Đến hẹn lại lên, Hội thi sân khấu Chèo lại được tổ chức 4 năm 1 lần. Diễn viên chèo Thu Hương của Nhà hát Chèo Trung ương đã vinh dự nhận giải thưởng của năm 2009. Đứng trên một trong những “đỉnh cao” mà diễn viên chèo hay mơ ước, song Thu Hương vẫn rất khiêm tốn: phải cố gắng để xứng đáng với giải thưởng.
* 10 năm gắn bó với chèo, chị đã nhận được không ít giải thưởng tiêu biểu như: Giải vàng năm 2000 với vai diễn trong vở “Kính chiếu yêu”. Năm 2003 trong Cuộc thi tài năng trẻ toàn quốc, với vai Thị Mầu trong trích đoạn “Thị Mầu lên chùa” chị đã đoạt giải bạc. Năm 2005, chị tiếp tục nhận giải vàng với vai Lý Quế Hoa trong vở “Những vần thơ thép”. Vừa qua, trong hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc, chị lại nhận giải bạc với vai cô Tuyết trong vở “Bà huyện trong mơ”.Những giải thưởng ấy có ý nghĩa thế nào với chị?
- Đối với những diễn viên như tôi, giải thưởng có ý nghĩa rất quan trọng, không phải về giá trị vật chất mà là ở giá trị tinhthần. Ai đã vào nghề đều muốn cống hiến hết mình và được ghi dấu tên tuổi trong nghề. Bản thân tôi là một diễn viên của Nhà hát chèo tham gia hội diễn, nhận được giải thưởng là niền vinh dự trước tiên cho nhà hát sau đó mới cho bản thân. Sau mỗi lần nhận giải, tôi luôn tự dặn mình phải cố gắng hơn nữa để luôn xứng đáng với danh hiệu của ban tổ chức trao cho.
* Chị có thể chia sẻ những tố chất để trở thành diễn viên Chèo?
- Để trở thành diễn viên Chèo phải hội đủ hai yếu tố đó là thanh và sắc. Thanh là giọng hát bởi trong Chèo, hát là một yếu tố đặc trưng. Sắc gồm có gương mặt và cả yếu tố hình thể để múa. Đặc điểm ngệ thuật của chèo bao gồm tính kịch và tính tự sự. Chèo luôn gắn với chất 'trữ tình', thể hiện tình cảm cá nhân của con người, phản ánh mối quan tâm chung của xã hội trong tình yêu, tình bạn,… vì vậy mà người diễn viên Chèo phải bộc lộ được sự tinh tế trong cách thể hiện từng nhân vật. Bên cạnh đó, Chèo là một bộ môn nghệ thuật có tính ước lệ cao, do vậy, người diễn viên Chèo phải có trí tưởng tượng phong phú để biểu đạt được nội dung kịch bản đến với khán giả.
* Khi bước vào nghề, chị đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm của những người đi trước?
- Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo nghề Chèo. Khi mới bước chân vào nghề, tôi đã được sự hướng dẫn của các anh các chị đi trước trong đó có diễn viên Dịu Hương là người thầy đầu tiên của tôi. Chồng tôi vốn là diễn viên cùng đoàn, chúng tôi cũng đã từng diễn cùng nhau trên sân khấu khá nhiều. Hiện nay anh đã chuyển sang làm đạo diễn nên ít tham gia biểu diễn. Anh chính là người đã chỉ bảo cho tôi khi tôi có những vai diễn mới hay chuẩn bị có tiết mục tham gia hội diễn.
* Với biên chế nhà hát, người diễn viên được nhận mức lương theo hệ số. Một năm đoàn dựng trung bình 4 vở, số thù lao nhận được có thể nói là không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, vậy những người nghệ sỹ như anh chị phải làm gì để cuộc sống ổn định hơn?
- Các anh chị em trong đoàn đã gắn bó với nghề và thật sự yêu mến con đường mình. Mức lương và thù lao của nhà hát có thể chưa đủ để duy trì cuôc sống nên các anh em trong đoàn phải làm thêm với những công việc liên quan đến nghề. May mắn hơn so với các môn nghệ thuật khác như tuồng hay cải lương là chèo vẫn có nhiều người yêu mến. Chính vì vậy mà ngoài những xuất diễn của nhà hát, chúng tôi luôn có những hợp đồng biểu diễn ngoài.
* Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Nhà hát Chèo Trung ương có tác phẩm nào để góp mặt?
- Đây là chuyện khá “đau đầu” đối với các anh chị em cán bộ của nhà hát. Ngay từ đầu năm chúng tôi đã đầu tư tìm kịch bản để dựng nhưng đến giờ vẫn chưa tìm ra bởi chúng tôi nghĩ, để có được một vở diễn “xứng tầm” với dịp Đại lễ quan trọng của dân tộc thì kịch bản đó phải hội tụ đầy đủ nhữngyếu tố về lịch sử và nghệ thuật. Hy vọng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ ra mắt tác phẩm đúng vào địp đại lễ và ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả.
* Cảm ơn chị và chúc chị thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật mà chị đang theo đuổi.
Khánh Chi
(Nguồn: Báo Kinh Tế Đô Thị)