1.
Người Việt Nam, dù đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, không mấy ai không yêu thơ. Dường như trong mỗi sâu thẳm của tâm hồn Việt đều có một góc dành cho thơ. Chỉ khác nhau, chúng “phát lộ” ra ít hay nhiều, sớm hay muộn mà thôi. Có một số ít người, ngay từ tuổi thiếu thời đã làm thơ, thậm chí còn làm thơ trước khi đi học và trước biết chữ. Người ta gọi đó là những tài năng bẩm sinh, là “thần đồng”.
Nhưng phần lớn những người yêu thơ ở nước ta đều ở lứa tuổi học trò, mới lớn, sắp yêu, đang yêu và nhất là tuổi… đã về hưu.
Tuổi học trò, mới lớn, sắp yêu và đang yêu ai cũng mơ mộng, trong sáng và lãng mạn. Chưa nhiều buồn vui, mất mát và thử thách của cuộc sống; chưa bị lệ thuộc vào vật chất và cũng chưa hiểu giá trị của đồng tiền đi liền với mồ hôi, nước mắt và cả máu.
Người ta thường làm thơ và tặng nhau thơ để bày tỏ tình cảm. Có một thời, dường như trong sổ tay ai cũng có vài bài thơ, nếu không tự làm thì phải sưu tầm từ bạn bè và sao chép bằng được. Rồi đến thời của công nghệ thông tin hiện đại, người ta nhắn tin qua điện thoại di động bằng thơ, trong những trang Blog (nhật ký trên mạng) cũng có rất nhiều thơ…
Khi đã bị cuộc đời tôi luyện, khi người ta mải mê bon chen để lập nghiệp… thì thường thơ phải tạm nhường chỗ cho chuyện mưu sinh. Điều ấy lý giải ở lứa tuổi 30 – 60, người ta thường ít quan tâm đến thơ hơn, trừ những người thật sự đam mê, những người viết chuyên nghiệp. Nhưng khi đã về hưu, đã trở thành Người cao tuổi, hay đủ đầy vật chất, dư thừa thời gian, nhiều người lại tìm đến thơ. Người ta coi thơ như chỗ dựa tinh thần, điểm tựa cho tâm hồn. Và các Câu lạc bộ Thơ đã phát triển rầm rộ, với hàng vạn người tham gia trong cả nước, trong đó có Câu lạc bộ Thơ Hải Hòa – Móng Cái…
2.
Phạm Bình Thường, tác giả của 2 tập thơ vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cùng lúc: “Dâng Đảng tháng năm này” và “Tự tình”, cũng không ngoại lệ. Chị làm thơ khi đã “lên chức” bà ngoại. Bỗng nhiên tâm hồn chị bùng nổ, hàng trăm bài thơ ào ạt xuất hiện như ‘‘lên đồng’’ (trong khỏang nửa năm, chị đã làm tới hớn 600 bài), khiến cho bạn bè và người thân không khỏi ngạc nhiên.
Một người đàn bà xuân sắc đủ thông minh như Phạm Bình Thường làm thơ, đã cho ra đời đứa con tinh thần đầu tiên “Tự tình với… Điều không thể” cũng dễ hiểu. Nhưng không chỉ có vậy, chị còn làm thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi những người lính, ca ngợi quê hương Hải Hòa - Móng Cái… Trong tập thơ này của Phạm Bình Thường, bạn đọc sẽ được cảm nhận những bài thơ viết dâng lên Bác Hồ kính yêu: Tháng năm nhớ Bác, Móng Cái ơn Người, Mái trường Bác đã đến thăm, Biển và Trà Cổ, Về bên Người, Nắng Ba Đình… Viết về Đảng quang vinh: Đảng của em, Hoa của Đảng, Cổ tích thời hiện đại, Lời của Đảng, Đảng 80 Xuân, Con đường sáng…
Công bằng mà nói, các sáng tác thơ ca ngợi Đảng và Bác Hồ, sau thế hệ của nhà thơ Tố Hữu rất ít người thành công và ghi được dấu ấn trong bạn đọc; nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Vậy mà, Phạm Bình Thường đã tự nguyện dấn thân vào mảng đề tài khó khăn, ít cơ may cho sự “nổi tiếng” như một số người vẫn nghĩ.
Bởi thế, ngoài khả năng thiên phú, Phạm Bình Thường phải là người yêu Móng Cái, yêu vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc đến cháy bỏng, mới có thể rung động và cảm xúc viết được thành thơ những điều tưởng chừng khô khan vì đã quá quen thuộc ấy.
3.
Nguyên là một thiếu nữ Hà Thành, gốc quê Lúa Thái Bình, Phạm Bình Thường đã gửi gắm 20 năm đẹp nhất cuộc đời mình để mưu sinh và trưởng thành ở Móng Cái.
Hạnh phúc của Phạm Bình Thường chính là tổ ấm bé nhỏ tràn đầy tiếng cười. Tình yêu đích thực đã giúp chị cùng chồng con có quyền tự hào rằng: Họ đã đổ mồ hôi, nước mắt như những người lao động chân chính bên dòng Ka Long - Thành phố trẻ ven sông biên giới này đang từng ngày thay da đổi thịt, đang từng bước chuyển mình lập lên bao kỳ tích trong thời kỳ đổi mới ‘‘Đất trả công người cho hạt giống hôm nay/ Nắng tụ hương nồng trao tình thắm men say’’.
Hơn thế nữa, với tư cách một công dân sáng tạo, bằng những tứ thơ chắt gạn từ tâm can, Phạm Bình Thường đã và đang bắc những “nhịp cầu từ trái tim đến tâm hồn”, góp phần nhỏ bé của chính mình xây dựng một thành phố cửa khẩu quốc tế ngày càng giàu đẹp…
Hà Nội, tháng 5 năm 2010
MỜI THAM DỰ CÀ PHÊ VÀ TẶNG SÁCH MIỄN PHÍ
Chào mừng kỷ niện 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Câu lạc bộ Thơ Việt Nam phối hợp với Tác giả và Những người bạn tổ chức buổi cà phê sách mang tên “Dâng Đảng tháng Năm này”.
Thời gian: 8 giờ 30 đến 10 giờ thứ Tư, ngày 19-5-2010.
Địa điểm: Lầu 2, Quán cà phê Big One (số 2 Hoa Lư, cạnh Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội).
Tới dự buổi sinh hoạt văn hóa nêu trên, quý vị sẽ được nghe các nghệ sĩ ngâm thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương, đất nước; được Ban tổ chức mời một người một ly cà phê và tặng một trong 2 tập thơ “Dâng Đảng tháng Năm này” hoặc “Tự tình” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, Nhạc sĩ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa); do tác giả sẽ trực tiếp ký tặng.
Thông báo này thay cho giấy mời.