Thứ bảy, 27/07/2024,


Khoảng trống của chị tôi (29/04/2010) 

Chị tôi ở tuổi 30 vẫn chưa có chồng, không phải chị xấu. Từ hồi mười tám, đôi mươi đã có tới năm người đánh tiếng dạm hỏi và cả chục chàng trai trong làng, ngoài xóm ngỏ lời cầu hôn chị nhưng chị đều khăng khăng khước từ.

 

Nguyên do bởi mẹ tôi mất từ khi chị 15 tuổi, cha không đi thêm bước nữa nên chị là đầu tàu trong mọi việc nhà, chứ hồi ấy ba người em trong đó có tôi còn nhỏ. Chị vừa học xong cấp II đành phải nghỉ tiếp cha nuôi các em ăn học.

 

Tôi và đứa em trai kế khi vừa đủ lông đủ cánh thì bay khỏi nhà không giúp chị được gì, chị vẫn âm thầm cùng cha lo cho đứa em gái út của tôi vào đại học, thế nhưng hai lần em tôi thi không đỗ đành phải ở nhà làm nông nghiệp với chị và cha. Hàng chục năm trời ấy chị như người sống ẩn dật, rất ít tiếp xúc với mọi người, bạn bè thân của chị duy nhất có hai người, rồi cũng chỉ ít năm sau họ có chồng, từ đó chị không còn bạn thân nào nữa, trừ láng giềng gần gũi.

Ba tôi khuyên chán rồi la rầy, thậm chí mắng chửi chỉ vì tội chị chẳng chịu lấy chồng, chị không hề cãi mà chỉ lặng im với nước mắt dàn dụa, sụt sùi. Cho đến một ngày có đám đến nói em gái tôi, cha tôi đồng ý gả nhưng với điều kiện ‘’khi nào con chị bước đi, con dì mới được phép làm đám cưới’’.

 

Thời gian như thách đố chị, bề ngoài chị tỏ ra bình thường nhưng trong lòng luôn phân tâm. Mỗi lần về chị khóc với tôi: "Tạo hóa sinh ra con người là phải có chồng có vợ để như đũa có đôi, thế nhưng chị đi rồi ai chăm sóc ba sớm tối?’’. Tôi hứa "em sẽ cưới vợ thay chị". Rồi tôi cưới thật, nhưng khổ nỗi người vợ mà tôi yêu suốt năm năm lại là người cùng cơ quan, không thể bỏ công việc chỉ vì cha chồng được.

 

Cuối năm ấy tôi bàn với người em kế: "Chú cưới vợ đi để chị có chồng", đứa em giãy nảy: "Sự nghiệp chưa, công danh chưa, lập gia đình để mà chết đói chắc". Chú ấy nói đúng, tôi chẳng biết nói gì thêm. Rồi lây lất thời gian cũng quá nửa năm, cha tôi điện lên bảo chuẩn bị về làm đám gả chị.

 

Tôi mừng khôn xiết xin nghỉ phép năm về sớm trước cả tuần. Chồng chị là một người góa vợ, có hai con riêng đều là gái ở xã bên. Trong buổi họp gia đình có ý kiến phản đối việc này, nhưng ba tôi nói như van lơn: "Số phận con người trời định đoạt cả, với lại ở cái tuổi chị con đã lỡ thời, nó không có chồng thì em nó cũng không thể gả được’’.

 

Tôi hỏi: "Ba có duy tâm quá không ạ". Ba lắc đầu: "Không, ở tuổi ba biết sống chết lúc nào, ba chỉ có một ước nguyện rằng khi nhắm mắt xuôi tay ba không còn lo lắng bởi tất cả các con đã thành gia thất’’. Thì ra là vậy. Rồi chị tôi cưới không rềnh rang, chỉ dăm mâm đãi thân tộc, họ hàng. Nhìn chị về nhà chồng mà anh em chúng tôi khóc nức nở, nhưng cũng có phần mừng bởi chị đã có chồng.

 

Một năm sau đó đám cưới vợ chú em trai và đám gả cô em gái cùng lúc diễn ra linh đình, cha tôi rất hãnh diện đi cảm ơn, chúc tụng mọi người, ông vui mừng bởi nguyện ước từ lâu nay đạt được.

 

Thế nhưng chỉ ít tháng sau chị tôi về lại nhà, chị kể buổi đầu vợ chồng sống hạnh phúc, nhưng hai năm rồi chị không thể có thai để sinh cho gia đình chồng một đứa con trai nối dòng. Chị khốn khổ vì bà mẹ chồng vừa khó tính, vừa ngoa ngoắt, lần thứ năm bà ấy chửi ‘’đồ gái độc không con’’ chị mới bỏ đi.

 

Ba tôi buồn bã dù con cháu hết sức an ủi, động viên; rồi ba tôi lâm bệnh mất ở tuổi 60, chị tôi tiếp quản căn nhà của ba nhận trách nhiệm thờ cúng song thân. Mặc dù hàng chục năm qua anh em chúng tôi luôn dành tình thương yêu hết mực với chị, song dù gì đi nữa cũng không thể bù đắp được khoảng trống vắng trong trái tim người phụ nữ như chị.

 

 

HOÀNG NINH

(Nguồn: Tuổi Trẻ Online)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: