tác giả, giới thiệu sách viết “nghiêm trọng” quá làm người ta ngại đọc. Đến bài này tôi cũng chỉ định đọc “chộp choạp” thôi vì sợ “lỗ vốn thời gian” nhưng cái giọng “dẫn dụ người đọc” có vẻ như tếu táo dông dài của Lưu Quốc Hòa làm tôi đọc hết.chả sót chữ nào.
Các bài khác: