Uống rượu, say mới có hứng thú. Hứng thú thì muốn đọc thơ. Đọc thơ phải có bạn hữu. Bạn hữu khen mới... sướng! Còn chê thì... cãi lộn, múa võ! Mà đã là "thi sĩ Quảng Nôm" phải xứng danh cãi ba năm không phân thắng bại! Đó là "biểu đồ" uống, say và thơ của các nhà thơ Phùng Tấn Đông, Phan Văn Minh, Hải Triều, Trần Tuấn, Hoa Ngõ Hạnh, Nguyễn Trung Bình, Đỗ Thượng Thế, Phạm Phú Sương…Sau đây là vui vui dọc đường vài giai thoại.
Nhà văn Hoàng Minh Nhân kể với tôi: “Phùng Tấn Đông thơ hay, có khí chất. Nếu bàn về thơ Quảng đương đại mà thiếu tên Đông là giảm giá trị (!). Nhưng tui vẫn không sợ thơ Đông bằng…say Đông. Bởi có lần tui đã tận mắt chứng kiến Đông say, đọc thơ và múa võ liên tục suốt… 3 cây số!”. Tưởng nhà văn nói chơi ai dè nói thật. Chẳng là lần đó tại nhà ông mở trận đón tiếp “thư hùng văn chương”. Nhà thơ Phùng Tấn Đông vừa ra mắt tập thơ in chung “Miền mây trắng” còn nhạc sĩ Phan Văn Minh cũng vang dội "nhạc đàn" ca khúc “Cả nhà thương nhau” nổi tiếng. Hai " tửu nghệ" ngang tài ngang sức không ai chịu ai. Bên đọc thơ. Bên hát nhạc. Cãi nhau vang trời. Cuối cùng không rõ một “tửu đồ” nào đó vì quá hứng thú đã búng một phát, cái tàn thuốc rơi vào chân nhạc sĩ họ Phan. Cái tàn thuốc như lời hiệu triệu dẫn tới trận tỉ thí yêng hùng biến "chiếu thơ" thành "sân võ". Lần lượt từng người ra sân "quy y bái tổ" . Theo ông Nhân, Phùng Tấn Đông có ngón võ Thần quyền rất đẹp. Đã thế nhờ rượu và thơ tưới tắm nên di chuyển lả lướt như con rồng ẩn trong mây. Còn Phan Văn Minh có ngón võ miền sơn cước đồi núi phía tây Quảng
Một lần khác "thi tướng" Phùng Tấn Đông lại đọc thơ và tỉ thí võ với thi nhân “đầu bạc” Hải Triều. Chuyện này do chính nhà thơ họ Hải hể hả kể lại cho tôi nghe thì chắc là đúng trăm phần trăm, một ly cũng không… suy suyển(!). Cả hai là bạn thân từ khi còn ở trong quân ngũ, trở về cùng làm một ngạch phòng văn hóa thông tin huyện, tâm đầu ý hợp. Nhưng về thơ thì không ai chịu thua ai. Ai cũng cho rằng mình mới là "thiên hạ đệ nhất thi". Bởi vậy mới hẹn nhau một lần "múa võ, đọc thơ" hay "long hổ giao tranh" tỉ thí. Kết quả, thi nhân họ Hải chân dài hơn nên... chưa đá thi sĩ họ Phùng đã té ngồi. Vậy rồi thi sĩ họ Phùng khóc rống: “Răng Triều dám đánh Đông thiệt? Đông mới xuống bài quyền chưa đánh mà Triều đã đánh thiệt! Thôi, Đông giận! Đông về! Đông về!”. Vừa nói vừa ngửa mặt lên trời khóc tu tu ba hồi dài và lên chiếc xe cà tàng không phanh, không chuông đạp thẳng một mạch từ núi Đại Lộc về biển Hội An hơn hai chục cây số trong đêm mà bạn bè không ai dám cản.
Nhà thơ Trần Tuấn thì đã vật với thi sĩ họ Phùng không biết bao nhiêu keo. Keo nào anh cũng "để thua" trắng rốn. Múa võ, đọc thơ sang sảng riết thành ghiền. Mỗi lần uống mà không ra sân tỉ thí là thấy thiêu thiếu, giọng thơ kém hào sảng hẳn. Đặc biệt với nhà thơ Nguyễn Trung Bình. Sinh thời, có một đôi chén rượu vào gặp ai Bình cũng đòi "múa võ, đọc thơ". Anh em biết Bình nhuốm bạo bệnh đã lâu, nếu ngã sẽ làm đau bạn nên bị thách thức vào sới cũng để phơi rốn, chào thua! Được nước, Bình sướng tợn, thơ càng ra lai láng. Khi Bình qua đời, chở từ Sài gòn về quê bạn bè văn nghệ xúm xít xót thương tiễn bạn. Đêm cuối cũng có rượu và thơ. Nhưng không ai buồn nhắc vào sới võ vì nhớ Bình. Trong tết Hổ vừa qua, tôi về Hội An, đối ẩm với Phùng trong ngôi nhà cổ ở làng gốm Thanh Hà. Ăn cơm mới nói chuyện cũ, giọng "thi tướng" Phùng vẫn nghe bùi ngùi: “Múa võ đọc thơ Đông thì có sá gì! Chỉ Bình là nhất!”.
Nguyễn Hữu Hồng Minh
(Nguồn: Thanh Niên Online)