Vào ngày 17/5 tới đây, Trung tâm văn hóa Pháp và Công ty Văn hóa, truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm thơ Lưu Quang Vũ nhân dịp xuất bản tuyển tập thơ của ông - "Gió và tinh yêu thổi trên đất nước tôi". Đây được coi là tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ đầy đủ nhất từ trước đến nay.
Tham gia tọa đàm có các diễn giả, nhà nghiên cứu-phê bình văn học Lưu Khánh Thơ, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Anh Ngọc, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Tại buổi tọa đàm, công chúng yêu thơ Lưu Quang Vũ còn được đắm mình trong không giam thơ qua giọng ngâm của nghệ sỹ Ngọc Thọ.
Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mất ở tuổi bốn mươi – khi sức sáng tạo đang dồi dào, tài năng đang độ chín. Cuộc sống của Lưu Quang Vũ tuy ngắn ngủi, nhưng ông đã sống và làm việc hết mình, đã có những đóng góp không nhỏ cho đời sống văn học dân tộc ở nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, kịch…Cuộc đời, sự nghiệp và sự ra đi đột ngột của ông cùng người bạn đời – nhà thơ Xuân Quỳnh đã trở thành một sự kiện trong giới văn nghệ. Năm 2000, Lưu Quang Vũ đã được Nhà nước Việt
Tuyển tập "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" (2010) với hơn 100 thi phẩm có thể xem như tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ đầy đủ, công phu và kỹ lưỡng nhất cho đến thời điểm này. Được gia đình nhà thơ cung cấp tư liệu và trực tiếp tham gia tuyển chọn, được minh họa bởi hai họa sỹ Nguyễn Thị Hiền và Đặng Xuân Hòa, tuyển tập thơ đem lại cho độc giả hình dung khá toàn diện về hành trình thơ Lưu Quang Vũ, nơi mỗi chặng đều in dấu những suy nghĩ, xúc cảm riêng của tác giả và ghi dấu nhiều biến động của lịch sử, xã hội trong những thập niên cuối của thế kỷ trước.
Bên cạnh hơn một trăm bài thơ được chia làm năm phần, sắp xếp theo trình tự thời gian, tuyển tập còn bao gồm phần thủ bút của Lưu Quang Vũ trích trong tập "Cuốn sách xếp lầm trang".
Việc ra mắt một tuyển tập dày dặn, công phu về thơ Lưu Quang Vũ không chỉ là cơ hội để người đọc tìm lại những vần thơ từng một thời được say đắm, đến với những bài thơ còn ít được biết đến, mà hơn thế, đây thực sự còn là dịp để Lưu Quang Vũ được nhìn nhận, và ghi nhận ở một tầm vóc mới, xứng đáng hơn trên bình diện thơ ca thay vì đơn thuần dừng lại ở một cây bút được yêu thích.
Hoàng Lân
(Nguồn: Hà Nội Mới Online)