Chủ nhật, 22/12/2024,


NSƯT Kim Cương: Cháy hết mình từng đêm diễn (09/05/2010) 

Có một thế hệ nghệ sĩ vàng trên sân khấu trước và sau 1975, những người truyền lửa cho thế hệ sau với nhiều vai diễn để đời. Khán giả không quên một Thái hậu Dương Vân Nga sắc sảo của cố nghệ sĩ Thanh Nga, một cải lương chi bảo Bạch Tuyết với dấu ấn Kiều Nguyệt Nga, một Tô Ánh Nguyệt chân phương của Lệ Thủy, một Trà hoa nữ Kim Cương đa diện...

 

Nghệ sĩ Kim Cương thời trẻ

Họ nổi tiếng trước 1975, sau ngày giải phóng lại tiếp tục trụ lại trên sân khấu nước nhà với lòng yêu nghề, yêu khán giả cháy bỏng và không ngừng làm tấm gương sáng cho học trò của mình. Một trong những gương mặt đại diện cho thế hệ ấy-NSƯT Kim Cương - nhớ lại: Mấy ngày nay, hồi tưởng lại những ngày đầu giải phóng cách đây 35 năm, tôi lại bồi hồi xúc động. Đó là những ngày sôi động nhất của đất nước. Tuy không phải là “thượng tá Việt cộng nằm vùng” như lời đồn, nhưng với tâm hồn của một nghệ sĩ, một công dân yêu nước, tôi gắn bó với khán giả trong những vai diễn gửi trọn tinh thần, trí lực và cảm xúc của mình.

Trong những ngày mới giải phóng, cuộc sống cực khổ vô cùng. Vất vả, thiếu thốn, nhưng anh em trong đoàn kịch Kim Cương ai cũng hăng hái đạp xe từ Chợ Lớn ra rạp Hòa Bình tập tuồng. Lương mỗi người, từ nghệ sĩ hàng đầu đến chuyên gia hóa trang đều cào bằng, chỉ 10.000 đồng/tháng. Hồi đó, son phấn không có, chúng tôi phải lấy bột màu xoa mặt, diễn xong thường bị lở da, dị ứng rất khổ sở.

Thế nhưng, đoàn kịch Kim Cương vẫn sáng đèn sân khấu hằng đêm. Hồi đó, muốn xem kịch Kim Cương hay cải lương, người ta đều phải mua vé chợ đen. Kịch Kim Cương là một trong những đoàn mạnh nhất của thành phố. Doanh thu mỗi tháng của Đoàn bằng doanh thu của đoàn cải lương Sài Gòn 1, Sài Gòn 2 cộng lại.

Đặc biệt, trong đoàn, toàn nhân viên, diễn viên, công nhân đạo cụ... từ chế độ cũ. Theo chủ trương của Thành ủy lúc bấy giờ, các đoàn hát, đoàn kịch không được để mất người tài, cần tạo công ăn việc làm để họ tiếp tục đóng góp, có khả năng nuôi sống vợ con; nếu không, họ chỉ còn cách vượt biên mà thôi. Thời đó, bên kịch nói có đoàn của tôi và đoàn của Thẩm Thúy Hằng, bên cải lương có Thanh Nga, Ngọc Giàu (về sau Thanh Nga mất đi thì có Bạch Tuyết nổi lên thay thế), Lệ Thủy..., những nghệ sĩ cháy hết mình cho sân khấu.

Chúng tôi không làm vì tiền, mà xả thân vì nghệ thuật, vì khán giả. Một ký giả ngoại quốc từng ngạc nhiên khi phỏng vấn tôi, biết được đoàn Kim Cương diễn 400 suất/năm, trong khi ở bên nước ông chỉ 150 suất/năm là đã quá tuyệt vời rồi. Tôi cười, bảo rằng, ở bên nước tôi, thứ bảy và chủ nhật đoàn diễn 2 suất/ngày, chưa kể dịp lễ - tết phải 3 suất/ngày. Mà mỗi dịp tết đến vui lắm! Mỗi người một càmèn cơm, làm việc ở rạp từ sớm, khuya 11h mới ra về.

Sở dĩ, tinh thần nghệ sĩ lên cao như vậy, chính là nhờ lãnh đạo TP thời đó rất quan tâm. Tôi còn nhớ, vở kịch “Đưa em vào thu” do tôi viết, khi coi xong, ông Võ Văn Kiệt - lúc đó là Bí thư Thành ủy - đề nghị đổi tên thành “Về nguồn”. Điều đó chứng tỏ cả lãnh đạo cũng rất gần nghệ sĩ và hiểu sâu sắc công việc sáng tác của họ. Ngay cả Sở VHTT thời đó cũng như một gia đình. Hễ có những kịch bản nào ngoài Bắc đang hút khách, thì có vị gửi ngay cho tôi bản thảo để tham khảo và đề nghị dựng lại. Vì thế, kịch Bắc được diễn ở Nam, như vở “Nhân danh công lý”, “Nguồn sáng vào đời”.

Tóm lại, đó là thời gian khổ, lương thấp, nhưng tinh thần nghệ sĩ vẫn phấn chấn, vì được công chúng tin yêụ. Chúng tôi diễn cho 3 thành phần khán giả: Lớp cũ ở miền Nam, lớp từ Hà Nội vào và lớp trong rừng ra. Có những bữa đau, ngồi dậy không nổi, tôi nhờ diễn viên khác đóng thế, nhưng chỉ xong cảnh 1, là lại vào rạp, đóng tiếp cảnh 2. Màn vừa hạ thì tôi bị ngất xỉu. Yêu nghề, yêu khán giả, yêu quần chúng- đó là động lực để chúng tôi duy trì ngọn lửa trên sân khấu, gắn bó gần hết đời mình với sân khấu.

Có người từng hỏi tôi: “Vì sao chị không ra nước ngoài sau 1975?”. Lúc đó ở lại đúng là run thiệt. Nhưng tôi nghĩ, mình quá thương nước mình, chỉ khi ở lại VN thì mới làm được nhiều việc, diễn cho nhiều khán giả. Qua ngoại quốc, chẳng qua là sống đầy đủ hơn thôi, nhưng không được khán giả thương như bây giờ.

Nếu hỏi vì sao có một thế hệ nghệ sĩ vàng như thời đó, tôi chỉ nghĩ rằng điều đó phụ thuộc vào căn bản của mỗi người. Như tôi, được học tiếng Pháp, tốt nghiệp tú tài Pháp, sau này tu nghiệp ở Bulgaria ngành đạo diễn..., nhờ những kiến thức thu lượm từ quá trình học và quá trình làm nghề, và cả kiến thức tổng quát về xã hội, mà không chỉ diễn, còn có thể viết kịch bản, dựng vở.

Cho đến bây giờ, tuổi lớn, có việc của tuổi lớn. Mười mấy năm nghỉ hát, tôi đi làm từ thiện, nhờ khán giả ủng hộ mà tiền quyên góp cho quỹ được rất nhiều. Cho đến bây giờ, thấy còn những người tâm huyết như Minh Vương - Lệ Thủy mở sân khấu vàng hằng tháng, tôi rất cảm kích và sẵn lòng đưa tuồng của mình - vở “Lá sầu riêng” mà tôi trân quý cho anh em tập.
 

Nhiều khi nhớ khán giả, nhớ sân khấu quá, tôi cũng từng đề nghị Trường Nghệ thuật sân khấu điện ảnh cho tôi có buổi đứng lớp để nói với thế hệ trẻ những điều mình tâm huyết. Bởi làm một nghệ sĩ nắm được khán giả - cho dù chỉ là một người - cũng khó lắm.
 

Làm sao khi đến rạp xem, 100 khán giả với 100 tâm trạng khác nhau, nhưng vô rạp rồi, chỉ sau 20 phút có thể hòa chung vào một tâm trạng duy nhất- sống với nhân vật mà nghệ sĩ đang sống. Cũng muốn truyền lửa lắm, nhưng hình như không ai cần mình nữa rồi....

 

 

M.T ghi

(Nguồn: Báo Lao Động)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  p.thanh - p.thanh89@yahoo.com.vn - 0908558832 - An Giang  (Ngày 14/09/2011 21:50:38)

Tôi rất thích mục Sự kiên & Nhân vật, rất kính trọng NSƯT Kim Cương. Cho tôi biết làm sao tìm được và downlod vở kịch "Nhân danh công lý mà Kim Cương, Bảy Nam, ... đóng.
Mong giúp tôi ! Cam ơn.

Các bài khác: