Trong khá nhiều bộ phim được làm mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bộ phim “Nếp nhà” của tác giả Thùy Linh, do đạo diễn Vũ Trường Khoa thực hiện là một trong số hiếm hoi phim không chọn đề tài lịch sử.
Chính vì vậy, khi phim được đưa vào sản xuất đã khiến không ít người tò mò, băn khoăn. Người xem không hiểu một bộ phim tâm lý xã hội đương đại sẽ phản ánh ra sao về mảnh đất lẫn con người Thăng Long ngàn năm văn hiến. Nhà biên kịch Thùy Linh và đạo điễn Vũ Trường Khoa đã không ngại ngần khi “đối diện” với những câu hỏi này.
* Chị có thể vui lòng nói sơ qua về nội dung bộ phim “Nếp nhà”?
- Phim kể về gia đình ông Bắc – một gia đình nền nếp, được mọi người xung quanh kính trọng. Ông Bắc là giáo viên về hưu, say mê nghiên cứu văn hóa dân gian, nhất là những nét văn hóa của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội. Quê ông ở làng Lỗ Khê, vùng đất tổ của ca trù Thăng Long nên ông cũng rất say mê tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật ca trù. Cuộc sống hiện đại hối hả, cùng với làn sóng du nhập văn hóa ngoại lai, những nét văn hóa xưa của Hà Nội dần mai một. Ông Bắc luôn đau đáu ấp ủ cho ra đời một cuốn sách viết về những nét vàng son, những thứ bình dị trong đời sống văn hóa Thăng Long – Hà Nội đang lụi tàn. Vợ ông, bà Lụa, vốn là con gái một gia đình có truyền thống lâu đời ở làng thêu Quất Động. Dù trải qua bao biến động của thời cuộc, bà Lụa vẫn ấp ủ trong lòng tình yêu với nghề thêu mà cha ông để lại và truyền tình yêu đó cho các con cháu mình. Hai ông bà có ba người con. Quỳnh là chị cả, kế đó là Giao và Bảo. Họ đều là những người thành đạt nhưng mỗi người lại có những góc khuất trong cuộc sống riêng…
* Bắt nguồn từ đâu mà chị cầm bút viết tác phẩm này?
- Gia đình tôi vốn dĩ đã mấy đời sinh sống, gắn bó làm ăn ở mảnh đất Thăng Long – Hà Nội. Chính bởi vậy từ thẳm sâu trong tôi luôn canh cánh một món nợ ân tình với Hà Nội ngàn năm lịch sử. Tôi nghĩ không riêng cá nhân tôi mà tất cả chúng ta – những ai có duyên phúc mới được sống, được chứng kiến thời khắc lịch sử thiêng liêng 1000 năm Thăng Long. Giống như mọi người con của Hà Nội, tôi tự vấn bản thân, không lẽ mình không làm được gì cho Hà Nội. Từ đó, tôi đã dành trọn vẹn một năm để viết và hoàn thành kịch bản phim “Nếp nhà”. Kịch bản tôi viết bắt nguồn từ sự việc nhiều dấu nét văn hóa của người Hà Nội đang ngày càng mai một đi. Tuy nhiên qua phim, tôi không hề có tham vọng tổng kết, mà chỉ xem giống như một lát cắt nhỏ về người Hà Nội. Rất may đề tài này phù hợp với tuyền hình và được lãnh đạo UBND TP Hà Nội quan tâm.
* Với một cốt truyện như thế, chị muốn nhắn gửi gì tới khán giả qua bộ phim này?
- Người xưa có câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Người Hà Nội xưa trải qua bao thế kỷ đã hun đúc thành một lối sống, nếp nghĩ, cách ứng xử, kiểu cách ăn ở rất tinh tế, thanh lịch, văn hóa… Tất cả đặc trưng đó đã được lưu giữ qua rất nhiều năm tháng cùng với những biến thiên, thăng trầm của lịch sử. Có thể lý giải được khả năng “di truyền” đó từ đời này qua đời khác bằng nếp nhà mà các gia đình ở Hà Nội gìn giữ, phát huy cho đến ngày nay. Chính nhờ nếp nhà mà họ đã vượt qua được sóng gió cuộc đời, không đánh mất bản thân, không gây sự đổ vỡ, không bị tha hóa biến chất và hội nhập được với cuộc sống hiện đại để tỏa sáng và tìm được hạnh phúc cá nhân cũng như cho gia đình mình, đồng thời góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại của cộng đồng. Qua phim “Nếp nhà”, tôi muốn lưu giữ lại cho mọi người một hình ảnh thật đẹp về Hà Nội của tôi. Đồng thời bộ phim cũng giống như một lời kêu gọi hãy giữ lại nét hào hoa thanh lịch của con người Hà Nội cho hậu thế.
* Để có thể chuyển tải trọn vẹn bức thông điệp được tác giả gửi gắm trong kịch bản phim, khi bắt tay vào dàn dựng, anh đã phải xử lý thế nào?
- Trước hết, lúc nghiên cứu kịch bản “Nếp nhà”, tôi thấy kịch bản có cốt truyện mạch lạc, tính cách các nhân vật được tác giả khắc họa rõ nét. Bên cạnh đó, những chi tiết đời thường cùng cách hành xử giữa mọi nhân vật trong phim đều hết sức gần gũi với cuộc sống của người Hà Nội truyền thống. Phần ưu điểm đó đã để lại trong tôi ấn tượng mạnh, khiến tôi quyết tâm sẽ hoàn thành tốt nhất bộ phim này. Lúc bắt tay dàn dựng bộ phim, tôi luôn cố gắng miêu tả sát cuộc sống hôm nay của người Hà Nội bao gồm hai yếu tố: hoàn cảnh và sự kiện. Ngoài ra lúc casting diễn viên, tôi còn có ý lựa chọn những nghệ sỹ có nguồn gốc xuất thân ở Hà Nội hoặc từng sống lâu dài trên mảnh đất Thủ đô. Có người chưa hẳn là người Hà Nội gốc nhưng khi sống lâu năm ở đây sẽ có cách sống, cách nghĩ lẫn cách nhìn nhận vấn đề phù hợp với người Tràng An.
* Đến thời điểm này, bộ phim “Nếp nhà” đã ghi hình một số tập. Cá nhân anh có thấy hài lòng với những gì đã làm được?
- Không riêng cá nhân tôi mà toàn bộ tập thể đoàn làm phim đều cảm thấy tâm huyết với bộ phim này. Chúng tôi xác định rõ ngoài trách nhiệm công việc phải làm, chúng tôi còn gắng sức hoàn thành tốt nhiệm vụ để “trả nợ” phần nào cho Thăng Long – Hà Nội của chúng ta. Qua một số tập phim đã ghi hình, tôi thấy hài lòng với những gì làm được trong điều kiện hiện có.
Minh Long
(Nguồn: Báo Kinh Tế Đô Thị)