Chủ nhật, 22/12/2024,


Tiểu thuyết về "Cha đẻ của khoán hộ": Mâu thuẫn giữa cái thiện với cái thiện (29/05/2010) 

Khi bộ phim truyền hình dài tập về "cha đẻ khoán hộ" - ông Kim Ngọc - với tựa đề "Bí thư tỉnh ủy" (đạo diễn Quốc Trọng) đã đóng máy và đang trong giai đoạn làm hậu kỳ với hy vọng sẽ ra mắt khán giả vào đầu tháng 9 tới, thì thị trường sách đã xuất hiện tiểu thuyết cũng với cùng tựa như vậy của tác giả Vân Thảo, do NXB Trẻ ấn hành.

 

Với 1.300 trang kịch bản và gần 700 trang tiểu thuyết "Bí thư tỉnh ủy", nhà văn Vân Thảo đã dấn thân vào một đề tài khó, khắc họa lại chân dung một con người thật - ông Kim Ngọc - cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã gắn với danh xưng "cha đẻ của khoán hộ" từ lâu. Trước đây, người ta mới chỉ có thể tiếp cận ông Kim Ngọc qua những bài báo. Chính nhà văn Vân Thảo cũng thừa nhận: "Chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc tôi biết từ những năm 60 của thế kỷ XX. Nhưng khoảng năm 1995 hay 1996, vô tình tôi đọc nhiều bài báo nói về chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc, tôi mới nghĩ phải viết về nhân vật này. Giữa năm 2007, nhà văn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình gọi điện bảo muốn làm một bộ phim dài tập lấy nguyên mẫu từ Bí thư Kim Ngọc. Mất 3 tháng đi thực tế chuẩn bị tư liệu, 9 tháng để hoàn thành 50 tập kịch bản, sau đó thêm 6 tháng nữa, cuốn tiểu thuyết được hoàn thành". Có thể nói, tiểu thuyết "Bí thư tỉnh ủy" được hoàn thành theo một "quy trình" ngược. Bởi lẽ, thường thì nhà văn viết xong tiểu thuyết, rồi các nhà làm phim "nhòm ngó" chuyển thể thành phim. Nếu tạo hiệu ứng, tiểu thuyết sẽ in để "ăn theo". Nhà văn Vân Thảo đã viết về Kim Ngọc với lòng trân trọng. Suốt thời gian về Vĩnh Phúc tìm tài liệu cho tới sau này, Vân Thảo vẫn nói: "Tôi viết vì ông Kim Ngọc". Thế nên có câu chuyện ít người biết: chuyện nhuận bút in tiểu thuyết nhà văn Vân Thảo cũng không "mặc cả" với đơn vị xuất bản. Ông giao bản thảo cho nhà xuất bản mà chỉ mong sách sớm ra mắt bạn đọc.

Giáo sư Đặng Phong, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, lần đầu tiên nhận viết lời nói đầu cho một cuốn tiểu thuyết đã khẳng định: "Cuốn tiểu thuyết này không phải là một sự hư cấu thuần túy văn học. Ở đây, tác giả chỉ sử dụng thủ pháp văn học để nói về một sự kiện lịch sử có thật và về một người anh hùng có thật. Sự kiện đó là khoán trong nông nghiệp Việt Nam - một vấn đề và cũng là một sự thách đố có ý nghĩa sinh tử đối với số phận nền kinh tế Việt Nam. Người anh hùng đó là Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - cha đẻ của mô hình khoán. Mọi cuốn tiểu thuyết, dù viết về vấn đề gì, đều có cốt lõi là những thắt nút - mâu thuẫn và cởi nút - giải quyết mâu thuẫn. Có những loại mâu thuẫn là sự xung đột giữa cái ác và cái thiện. Nhưng mâu thuẫn mà cuốn tiểu thuyết này đề cập tới, cũng là mâu thuẫn đã diễn ra trong thực tế lịch sử kinh tế Việt Nam, lại là mâu thuẫn giữa cái thiện với cái thiện".

 

Một cảnh trong phim “Bí thư Tỉnh ủy”.

 

"Đây là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là một công trình nghiên cứu hay phim tài liệu nên có nhiều chi tiết được hư cấu để "mềm hóa" cho câu chuyện, đồng thời để nhân vật chính được xuất hiện đa dạng và phong phú hơn", nhà văn Vân Thảo chia sẻ. Nhưng tác giả vẫn tiếc vì chưa khắc họa được con người gia đình, con người đời thường của Bí thư Kim Ngọc.

 

Chuyện xảy ra đã lâu, những người may mắn được sống cùng thời, được tiếp xúc với ông nay đã già cả, người trẻ nhất cũng đã ở tuổi 70 nên nhớ nhớ quên quên. Tài liệu thời đó cũng không được ghi chép nhiều. Ngay bản thân người vợ ông cũng chỉ nhớ chi tiết chồng mất hay các con do đi sơ tán trong chiến tranh nên không ai biết gì về công việc của bố...

 


An Nhi

(Nguồn: Hà Nội Mới Online)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: