Chủ nhật, 22/12/2024,


Nhớ mùi bánh khúc quê hương (15/05/2010) 

 

 


Một chiều trên đảo Trường Sa
Chợt như hương vị quê nhà thoảng bay

Mùi thơm xôi nếp ngất ngây 

Nhớ sao khói bếp những ngày còn thơ

Mẹ đồ xôi khúc, hương đưa

Ngạt ngào nỗi nhớ quê xưa, ấm lòng.

Trời mênh mông, biển mênh mông

 Gió qua Làng đảo thơm nồng hương quê.

Gió đưa hương nếp bay về

Thương mùi bánh khúc dãi dề ngày xưa...

 

 

 

 

 

BÁNH KHÚC NGÀY XUÂN
                                                                 Tản văn
 
 

       Quê  tôi là một miền quê yên tĩnh ở đồng bằng Bắc Bộ, quê hương của nhiều loài rau dân dã.

       Từ  ngày còn bé, tôi vẫn theo bà, theo mẹ ra đồng chăm bón rau màu trên cánh đồng ven sông. Trên mặt những luống khoai, luống đỗ, bên rìa những ruộng mạ có một thứ rau lá nhỏ thân mềm mọc lên xanh non dưới mưa phùn gió bấc. Thứ rau ấy có thân màu hơi trăng trắng, lá như lá cải củ nhưng nhỏ xíu, có hoa trăng trắng, đó là rau khúc. Tháng giêng, tháng hai âm lịch, rau khúc vẫn còn xanh non trên cánh đồng. Hoa rau khúc khi già có hạt màu đen. Cuối mùa xuân, hạt rau rụng xuống đất. Cuối mùa đông, hạt rau lại nảy thành cây. Đất quê là nơi cất giữ hạt giống cho rau khúc còn mãi đến muôn đời.

        Lần nào ra đồng, bà tôi, mẹ tôi cũng hái đầy rổ rau khúc để mang về làm bánh.

        Bánh khúc là một loại bánh của hương đồng gió nội quê tôi. Từ những ngày tháng chạp, khi con cháu đi học xa hay đi làm ăn ở xa về, các bà, các mẹ, các chị thường làm bánh khúc để cúng ông Táo lên giời. Cúng xong, cả nhà quây quần bên chõ bánh khúc vừa ăn vừa hít hà cái mùi thơm ngon của nếp thơm, mùi béo ngậy của mỡ, của đỗ, của hành quyện với mùi đặc trưng của rau khúc.

         Thế  rồi rằm tháng giêng và tết cùng (mồng một tháng hai âm lịch) nhà nào cũng làm bánh khúc. Bánh khúc là sản vật của một miền quê nghèo khó nhưng tấm lòng thì rất đỗi thảo thơm, trước là để cúng ông bà tổ tiên, sau để biếu anh em xóm giềng và để con cháu cùng ăn.

          Rau khúc hái ở ngoài đồng về cấu lấy phần ngọn non, lá non, vứt  bỏ rễ, sau đó rửa sạch, chú ý không để dập nát, vẩy khô nước rồi bỏ vào cối giã hoặc nghiền bằng máy. Sau khi giã hoặc nghiền, ta được một loại bột rau và nước rau. Ta nhặt hết xương rau (tức là cuống, cuộng) rồi bỏ bột rau, nước rau vào nhào với bột gạo nếp đã xay nhỏ làm thành một quả bột dẻo nhuyễn. Sau đó ta nặn thành từng nắm nhỏ. Mỗi nắm nhỏ tương đương với một sọ bánh khúc.

          Để làm bánh, ta ngâm đỗ xanh đã xay cho tróc vỏ rồi đãi, bung chín nhừ nhưng khô, rồi giã nhuyễn. Mỡ lợn thái nhỏ. Ta trộn đỗ đã giã với mỡ lợn, hạt tiêu, hành, muối vừa đủ (có thể rưới lên một ít mỡ đông). Nặn những nắm bột thành hình chảo, cho nhân vào giữa rồi gói kín bột, nắm tròn. Đấy chính là sọ bánh khúc.

         Ta dùng chõ để xôi bánh khúc. Sau khi chuẩn bị nồi đáy, ta đặt chõ lên trên nồi đáy sao cho nồi đáy và chõ khít chặt, có thể dùng lá khoai nước giã nhỏ trát vào vành chõ cho kín. Ta cứ rắc một lượt gạo nếp thơm đã ngâm và vo rồi xếp một lượt sọ. Cứ một lượt gạo, một lượt sọ xếp như thế cho đến khi gần đầy chõ, đậy vung kín. Trên vung, chú ý phủ một lần vải bằng áo cũ xấp nước để giữ nhiệt cho chõ bánh. Đun sôi độ nửa giờ. Khi nào thấy có hơi ở vành miệng chõ và mùi thơm của bánh khúc bay lên là bánh đã chín.

         Bánh khúc không ngào ngạt, không thơm váng như nhiều thứ bánh ở nhà hàng, khách sạn. Nhưng, hễ cứ ngửi thấy mùi bánh khúc, dù là lúc nào và đang ở nơi đâu, tôi cũng thấy nôn nao nhớ mẹ, nhớ bà.

         Mùa xuân này, bà tôi đã mất từ lâu. Mẹ tôi giờ đã già yếu, đôi tay mẹ gầy guộc nhăn nheo không còn ra đồng hái rau khúc như ngày xưa được nữa. Anh em chúng tôi thì thường xuyên xa nhà. Nhưng cứ vào dịp mùa xuân, năm nào chúng tôi cũng bảo nhau về quê quây quần quanh mẹ. Và năm nào chúng tôi cũng giành thời gian ra đồng hái rau khúc về làm bánh như ngày xưa bà và mẹ vẫn làm.

         Ôi, cánh đồng thân yêu bao la xanh rờn rau khúc. Có lẽ đến đời sau, nhiều đời sau, rau khúc vẫn tươi xanh bất diệt như tình mẹ đối với các con bé bỏng của Người... 



PHẠM MINH GIANG

số  19, tổ 50, phường Quang Trung

thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình

Điện thoại: 0363.843.765

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Lính thuỷ - Linhthuy55@gmail.com - 01682938853 - 47/459 Bạch Mai, Hà Nội  (Ngày 16/05/2010 09:20:05 AM)
                               Cảm nhận khi đọc bài tản văn Bánh khúc ngày xuân

         Chả phải riêng gì thuở bé, đến bây giờ tôi vẫn thích ăn bánh khúc.
         Ngày bé, Khi mẹ đi chợ, tôi vẫn thường tha thẩn chơi ở ngõ đón mẹ về. Chỉ nhìn thấy dáng mẹ từ xa, tôi đã lon ton chạy lại đón mẹ thì ít, mà đón cái thúng trên đầu mẹ đang đội thì nhiều. Đợi mẹ hạ thúng xuống. Tôi mởi cái mẹt đậy ở trên ra. Trời ơi! Đúng là bánh khúc đây rồi. Mẹ tôi thường hiểu tôi thích ăn cái gì để bà mua quà ở chợ mang về cho tôi. Vừa mở thúng ra, mùi bánh khúc đã xộ vào mũi, đánh thức mọi giác quan háu đói của tôi lên. Tôi nhấm nháp chầm chậm để cảm giác hết cái ngon của mùi bánh khúc.
         Hình ảnh món quà  và người mẹ đã ăn sâu vào trí nhớ của tôi về một thưở ấu thơ đầy kỷ niệm. Mùi bánh khúc đồng nghĩa với hương vị quê hương.
        Tôi là lính thuỷ, đã từng sống ở đảo xa trên nhiều vùng biển từ năm 1978 nên rất thấu hiểu tình cảm của người lính đảo.
         Trên đảo Trường Sa, trước đây chỉ toàn là lính tráng, vắng tiếng gà gáy, vắng tiếng bi bô của trẻ thơ, nhất là vắng bóng thướt tha của phái nữ... Mùi bánh khúc thì thật khó mà có đượ , ngay cả khi trong tưởng tượng cũng không có nổi, vì ở đây chỉ toàn gió và cát, mùi tanh tanh dịu nhẹ của đại dương...
        Ngày nay, Trường Sa đã có dân, có trẻ con, có bóng người phụ nữ, có tiếng gà trưa.... và có cả mùi xôi nếp. Hương vi tnếp thơm lừng ấy làm tôi nhớ tới mùi bánh khúc.
        Đọc bài tản văn Bánh khúc của Phạm Minh Giang làm tôi nhớ mùi bánh khúc, nhớ mùi vị quê hương đến nao lòng. Bài tản văn vừa có tính chất thơ vì tác giả đã đưa vaò rất nhiều hình ảnh quê hương, dân dã, thơ mộng, nhưng lại như một bài hướng dẫn cách làm bánh khúc để những ai chưa từng làm bánh khúc bao giờ cứ theo anh hướng dẫn là có thể làm được.
         Viết Tản văn đòi hỏi sự trải nghiêm, sự tích luỹ kiến thức miệt mài qua nhiều năm tháng. Để viết được những dòng tản văn súc tích như vậy, Phạm Minh Giang đã trải qua tuổi ấu thơ trên quê hương Thaí Bình quê lúa, nhiều đặc sản và nhiều bài dân ca trữ tình mang âm hưởng đồng bằng bác bộ, anh đã qua cuộc sống của người lính nên dễ cản nhậnu được vị thơm ngọt của tình đời, anh cần cù quan sát như con ong chăm chỉ để qua năm tháng làm nên đõ mật.
         Bài tản văn của Phạm minh Giang đã đem đến cho người đọc nhiều điều bổ ích, Chẳng những cho những nguời mê bánh khúc khi thưởng thức hương vị quê nhà mà còn giúp những cô nội trợ làm được món bánh ngon cho chồng, cho con,m cho bạn bè nếm thử rồi tấm tắc khen hoài.
           Phạm Minh Giang là người đa tài, làm thơ lục bát đồng quê, thơ thiếu nhi đăng trên nhiều loại báo Trung ương , địa phương. Trên báo Hải quân Việt Nam, những người lính thuỷ như chúng tôi cũng thường xuyên được đọc bài của anh nhưng khi Tết đến. Anh còn là nhà thơ trào phúng với bút danh Tú Sườn thật dí dỏm, chân tình, anh lại còn là người viết tản văn sâu đằm và có duyên.
              Chúc anh có nhiều thành công trên con đường Văn học.

                                             Lính thuỷ
  Phạm Minh Giang - phamminhgiangtb@yahoo.com.vn -  - số 19, tổ 50, Phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình  (Ngày 16/05/2010 12:34:27 AM)

          Xin cảm ơn Ban biên tập lucbat.com đã đăng bài Bánh khúc quê hương của tôi lên mạng để các bạn xa gần đọc và chia sẻ những tình cảm của mình với một miền quê dân dã, một miền quê nghèo khó nhưng ấm áp tình người.
         Xin cảm ơn người chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa đã có những nỗi niềm những tình cảm với quê hương như những nỗi niềm và tình cảm của tôi. Cả hai chúng ta đều là những người lính, 
        Tôi là người lính cũ đã hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương, và anh (anh là người lính còn đang canh giữ vùng biển, vùng trời của Tổ Quốc). Nhưng chúng ta đều yêu quê hương tha thiết, yêu tha thiết miền quê có nhiều loài rau dân giã quê mình. Vì yêu tha thiết quê hương nên chúng ta càng hiểu thêm về đất nước. 
          Xin được chúc người chiến sĩ hải quân - tác giả của bài thơ "Nhớ mùi bánh khúc quê hương" (Không, hình như tác giả bài thơ này là một sĩ quan cao cấp trong Bộ đội Hải quân thì phải). Xin được chúc tác giả bài thơ này cùng với những người lính hải quân, những người lính đảo luôn luôn có sức khoẻ dồi dào, tinh thần sáng suốt, ngày đêm cầm chắc tay súng canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ Quốc quê hương.
          Còn những người dân ở quê nhà, những người cha người mẹ, người vợ, người em gái, những người anh em đồng đội (đã về quê) ở quê hương lúc nào cũng yêu quý các anh, lúc nào cũng nhớ các anh và giành cho các anh những tình cảm yêu thương nhất. Mong các anh đừng quên hương vị bánh khúc quê nhà. Tấm lòng bánh khúc quê nhà luôn luôn nhớ các anh.
         Một lần nữa, xin được chúc tác giả bài thơ "Nhớ mùi bánh khúc quê hương" cùng các anh chiến sĩ hải quân mạnh khoẻ và hạnh phúc.
               Phạm Minh Giang (Thái Bình)
              phamminhgiangtb@yahoo.com.vn
Các bài khác: