Chủ nhật, 08/09/2024,


Họa sĩ Dương Hướng Minh: Những đóng góp cho sơn mài hiện đại (17/05/2010) 

Họa sĩ Dương Hướng Minh, tên thật là Nguyễn Văn Tiếp, sinh ngày 6-2-1919 tại làng Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Cuộc đời của ông, trước hết là cuộc đời của một người chiến sĩ, xông pha suốt hai cuộc kháng chiến vì độc lập dân tộc.

 

Sinh ra trong một gia đình trí thức, là học viên khóa 12 Khoa Hội họa Trường Mỹ thuật Ðông Dương năm 1938, năm 1944 đã có một triển lãm hội họa riêng, nhưng trước họa xâm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp, ông cùng nhiều thanh niên sinh viên hăng hái 'quăng bút nghiên theo việc đao binh', trở thành một chiến sĩ biệt động nội thành quả cảm của Ðặc khu Sài Gòn - Gia Ðịnh. Tháng 12-1954, ông có mặt trên chuyến tàu cuối cùng tập kết ra bắc, tham gia đấu tranh thống nhất bằng ngòi bút của mình ở báo Quân đội nhân dân, Nhân Dân. Là hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông có công đầu trong việc xây dựng nền mỹ thuật quân đội.

 

Từ giã khuynh hướng sáng tác lãng mạn của thời kỳ đầu đầy lưu luyến với những tác phẩm Vườn mộng; Trăng, gió, bướm, hoa, ông đến với phương pháp hiện thực bằng tác phẩm tiêu biểu Ðẩy đổ cửa ga Hàng Cỏ mà đi (130 x 160cm). Họa sĩ Dương Hướng Minh kể về tác phẩm này như sau: 'Từ Hải Phòng lên Hà Nội, tôi đến Khu học xá thăm một số bạn sinh viên rồi cùng nhau ra ga chứng kiến cảnh nhân dân ta đấu tranh mấy ngày liền với bọn quân phiệt Nhật đòi mở cửa nhà ga. Vào lúc này, quân Nhật đang chiếm tàu để chở quân đội và lương thực nên chúng rất ngoan cố. Chúng còn sử dụng sen đầm Pháp để ngăn cản dân ta. Do phẫn uất và đoàn kết, hàng nghìn người đã xô đổ cửa ga chính, mở ra một vòm trời bừng sáng, đầy ắp nắng quái chiều hôm. Lớp lớp người ào ra cửa, hất ngã tên sen đầm Pháp, hiến binh Nhật, rừng nón giơ cao, tạo ra một cảnh tượng thật hùng vĩ'.

 

 

Tác phẩm 'Kéo pháo'. Tranh sơn mài của Dương Hướng Minh

 

Ngay lúc đó, họa sĩ đã cảm nhận được sức mạnh vô địch của quần chúng khi đoàn kết lại. Ðó cũng là một dự báo về Tổng khởi nghĩa Tháng Tám sau này. Từ chủ nghĩa hiện thực, với sự giác ngộ cách mạng, Dương Hướng Minh đã đến với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa  một cách tự nhiên và thành công với tác phẩm sơn mài hoành tráng khổ 100 x 200 cm, Kéo pháo ở Ðiện Biên Phủ năm 1957. Một năm sau, tác phẩm này được chọn tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và đã nhận được giải thưởng lớn. Năm 1959, được chọn tham dự Triển lãm Mỹ thuật của các nước XHCN ở Mát-xcơ-va và nhiều nước khác. Ðây là một tác phẩm được đánh giá  cao trong 10 năm  đầy ấn tượng của sơn mài Việt Nam 1954 - 1964.

 

Ngoài những tác phẩm kể trên, Dương Hướng Minh còn để lại nhiều bức sơn mài và ký họa vô giá về đề tài chiến tranh cách mạng như Chèn pháo (1960), Trường Sơn (1980), Giáp trận (1990)... cùng hàng chục ký họa chân dung đặc sắc về các lãnh tụ, các tướng lĩnh và các văn nghệ sĩ nổi tiếng.

 

Ngoài sáng tác, ông còn là một nhà lý luận, phê bình nghệ thuật sắc sảo. Cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Dương Hướng Minh là một tấm gương sáng về sự hiến thân phụng sự đất nước, về con đường dẫn đến thành công trong nghệ thuật.

 

 

Nguyễn Hoàng

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: