Nguyễn Khắc Xương được giới văn sĩ, trí thức biết đến với một vị trí đặc biệt: trưởng nam của thi sĩ Tản Đà. Nhưng ông cũng là người làm rạng danh người cha của mình với những đóng góp không nhỏ trong nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa Đất Tổ Phú Thọ và hát Xoan.
Người đặt nền móng cho nghiên cứu hát Xoan
Trước Nguyễn Khắc Xương cũng đã có những nghiên cứu về hát Xoan, song chưa có nghiên cứu nào hệ thống và khoa học mà chỉ là những nghiên cứu nhỏ phục vụ cho một vài công trình của các tác giả. Khi lập hồ sơ hát Xoan để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhận loại cần được bảo vệ khẩn cấp, các nhà khoa học không thể không kể đến công lao của Nguyễn Khắc Xương.
Nguyễn Khắc Xương là con trai của thi sĩ Tản Đà; nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ (được mệnh danh là nhà Phú Thọ học; nhà Tản Đà học xuất sắc) và tuy chưa được công nhận, song ông chính là nhà nghiên cứu hát Xoan một cách đầy đủ, hệ thống và khoa học nhất. Với hơn 40 năm nghiên cứu về hát Xoan, có thể nói, ai muốn tìm hiểu về hát Xoan, không thể không gặp Nguyễn Khắc Xương.
Chính từ những nghiên cứu của ông, đặc biệt là cuốn sách “Hát Xoan Phú Thọ” (xuất bản năm 2008) là nền móng và hệ thống khoa học cho Viện Âm nhạc Việt Nam, UBND tỉnh Phú Thọ, Hội Văn nghệ dân gian VN nghiên cứu và lập hồ sơ về hát Xoan.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ Nguyễn Khắc Xương
Cuốn sách được các nhà nghiên cứu hát Xoan thừa nhận là công trình duy nhất nghiên cứu tổng hợp dưới nhiều khía cạnh về hát Xoan và những khía cạnh có liên quan như tín ngưỡng tổ tiên, tín ngưỡng phồn thực, ngôn ngữ, lịch sử hát xoan.
Nguyễn Khắc Xương đã đi sâu phân tích cho người đọc hiểu mọi đặc điểm của hát Xoan, không chỉ cái cốt lõi là âm nhạc đến hình thức diễn xướng của từng quả cách mà cả về mọi tục lệ của nó như tục giữ cửa đình, tục kết chạ, tục tế lễ, tục phường họ…
Từ năm 1967, Nguyễn Khắc Xương đã nghiên cứu về hát Xoan. Ông kể, những năm 1965- 1966, ông về đầu quân cho Ty văn hóa Phú Thọ, “dưới trướng” của người lãnh đạo có tầm Đặng Văn Đăng (nhà thơ Bút Tre). Năm 67, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh thành lập, ông được giao nhiệm vụ sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ. “Khi về các xã vận động, phát triển hội viên và sưu tầm dân ca, tôi được dự một hai buổi hát Xoan, và tôi nhận thấy, đây là điều mình cần tìm”- ông chia sẻ về những ngày đầu chú ý tới hát Xoan.
Say mê hát Xoan, ông cứ lặn lội và “cắm xã” không về cơ quan. Chính việc sống cùng các nghệ nhân già, học hỏi từ họ mà hát Xoan đã “ngấm” vào máu thịt ông. Cũng nhờ việc “ba cùng” với người dân mà ông đã sưu tầm được văn bản cổ nhất của 14 quả cách hát Xoan bằng văn bản chữ Nôm.
Một tâm hồn Xoan tươi trẻ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương minh mẫn và tinh anh kỳ lạ so với tuổi 88 của mình. Mái tóc bạc trắng bồng bềnh rất nghệ sĩ, gương mặt vẫn lưu giữ nhiều dấu vết cho thấy thời trẻ là đây là một người đàn ông đẹp và hào hoa. Bất ngờ hơn là khi trao đổi với ông, chúng tôi còn phát hiện một tâm hồn nghệ sĩ hài hước, trẻ trung.
Thực lòng, khi đến gặp ông, chúng tôi cũng lo. Gặp ông biết nói gì, viết gì? Bởi người viết về ông cũng đã nhiều, mà viết về hát Xoan cũng không ít. Nhưng cứ lan man đủ chuyện, không ngờ cuộc gặp đầu tiên giữa chúng tôi (thế hệ 8x) với ông cụ 88 tuổi lại vui vẻ đến thế.
Ông Nguyễn Khắc Xương đã dành hơn 40 năm nghiên cứu về hát Xoan
Ông kể, trong Xoan, Ghẹo, hát đúm là một hoạt cảnh đối đáp giữa nam và nữ. Đây cũng là lối hát hấp dẫn nhất, cuốn hút tuổi trẻ nhất cho nên người ta còn gọi phường Xoan là phường Đúm. Một cô đào trong phường Đúm đứng ra giữa chiếu, tay cô cầm một “quả đúm” (một miếng vải tròn lại) đưa mắt nhìn khắp mặt “ đàn anh” trong làng rồi cất cao giọng hát:
- Phải đôi phải lứa thì xe,
Đúm tìm cho tới ai the đúm vào
Đúm vào người hỏi làm sao
Em là quả đúm, em vào kết duyên...
Dứt câu hát, cô ném qủa đúm vào một quan viên nào đó. Nhưng trước khi ném quả đúm, cô gái đã có những động tác dứ rất uyển chuyển, làm mọi người hồi hộp không biết quả đúm sẽ vào tay ai. Người nhận được quả đúm mở ra lấy trầu cau ăn rồi gói miếng trầu cau khác vào (có khi là một đồng tiền thưởng), trao cho một trai làng hoặc đứng lên hát đáp một câu đúm, hát xong tung quả đúm trả lại cho cô đào. Cứ như thế quả đúm bay đi ném lại cùng với những câu hát tình tứ và tiếng cười tán thưởng của người xem.
Hay khi người trai hát: Anh xin nàng chút huê trong đụn
Người gái hát: Huê trong đụn anh thuận huê gì?
- Huê trong đụn anh thuận huê lúa
- Huê lúa mùa này nó chưa nở! Để một mai nó nở. Thiếp lại bẻ cho chàng. Sợ chàng chẳng yêu. Sợ chàng chẳng dấu. Để nụ héo. Huê hỡi là huê.
Hay khi bên trai hỏi một câu, nếu bên gái không trả lời được hay muốn bên trai trả lời thì sẽ hỏi lại câu đó “chàng hỏi thì thiếp lại nhờ chàng trả lời” và bên trai lại hát trả lời... Cứ như thế, hát đến hết đêm mà vẫn không cạn lời.
Bởi thế, nên câu chuyện giữa chúng tôi với ông cũng không dứt. Lan man hết chuyện hát Xoan đến chuyện văn hóa Phú Thọ… đôi khi, chúng tôi hỏi và ông lại chêm vào một câu Xoan: “Nàng hỏi vậy nhờ nàng trả nhời”… khiến chủ và khách cười nghiêng ngả.
Nói về hát Xoan, ông hồ hởi: “Trên thế giới không nước nào có ngày Giỗ Tổ và biểu hiện nghệ thuật của nghi thức giỗ Tổ là hát Xoan. Nghệ thuật bắt nguồn từ mảnh đất kinh đô đầu tiên của dân tộc nên rất có giá trị. Có hai phần chính trong hát Xoan, là lễ và hội. Phần lễ (nghiêm trang, thành kính) cầu chúc cho các Vua Hùng về phù hộ cho làng chạ; sau lễ là hội (với những trò vui chơi, giải trí) trong đó có Xoan: ca hát và múa. Hát Xoan cũng là dân ca duy nhất có múa”.
Chia sẻ về việc nhiều người không hiểu hát Xoan, ông cho hay: “Phải nâng phần hát giao duyên lên nhiều hơn là thể hiện phần lễ. Lập hồ sơ và trình diễn thì diễn phần lễ, nhưng để hát Xoan đến được với lòng người thì nên chú ý phần hội. Cứ nghe những câu hát “Phải đôi phải lứa thì xe/ Đúm tìm cho thấy áo the đúm vào” (Hát Đúm) hay “Nhỡ mai bên Tấn bên Tần/ Bây giờ bưng trống mới gần được nhau” (hát trống quân Đức Bác)… thì sao không mê được?”.
“Không chỉ người già mà người trẻ cũng sẽ yêu hát Xoan nếu những bài ca như thế được phổ biến nhiều hơn”- ông tin tưởng.
Chia tay ông, chia tay Đất Tổ giữa những ngày tháng Ba Giỗ Tổ, chúng tôi cũng có một niềm tin như thế. Và trong tâm thức cũng tin rằng, mấy ngàn năm trước, nơi địa linh ấy đã sinh ra điệu hát độc nhất vô nhị này, đã nuôi dưỡng được những con người như Nguyễn Khắc Xương, thì không lẽ gì, không làm sống lại được khúc hát Xoan- khúc hát mùa xuân.
Bài & ảnh: Hà An
(Nguồn: Báo Điện Tử Tổ Quốc)