Thứ sáu, 19/04/2024,


Thời để nhớ của ông Tân và bà Thường (phần cuối) (07/09/2008) 

            Năm anh chị em bà Trần Thị Thường đã lớn khôn từ vòng tay, hơi ấm, tình thương của mẹ. Bố bà mất từ khi bà còn chưa biết mặt! Bà vẫn nhớ hình ảnh mẹ sáng sáng cắp nón đến nhà địa chủ làm thuê, trưa vắt vội bát cơm là phần ăn của mình mang về cho con, rồi lại lao đi. Cuối ngày nhận công bằng một bát gạo, đem về nấu cháo cho các con.

Tất cả mấy anh chị em bà Thường đều phải đi ở đợ, cứ lớn chừng 6,7 tuổi, biết cầm dây dắt trâu, bò là đi. Suốt ngày bêu ngoài đồng, bất kể nắng mưa chỉ đủ đổi lấy miếng ăn. Một năm, nếu chăm chỉ lao động và không phạm lỗi gì mới được chủ may cho nửa chiếc áo. Hết ở với chủ này lại chuyển tới chủ khác. Quần quật tối ngày. Sáng đi chăn trâu, tối gật gà gật gù bên nồi cám lợn, cối xay... cũng chỉ được ăn những thứ thừa thãi dành cho gia súc. Bà xót xa khi nhớ tới hình ảnh anh trai nhặt lại củ khoai sùng của con chó canh nhà cho chủ để ăn. Thứ thức ăn mà ném cho chó, chó cũng chê nhưng đối với nhiều người thời đó thì đấy là một phần thưởng hấp dẫn. Có hôm được bát ngô non, phải đem băm nhỏ trộn với rau má mới đủ bữa ăn.

Chưa kịp tinh khôn, mẹ bà lại theo bố, bỏ bà cùng 3 anh trai và một chị gái bơ vơ giữa cảnh đời đầy rẫy cơ cực. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ nên bà phải tự thân làm tất cả mọi việc, cố sức tồn tại. 1945, Nhật đảo chính Pháp, nạn đói tràn lan và một người anh trai của bà phải bỏ mạng vì bệnh tật lúc tìm kiếm củ trong rừng để sinh sống. Nhân lúc chủ cho về chịu tang anh, bà ở lại nhà cùng với gia đình anh trai khác. Cách mạng tháng Tám thành công nhưng đời sống chưa có gì biến chuyển, khó khăn và đói khổ vẫn đeo bám từng bước. Anh trai, chị dâu và bà cùng phải ra sức lao động cật lực mới đủ miếng ăn. Lúc đó, bà Thường cũng đã ở tuổi đi tập thiếu niên.

Cưới nhau được 12 ngày thì có lệnh đi dân công hoả tuyến. Cả hai ông bà cùng tham gia, mỗi người một nhiệm vụ theo tình hình thực tế. Bà cùng các chị em phụ nữ khác ghánh quân trang bị ra các tỉnh phía ngoài phục vụ bộ đội. Ngày nghỉ, đêm mới luồn rừng, lội suối lên đường để tránh bị địch phát hiện tấn công.

Trước tình huống mẹ và vợ không được thuận hoà, phận làm con, thân làm chồng, ông Tân chỉ mong muốn làm sao giải toả được những mối trăn trở ngăn cách đó. Được sự đồng ý và ủng hộ của mẹ, ông Tân xin cho bà cùng đi lên tỉnh công tác vào năm 1961. Khi đó, ông bà đã có 3 người con gái và gửi lại nhà cho mẹ chăm nom giúp.

 

         Gia đình ông Tân và bà Thường trong ngày vui cưới con trai

 

            Cùng chung vai gánh vác khó khăn

Ngày bà Thường lên tỉnh làm việc, mẹ chồng nàng dâu có những khúc mắc, gia đình mất đoàn kết. Ông Tân chẳng biết nói gì, đành im lặng, vì bên tình, bên hiếu bên nào cũng quý. Năm đó, ông Tân có nhờ một người bạn xin cho vợ, đó là thời cơ. Bằng mọi cách, phải xin cho bà Thường đi thoát li. Nhưng khổ nỗi, lúc bấy giờ là xin Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, nhưng họ không cho đi, vì lí do: Hợp tác xã mới thành lập, nên thiếu lao động, nhất quyết không được đi. Ông Tân đã phải kiên trì đi lại nhiều lần, nài nỉ thuyết phục, họ nể quá, đành phải kí giấy cho đi.

Tuy chỉ học qua lớp bình dân học vụ nhưng bà Thường là người thông minh, nhanh nhẹn lại đảm đang, việc gì bà cũng có thể làm được bất kể thuộc lĩnh vực lao động của giới nào. Lên tỉnh, bà được nhận vào làm công tác tiếp phẩm cho trường của sở nông nghiệp. Cứ ngày ngày kéo xe ba gác của nhà trường đi chợ mua lương thực, thực phẩm, khi chợ Nam Đàn, lúc chợ Vinh để bảo đảm cho mấy trăm học viên của trường. Được một thời gian, chiến tranh chống Mĩ sảy ra ác liệt trên địa bàn, nhà trường phải sơ tán đi nơi khác. Bà Thường chuyển về chăn nuôi lợn và tằm cho sở nông nghiệp tỉnh. Có câu “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” nhưng khi ấy thì nuôi gì cũng đều phải “ăn cơm đứng” hết. Xong, bà lại được về nấu ăn cho trường học của sở tiếp.

Chiến tranh liên miên, bom đạn oanh tạc khắp nơi nên các cơ sở chăn nuôi sản xuất và trường học liên tục phải di dời. Do vậy, bà Thường cũng phải theo đi khắp địa bàn tỉnh cùng đơn vị với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Sau ông bà xin được mảnh đất ở gần sở nông nghiệp thì chuyển hộ khẩu về đó để tiện công tác. Ngoài nhiệm vụ chính của sở nông nghiệp, bà thường nấu nước ghánh ra cho các đơn vị bộ đội phòng không phòng thủ chiến tuyến đầu cầu bên thành phố Vinh, bởi trường của sở nông nghiệp nằm gần đó.  Do vậy, bà được chứng kiến nhiều trận oang tạc bằng pháo kích và bom của Mĩ vào thành phố, khiến nhân dân phải di tản đến các địa điểm an toàn, chỉ trừ những người làm nhiệm vụ trực tiếp trong các đơn vị trực thuộc các sở, tỉnh.

Đúng thời điểm đó, ông Tân được sở cử đi học tại trường Thương nghiệp ngoài Hà Nội (nay là trường Đại học Thương Mại). Đằng đẵng mấy năm ông đi học nhưng bà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị và việc chăm sóc các con. Vinh dự đến với ông tại trường học là được Hồ chủ tịch và thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp khác tới thăm vào năm 1963. Bác tới đột xuất để nắm bắt được chính xác cụ thể tình hình ăn học của nhà trường chứ không thông báo trước. Bác nhấn mạnh vai trò và căn dặn chu đáo công tác bảo đảm phân phối trang thiết bị cho các đơn vị chiến đấu thật nhanh chóng, kịp thời, đúng tiêu chuẩn quy định. Và, yêu cầu nêu cao tinh thần công minh, tự giác, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Tại chiến trường các tỉnh miền Bắc trung bộ lúc đó là ranh giới chuyển giao giữa hai vùng chiến thuật. Do đó, quân bị dự liệu và tiếp tế hầu hết đều được tập kết tại đấy, sau đó sẽ phân phối đến từng đơn vị, cấp phát cho bộ đội. Hoàn thành khoá học năm 1966, ông Tân về sở thương nghiệp tỉnh công tác.

Theo lệnh tổng động viên để chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, ông Tân tái ngũ, lên đường tòng binh với nhiệm vụ bảo đảm phân phối, cấp phát các trang, quân thiết bị cho các lực lượng vũ trang chiến đấu. Bấy giờ, lực lượng ta đang ráo riết bí mật di chuyển sâu vào các vùng chiến thuật phía Nam để chờ thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc tổ chức vận chuyển người làm sao cho bí mật đã khó thì công tác vận chuyển quân bị lại càng khó khăn hơn. Vì, địch đánh hơi được nên ra sức oanh tạc hòng chặn đứng quá trình cung cấp hậu cần của ta vào địa bàn các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên lúc đó, chúng chưa biết chính xác cụ thể tình hình thế nào cả.

Nhằm bảo đảm bí mật cho các đơn vị chiến đấu tại chiến trường miền Nam, tất cả các khâu thuộc các lĩnh vực liên quan đều cần phải tuyệt đối giữ bí mật. Công tác cung cấp hậu cần cũng không ngoại lệ. Khi ấy, phiếu xuất các quân bị chỉ được phép ghi mỗi số lượng từng chủng loại vật dụng cần cung ứng chứ không ghi tên, địa bàn đóng quân của bất cứ đơn vị nào. Như thế đủ biết, sự kiện Bác tới thăm và căn dặn kĩ lưỡng các học viên trường Thương nghiệp năm 1963 là có nguyên nhân nằm trong sự việc mà Bác đã tiên liệu. Có lẽ, phải tới khi ấy, nhiều người mới biết. Bởi lẽ, các vật phẩm quân dụng liên tục được vận chuyển vào vị trí tập kết, chất đầy trong kho. Dễ hiểu, nếu tư tưởng không vững vàng, tinh thần không mạnh mẽ, lòng trung thực không kiên định, tính tham lam cá nhân nổi dậy thì chẳng mấy mà sa vào con đường tham ô, gây thất thoát của cải của nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng xấu đến chiến trường tiền tuyến.

Thời điểm ấy, số người được tin tưởng giao nhiệm vụ nhận, quản lí và phân phối, cấp phát quân dụng không nhiều và phải trải qua quá trình “thử thách” để “kiểm nghiệm” lòng trung thực. Máu xương đổ xuống nhiều rồi. Mồ hôi, nước mắt, công sức của đồng bào làm ra của cải dồn cả vào đấy để phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời gian tiến tới ngày hoà bình độc lập không lâu nữa. Những trận chiến cuối cùng sẽ diễn ra rất khốc liệt. Thiếu một vật dụng không đơn thuần là chỉ hao hụt, thất thoát giá trị của vật ấy, mà liên quan chặt chẽ đến tính mạng của từng chiến sĩ ngoài mặt trận và không thể nào bồi hoàn cho được. Mặt khác, còn ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của chính phủ đương thời và năng lực cán bộ. Chỉ cần “hao hụt” một đôi giầy thôi là có thể một người ngoài tiền tuyến bị chết oan và làm nao núng lòng quân theo phương thức lan truyền. Hậu quả thật trầm trọng, khó lòng lường hết nổi.

Nhiều lần ông Tân trực tiếp theo xe đi nhận trang thiết bị, rồi lại tự quản lí và cấp phát khi có lệnh. Quãng đường hành quân, mỗi đoạn là một chiến trường, mỗi bước là một hiểm nguy bởi địch thực hiện chiến dịch ngăn chặn không cho tiếp viện từ hậu phương ta vào miền Nam. Mặt trận oanh tạc chủ yếu của chúng là công tác, lực lượng cung ứng hậu cần của ta. Nếu chặn được thì sẽ cô lập, làm suy yếu sức chiến đấu quân chủ lực bí mật đóng chốt ở các cứ điểm thuộc chiến trường miền Nam. Tất nhiên, địch không thể biết rõ số lượng quân giải phóng, địa điểm án binh, chiến thuật tác chiến, thời điểm tấn công của quân chủ lực như thế nào cả. Tất thảy đều được giữ bí mật tuyệt đối.

Giai đoạn này, bà Thường di chuyển trên khắp địa bàn của tỉnh. Không chinh chiến nhưng nằm trong vùng mưa bom bão đạn nên tính mạng cũng nguy hiểm bội phần. Tiếp xúc mãi đâm quen và không sợ bom đạn nữa. Lại còn thêm kinh nghiệm “trốn” bom đạn, không đánh được thì phải trốn thôi chứ biết làm sao. Hễ cứ nghe tiếng máy bay là nhảy xuống hầm trú ẩn. Xong xuôi lại bò lên đi tiếp. Lúc đó, hầu như nhà nào cũng đào hầm, trên đường đi, các cơ quan đều rất sẵn hầm hào tránh bom đạn. Có lần, hai mẹ con bà nằm trên giường (vì con còn nhỏ nên bà phải mang theo) thì bất ngờ bị bom nổ, hất tung cả hai mẹ con lộn ngược xuống hầm dưới gầm giường, may thay không bị làm sao. Sáng dậy, hay tin có nhiều người bị chết khiến bà khiếp vía, dựng ngược tóc gáy khi hồi tưởng lại cảnh tượng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Năm 1982, bà Nguyễn Thị Tỉu, em gái ông Tân đang công tác tại cửa hàng ăn uống huyện Đô Lương, khi khám bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Ba Lan, đã phát hiện mình bị bệnh ung thư vú. Các bác sĩ khuyên là phải đi Viện K (Hà Nội) để mổ. Lúc đó, do thấy tình hình nguy cấp, mà bà Tỉu lại không mang theo tiền bạc, quầo áo, nên định về Đô Lương để chuẩn bị. Nhưng hồi đó, hoàn cảnh nhà bà Tỉu cũng éo le: chồng yếu, con dại không ai chăm sóc, kinh tế rất khó khăn. Sau khi suy nghĩ, ông Tân đã kiên quyết không cho em gái về Đô Lương. Ông nói “Mọi thứ quần áo và tiền bạc để anh lo. Mạng người là quan trọng, chữa bệnh cũng như cứu hỏa, O cứ chuẩn bị tinh thần lên đường đi Hà Nội chữa bệnh ngay”. Người em gái thấy anh trai nói vậy thì vâng lời. Vậy là ông Tân cũng cùng ra Hà Nội để chăm sóc cho bà Tỉu tới khi khỏe mạnh. Nay bà Tỉu đã phẫu thuật được 25 năm, nhưng vẫn khoẻ mạnh (nhiều người bị bệnh tương tự đẫ mát từ lâu). Bà Tỉu vẫn thường xuyên tham gia luyện tập tại Câu lạc bộ Sức khoẻ ngoài trời của thị trấn Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Cũng trong năm 1982, bà Thường đi khám bệnh và bác sĩ xác định là có khối U. Ông Tân cũng kiên quyết phải đưa đi mổ bằng được. Ông cho rằng nếu để chậm ngày nào là tính mạng khó được bảo toàn. Căn bệnh đó bây giờ thì đơn giản, nhưng ngày ấy còn ít gặp và rất nan y. Nhiều gia đình có đủ điều kiện kinh tế, mà không cứu chữa được người thân. Nhờ sự kiên quyết của ông Tân mà bà Thường đã mạnh khỏe, cùng ông hưởng niềm hạnh phúc bên con cháu cho tới ngày hôm nay.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, hầu hết con cái của ông Tân và bà Thường đều công tác xa cha mẹ như Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn... Họ đều muốn ở gần ông bà để sớm tối có điều kiện giúp đỡ cha mẹ. Nguyện vọng chính đáng này được ông Tân ủng hộ. Ông đã chẳng những tích cực lo công ăn việc làm mà còn lo cả việc tìm đất làm nhà ở cho các con. Hiện nay, 7 gia đình con rể đều ở gần ông bà, nhà gần nhất chỉ cách 10 mét, nhà xa nhất cũng không quá 2 km.

 

             Nguyện sống trọn cuộc đời người lính

Trong cuộc tổng động viên năm 1968 phục vụ chiến trường miền Nam, ông Tần đã tái ngũ và được bổ sung cho đoàn 559. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta hồi ấy đang diễn ra hết sức gay go và ác liệt. Ông Tân đã cùng đồng đội hành quân đi chiến đấu trong mưa bom bão đạn. Sự sống và cái chết chỉ cận kề trong gang tấc. Đặc biệt, khi tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1972, trực tiếp ông Tân đã cùng đơn vị bắt sống Đại tá Thọ.

Năm 1973, đại uý Nguyễn Thế Tân chuyển ngành về sở thương nghiệp tỉnh công tác. Tới năm 1990, ông về hưu. Trong suốt thời kì đất nước thực hiện chế độ bao cấp, đơn vị ông Tân quản lí và phân phối hầu hết các sản phẩm hàng hoá bảo hộ lao động cho hơn 600 cơ quan, ngành cấp trung ương và địa phương trên khắp địa bàn tỉnh. Nghĩa là, tất cả mọi thứ thuộc về lĩnh vực bảo hộ lao động đều do sở thương nghiệp chịu trách nhiệm cung ứng. Bấy giờ, cả tỉnh chỉ có một cơ quan cung cấp hàng hoá duy nhất thuộc sở thương mại và cửa hàng bán các hàng bách hoá. Tất nhiên, mọi mặt hàng đều nhận từ trung ương theo hệ thống phân phối ngành và chỉ được bán theo lệnh của cấp trên.

Bản thân là một đảng viên xuất sắc được ghi nhận bằng nhiều huân huy chương đủ hạng của các cấp lãnh đạo. Và, ông Tân giúp đỡ nhiều anh em đồng chí, đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ, rồi đỡ đầu, bảo lãnh họ vào đảng. Thành công của ông dựa trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ, giao thiệp, ứng xử đều tuân theo lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Hai ông bà sinh tất cả được 8 người con chết 1, chỉ còn 7 người, với 5 gái và 2 trai. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược đầy cam go, cuộc sống khó khăn, nghèo khổ đeo bám suốt nhưng các con của ông bà, không ai bị nghỉ học giữa chừng. Ai đủ sức học đến đâu, ông bà quyết tâm lo cho đến đó. Nhờ thế, các con đều trưởng thành, có nghề nghiệp, gia đình ổn định.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho quê hương, đất nước của mình, cựu chiến binh Nguyễn Thế Tân đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng 2 Huân chương  kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và hạng Nhì; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, cùng hàng chục Huy hiệu của Hội Cựu chiến binh, Chiến sĩ Trường Sơn, Vì sự nghiệp xây dựng ngành Thương nghiệp, Người cao tuổi Việt Nam, Chiến sĩ thi đua của tỉnh Nghệ Tĩnh và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp.

Từng là một cán bộ phụ trách hệ thống hàng bách hoá thuộc sở thương mại nhưng gia cảnh ông bà rất đơn giản. Không có gì sa hoa, sang trọng hơn người. Cuộc sống đạm bạc nhưng thanh bình!

Bà Thường về hưu năm 1984, 6 năm sau ông cũng về hưu. Cả hai ông bà an vui tuổi già và tích cực tham gia các hội, đoàn thể, phong trào trong phường, quận. Nhân dân khu phố cũng rất tín nhiệm ông nên bầu ông đảm trách các chức vụ trong các hội, đoàn thể. Nay, ông bà đã có cháu và cả chắt rồi nên xin nghỉ nhưng vẫn hăng hái tham gia các hoạt động văn hoá, giáo dục đạo đức và rèn luyện tinh thần, sức khoẻ. Mặc dù ông bà có lương để tự bảo đảm cuộc sống nhưng tuổi già thật khó lường được đau ốm, tật bệnh. Tích cực tập luyện để chăm lo, bảo vệ sức khoẻ, cố không phiền luỵ tới con cháu cũng là một cách giúp đỡ cho con cháu đó thôi.

Đời người như nước cuốn mây trôi. Thoắt đấy mà đã bạc đầu. Vâng, quy luật tự nhiên mà bất cứ ai sống được cũng phải trải qua nhưng số người “sống” được thực sự để đến khi “tóc bạc răng long” mà không phải ân hận, day dứt điều gì như ông Nguyễn Thế Tân và bà Trần Thị Thường thật cũng hiếm hoi lắm.

                                          

                                                                    Nguyễn Văn Quân

   -------------------

   LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: