Trong những năm chiến tranh ác liệt, nhiều nhạc sĩ đã vượt Trường Sơn vào Quảng Bình - Vĩnh Linh - Quảng Trị để khơi lên mạch ca khúc cách mạng mà đến bây giờ, khi chiến tranh đã lùi xa 35 năm, nhưng hào khí một thời 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước' vẫn âm vang rộn ràng qua những ca khúc nổi tiếng của Hoàng Vân, Hoàng Việt, Huy Thục, Huy Du...
Giờ đây nơi đất thiêng Quảng Trị, người yêu nhạc lại bắt gặp một sự chuyển tiếp của mạch ca khúc cách mạng với những giai điệu mang âm hưởng hoài niệm, tri ân. Một trong những người tiên phong 'giữ lửa' cho mạch ca khúc này là nhạc sĩ trẻ Võ Thế Hùng. Ngay từ năm 1989, 'Khúc ru Trường Sơn' hát về những người lính nằm lại chiến trường bằng chất liệu dân ca Quảng Trị, mộc mạc mà da diết đã làm xao động lòng người:
'Các anh đi đánh giặc trăm miền.
Lại về đây nằm giữa lòng Quảng Trị yêu thương
Ðể chiều nay gió thoảng lời mẹ ru
Ru hời, ru hời giấc ngủ nồng say...'.
Khi đó, Hùng mới 28 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Âm nhạc Huế. 'Khúc ru Trường Sơn' được coi là nốt nhạc khởi nguồn cho những giai điệu mang âm hưởng hoài niệm, tri ân mà sau hai mươi năm duyên nghiệp nơi đất thiêng Quảng Trị đã kịp định hình ở Võ Thế Hùng một phong cách sáng tác. Theo mạch ấy, nhiều ca khúc của Võ Thế Hùng lần lượt ra đời rồi đằm thắm neo lại trong lòng người yêu nhạc ở Quảng Trị, như 'Khát vọng Trường Sơn', 'Trăng rằm Khe Sanh', 'Sóng vỗ Cửa Tùng', 'Làng hầm Vĩnh Linh', 'Dòng sông hoa đỏ', v.v. Người ta bảo tuổi trẻ thì nồng nhiệt và hồn nhiên, nhưng ca khúc của Hùng lại đượm màu suy tư và luôn khiến người nghe phải lắng lòng cảm xúc về những mất mát, hy sinh của một thế hệ Việt Nam trong cuộc trường chinh cứu nước.
Nghe bài hát của Võ Thế Hùng, có thể thấy yếu tố 'huyệt điểm' làm nên thành công của anh chính là chất liệu dân ca Quảng Trị và một tấm lòng thành kính yêu quê của người nghệ sĩ. Những bài hát hay nhất của Võ Thế Hùng bao giờ cũng có lời ru, dù là khúc vui hay khúc buồn. Ðể có được chất liệu đó, Hùng thường lặn lội về những vùng quê xa xôi để cặm cụi ghi chép, tận tai nghe và 'thấm' nhiều làn điệu dân ca đặc trưng của từng vùng Quảng Trị.
Nhạc của Hùng bài nào cũng thấm đẫm chất dân ca Quảng Trị, nhưng tuyệt nhiên không hề trùng lặp. Mỗi bài có một nét rất riêng, khiến người ta phải nhớ. Những tưởng 'Khúc ru Trường Sơn' (1989) về các liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn đã là một chấm son đầy ấn tượng trong mạch sáng tác của anh, vậy mà với 'Dòng sông hoa đỏ' (2007) về những liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị, Võ Thế Hùng đã thực sự khiến giới yêu nhạc bất ngờ. Cũng là chất liệu dân ca Quảng Trị và chủ đề hoài niệm, tri ân, nhưng lần này Hùng đã rất thành công. 'Dòng sông hoa đỏ' thực sự là một lời ru của người mẹ Việt
'Khi người lính lặng im tan vào đất
Là cuộc đời chảy mãi những dòng sông.
Ôi dòng sông mang phù sa người lính
Tắm mát bãi bồi, xanh mướt nương dâu...'
Năm 1997, Võ Thế Hùng phổ nhạc bài thơ 'Khát vọng Trường Sơn' của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Bài thơ về mười nghìn anh hùng ngã xuống và nằm lại đất này làm xao động biết bao tấm lòng tri ân nay được Hùng chắp cánh bằng giai điệu đậm chất Quảng Trị và biến tấu ca từ đã trở thành một đoản khúc sử thi hào hùng và sâu lắng giữa đại ngàn Trường Sơn:
'...Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn
Mười nghìn bát hương là vạn ngôi sao cháy
Là những tiếng chuông ngân trong im lặng
Ơi những trái tim neo ở đầu nguồn...
Mười nghìn yêu thương nằm rải Trường Sơn,
Mỏi mắt trông con mẹ nhòa lệ nóng
Bồng bềnh câu ru, bồng bềnh câu hát,
Bồng bềnh mây trắng gọi Trường Sơn xanh
Rồi nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, anh phổ nhạc bài thơ 'Nhớ về Anh' của nhà thơ Tố Hữu nhưng ca từ cũng được gia tăng 'chất' Quảng Trị quê nhà:
'Sông Hãn, non Mai đã sinh ra người con trung hiếu.
Ôi người con làng nghèo chợ Sãi.
Xác xơ mấy túp lều tranh.
Ðùm bọc nhau lá lành, lá rách,
Qua mùa gió nổi nồm nam.
Nắng thiêu cát đồi Triệu Hải
Lòng vẫn đậm tình thương và lẽ phải...'.
Bài hát của anh đã được Liên hoan 'Hát về những người con ưu tú của Ðảng' do Bộ Văn hóa-Thông tin và Du lịch tổ chức đánh giá cao nhất với tấm Huy chương vàng.
Là nhạc sĩ, một biên tập viên, phóng viên của Ðài PT - TH Quảng Trị, Hùng có mặt khắp mọi miền quê Quảng Trị, bắt nhịp với đời sống chính trị, xã hội ở địa phương. Vì vậy, có thể nói Hùng là người 'chép sử' cho quê nhà bằng nhạc. Bởi mỗi bài hát của Hùng đều gắn liền với một sự kiện đáng nhớ của mảnh đất này. Và mỗi lần quê hương có sự kiện lớn, Hùng đều có bài hát, những sáng tác của anh luôn để lại ấn tượng xúc động trong công chúng Quảng Trị. Thí dụ, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Hùng có bài 'Khát vọng Trường Sơn'; kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, bài hát 'Nhớ về Anh' ra đời; kỷ niệm 50 năm Lũy thép Vĩnh Linh, Hùng viết 'Làng hầm Vĩnh Linh', 'Tân Kỳ quê của muôn quê', hay kỷ niệm 35 năm Giải phóng Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị có 'Dòng sông hoa đỏ', 40 năm giải phóng Khe Sanh có 'Trăng rằm Khe Sanh', chào mừng tỉnh lỵ Ðông Hà lên thành phố anh viết 'Thành phố bên sông Hiếu', v.v.
Tròn hai mươi năm theo duyên nghiệp ca hát trên đất thiêng Quảng Trị, nhạc sĩ trẻ Võ Thế Hùng đã cho ra đời hơn 50 ca khúc đậm chất dân gian, trong đó phần lớn là những ca khúc cách mạng mang chủ đề hoài niệm, tri ân. Anh đã nhận được bảy giải thưởng quốc gia về ca khúc do Bộ VH - TT và DL, Hội Nhạc sĩ Việt
Ðinh Như Hoan
(Nguồn: Báo Nhân Dân)