Quế Thương sinh năm 1983 tại xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Bố của Quế Thương là một cán bộ lâm nghiệp, say mê âm nhạc và có giọng hát nổi tiếng khắp vùng.
Bạn bè thường nói, Quế Thương sinh ra để hát. Khi nhắc đến quê hương, tôi thấy mắt cô lung linh chớp sáng, đôi mắt còn chứa đầy ánh trăng của những đêm "chơi trăng" giữa ngạt ngào hương lúa, rì rầm tiếng sóng và hát. Bài hát "tủ" Quế Thương thích nhất hồi ấy là "Bài ca không quên" không chỉ bạn bè, mà các thầy cô, những người lớn thường yêu cầu cô hát bài ấy. Những người nghe - nhóm "công chúng" đầu tiên ấy của Quế Thương là những người đi ra từ một cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng thấm đẫm tình người, nặng ơn nghĩa thủy chung. Ðến khi Quế Thương hát xong rồi mà "công chúng" của cô vẫn im lặng, tràn đầy xúc động. Và từ ngày ấy, Quế Thương đã thấm sâu sức mạnh của nghệ thuật, ý nghĩa cao quý, thiêng liêng của nó.
Mười bảy tuổi, từ một thông tin trên truyền hình, Quế Thương đi dự tuyển vào Ðoàn nghệ thuật Hương Sen nhưng bị từ chối vì bé quá. Hai năm sau, cô mới được nhận.
Vừa học trường nghệ thuật, vừa hát, một năm sau, năm 2003, Quế Thương đoạt giải A Cuộc thi Tiếng hát Tuổi trẻ với bài hát Câu hát quê hương của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới. Năm 2004, cũng bài hát ấy nhưng với kỹ thuật cao hơn, Quế Thương đã giành Huy chương vàng Liên hoan Tiếng hát học sinh, sinh viên nghệ thuật toàn quốc.
Nhà Quế Thương rất nghèo. Chị gái học Ðại học sư phạm, em học Trường Nghệ thuật, nhưng bố mẹ không đủ tiền chu cấp. Không ít bữa phải nhịn đói, không ít lần phải mượn quần áo để đi diễn... Nhiều lúc Quế Thương phải đi hát đám cưới, mỗi đám 20 nghìn đồng. Có một ngày cả hát cho quán cà-phê, cả đám cưới được 80 nghìn đồng. "Ta phải ăn bát phở năm nghìn mới được", Quế Thương vui quá tự thưởng cho mình. Nhưng rồi cô nghĩ lại: "Thôi, về nhà ăn cơm nguội cũng được". Thế rồi cô lại đạp xe mười lăm cây số, đi hát tiếp hai đám cưới nữa được "thù lao" tổng cộng 120 nghìn đồng. Chưa bao giờ có khoản thu nhập lớn như thế, Quế Thương định bụng sáng mai cả hai chị em phải cùng đi ăn phở. Nhưng rồi tính lại, hai chị em dành tiền cho việc học, bát phở ngày ấy đến giờ vẫn chưa ăn...
Xứ Nghệ có một vùng dân ca đặc sắc và thời nào cũng có giọng hát trời cho. Quế Thương có thể coi là người có giọng hát trời cho ấy.
Năm 2010, Quế Thương vừa thu xong đĩa nhạc mang tên Tiếng hát Quế Thương. Rung cảm hết mình trong từng lời hát với sự trong trẻo, chân thành của một thiếu nữ sâu nặng hồn quê, tiếng hát Quế Thương đang là chủ lực của Ðoàn nghệ thuật Hương Sen (Nghệ An), được công chúng âm nhạc cả nước mến mộ.
Với chất giọng dân gian trong sáng, nhuần nhị, mang âm sắc hiện đại, và nhất là với mục tiêu hoạt động nghệ thuật cao cả, Quế Thương còn giữ cho mình một con đường phát triển, hứa hẹn thành công.
Huyền Vinh
(Nguồn: Báo Nhân Dân)