Thứ bảy, 20/04/2024,


Khát quê - nỗi niềm nơi đất khách (05/09/2008) 

 

 Nguyễn Xa

Mẹ à thành phố ồn ghê

Người đi đi vội, người về về mau

Người quen hiếm lúc gặp nhau

Giữa đông người vẫn buồn sao là buồn

 

Thành phố có vạn con đường

Con đi cứ vẫn phải nhường người ta

Đêm thị thành sáng đèn hoa

Chúng con cứ phải ở nhà ngủ thôi

 

Quán hàng mở khắp nơi nơi

Bữa cơm cũng chỉ nhạt lời bán mua

Nắng dội đầu những ban trưa

Con đi, chẳng gặp vườn thưa láng giềng

 

Thành phố của người có tiền

Con là của ruộng, làm chim lạc bầy

Bốn năm học ở chốn này

Khát quê, con khát ngày mai – ngày về

 

     Từ thuở nằm nôi, cứ mỗi độ trưa hè tôi cứ đắm mình trong câu hát à ơi của mẹ:

 

“Con đi con nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống,nhớ cà dầm tương”

 

     Thời gian  gõ nhịp nhẹ nhàng để tuổi thơ lớn dần trong ký ức. Ôi hình ảnh quê hương sao dạt dào đến vậy. Kỷ niệm đơn sơ đôi khi chỉ gắn với những sản vật tầm thường: Trái cà, trái ổi với những con người một nắng hai sương. Chỉ có vậy mà hôm nay, ta lên chốn thị thành, phồn hoa đô hội, cuộc sống nhộn nhịp ồn ào thật sự làm ta không sao quen được

 

Mẹ à thành phố ồn ghê

Người đi đi vội người về về mau

 

     Đó là lời cảm nhận đầu tiên của tác giả Nguyễn Xa đứa con lần đầu tiên xa quê, xa cái tĩnh lặng của trưa hè để rong ruổi nơi đất khách mong thực hiện hoài bão của mình.Tác giả thật sự ngỡ ngàng trước cuộc sống ồn ào, vội vã nơi đây với sự chuyển bước liên tục “đi vội, về mau”. Cái không gian chật chội, bức bối làm sao ta có thể quen được.Ta đã quen rồi với những lúc buồn thường đi lân la nhà bên cạnh tán gẫu. Giờ đây dù chốn đông người sao cảm thấy lạc lõng, đơn côi.

 

Người quen hiếm lúc gặp nhau

Giữa đông người vẫn buồn sao là buồn

 

     Những lúc buồn nhớ nhà, tác giả chỉ muốn kiếm một vài người quen để trò chuyện nhưng cuộc sống tất bật khiến ai cũng có công việc của riêng mình. Đôi khi trên phố, nhác thấy một vài người quen, nhưng không phải tay bắt mặt mừng chào hỏi vồn vã mà họa hoằn chỉ là cái cười xã giao rồi lại đi ngay. Ôi sao tình ngưòi nơi đây nhạt nhẽo đến vậy.?

 

Thành phố có vạn con đường

Con đi cứ vẫn phải nhường người ta

Đêm thành thị sáng đèn hoa

Chúng con cứ phải ở nhà ngủ thôi

 

     Đã xa rồi những con đường mòn trơn trợt khi trời không may đổ mưa, chiếc áo học sinh lấm lem bùn đất. Xa rồi những chiếc đèn dầu leo lét sau những đêm thức trắng học bài thi cuối cấp. Giờ nơi chốn phồn hoa, những con đường chồng chéo, tấp nập, những ánh đèn điện sáng choang không làm cho lòng tác giả ấm áp dù đó là cuộc sống rất văn minh, đối lập hoàn toàn với miền quê xưa đầy gió cát. Nhưng phải chăng qua những phút vui thâu đêm suốt sáng những gì còn sót lại trong hồn mỗi người cũng là tình quê. Đó là thứ tình cảm không giống bất kỳ thứ tình cảm nào trên đời bởi nó đã gắn với mỗi con người từ thuở lọt lòng. Ôi! Sao dạt dào và ấm áp đến vậy?

 

     Cô đơn đi vào giấc ngủ mang theo cả nỗi ước vọng, nhớ quê nhà tha thiết lắm nhưng biết bao giờ mới sống lại không khí xưa, cảm giác bình yên êm ấm của quê xưa:

 

Quán hàng mở kháp nơi nơi

Bữa cơm cũng chỉ nhạt lời bán mua

 

     Quê nhà, nhớ những bữa cơm gia đình rất đầm ấm dù chỉ đôi ba con cá rô đồng, vài cọng rau đắng nhưng sao tình người chan chứa quá. Giờ đây còn đâu nữa, chẳng còn đâu những buổi bắt tép hái rau lặn lội, giờ chỉ việc muốn ăn giờ nào thì đây, quán hàng mọc san sát nơi nơi. Nhưng sao nhạt nhẽo quá mẹ à! Đó cũng chỉ là những cuộc bán mua vô vị lạ lẫm. “Nhạt lời bán mua”, giọng điệu của tác giả có gì đó chua chát lắm, có phải chăng trong cuộc bán mua ấy tình người cũng nhạt nhoà đi, lợt lạt theo cuộc sống kim tiền?

 

Nắng đội đầu những ban trưa

Con đi chẳng gặp vườn thưa láng giềng 

 

     Với khói bụi công nghiệp, cái nắng ban trưa thật ngột ngạt, dữ dội. Những lúc ấy, hình ảnh con đường nhỏ dẫn lối đến trường lại hiện về trong ký ức tác giả. Ngày ngày đi len dưới hàng cây xanh che mát, con đi dưới ban trưa mà nghe hồn lắng dịu, một chút gì là kỷ niệm vẫn còn đọng lại mãi trong tim để ta xa quê mang theo cả hành trang là nỗi nhớ. Giờ đây, chiếc bóng ngả nghiêng dưới trưa hè gay gắt, con cảm thấy sao đơn độc trên con phố dài đến thế? Vâng, tác giả đã gởi gắm nơi đây một tâm sự đơn côi không bờ bến, phải chăng lòng mình không thể hòa hợp được với chốn phồn hoa đô hội ?

 

Thành phố của người có tiền

Con là của ruộng, làm chim lạc bầy

 

     Tác giả cô đơn bởi không hòa nhập được với cuộc sống nơi đây ? Vì sao vậy ? Phải chăng người thành thị không sống tình cảm như người quê ? “Con là của ruộng”, vâng, con biết mình vốn dĩ là người của ruộng đồng quanh năm một nắng hai sương, đầu trần chân đất. Bao năm đắm mình trên con kênh nặng phù sa chốn miền quê đầy nắng gió, vui buồn trên ruộng lúa nương dâu. Biết nâng niu hứng từng giọt sương trên ngọn cỏ lúc bình minh, biết ngắm từng đàn én về tổ khi ráng chiều khuất dần trong nắng nhạt. Bản chất của người quê là vậy, yêu ghét rõ ràng, sống chứa chan tình nghĩa. Giờ sống giữa phố phường đông đúc, tác giả chỉ là cánh chim lạc bầy bơ vơ thiếu tình thân ái.

 

Bốn năm học ở chốn này

Khát quê, con khát ngày mai - ngày về

 

     Đó là lời nhắn nhủ của tác giả, một nỗi nhớ khát khao một ngày nào đó sẽ trở lại quê xưa. Vâng, một ngày không xa lắm, trên mảnh đất của chốn quê nghèo sẽ đón đứa con xa quê bôn ba xứ người tạo dựng sự nghiệp trở về góp tay vào xây dựng quê hương.

 

     Cảm ơn tác giả Nguyễn Xa đã nói hộ nỗi lòng chúng tôi – những người xa quê lần đầu bước chân lên đại học. Nhưng tôi tin rằng cả tác giả và chúng ta phải biết vượt qua những gian nan nơi đất khách, hòa nhập vào cuộc sống mới để hướng tới tương lai. Hãy đón nhận những gì tốt đẹp nhất bởi vì đâu đó trong cuộc sống, lúc nào tình người và tình quê luôn là những thứ tinh tuý nhất của cuộc sống.

Hà Hồng Yến

(Lớp ĐH4C1 - Đại học An Giang)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: