LTS: Tròn 5 năm trước đây, cùng với “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”, “Mãi mãi tuổi 20” đã lập kỷ lục là một trong những cuốn sách bán chạy nhất nước ta trong nhiều thập kỷ qua. Tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20” còn trở thành tên của phong trào “Tiếp lửa truyền thống” của các CCB và thế hệ trẻ cả nước.
Vậy “Mãi mãi tuổi 20” đã ra đời như thế nào? Là “người trong cuộc” nhà thơ Đặng Vương Hưng cung cấp thêm cho bạn đọc một số chi tiết thuộc dạng “hậu trường xuất bản” và những chuyện “bếp núc biên tập”, những kỷ niệm buồn vui còn còn ít người biết...
Như một sự “hữu duyên”, đầu năm 2005 tôi đã phát hiện ra bản thảo cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đó là bản phô tô cuốn sổ nhật ký dày 240 trang viết tay của anh, mang tên “Chuyện đời”. Ông Nguyễn Văn Thục (anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc) đã vi tính sẵn bản thảo nêu trên, với ý định sẽ tự in vài chục bản để “lưu hành nội bộ” trong gia đình và tặng cho bạn bè, người thân. Tôi đề nghị ông Thục cho đọc qua bản thảo, nếu được, sẽ thông qua một nhà xuất bản lấy giấy phép chính thức. Tôi đã nhận ra đó là những trang tuyệt bút của một anh lính binh nhì, trước khi đi vào cõi chết. Bản thảo này hội tụ quá nhiều thông tin và chi tiết mang tính điển hình mà báo chí và các phương tiện tuyên truyền hồi đó đang cần. Đó là chưa kể đến số phận bi tráng của tác giả, với những trang viết đầy chất nhân văn, lý tưởng cao đẹp, tình đời và tình người... đại diện cho cả một thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ.
Tôi đã thống nhất với ông Thục là chuyển bản thảo cho Nhà xuất bản Thanh niên. Nhưng để làm được việc này, cần phải chọn một cái tên tên sách khác, cho phù hợp hơn và quan trọng hơn là cần phải viết một bài giới thiệu thật kỹ để bạn đọc hiểu được tác giả Nguyễn Văn Thạc là ai, nội dung và ý nghĩa của tác phẩm này hay như thế nào.
Trước hết là về cái tên sách “Mãi mãi tuổi 20”: Trong khi bản thảo nói trên đang được xử lý, một buổi sáng, tình cờ chị Như Anh (người bạn gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc năm xưa) đến thăm tôi. Lúc đó, tại phòng làm việc, tôi đang tiếp chuyện hai bạn đọc trẻ là sinh viên yêu thơ. Sau khi nghe tôi giới thiệu họ làm quen với nhau, bỗng hai bạn trẻ bất ngờ “phỏng vấn”:
- Bác Như Anh ơi! Hồi bác yêu anh Thạc có giống như chúng cháu yêu bây giờ không?
Tại sao lại là “bác” Như Anh và “anh” Thạc nhỉ? Trong đời thực, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc nhiều hơn chị Như Anh một tuổi cơ mà. Thì ra, hầu hết các liệt sĩ của chúng ta đều hy sinh ở lứa tuổi 20. Và mãi mãi các anh chị vẫn ở tuổi này. Không ai gọi các liệt sĩ là “ông”, hay “bà”, hoặc “cụ”, cho dù trong đời thực hiện nay họ đã bao nhiêu tuổi! Cũng như tôi dám chắc rằng: dù một thế kỷ nữa trôi qua, thì 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc vẫn chỉ là... 10 cô gái! Buổi tối hôm ấy, đi uống cà phê với mấy người bạn trở về, tôi đã thức trắng đêm. Và cái tên sách “Mãi mãi tuổi 20” đã chợt đến, ra đời như thế. Đó là một cái tên sách khá “đắc địa”, sau này đã trở thành phong trào “Tiếp lửa truyền thống” của tuổi trẻ cả nước.
Tìm được cái tên sách ưng ý, khiến tôi tự hài lòng, cảm giác sung sướng âm ỉ nhiều ngày. Tôi đọc kỹ lại bản thảo một lần nữa, rồi bắt đầu thức đêm để viết bài giới thiệu “Mãi mãi tuổi 20 hay là cuộc đời bi tráng của chàng trai giỏi văn nhất miền Bắc một thời”. Bài viết này, tôi dành nhiều tâm huyết, nên viết khá nhanh. Chưa an tâm, để tác phẩm có “sức nặng” hơn, tôi còn thuyết phục được nhà thơ Phạm Tiến Duật viết “lời bạt” cho cuốn sách.
Tôi đã chuyển bản thảo cho Nhà xuất bản Thanh Niên, thông qua biên tập viên Nguyễn Thanh Bình.
Nhưng đó cũng là thời gian việc phát hành sách rất khó khăn. Liếc qua nội dung bản thảo, Giám đốc Mai Thời Chính rất thờ ơ. Anh đang bận dự một lớp học chính trị, nên ít đến cơ quan. Vả lại, cơ chế thị trường khiến anh phải thận trọng mỗi khi quyết định một bản thảo đưa in. Vì vậy, tôi đã phải vận động, thuyết phục; thậm chí, còn phải nhiều lần điện thoại làm “căng”, và để “thúc ép” giám đốc Mai Thời Chính in cuốn sách trên, vì cho rằng nó rất phù hợp với Thanh Niên.
Tôi đã nhờ cả nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (đồng đội của Nguyễn Văn Thạc, anh rể của Mai Thời Chính) dùng tình cảm, vận động. Tôi nhớ là đã nói với Mai Thời Chính không phải một lần: “Anh cũng là một cựu chiến binh, nếu không cho in cuốn sách này là có tội với đồng đội và sau này sẽ ân hận đó!”. Nhưng tôi cũng hứa với anh rằng bài giới thiệu sách của tôi viết sẽ được đăng trên báo, và cam kết rằng nhất định cuốn sách sẽ bán được. Tôi còn đề nghị: trước khi phát hành, Nhà xuất bản Thanh Niên nhất định phải tổ chức họp báo giới thiệu cuốn sách này. Và tôi sẽ có “độc chiêu” để báo giới quan tâm giới thiệu tác phẩm.
Tôi nhớ, hồi đó tôi và biên tập viên Nguyễn Thanh Bình đã làm việc rất ăn ý và hiệu quả. Chúng tôi đã khiến cho Nhà xuất bản Thanh Niên không có lý do gì để từ chối và phân vân trong việc ấn hành 1.000 bản sách đầu tiên. Chúng tôi đã cố gắng để cuốn sách được ‘trình làng” trước ngày 30 tháng 4 năm 2005, nghĩa là vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhưng nhà in không đáp ứng kịp, đành phải lùi lại.
Để có thêm “sức nặng” với báo chí, tôi đã tìm mọi cách mời bằng được chị Phạm Thị Như Anh, người bạn gái năm xưa của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, một “nhân chứng sống” bay từ Cộng hoà Liên báng Đức về Việt Nam tham dự cuộc họp báo.
Chờ đợi mãi, rồi điều mong mỏi và chờ đợi cũng đến: ngày 2 tháng 5 năm 2005, một buổi họp báo trang trọng và cảm động đã diễn ra tại phòng họp của Trụ sở Trung ương Đoàn (60 Bà Triệu, Hà Nội).
Sau này, Giám đốc Mai Thời Chính cho hay: Đã lâu lắm, Nhà xuất bản Thanh niên mới có một buổi họp báo giới thiệu sách mà các phóng viên đã tham dự từ đầu tới cuối chương trình. Tất cả các ý phát biểu đều cảm động và rưng rưng nước mắt.
Ngay sáng hôm sau, trong chương trình thời sự “Chào buổi sáng”, biên tập viên Thanh Lan đã dành trọn thời lượng của chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách” và “Khách mời” để giới thiệu tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20”.
Cũng trong tháng 5 năm 2005, hầu hết các báo chí đều lần lượt có bài giới thiệu “Mãi mãi tuổi 20” và cuộc đời của tác giả Nguyễn Văn Thạc. Nhà xuất bản Thanh niên cũng đã cho thay bìa và tái bản cuốn sách.
Tuy nhiên, để bạn đọc thực sự tìm mua “Mãi mãi tuổi 20” thì phải đợi thêm hai “cú hích” quan trọng nữa.
Thứ nhất, là việc Báo Tuổi trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh cho trích đăng nhiều kỳ tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20”. Thông qua nhà báo Thuý Nga, biên tập của báo Tuổi trẻ, tôi đã chuyển bản thảo và thuyết phục chị cho đăng “Mãi mãi tuổi 20” trên chuyên mục “Hồ sơ tư liệu”. Lúc đầu, báo này chỉ dự định đăng khoảng 3 kỳ, vì chưa có tiền lệ giới thiệu sách như thế, và cũng là để thăm dò dư luận. Nhưng sau 2 kỳ báo đăng, thấy hồi âm bạn đọc rất tốt, Ban biên tập đã quyết định kéo dài thêm nhiều kỳ nữa, thậm chí còn mở cả diễn đàn “Tuổi 20 của chúng ta”. (Cuối năm ấy, Báo Tuổi Trẻ và cá nhân tôi cùng được Bộ Văn hóa -Thông tin tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong việc sưu tầm và giới thiệu cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc”).
Thứ hai, là đêm truyền hình trực tiếp mang tên “Mãi mãi tuổi 20” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào tối ngày 23 tháng 7 năm 2005. Kịch bản của đêm truyền hình này, do ông Trần Trung Tín, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuẩn bị, có tên là “Vết chân tròn trên cát”. Khi ông Tín mang kịch bản đến đề nghị góp ý, tôi đã đề nghị đổi tên là “Mãi mãi tuổi 20”; đồng thời sửa chữa và bổ sung nhiều chi tiết, hình ảnh gợi ý cho biên tập và đạo diễn thể hiện.
Biên tập viên dẫn chương trình Tạ Bích Loan cũng đã có nhiều sáng tạo trong thể hiện và chinh phục người xem. Hình cảnh tân ca sĩ Sao Mai Kasim Hoàng Vũ cùng các bạn trẻ vừa hát, vừa áp cuốn sách vào trái tim mình trong ánh nến lung linh, đã thực sự gây ấn tượng mạnh và xúc động với khán giả màn ảnh nhỏ cả nước. Chương trình truyền hình trực tiếp nói trên đã có tác dụng “cộng hưởng” tạo nên “cơn sốt” về “Mãi mãi tuổi 20”. Hàng tháng liền nhiều bạn đọc đã xếp hàng trước nhà xuất bản, lùng tìm mua cuốn sách ở tất cả những nơi có bán nó và truyền tay nhau đọc. Nhà xuất bản Thanh Niên đã đặt hàng in, cho chạy máy hết công suất, mà vẫn không kịp nhu cầu phát hành...
Mới đó mà 5 năm đã trôi qua…
Với tôi, đã có biết bao kỷ niệm buồn vui từ “Mãi mãi tuổi 20” mà ra. Thậm chí, có những vấn đề vượt lên trên chuyện của một cá nhân và vượt ra ngoài khuôn khổ một cuốn sách…
Hà Nội, tháng 5 năm 2010
(Bài vừa đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam)
MỜI THAM DỰ HỌP MẶT CÀ PHÊ SÁCH:
Nhân kỷ niệm 5 năm sự kiện “Mãi mãi tuổi 20”,Website lucbat.com phối hợp với Tấm lòng bè bạn tổ chức buổi cà phê sách để giới thiệu 02 cuốn sách mới của Nhà thơ Đặng Vương Hưng: “Mãi mãi tuổi 20” - Buồn vui ai biết” và “Phi công Mỹ ở Việt Nam”.
Địa điểm: Khu Vui chơi giải trí Bán đảo Hồ Đống Đa (36 Hoàng Cầu, Hà Nội). Thời gian: 8 giờ 30, Thứ Bảy, ngày 08-5-2010.
Thông báo này thay cho Giấy mời. Kính mời các tác giả và bạn đọc quan tâm tới dự!
(Mỗi người đến tham dự buổi họp mặt đều được Ban tổ chức mời một ly cà phê và tặng một cuốn sách miễn phí, có chữ ký của tác giả).
Trần Mạnh Tuân - tuan_hwru@fulbrightmail.org - 091353 0266 - Hà Nội
(Ngày 7/05/2010 11:48:47 PM)
Chia sẻ với tác giả Đặng Vương Hưng và kính tặng Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đôi dòng này: Mãi mãi tuổi hai mươi! |