Thứ sáu, 03/01/2025,


Tài hoa ra trận (01/05/2010) 

Trong lịch sử đào tạo Mỹ thuật Việt Nam, có một khóa học đặc biệt, được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt. Nó cũng góp phần đóng góp cho Mỹ thuật Việt Nam không ít gương mặt đặc biệt. 

 

 

Họa sĩ Lê Trí Dũng

Người viết bài này không có tham vọng kể lể các kỷ niệm ly kỳ và sâu nặng mà trong cuộc đời chúng ta ai cũng có. Bài viết này, được viết ra không ngoài mong muốn nhớ lại những học sinh hệ Sơ trung cấp 7 năm (được thành lập từ năm 1960 đến 1967 thì kết thúc) đã trực tiếp cầm súng  trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại , đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc.

Mùa đông 1991, trong cái lạnh âm 20độ C ở Boxton (Hoa Kỳ). Tôi đem triển lãm tranh cá nhân sang bày do lời mời của các Cựu chiến binh Mỹ. Trong một cuộc hội kiến thân tình, ngồi giữa hàng chục người lính đủ các màu da và sắc lính của quân đội Mỹ, những người mà hơn chục năm trước còn hành quân bắn giết trong mưa rừng, nắng lửa của núi rừng Việt Nam, giờ đây tàn tạ, âm thầm, nhìn tôi thất thần, chờ đợi, hy vọng… với bao nếp nhăn trên mặt và bão bùng trong ánh mắt (kể cả những người thành đạt nhất về kinh tế). Tôi có hỏi tuổi các anh, hóa ra hầu hết đều sinh ra vào quãng 1948, 1949, 1950… cái tuổi mà khi những người lính Mỹ đầu tiên đổ quân xuống Hòa Vang (Đà Nẵng) năm 1966. Vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi lãng mạn, vô tư, ham hành động, không bị bất cứ ràng buộc gì, thích khám phá miền đất lạ…

Và rồi các anh đã chạm súng với bọn tôi, cũng vừa tròn 18, 20 tuổi.  Cũng thích phiêu lưu, không ràng buộc, đầy lãng mạn, không sợ hy sinh. Chỉ có một điều khác lạ là chúng tôi bảo vệ mảnh đất quê mình, thế thôi! Ngày hôm đó, tôi đã phải trả lời rất, rất nhiều, thậm chí không phải với tư cách một Việt Cộng, mà với tư cách một người đàn ông, nhưng có một câu hỏi làm tôi khó trả lời của một người lính Mỹ, anh William Short, nguyên trinh sát của sư đoàn Bộ binh số 1 (biệt danh Anh Cả Đỏ). Anh hỏi: “Trong chiến tranh, có nhiều bộ đội phía các ông đào ngũ không?”

...Thật khó trả lời phải không? Quanh tôi, phóng viên các báo lớn của Hoa Kỳ đang chờ đợi! Và lúc đó là 1991, chưa bỏ lệnh cấm vận và lúc đó, Liên Xô vừa sụp đổ… và... Tôi đã trả lời rằng trong cuộc chiến tranh không có việc gì không thể xảy ra (mặc dù tôi biết phía hậu phương chúng tôi, thời ấy có cả trung đoàn đào binh đang lao động cải tạo quần quật miễn không phải ra trận). Short hỏi thêm, cặn kẽ: “Trong số những họa sỹ đi lính của các ông, có ai trong số đào binh ấy không?”. Đến đây tôi đã trả lời rất nhanh và chính xác: Không!

Vâng! Tôi đã trả lời “không” rất nhanh, và đến bây giờ, tôi vẫn khóc khi nghĩ lại giây phút ấy. Nhưng quả thật, những người lính hoạ sỹ đồng đội của tôi không hổ danh khi tôi tự hào về họ. Vài hôm trước, Ban tổ chức kỷ niệm hệ 7 năm có đưa tôi một bản danh sách các học sinh hệ 7 năm từ khóa 1 đến khóa 5, tổng cộng 155 người. Có 21 người trực tiếp cầm súng tham gia các quân binh chủng như: Thành Chương (công binh), Lý Trực Sơn (pháo phòng không 37ly – Tây Nguyên), Lê Trí Dũng (thiết giáp), Hoàng Tích Minh, Phạm Mai Châu, Lê Minh Trịnh (Sư đoàn 325 bộ binh)...  

 

 

 

Hai tác phẩm về chiến tranh của họa sĩ Lê Trí Dũng

 

Trong khói lửa tàn khốc có 8 người đã hy sinh, 8 người đó là: Hoàng Thượng Lân, Vũ Quang Long, Nguyễn Quang Việt, Hoàng Tích Minh, Hồ Nia, Lê Minh Trịnh, Phạm Văn Học, Quách Thiện Thuật… Trong số 8 liệt sỹ hoạ sỹ ấy, tôi thân nhất với Hoàng Thượng Lân, anh mất đi đã để lại cho hậu thế một tập nhật ký có tên 'Tài hoa ra trận' kể về cuộc đời của một sinh viên mỹ thuật trong cuộc chiến, về tình yêu, lẽ sống, tình đồng đội, tình quân dân, của chúng ta trong chiến tranh máu lửa. Còn với Vũ Quang Long, tôi nhớ mãi lần gặp cuối cùng tại số 2 phố Nhà Chung (Hà Nội). Long vốn tính nóng như lửa, với cặp mắt ốc nhồi và cái đầu trọc, tính cương trực như Trương Phi, anh được bạn bè rất quý mến.

Lần ấy, anh được ra Bắc an dưỡng sau những trận đánh dữ dội. Anh với tôi cứ trò chuyện bên bậu cửa sôi nổi hết chuyện này đến chuyện khác quên cả vào nhà, và hẹn nhau sang quê anh bên làng Phù Đổng chơi… Vài ngày sau, tôi sang làng Phù Đổng nhưng là để đưa anh tới cõi vĩnh hằng.  Anh đã hy sinh sau một cơn sốt rét ác tính dữ dội, hậu quả của những tháng năm ở hầm, đói và khát, và muỗi rừng… Với Hoàng Tích Minh, anh có gặp tôi ở ngay phố Phủ Doãn (Hà Nội) trước khi vào chiến trường. Minh hiền quá, hơi nói lắp. Minh bảo tôi: “Sau này tôi chỉ vẽ các mẹ, các chị thôi, đét - sanh đẹp mà dân gian lắm, vẽ súng cứng bỏ mẹ!

Ấy thế rồi, vài tháng sau, lúc tôi vào Gio Linh (chỗ bây giờ có lẽ là nghĩa trang Trường Sơn) các o du kích địa phương kể: “Ba hôm trước ở chỗ ni có anh bộ đội bị đạn pháo ra máu nhiều quá hy sinh, có lẽ anh ấy là họa sỹ vì lúc dọn ba lô chúng em thấy có mấy bức vẽ!”. Tôi đã không cầm được nước mắt khi đoán đó là “Phớ” (biệt danh từ bé của Hoàng Tích Minh) của chúng tôi đã hi sinh. Hồ Nia, Quách Thiện Thuật thì hy sinh trong những trận đánh liên miên giành đi giật lại các cao điểm trên dải đất Quảng Trị anh hùng. Riêng Phạm Văn Học, người học sinh với cái cười hiền và ít nói vô cùng, trong chiến dịch Lam Sơn 719, đơn vị anh bị B52 tập kích, mảnh bom phá hỏng hoàn toàn 2 mắt anh, đồng đội đưa anh vào tới quân y viện ở Hạ Lào thì hy sinh vì vết thương quá nặng…

Nguyễn Quang Việt hy sinh trong một lần trinh sát tiềm nhập sâu trong căn cứ địch tại Hòn Tàu (Quảng Nam). Trường hợp Lê Minh Trịnh thật trớ trêu, hy sinh trong cuộc chiến, được thưởng nhiều huân chương chiến công… Sau này, trong một cuộc hỏa hoạn, toàn bộ giấy tờ cháy sạch, chính quyền xã đã không công nhận bất kỳ thành tích nào của anh, gia đình anh phải gọi điện về Trường Mỹ thuật xin giấy chứng nhận anh là bộ đội nhập ngũ từ trường mỹ thuật. Giờ đây, ngồi nhớ lại những người liệt sỹ anh hùng ấy, chúng tôi không thể không cảm khái nghĩ rằng chúng tôi được vẽ, được sống như bây giờ là nhờ công các “vị ấy”.

Nếu các vị ấy còn là sống, biết đâu đã trở thành những danh họa, và chúng tôi cũng biết ơn các đấng sinh thành ra họ đã đưa “núm ruột” yêu quý của mình có mặt trong trận đánh vĩ đại của dân tộc. Đơn cử họa sỹ lão thành Hoàng Tích Chù (phụ thân Hoàng Tích Minh), họa sỹ Vũ Hiền (phụ thân Nguyễn Quang Việt), họa sỹ Hoàng Nguyên Kỳ (phụ thân Hoàng Thượng Lân)…

Qua bài này, tôi cũng gửi niềm tự hào tới các chiến hữu một thời máu lửa: Lò An Quang, Sao Mai, Long Nam Cường, Lâm Đình Chiến, Lưu Phương Chính, Lê Huy Hạnh, Trần Luân Tín, Nguyễn Đăng Dũng tại các quân binh chủng anh hùng... Cùng các họa sỹ lăn lộn trên khắp các chiến trường bom đạn (có khi ác liệt hơn bộ đội) như Lê Văn Thìn, Đoàn Văn Nguyên, Trần Trung Chính, Trần Hữu Tri, Nguyễn Thanh Bình, Hà Huy Thịnh, Nguyễn Viết Ngọc, Đào Công Huân, Trần Thanh Lâm, Nguyễn Quốc Thành…

Ngoài ra, các học sinh hệ 7 năm còn cùng các thầy cô giáo Vũ Giáng Hương, Trần Huy Oánh, Lê Thiệp, Đỗ Hữu Huề, Trọng Cát, Đinh Trọng Khang… Đã có mặt trên khắp các tuyến đường huyết mạch dưới lửa đạn chịu trận cùng các đơn vị thanh niên xung phong Trường Sơn (C816, C892….), san lấp hố bom và vẽ ký họa phục vụ chiến trường, không sợ hy sinh, ở Hàm Rồng, Đò Lèn, nào ga Nghĩa Trang, nào Núi Ngọc… Những địa danh cả thầy và trò không thể nào quên.

Tôi ngồi đây, trong buổi chiều tà của dãy Trường Sơn, nơi từng hứng số lượng bom mà sức công phá gấp hàng chục quả bom nguyên tử, nơi an nghỉ hàng triệu đồng đội của tôi, lòng cảm khái nghĩ về cái nôi mình lớn lên, hệ Sơ trung cấp 7 năm Trường Mỹ thuật Việt Nam, từ nơi đó, các thầy cô của tôi ngày nay đã lên lão. Hầu hết là Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, được nhiều giải thưởng cao quý. Từ nơi đó các bạn của tôi đã trưởng thành, nhiều người đã là danh họa, nhiều người giữ các cương vị trọng trách trong xã hội, nhiều người thành đạt về kinh tế, có gia đình ổn định, hạnh phúc… Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, dù cho dòng chảy thời gian có bào mòn đến thế nào, dù thời buổi bon chen có làm lòng người chai sạn đi đến thế nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng không bao giờ quên, những người bạn từng cùng học thời thơ ấu, ra đi trong một chiều ráng đỏ, xốc AK lao lên dưới làn đạn, hy sinh lặng lẽ không một lời.

Tôi đã khóc và nghĩ rằng: Tổ quốc là gì. Lòng yêu nước là gì nếu không phải là những điều như họ đã từng làm. Phải không bạn?

Quảng Trị -  Một mùa hè cháy bỏng

 

Lê Trí Dũng

(Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: