Tại TPHCM có nhiều gia đình nghệ sĩ cùng đóng góp cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Điển hình trong số ấy là gia đình của GS-NSND Tạ Bôn – Nhà giáo nhân dân (NGND) Kim Dung. Đây là gia đình nghệ sĩ, nhà giáo tên tuổi, uy tín, được công chúng mến mộ, được đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò quý mến, tôn vinh.
Gia đình GS- NSND Tạ Bôn - NGND Kim Dung.
Sau thời gian dài đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật âm nhạc hàn lâm và nghệ thuật múa ở thủ đô Hà Nội, đến những năm cuối thập niên 90, gia đình GS-NSND Tạ Bôn – NGND Kim Dung đã chuyển vào làm việc tại TPHCM. Với niềm đam mê nghệ thuật sâu sắc, GS-NSND Tạ Bôn – NGND Kim Dung đã dành hết tâm huyết và tình yêu nghệ thuật vào việc giảng dạy, biểu diễn, góp phần phát triển nghệ thuật âm nhạc hàn lâm và nghệ thuật múa khu vực phía
Trong những ngày đầu nhiều khó khăn, GS-NSND Tạ Bôn là một trong những nghệ sĩ nhiệt tình góp sức xây dựng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM, đặt nền móng vững chắc để phát triển dàn nhạc giao hưởng thành phố. Ông nguyên là trưởng đoàn dàn nhạc giao hưởng của nhà hát, làm đầu tàu trong nhiều chương trình biểu diễn. Chính sự khổ luyện, tài năng thiên phú và niềm đam mê nghệ thuật đỉnh cao đã giúp ông có được biệt tài kéo violon xuất thần, làm nhiều khán giả ngưỡng mộ, học trò thần tượng. Vợ ông, NGND Kim Dung, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Múa TPHCM, là người nghệ sĩ luôn chất chứa trong tim niềm khát khao cháy bỏng dành cho nghệ thuật, cho những thế hệ học trò đam mê nghề múa.
NGND Kim Dung chia sẻ: “39 năm theo nghề giáo, dạy học ở đâu tôi cũng vui vì nhận được niềm khao khát muốn học của các học sinh. Và tôi rất hạnh phúc khi nhìn thấy những bước trưởng thành, thành đạt của nhiều học trò, có em đã là NSƯT, có em đang giữ những vị trí chủ chốt ở các đoàn nghệ thuật… đóng góp nhiều cho sự phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam. Tôi cũng mong Nhà nước tạo thêm điều kiện và đãi ngộ tốt hơn cho những người làm nghệ thuật, để những học sinh có năng khiếu, tài năng, có thể phát huy tốt nhất. Hiện nay, thế hệ nghệ sĩ trẻ đang gặp nhiều khó khăn trên con đường phát triển nghề, như việc các em phải học tập từ nhỏ, đầu tư và khổ luyện nhiều năm vất vả, nhưng đến khi ra trường lương lại không đủ sống. Vì những lo toan cho cuộc sống đời thường nên các em sẽ không thể yên tâm dồn hết tâm huyết cho nghề, đưa tài năng lên đỉnh cao. Trước đây nước mình còn nhiều khó khăn, thế nên thế hệ chúng tôi chấp nhận hy sinh với những mơ ước đủ đầy cho thế hệ mai sau”.
Trong thế hệ mai sau ấy có Tạ Tôn và Tạ Thùy Chi, con trai và con gái của đôi vợ chồng nghệ sĩ tài hoa. Hiện nay, nghệ sĩ violon Tạ Tôn đang trong thời gian thực tập tại Mỹ sau khi đã lấy hai bằng thạc sĩ âm nhạc ở nước này. Còn nghệ sĩ múa Thùy Chi đang học biên đạo múa tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cả hai nghệ sĩ trẻ đang nỗ lực học tập và tiếp bước con đường nghệ thuật của bố mẹ. Đó là niềm hạnh phúc, niềm tự hào rất lớn của GS-NSND Tạ Bôn và NGND Kim Dung.
Theo đuổi những bộ môn nghệ thuật hàn lâm nhiều khó khăn, vất vả, thế nhưng như con tằm nhả tơ, GS-NSND Tạ Bôn và NGND Kim Dung vẫn luôn mong muốn được sống với niềm đam mê nghề cháy bỏng, tiếp tục là những người truyền lửa, kinh nghiệm, những kiến thức quý về nghề, về đời cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
THÚY BÌNH
(Nguồn: Báo SGGP)