Thứ sáu, 03/01/2025,


ĐỘT NHẬP HANG Ổ THƠ BÚT LÔNG (01/05/2010) 

Người ta đã gán cho Văn Thùy những cái tên: lục bát giang hồ, nhà thơ vườn hoang, lãng tử thi, dị nhân đạo sỹ, quái nhân hiệp khách, thu thủy chữ, cửu vạn chữ,...

 

 

Những đoá hoa Thược dược

Đang hồi hộp cánh mỏng khi nghe thơ Văn Thùy

 

HỢP TÁC XÃ THƠ HỒN RƠM

 

Anh em yêu mến Văn Thùy mà gọi trìu mến thế. Còn Văn Thùy, luôn và hằng tự giới thiệu mình trong các tập thơ chép tay bán đắt như tôm tươi là hợp tác xã thơ Hồn Rơm.

Thơ Văn Thùy được gọi là thơ bút lông vì ông già 70 cái hom hem này có biệt tài trình bày thơ lục bát của mình bằng thư pháp rất đẹp. Và không ai có thể tin rằng “anh già” này đã “bịa” ra vô số câu thơ tình cực hay làm ngơ ngẩn lòng người.

Những cặp lục bát tài hoa được Văn Thùy thể hiện ngọt như mía lùi, nhẹ như tên và tự nhiên như... ruồi. Chữ nghĩa không cầu kì, uốn éo, văn phong đa dạng, lúc phảng phất hồn thơ Nguyễn Bính, nhưng không man mác, nhè nhẹ mà rất mạnh. Mảng thơ thế sự thì quyết liệt, đáo để, bỗ bã, chữ nghĩa “tử tế” và tung hoành. Đến báo chí cũng phải công nhận, Văn Thùy là người chuyên “chế tạo” ca dao và “sản xuất” thơ sạch.

Sau Tết Nguyên tiêu người ta lại kêu lên: Cho lão dị nhân Văn Thùy đi cai nghiện thơ. Nhưng chưa cai nghiện thơ được cho lão thì lão đã lôi kéo, đánh bả nghiện, bỏ bùa mê thơ, làm ngẩn ngơ thêm khối kẻ...

 

ĐÁO ĐỂ

 

Lúc tôi vào nghề, thầy tôi dặn: “Nhà báo đừng “đú” với nhà thơ. Nhà báo luôn cần tỉnh táo. Mà nhà thơ thì “phiêu” lắm.”.

Văn Thùy tửng từng tưng với những cái nhìn chòng chọc vào thơ, vào nhà thơ. Thùy mang cái đáo để vào thơ mình:

 

“Dăm bài dở mếu dở cười

Nội soi chữ, thấy nhiễm lời thằng khôn”.

 

Bia miệng tạc một Thị Màu hư, vậy mà: “Đời chê thì để tôi thương lấy Màu”. Tán tỉnh: “Mà này, quái phải tương tư/ Cứ tôi, cần cóc gì sư nhẵn đầu”.

 

Rồi công bố thiên hạ:

 

“Phải tay này gặp Thị Màu

Chẳng sưng đầu mõ, cũng nhàu vú chuông”.

 

Cái đáo để khiến người ta đọc thơ Thùy phát... vã mồ hôi hột.

 

Văn Thùy dùng khẩu ngữ, “ộc” ra đằng miệng kiểu dân gian. Đặc biệt dùng thể loại lục bát để làm thơ, vì “đó là kho báu ông cha để lại. Sao phải vay mượn du nhập thể loại khác vào thơ Việt Nam”. Với Văn Thùy: “Thơ Đường hộ khẩu bên Tầu/ Cưỡng hôn bát cú làm dâu nước mình”.

Vì thế, chả việc gì phải dùng “hộ khẩu” nhà hàng xóm. Cứ chính chủ sổ đỏ, lục bát câu 6 câu 8 mà chơi.

 

THƠ TỈNH TÌNH TINH

 

Văn Thùy có tam sư là ba vị nổi tiếng: Bùi Xuân Phái (Phái “phố”), Vũ Đình Liên (tác giả bài thơ “Ông đồ”) và Trần Văn Lưu (chụp ảnh). Nhắc đến tam sư, Văn Thùy ngùi ngùi: “Tam sư đều về với tổ tiên rồi. Còn mỗi mình mình bốc bải chữ đời thôi”.

Bị vạ chữ năm 1978, Văn Thùy “chạy” về Hưng Yên rồi “đóng đô” luôn. Lang thang làm anh thợ ảnh, rồi khi đã vào hàng lão, lại “đốc chứng” ra làm thơ. Đặc biệt là cách làm thơ “tán gái nịnh đầm”. Có lẽ, rất gợi cảm, tế nhị, hóm hỉnh nên được nhiều người ngưỡng mộ. Người ta lích rích đọc thơ bút lông cho nhau nghe bất kể nơi nào: trong văn phòng, công sở, trên chiếu nhậu, trong trường đại học, thậm chí là cả trên ruộng cày...

Thơ tình của Thùy chỉ một cặp lục bát:

 

“Em đi mấy bước nữa rồi

Dẫm chồng lên vết hôn hồi mới yêu”.

 

Nhưng hóm hỉnh, tinh nghịch như còn trai trẻ:

 

“Vừa ban thông điệp yêu đương

Bỗng dưng cả bộ dát giường động kinh”

Hay:

“Có gì mạnh đến lạ thường

Yêu suông đã bốn chân giường còn hai”.

 

Thật khó tưởng tượng một ông lão đã ngoài 70, mới ti toe bước vào làng thơ cách đây 11 năm lại được nhiều bạn đọc trong cả nước thuộc thơ mình đến thế.

 

 

Hô thần chú hú vô thanh

Điều phong vận thủy vẽ tranh bằng... mồm

 

VẼ TRANH BẰNG… MỒM

 

Văn Thùy có một không hai, vô địch thiên hạ ở cái khoản bán thơ của mình. Năm nay, ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu, cuối buổi đếm tiền, tổng số tiền bán thơ của lão lên tới 2 triệu. Mà là thơ viết tay, bày trên mẹt, chả phải loại đài các bóng bẩy gì.

Trong khi các nhà thơ khác phải bỏ tiền ra để in thơ, thì Văn Thùy chuyên viết thơ mình bằng thư pháp, vẽ tranh trang trí cho thơ bằng... mồm, rồi bày lên mẹt bán. Có bài thơ tình hai câu lục bát 14 chữ, người ta trả Văn Thùy 100 nghìn. Chả hiểu, lão thơ làm thế nào mà còn bán được cho anh đồng nát một cặp lục bát 20 nghìn đồng. Tôi trêu: “Làm tiền như ranh”.

Trong tuềnh toàng, không thể gọi là một căn nhà của thế kỉ 21, tôi nằng nặc đòi Văn Thùy “biểu diễn” cái thể loại vẽ tranh bằng... mồm. Bởi, cái gì tai nghe mà mắt chưa thấy thì chả có lí do gì để tin cả.

Văn Thùy lườm tôi một cái. Kệ. Các cụ chả bảo phải khích tướng là gì. Y rằng, lão thơ lôi hòm  đồ nghề ra. Có bút lông, mực tàu. Tôi chìa tờ  giấy khổ A4 cho lão. Văn Thùy nhỏ một giọt mực vào trang giấy bằng bút lông. Một giọt mực to, đậm, đen sì nằm thu lu trên giấy. Lão nghiêng tờ giấy, phồng mồm trợn má thổi đánh phù một cái, giọt mực bắn tóe tòe loe, lão nghiêng qua nghiêng lại một lúc, chả hiểu thổi phè phè thêm vài cái thế nào, mà xong cái gốc rễ cây tre.

 

KHÔNG “ĐỐM LƯỠI”, NÊN CHỈ LÀM THƠ

 

Văn Thùy “bán” được thơ, nhưng vẫn nghèo. Lại còn bao biện: “Đã là nhà thơ, mà nhung gấm lầu sang thì không bao giờ ra thơ được. Cuộc đời tôi, thơ như là định mệnh. Không trở thành nhà thơ thì chỉ có thành tướng cướp. Tướng cướp, hay làm nghề lừa đảo thì phải có “đốm lưỡi”, phải nói khôn và đủ sức khỏe. Mình nói ngu, nói ngơ, không có “đốm lưỡi”, không lừa đảo được thì chỉ có “sa đọa” vào làm thơ:

 

Đam mê là tội giời đày

Càng béo chữ nghĩa càng gày niêu cơm”.

 

Văn Thùy nghèo thật. Giữa thị xã Ân Thi (Hưng Yên) sầm uất, cái nhà xiêu vẹo, lại sâu tụt xuống so với mặt đường và các nhà khác trông giống như một cái tổ co ro thảm hại.

 

Thôi em cố gắng ở nhà/ Lá chanh cứ thái đùi gà cứ băm

Tôi đi vét chữ vài năm/ Trộm xong lục bát về nằm ru em

(Dị nhân Văn Thuỳ và Lãng Tử Đạt Ma)

 

Thùy vừa cười: “Người ta tôn đường bốn lần, mình không có tiền, nên cứ tụt sâu xuống” vừa mân mê cái khóa cửa và cái cưa. Sự thể, là khi trở về, thì lão thơ không nhớ được mình đã để chìa khóa ở đâu, đành sang hàng xóm mượn cái cưa về cưa khóa cho chúng tôi vào.

Tôi vừa ủn cái cửa một cái, nó tung cả cái bản lề chổng chồng chông lên làm tôi mất đà hết hồn. Còn lão thơ thì thêm lần nữa lại ngẩn ra... tiếc rẻ. Đồ đạc quý giá nhất có lẽ là cái ti vi không màu bé tí tị tì ti. Trên tường treo những bài thơ thư pháp, những bức ảnh kỉ niệm với tam sư. Góc phòng chất ngất những món đồ điện mà theo trình bày của gia chủ thì đó là hậu quả của chứng đãng trí. Muốn có nước nóng giãy đành đạch để pha trà nhưng cắm xong ấm nước thì quên khuấy đi mất. Thế là cháy. Mà không chỉ dừng ở con số vài lần.

Chúng tôi lên xe, sau cái vẫy tay, ngoái lại thấy lão thơ vẫn đang tần ngần bên cái bản lề. Dáng vẻ cô liêu, xiêu vẹo. Mũi cay cay, tôi giật mình, muốn vả vào cái suy nghĩ của mình, vì cái tội tự dưng lại yếu đuối. Đó là một bản lĩnh thơ, một bản lĩnh mang tên Văn Thùy cơ mà.

 

VIỆT NGA

(Bài viết được tác giả gửi từ Email: hellomeoxinh@yahoo.com.vn)

 

- Quý vị có thể gọi điện cho Dị nhân Văn Thùy qua ĐT: 0121.4197.907

- MỜI BẠN ĐỌC XEM THÊM: QUÁN THƠ LỤC BÁT VÀ VĂN THUỲ

 

 

CHÙM ẢNH LUCBAT.COM VỚI DỊ NHÂN VĂN THÙY

 

Trách em chỉ trách nửa lời

Gặp ai cũng biếu vốc cười ngô rang

(Văn Thùy và Thủy Hướng Dương)

 

 

Tại Văn Miếu Hà Nội - từ trái qua

(TS. Trần Mạnh Tuân, Minh Phượng, Đàm Thục Anh,

Lãng Tử Đạt Ma, Văn Thùy và phu nhân)

 

 

Cùng điệu với guốc mộc trong Ngày Thơ lần thứ VIII

 

Cuộc đời nối mạng là duyên

Nhấp chuột ý tưởng đừng quên cội nguồn

(Gia đình lục bát trình diễn trước ống kính VTV6

Trong chương trình “Nối mạng ý tưởng”)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trịnh Tuấn - trinhtuanthuphap@gmail.com - 0936750113 - 2/27 Vạn Bảo, Hà Nội  (Ngày 8/05/2010 03:55:29 AM)

Sau ngày Thùy chết đi rồi
Sẽ có khối đứa đứng ngồi tỉ tê
Một mâm chữ nghĩa đem chia
Hai hàng nội ngoại ra về... tay không!

Ngó qua mấy chữ tồng ngồng
Thương cho giấy góa ưỡn mông khóc thầm...

  Tú Cười  - butkim@gmail.com -  - Hà Nam  (Ngày 1/05/2010 09:25:47 PM)
Thơ thơ...sao viết cho vừa...
Lòng sung lòng vả sớm trưa... chát lòng !
Các bài khác: