15 ngày trước, nhà văn Văn Chinh (ĐT: 0913502959) 'nổi hứng' mở website vanchinh.net. Nghe nói, tới nay đã có gần vạn lượt người truy cập. Những tưởng Văn Chinh đang vô cùng bận rộn bởi việc chăm sóc cho đứa con tinh thần của mình... Nhưng chiều nay, ngắm giời mưa Hà Nội, ông bỗng thoáng buồn, vì chợt nhớ cố thi sỹ Trần Huyền Trân. Văn Chinh đã ngồi vào máy tính gõ rất nhanh và gửi cho lụcbát.com bài viết này. (Tựa đề là của lụcbát.com đặt).
Năm 1975, tháng Ba mưa xuân, Hội Văn nghệ Vĩnh Phú đại hội thành lập. Nhà thơ Trần Huyền Trân là khách mời, không phải với vai nhà thơ mà là một vai gì đấy, ở đâu ấy. Ông bị cái trẻ, cái nổi nênh bỏ quên ở một góc phòng ngồi gặm cái bánh mì sáng, Khánh Hoài chỉ ông và nói nhỏ: Đó là Trần Huyền Trân. Tôi hốt nhiên im lặng và nhớ thơ Nguyễn Bính:
Tiếng tăm thì rất nổi
Nhưng cũng thật là nghèo
Gác Sơn Nam nhịn đói
Nằm đọc thư người yêu
Tôi đọc theo trí nhớ bài “Mười năm” của Trần Huyền Trân cho Khánh Hoài nghe:
Hay gì em hỏi đến tôi
Khóc thì trái nết mà cười vô duyên
Vị đời nhấp mãi thành điên
Nên ngày hoan lạc tưởng đêm thanh bình
Tim tôi chiếc lá dâu xanh
Tằm đời ăn rỗi trơ cành còn chi
Tôi từ buổi ấy ra đi
Con đi lưu lạc mẹ đi lấy chồng
Thuyền hồn chở một khoang không
Sóng xô nước đẩy tới dòng cô đơn
Kinh thành mây đỏ như son
Cái lồng chật hẹp giam con chim trời
Tôi là là… chỉ thế thôi
Em ơi đây có phải người em mơ?
Biết nhau từ thuở dại khờ
Giờ đây bụi đục đã mờ mắt trong
Nhánh hồng em chiết bên song
Đã mười năm rụng mười bông hoa cười
Con chim bạc má già rồi
Mỏ vàng đã nhặt hết lời thơ xanh
Còn gì nữa ở lều tranh
ở lòng em ở lòng anh còn gì?
Tương phùng là để biệt ly
Biệt ly là để lòng đi qua lòng
Giờ thuyền em đã theo sông
Anh nhìn khói sóng ngỡ trông mây đèo
Mười năm mới hiểu tình yêu
Một làn hương thoảng mấy chiều gió đưa
Đó là bài thơ tôi thuộc theo trí nhớ của nhà văn Sao Mai, chứ thơ Trần Huyền Trân cho đến năm ấy một chữ tôi chưa đọc bằng mắt.
Mươi năm sau, bài “Mười năm” mới được in trong tập “Rau tần”, lại bị thiếu cả đoạn đầu, (đoạn tô đậm). Không hiểu là do bị lọc qua trí nhớ của chính tác giả hay ông ngại gì đó nên đã tự biên tập nó đi? Hỏi không ai biết, nhưng ai cũng trầm trồ rằng thêm cả đoạn ấy vào thì lại hay hơn; thêm cả chục câu thơ mà không bị thừa. Chỉ thực tài mới viết được như vậy.
Thì có ai bảo Trần Huyền Trân không phải là một tài năng thơ? Vấn đề là thơ lục bát của ông mang nhiều sắc thái của thơ hiện đại, bác học nhưng không cầu kỳ, bình dân nhưng sang quý; đọc lục bát mà cứ ngổn ngang gẫy vỡ.
Xin chép lại để bạn đọc yêu lục bát cùng nghĩ ngợi. Để ai có nguyên văn bài thơ “Mười năm’ của Trần Huyền Trân in hoàn chỉnh ở đâu, xin cho tôi một bản chụp.
Hà Nội, 4-9-2008
Văn Chinh
-------------------------------
Chú thích ảnh trong bài:
- Chân dung Nhà thơ Trần Huyền Trân.
- Nhà thơ Trần Huyền Trân khi còn trẻ và vợ con.