Chủ nhật, 22/12/2024,


Nhà văn hải ngoại Lê Thị Diễm Thuý: “Tôi muốn hiểu hơn về đất nước nơi mình sinh ra...” (25/05/2010) 

Khán phòng Sàn Art (TPHCM) im lặng như tờ  khi nhà văn, nghệ sĩ trình diễn Lê Thị Diễm Thuý cất lên điệu hát ru bằng tiếng Việt với nỗi  thống khổ trong các âm điệu hỗn loạn của nhạc blues. Cả bài hát nghe như một chuỗi lắp bắp, khát khao, buồn bã, chân thật, nhưng hoàn toàn vô nghĩa.

 

Và cô bắt đầu giọng kể đều đều bằng tiếng Anh: “Việt Nam là một bức ảnh đen trắng về ông bà tôi...” - giọng kể như bật lên dòng hồi tưởng  của người xa xứ với câu hỏi: “Làm sao tôi có thể nhận ra VN?” day dứt cả đời người.

Vậy mà cô đã nhận chân một VN khác trong huyết quản, trong những trang thơ và những trang tiểu thuyết đầu tay - “The Gangster We Are All Looking For” (tạm dịch: “Gã du đãng tất cả chúng ta đang tìm”). Trong cả 3 vở trình diễn sắp đặt của Thuý, nhất là vở “Red Fiery Summer” (“Mùa hè đỏ lửa”) nói trên cũng đều nổi lên ám ảnh của những ngày thơ bé, thân phận của người tị nạn và nỗi khắc khoải sống trong quá khứ không bước chân nổi ra khỏi hiện tại của những người thân quanh cô.

“Tôi còn phải viết thêm hai cuốn tiểu thuyết nữa, cũng đề tài này, vì dường như tôi không thể viết khác được. Nghề viết đã chọn tôi. Và chỉ khi viết, dù là làm thơ, viết truyện, hay trình diễn, tôi đều cảm thấy mình được hít vào, rồi thở ra; còn nếu không, tất cả giống như một người chỉ  biết  hít vào mà không thở  ra nổi”.

* Được biết, cuốn tiểu thuyết đầu tay của chị đã được tái bản 10 lần ở Mỹ, và được báo chí Mỹ tốn không ít giấy mực bình luận. Tờ  thì nói về thân phận kẻ tị nạn trong trang viết của Thuý, tờ  nhấn mạnh sự tẩy sạch vết sẹo thời gian trong chiến tranh (The New York Time). Còn với chị, lý do để chị trở thành nhà văn là gì?

- Tôi cảm nhận từ rất lâu rằng chữ, hay rộng hơn, văn chương,  không bao giờ chứa nổi cuộc đời. Hay nói cách khác, kinh nghiệm sống còn mạnh hơn cả ngôn từ. Mình chết đi, ngôn từ vẫn còn đó. Cũng ngần ấy ngôn từ, nhưng cách chuyển tải lẫn về mặt ngữ nghĩa  thì nhiều tầng vô cùng. Những gì mà ngôn từ thể hiện ra  trên trang viết giống như trên bề mặt, mà khi đọc, người ta còn phải lặn xuống thật sâu, phải bơi, phải rơi xuống tận đáy, rồi nổi lên từ từ, lúc đó  mới có thể cầm lên từ dưới đáy cái mình muốn.

Thuở nhỏ, tuổi thơ tôi đã trải qua nhiều mất mát (người chị bị chết đuối ở trại tị nạn Malaysia, anh trai mất từ hồi ở VN, lạc mẹ từ năm lên 6 và hai năm sau mới gặp lại được - NV), nên khi sang Mỹ, xem như tôi vẫn mang con người VN trong mình. Tôi tìm thấy ở ba tôi sức chịu đựng khủng khiếp, chịu đựng, chôn chặt, im lặng và tôi thấy phải viết ra những gì mình đã sống, đã chôn chặt, nếu không, sẽ không chịu nổi. Lâu nay, nhắc đến hai chữ VN, người Mỹ chỉ nghĩ đó là chiến tranh.

Tôi muốn nói rằng, tại sao người Mỹ không muốn hiểu về VN khác đi - một đất nước thanh bình, hiền hoà, có chủ quyền trước khi quân Pháp đến và một đất nước vừa trải qua cuộc chiến chống Pháp trước khi Mỹ đến là như thế nào. Những trang viết của tôi không chỉ về chiến tranh thôi đâu, mà chủ yếu là về thời hậu chiến. Bởi cho đến nay, nước Mỹ vẫn chưa dừng lại những cuộc chiến ở các nước khác và tôi muốn chỉ ra rằng họ đã sai đường.

* Nói về thời điểm rời VN cùng ba trên con thuyền nhỏ năm 1978, lúc đó mới 6 tuổi, chị còn có thể nhớ được điều gì? Vì sao ký ức tuổi thơ còn ám ảnh mãi trong những trang viết của chị về sau?

- Tôi không hiểu vì sao phải ra đi như thế, vì sao ba tôi không thể giải thích điều gì với tôi. Vì sao chỉ thấy xung quanh toàn mặt biển tối đen, nước và nước, rồi hôm sau, mặt trời lên rực rỡ mà vẫn không thấy má tôi đâu. Vì sao bà bỏ rơi tôi? Những câu hỏi đó cho đến tận lúc trưởng thành tôi mới hiểu được. Nhưng với tôi, có một cú sốc lớn từ tuổi thơ, khiến tôi không còn là một đứa trẻ nữa, kể từ khi bước chân lên mảnh đất xứ người.

Khi qua Mỹ, tôi còn quá bé, còn chưa học chữ tiếng Việt, nhưng  qua đó phải cố nắm bắt cho được  tiếng Anh thật nhanh để làm phiên dịch cho ông. Tôi học tiếng Anh từ các câu chuyện cổ tích của Grimm, và bắt đầu mê viết truyện cổ tích. Vì chỉ có truyện cổ tích mới giúp tôi thấy nhẹ nhõm, nỗi buồn từ từ vơi đi, không cần nói với ai. Khi đọc, thấy như có tiếng thở của chữ. 

Năm lên 8 tuổi, tôi viết câu chuyện cổ tích đầu tiên. Sau này, tôi cảm giác mình mất khái niệm về tiếng Việt, thứ tiếng Việt của tôi chỉ dừng lại mãi mãi ở tuổi lên sáu, nên tôi  chỉ có thể viết tiếng Anh, đắm mình trong những trang sách và sống với chúng. Nhưng trong sâu xa, tôi biết mình là người Việt.

* Trong cuốn tiểu thuyết “The Gangster...”, nhân vật “ba” chỉ toàn sống  trong quá khứ, uống rượu, ngồi sám hối trong bóng đêm, không còn tìm thấy ở đâu gã du đãng sống động ngày trước. Và cả người má trong tác phẩm trình diễn “Mùa hè đỏ lửa” cũng không bước chân ra khỏi hoài niệm.  Phải chăng đó là bi kịch bị bứng khỏi cội rễ của  thế hệ di cư thứ nhất sang Mỹ?

- Tôi muốn nói rằng, chiến tranh không bao giờ kết thúc. Cho dù là trên danh nghĩa, nó đã kết thúc. Chiến tranh còn lại  trong con người, cỏ cây, đường phố, ở trong sâu xa vô thức và ý thức.  Hậu chiến tranh mở ra cuộc sống tha hương của người Việt ở Mỹ, Australia, Canada… Đó chỉ là nhánh của cái cây hệ lụy. Chính vì thế, tôi muốn tác phẩm trình diễn của mình không né tránh điều đó.

Ngay cả trong vở “Mùa hè đỏ lửa”, tôi cũng cắt dán những mảnh giấy tượng trưng cho tấm ảnh của ông bà ngoại, bật những giọng nói đủ loại người về chiến tranh, để nói lên rằng cuộc chiến đã làm thay đổi rất nhiều cuộc sống của các gia đình người Việt, thậm chí, từng chia cắt anh em trong gia đình ở hai chiến tuyến.

Tất cả tác phẩm của tôi đều nói lên ý thức phản chiến. Có những bài thơ tôi viết cho em gái tôi, để  thế hệ sau như em sinh ra và  lớn lên ở Mỹ,  hiểu được: “Ta đã sống/ bên lề những đại dương/ trong sự chờ mong/ căng buồm vào bình minh…/ chị kể em những điều này/ để đắp đầy những trống rỗng/ của lịch sử ta ở đây.

* Nghe nói, cuốn “The Gangster...” đang được NXB Phụ nữ dịch sang tiếng Việt. Hai cuốn tiểu thuyết tiếp theo mà chị đang viết và định viết có vượt ra khỏi đề tài chiến tranh, và   khai thác đời sống của thế hệ người Việt thứ hai lớn lên và hội nhập ở xứ người?

- Cuốn thứ hai tôi đang viết với nhân vật chính là cậu bé sống sót ở Mỹ Lai, sau  này sang Mỹ sống. Nhìn chung, cuốn đầu tay là kinh nghiệm và cảm hứng để tôi viết tiếp cuốn này. Ở đâu cũng là bi kịch của cá nhân, hay của dân tộc, của nền văn hoá này khi  hội nhập với các nền văn hoá khác. Cuốn thứ hai này có chiều sâu hơn vì đề cập đến cả nạn phân biệt chủng tộc, đến nạn bạo lực ở Mỹ và cả những vấn đề của dân tộc khác liên quan đến VN.

Lúc đầu, người ta nghĩ rằng cuốn “The Gangster…” đầu tay của Thuý được viết như tự sự về chính cuộc đời và gia đình chị, nhưng Thuý cho không phải như vậy. Chị bắt đầu từ đời mình, nhưng sau đó, đã để cho các nhân vật dẫn dắt câu chuyện, tự hoàn thiện tính cách ở mỗi người. Giọng văn lúc gọn, đanh, súc tích, lúc tinh tế, lúc nhấn nhá lộng lẫy. Những tác phẩm trình diễn của cô cũng vậy, thường gây bất ngờ cho người xem.

Vở “The Bodies  Between Us” (“Những xác người giữa chúng ta”) chẳng hạn: Hình ảnh 3 miếng vải dài trải từ trên cao xuống sân khấu tượng trưng cho nước, và chiếc thang bên cạnh. Người đàn bà ôm xác con sau trận  bom Mỹ, thực ra là đang ôm những mảnh vải quấn hoài. Sau đó, mảnh vải  trở thành con thuyền và nước.

Trên đó có con hạc trắng,  còn nhân vật chính thì vừa kể chuyện, vừa  múa, thậm chí, nằm dài trên ghe. Chân  người đó như  không bao giờ chạm được đến đất, mặt nước đen, nền trời đen trên nền sóng trắng, không biết mình sẽ về đâu. Thuý giải thích: Đó là trạng thái “lưng chừng ở giữa” của những người xa xứ.

* Tác phẩm trình diễn thứ 3 của chị liên quan đến thời gian chị sang Pháp tìm hiểu về những tấm ảnh mà người Pháp chụp người Việt trong thời thuộc địa từ thập niên 1900, để làm luận văn tốt nghiệp môn Các nghiên cứu văn hoá và  văn chương hậu thực dân. Chị đã thu lượm được điều gì từ chuyến đi này?

- Như đã nói, tôi chỉ muốn người Mỹ nhìn VN khác hơn, không giống như những bộ phim Mỹ vẫn làm. Hơn nữa, khi mới sang, tôi cảm thấy mình bị cắt đứt khỏi  nguồn cội, nên quyết định nghiên cứu về VN để hiểu hơn về đất nước nơi mình sinh ra. Tôi muốn những người trẻ sinh ra trên đất Mỹ - tức thế hệ người Mỹ mới - có thể hiểu hơn về bối cảnh lịch sử mà họ và cha mẹ họ xuất hiện ở đây, lý giải được những vấn đề chiến tranh, đồng thời hiểu cả những dân tộc khác đến Mỹ, mang theo cả nền văn hoá và một phần lịch sử của họ, cùng cách mà họ hội nhập xã hội Mỹ.

Lê Thị Diễm Thuý là nhà thơ, nhà văn và diễn viên kịch. Cô sinh năm 1972 tại Phan Thiết, Bình Thuận, theo cha vượt biên năm 1978 và định cư tại San Diego, California. Mẹ và chị của cô vượt biên 2 năm sau. Anh cả và một người chị của cô bị chết đuối hồi cô còn nhỏ. Cô có hai em sinh tại Mỹ. Năm 1990, cô theo học Đại học Hampshire College ở tiểu bang Massachusetts, môn nghiên cứu văn hóa và văn chương hậu thực dân. Năm 1993 cô sang Pháp khảo cứu về những tấm ảnh mà người Pháp chụp người Việt trong thời thuộc địa từ thập niên 1900.

Thơ và truyện của cô từng xuất hiện trên Massachusetts Review, Harper’s Magazine, Granta, và tuyển tập “The Very Inside”. Hai vở kịch độc diễn của cô là “Red Fiery Summer” và “The Bodies Between Us”  đã được trình diễn nhiều nơi trong nước Mỹ và Châu Âu. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô “The Gangster We Are All Looking For” được Alfred A. Knopf  xuất bản năm 2001. Cô từng nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có những học bổng của các hội Radcliffe và Guggenheim.
 

* Giữa viết văn, làm thơ, trình diễn nghệ thuật sắp đặt, chị thấy đâu là thế mạnh của mình?

- Thơ khó nhất, ý nặng mà phải bay được, nên tôi không thể viết bằng tiếng Việt. Còn văn xuôi không cần bay, mà giống như một công trình thực sự, cần những vật liệu để mình xây một ngôi nhà. Nghệ thuật trình diễn cho tôi những khoảnh khắc không bao giờ trở lại, và tôi đã sống trong 60 phút đó một cách trọn vẹn, vừa là khán giả, vừa là chính mình, vừa là người mà mình  phải nhập vai.

Đó như là cuộc sống, là thời gian đang trôi, chỉ có thể chộp  được trong  một khoảnh khắc đầy quyền năng. Chính vì thế tôi yêu thể loại này. Khi trình diễn xong, nhiều người Mỹ đã đến bắt tay tôi và họ cảm ơn vì tôi đã đưa họ đến những phút đặc biệt đầy chấn động.

* Cuộc sống hiện tại của chị ở Mỹ ra sao?

- Tôi viết, và tham gia dạy những khoá viết văn ngắn hạn, những buổi nói chuyện về văn chương hậu thực dân. Cuộc sống cũng ổn, tôi vẫn thường nhận được một số giải thưởng, học bổng, các dự án cho nghệ sĩ. Mới đây, tôi được chọn trong số 50 người Mỹ  bao gồm nhà văn, người làm phim,  hoạ sĩ, video art… nhận tài trợ để tham gia dự án sáng tác. Nghề văn không bao giờ giàu, nhưng với tôi, tôi có thể sống thật hơn với mình. Tôi cũng đủ sức làm nghề khác, như  làm văn phòng, mở quán… nhưng tôi chỉ thực sự yêu thích nghề viết. Quan trọng nhất là đọc.  Thế giới của tôi  gắn với những trang sách và đó là cách học tốt nhất.

* Sứ mệnh của một nhà văn, theo chị…

- Là trách nhiệm của họ trước sự thực của đằng sau câu chuyện họ kể. Họ phải làm rõ số phận của nhân vật và phải làm cho con  người sống ở trong đó. Điều này đánh dấu mộc lên tác phẩm của chính họ.

* Xin cảm ơn chị.

 

 

Nhật Lệ thực hiện

(Nguồn: Báo Lao Động)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: