Thứ bảy, 20/04/2024,


Thời để nhớ của ông Tân bà Thường (06/09/2008) 

  Ông Nguyễn Thế Tân và bà Trần Thị Thường (ĐT: 038.3854139), hiện trú tại 35/34, đường Phan Bội Châu, phường Lê Lợi, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

    Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, thì cả hai ông bà đều đã xấp xỉ tám mươi. Nhưng hàng ngày, sau thời gian luyện tập dưỡng sinh, ông bà tranh thủ chăm bẵm những luống rau xanh, rau gia vị sạch đúng nghĩa trong khu vườn quanh nhà, trên mảnh đất được cấp từ thập niên 60 của thế kỉ trước.

    Nếu kể cả các con cháu, thì căn nhà nhỏ ông bà cất lên từ thế kỉ trước có tới 4 thế hệ. Hạnh phúc ở ngay trong sự cố gắng hết sức để xây dựng cuộc sống tự do, an lành, ngay trong sự êm ấm của mỗi gia đinh.

 

           Duyên thắm nghĩa tình chồng vợ

Năm 1950, chàng trai 20 tuổi Nguyễn Thế Tân vừa rời lực lượng vũ trang, về địa phương làm du kích. Còn cô gái Trần Thị Thường ở cùng với gia đình người anh trai tại quê. Cả hai gia đình môn đăng hộ đối, đồng cảnh túng bấn bần hàn. Thật khó có thể tưởng tượng được cuộc sống vợ chồng mà trước đó chưa từng yêu nhau, thậm chí chưa từng biết mặt...

Thoạt đầu, cô gái Trần Thị Thường từ chối khi nghe bên nhà trai “đánh” tiếng mối mai. Nguyên nhân chỉ bởi “về nhà đó phải làm dâu trưởng họ, không làm được”. Thế nhưng, cô không từ chối trầu cau dạm ngõ của đàng trai và hễ cứ thấy bóng bố ông Tân ở đâu là tìm cách tránh “đụng độ” từ đằng xa vì ngại phải chào hỏi. Khi ông Tân về phép, nghe bố mẹ đề cập tới chuyện xây dựng gia đình và chỉ định nàng dâu thì ông cũng đồng ý. Lúc ấy, ông mới chỉ nghe nói bà là người hiền lành, chịu thương chịu khó, siêng năng tần tảo chứ thật cũng chưa biết cụ thể “ra làm răng”. Chẳng biết tình yêu nảy nở từ bao giờ nhưng gần 80 năm chung sống với bao nỗi niềm và trúc trắc, hai ông bà đều cùng nhau san sẻ bằng nghĩa tình mà không dễ gì những đôi uyên ương làm được. Có được cuộc sống thanh bình, yên ấm cho ngày nay, ông bà đã phải vượt qua biết bao gian nan cơ cực, có lúc tưởng chừng đã vào ngõ cụt đường cùng, thậm chí, cả mạng sống cũng khó bảo toàn.

Cưới xong, năm 1952, ông bà sinh cô con gái đầu lòng Ngyễn Thị Thế, bà vẫn phải lam lũ cấy cày thuê mướn, ông tham gia phong trào thanh niên xung phong Bác Hồ, du kích địa phương, dạy bình dân học vụ, làm cán bộ thuế nông nghiệp, rồi tham gia các phong trào, chiến dịch dân công hoả tuyến tại miền trung Việt Nam và Thượng, Trung Lào.

Tới năm 1954, toàn quốc hăng hái tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Tân ở trong lực lượng vận tải, làm nhiệm vụ vận chuyển người, lương thực thực phẩm, vũ khí trang bị, khí tài... từ Nghệ An ra chiến dịch. Đối với ông bà, thời gian này là giai đoạn khó khăn, cơ cực nhất của cả gia đình và không bao giờ ông bà quên nổi. Sống sót được thực sự là một điều may mắn!

Bấy giờ, nói là vận tải nhưng nào đã biết đến xe cơ giới ra làm sao, mà toàn phải khiêng vác hoặc thồ đẩy bằng xe đạp. Đã thế, lại phải chỉ được đi đường rừng núi. Luồn lách hang sâu rừng rậm, leo đèo lội suối từ Nghệ An ra tận Điện Biên Phủ để phục vụ chiến dịch. Trận đó, ông bị căn bệnh “thời chiến” hành hạ. Bị những cơn sốt rét đày đoạ, mà thuốc thang thì hiếm hoi, ăn uống chỉ dừng ở mức cầm hơi, lại phải nằm phơi mình giữa rừng... chừng như đã bỏ mạng tại rừng thuộc địa phận tỉnh Thanh Hoá rồi. Cố cầm cự, lê lết về nhà để hy vọng được chạy chữa nhưng ở nhà, gia đình ông cũng khổ ải không kém phần. Nhà cửa bị lửa bốc cháy, thiêu rụi sạch sẽ. Mùa màng thất thu do nước lũ. Hầu như ai cũng đói khổ, có được một miếng ăn lót dạ là cả vấn đề lớn lao. Biết lấy đâu ra thuốc thang để điều trị, biết làm thế nào để tịnh dưỡng cho yên bệnh hoạn? May mắn có người giúp đỡ, ông mới qua cơn bạo bệnh.

Năm 1955, ông được ngành nông, lâm nghiệp triệu tập đến nhận công tác do có trình độ văn hoá và năng lực cán bộ. Tiễn ông đi, bà ở lại nuôi con thơ dại và gánh vác nghĩa vụ nàng dâu. Chuyện mẹ chồng con dâu mấy gia đình không có khúc mắc, nhất là lại vào thời kì túng bấn cùng quẫn, tối mặt chạy vạy từng bữa ăn, văn hoá ứng xử còn bị ảnh hưởng nhiều bởi phong tục tập quán lạc hậu thuở xưa. Biết bao lần bà Thường phải chịu trận trước những hoàn cảnh éo le, mẹ chồng có đánh, chửi thế nào thì bà cũng im lặng, nhẫn chịu và vẫn không quản nắng mưa, sớm tối lao động quần quật lo toan, xây dựng gia đình và chăm sóc con thơ.

Chồng đi xa, bà ở cùng mẹ chồng nên mọi việc từ nhỏ đến lớn nhất nhất đều phải theo ý của mẹ, cấm được cãi lời trái ý. Mãi tới năm 1961, ông Tân xin cho bà lên tỉnh làm việc trong trường thuộc sở nông nghiệp thì bà mới được tự do quyết định mọi việc theo ý mình. Mẹ chồng khó tính thế nhưng kì thực rất thương quý các con, cháu. Khi cùng thoát li, con cái của hai ông bà đều được mẹ chồng chăm nom rất cẩn thận, chu đáo, ăn học đầy đủ. Tất nhiên, phần trách nhiệm chính vẫn thuộc về hai ông bà nhưng nếu không có bố mẹ san sẻ cũng thật khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Bởi khi ấy là thời điểm chiến tranh chống Mĩ và miền Bắc trung bộ là chiến trường ác liệt, kéo dài hơn tất cả. Thế là, hai vợ chồng lại tham gia kháng chiến...

 

            Thuở hàn vi với những tủi nhục đắng cay

Mấy chục năm công tác trong ngành thương nghiệp, nghỉ hưu năm 1990 với chức vụ Trưởng Phòng Bách hoá ngành Thương mại tỉnh Nghệ An. Với ông Tân, có thể nói như thế đã là một sự may mắn, vinh hạnh lắm rồi. Bởi lẽ từ nhỏ, chưa khi nào ông dám nghĩ đến những ngày tháng được “huy hoàng” đến thế trong cuộc đời. Thậm chí, mơ ước được học biết chữ cũng là mơ ước rất xa vời, có vẻ phần hoang tưởng nhiều hơn thực tế.

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình cố nông bần hàn, không có ruộng đất cấy cày tại xã Cát Ngạn (nay là Cát Văn). Bố mẹ và các chị quanh năm phải đi ở đợ, làm thuê làm mướn cho tầng lớp địa chủ quanh vùng để kiếm từng nắm cơm, hạt gạo, cọng rau qua bữa. Bố ông Tân là con trưởng trong gia đình và là trưởng họ nên có trách nhiệm nối dõi tông đường và truyền thừa dòng giống, bảo đảm tính kế nghiệp của huyết thống ở thế hệ sau. Do đó, dù hoàn cảnh thế nào chăng nữa thì cũng nhất định phải có con trai để tiếp tục kế thừa “sự nghiệp” cũng như thờ cúng ông bà, tổ tiên trong nội tộc. Bởi vậy, khi gười vợ thứ nhất chỉ sinh được hai người con gái thì bà tự ý tình nguyện đi “kiếm” người vợ thứ hai cho chồng để giúp chồng hoàn thành trách nhiệm với liệt tổ liệt tông trong việc bảo đảm dòng dõi. Và thế, cậu bé Nguyễn Thế Tân được cơ hội ra đời và trở thành người “đặc biệt” nhất trong gia đình. Tuy là con vợ bé của bố nhưng ông Tân được ưu ái hơn tất cả, không phải đi ở đợ hay phục dịch các tầng lớp “trọc phú” quanh vùng để kiếm kế sinh nhai như những người thân trong gia đình. Tất nhiên, ông vẫn lao động nhưng chỉ làm những việc trong nhà chứ không phải đi kiếm sống lao lực ở đâu khác. Hơn thế, cậu bé Nguyễn Thế Tân lại may mắn được người ta “mời” đi học miễn phí.

Chả là, người con trai của một gia đình địa chủ gần nhà ông rất thích chơi với ông và không chịu đi học nếu không có ông đi cùng nên phụ huynh của “cậu ấm” ấy phải sang xin bố ông Tân cho ông đi học cùng. Bố ông đồng ý và ông được đến nhà một tổng lí học cùng con cái của những gia đình đều vào hàng phó, tổng lí cả. Tất nhiên, chi phí ăn học đều do họ “bao” hết. Tuy ông đã đi học vào tuổi lên mười nhưng quần áo rất “hụt hẫng”, phải mượn là chính, đôi khi còn chả có miếng vải che thân nào. Được miếng ăn là diễm phúc lắm rồi!

Cách mạng tháng 8-1945, nhân dân nổi dậy cướp chính quyền từ tay tầng lớp địa chủ, phong kiến và thực dân, ông Tân cũng hăng hái tham gia dù không biết gì cả nhưng đồng bào cứ đi đâu, làm gì thì ông đi và làm theo đó. Sau giải phóng, phong trào dạy học chữ quốc ngữ bắt đầu được triển khai sâu rộng, mạnh  mẽ. Dù đời sống gia đình rất thiếu thốn và vẫn phải đi cày thuê cuốc mướn nhưng vẫn tần tảo, nhường cơm sẻ áo cho ông đi học tiếp. Nói sẻ áo chứ thực muốn có áo để sẻ cũng không dễ vì mỗi năm cố lắm cũng chỉ may được nửa chiếc. Nghĩa là, để có một cái áo mặc theo nghĩa của nó phải mất đến 2 năm. Sau tốt nghiệp tiểu học năm 1948, ông Tân được cử làm cán bộ thuế nông nghiệp ở xã và tham gia dạy bình dân học vụ. Đáng lẽ sẽ đi học tiếp nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, trường cấp II lại ở xa nên đành tạm dừng ở đó.

               Ông Nguyễn Thế Tân và bà Trần Thị Thường hạnh phúc cùng con cháu.

 

Năm 1949, được một cán bộ cấp trung đoàn đóng quân gần và hay sang nhà chơi hỏi “em có muốn đi bộ đội không”, ông rất sung sướng, gật đầu nhận lời ngay. Trong lòng ông háo hức đi lính bao nhiêu thì cha ông lại buồn lo bấy nhiêu và không muốn cho ông đi đâu cả. Đang phấp phỏm vui mừng chờ đợi được tòng binh thì bỗng dưng cả trung đoàn bộ đội “biến mất” chỉ sau một đêm mà chiều hôm trước vẫn còn tấp nập. Lúc đó, chàng thanh niên Nguyễn Thế Tân rất buồn và cho rằng cán bộ đã lừa mình.

 Nhưng một tháng sau, ông nhận được quyết định triệu tập nhận công tác của tỉnh đội dân quân Nghệ An (nay là Bộ chỉ huy quân sự tỉnh) với nội dung “Xét năng lực cán bộ, xét nhu cầu công tác. Nay quyết định điều động ông Nguyễn Thế Tân...”. Thì ra, người cán bộ trung đoàn nọ đã đề nghị xin triệu tập ông phục vụ quân đội như đã hứa, thể theo nguyện vọng của ông. Bố ông vẫn không vui nhưng vì cơ quan tỉnh cách nhà chừng 30 phút đi bộ, cũng gần nên miễn cưỡng để ông lên đó nhận công tác. Đi bộ đội mà ông Tân chỉ mặc mỗi chiếc áo mỏng, quần đùi, đầu không mũ và chân... không giầy dép gì hết.

Đến cơ quan, ông vừa tập luyện các kĩ, chiến thuật chiến đấu vừa đảm trách nhiệm vụ liên lạc trong trại hậu bị quân kháng 2-3-4. Bố ông vì quá lo sợ mất đứa con duy nhất nối dõi tông đường, ông lại chưa lập gia đình nên sau đó, ông cụ lên hẳn tỉnh xin con về. Bấy giờ, bộ đội lấy tinh thần tình nguyện chiến đấu, phục vụ là chính nên việc ở đơn vị hay về không có gì ràng buộc cả. Nhiều lần nhận được lời đề nghị xin ông về của bố ông và thấy hoàn cảnh gia đình ông vừa nghèo vừa neo người, đơn vị đồng ý và bảo ông về nhà phục vụ các phong trào tại địa phương. Không còn cách nào khác hơn trước mệnh lệnh của cả thủ trưởng và bố, ông Tân đành ngậm ngùi rời đơn vị. Và, đó là thời gian chàng trai Nguyễn Thế Tân bén duyên chồng vợ với cô gái Trần Thị Thường...

        (Còn nữa)

Nguyễn Văn Quân

 

------------------

      LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: