Trong Hội thảo “Đề tài khai giảng trong văn hoc thiếu nhi” do Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30-8-2008, lại có ý kiến cho rằng: “Sách Tiếng Viêt tiểu hoc chỉ gồm những bài kể toàn chuyên lơ lửng trên mây: khai trường thì luôn luôn có trời xanh, mây trắng, quần áo mới; cô giáo thì xinh và hiền; bạn bè thì thân thiện, mến thương; đi học về thì có điểm mười nở như hoa,…”.
Sự thật có đúng như vậy? Hay đấy chỉ là một cách nói quá? Nhân mùa khai trường 2008, lucbat.com giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Thị Ly Kha - Một 'người trong cuộc', từng nhiều năm tham gia biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học.
Có nhà văn- nhà báo- nhà thơ, trước kia là nhà giáo, đồng nghiệp cũ, qua trò chuyện, có trao đổi với chúng tôi: “Sách giáo khoa (SGK) lắm chủ điểm, nhiều mục đích. Vậy thì nội dung khai giảng – khai trí, khai tâm – liệu có thành một vệt trong SGK Tiếng Việt tiểu học?”.
Quả là SGK Tiếng Việt được chia làm nhiều chủ điểm (lớp một: 3, lớp hai: 15, lớp ba: 15, lớp bốn: 10, lớp năm: 10), được xếp theo vòng đồng tâm hình xoáy ốc với mục đích qua các chủ điểm cung cấp cho trẻ những hiểu biết cơ bản về tiếng Việt, về thế giới xung quanh; giúp trẻ biết sử dụng tiếng Việt văn hoá để tiếp thu kiến thức toán, lịch sử, địa lí,...; giáo dục trẻ lòng nhân ái, niềm khát khao vươn tới cái đẹp,... Tuy vậy, nội dung khai giảng – khai trí, khai tâm, khuyến học, nói cách khác là “nhà trường”, vẫn là một nội dung không chỉ được tích hợp, thẩm thấu qua những chủ điểm về tuổi thơ và thế giới xung quanh, con người và quê hương đất nước mà còn được sắp xếp thành chủ điểm riêng, đứng bình đẳng với những chủ điểm khác.
Xin bắt đầu từ Tiếng Việt 1. Ngay khi trẻ học xong phần Học vần và biết từ chữ cái để đánh vần đọc chữ, thì trẻ được học Tập đọc. Và bài Tập đọc đầu tiên là bài Trường em. (Đấy là chưa kể trong phần Học vần có không ít câu ứng dụng về Nhà trường). Các chủ điểm Nhà trường - Gia đình - Thiên nhiên đất nước được xoay vòng; mỗi chủ điểm vừa có tính độc lập tương đối vừa chuyển hoá lẫn nhau. Chẳng hạn, đặt bài thơ Mẹ và cô: Buổi sáng em chào mẹ/ Chạy tới ôm cổ cô/ Buổi chiều bé chào cô/ Rồi sà vào lòng mẹ/ Mặt trời mọc rồi lặn/ Trên đôi chân lon ton/ Hai chân trời của con/ Là mẹ và cô giáo (Trần Quốc Toàn) ở vị trí nối các chủ điểm Nhà trường - Gia đình - Nhà trường, tác giả SGK đã thực hiện thành công một liên kết đầy dụng ý – nối giữa Gia đình và Nhà trường, Nhà trường và Gia đình... Có thể nói: Với những bài thơ như Đi học (Minh Chính), Mèo con đi học (thơ dịch), Gửi lời chào lớp Một (Hữu Tưởng)... những bài văn như Cái nhãn vở, Quyển sách mới,... SGK đã đặt được viên gạch đầu tiên giúp trẻ thấy đến trường là một niềm vui, trường học là ngôi nhà mới đang dang rộng vòng tay nhân ái, kì diệu chờ đón các em.
Lên lớp Hai, những chủ điểm đầu tiên: Em là học sinh, Bạn bè, Trường học, Thầy cô với những bài đọc như Có công mài sắt có ngày nên kim (truyện ngụ ngôn), Mua kính (Quốc văn giáo khoa thư), Người thầy cũ (Phong Thu); Cái trống trường em (Thanh Hào), Ngày hôm qua đâu rồi (Bế Kiến Quốc), Cô giáo lớp em (Nguyễn Xuân Sanh); Làm việc thật là vui (Tô Hoài), Ngôi trường mới (Ngô Quân Miện),... vẫn nhằm và đạt mục đích kế thừa những bài học thuộc chủ điểm Nhà trường ở lớp Một để khơi gợi, duy trì và thắp sáng thêm niềm vui học cho trẻ.
Lên lớp Ba, niềm vui học, nỗi háo hức đến trường đến với những trang sách vẫn được tiếp tục qua những bài thơ, bài văn, những mẩu chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm. Các chủ điểm Măng non, Mái ấm, Tới trường,... với những bài Tập đọc Nhớ lại buổi đầu đi học (Thanh Tịnh), Ông ngoại (Nguyễn Việt Bắc), Cậu bé thông minh (truyện cổ Việt Nam), Bài tập làm văn (truyện dịch), Cô giáo tí hon (Nguyễn Thi), Mùa thu của em (Quang Huy), Ngày khai trường (Nguyễn Bùi Vợi),... đã thực sự giúp các trò nhỏ thấy mỗi ngày đến trường sẽ có thêm một niềm vui mới.
Lên lớp Bốn, mạch chảy của nội dung Trường học vẫn được duy trì. Bên cạnh những bài thơ, những bài văn khơi gợi niềm vui tìm tòi, hiểu biết, như Nếu chúng mình có phép lạ (Định Hải), Tuổi ngựa (Xuân Quỳnh),... là những mẩu chuyện về những gương sáng hiếu học, như Ông Trạng thả diều (Trinh Đường) kể về vị trạng nguyên nhỏ tuổi nhất nước ta, trạng Nguyễn Hiền, Bàn chân kì diệu – kể về Nguyễn Ngọc Ký, người viết bài bằng chân; Văn hay chữ tốt – kể về Cao Bá Quát, người mà giai thoại dân gian định lượng là đã chiếm hết hai bồ chữ trong tổng số ba bồ chữ của cả bàn dân thiên hạ...
Và mở đầu Tiếng Việt 5, tập 1 là bài Thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường của Bác Hồ. Tâm hồn bao thế hệ học trò đã lay động trước những lời căn dặn thiết tha: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Nội dung khai trường: khai giảng, khai trí, khai tâm, khuyến học vẫn in đậm qua những bài thơ, bài văn như Nghìn năm văn hiến, Buôn Chư Lênh đón cô giáo,... Bài thơ Sang năm con lên bảy của Vũ Đình Minh: Cha đưa con tới trường/ Giờ con đang lon ton/ Khắp sân vườn chạy nhảy/... là một trong hai bài thơ khép lại SGK Tiếng Việt 5, tập 2 (TV5.t2), khép lại chương trình Tiếng Việt tiểu học, đồng thời mở ra một chân trời mới cho trẻ: Mai rồi con lớn khôn/ Chim không còn biết nói/ Gió chỉ còn biết thổi.../ Đi qua thời ấu thơ/ Bao điều bay đi mất/ Chỉ còn trong đời thật/ Tiếng người nói với con/ Hạnh phúc khó khăn hơn/ Mọi điều con đã thấy/ Nhưng là con giành lấy/ Từ hai bàn tay con...
Cứ thế, những trang văn, trang thơ của các nhà thơ, nhà văn đã giúp thầy cô giáo thắp sáng niềm vui đến với tri thức của trẻ. Và tình yêu cuộc sống, khát vọng hiểu biết cái mới càng được tích luỹ, được nhân lên theo năm tháng một cách tự nhiên. Có thể nói nếu trường lớp không tạo nên một sức hút kì lạ thì khó mà có được những dòng thơ, những lời văn đẹp đẽ đáng yêu đến thế và ngược lại chính những lời thơ, câu văn về nhà trường đầy chất văn chất thơ ấy đã là một trong những lực hút mạnh mẽ đưa các em đến trường.
Cùng với những bài thơ đậm chất thơ, bài văn đậm chất văn, thì những bài đọc như Đơn xin vào đội, Tin thể thao (TV3.t1), Nhà tài trợ đặc biệt của cách mạng, Thái sư Trần Thủ Độ (TV5.t2),... tuy không thuộc phong cách ngôn ngữ văn chương nhưng vẫn được chọn đưa vào SGK Tiếng Việt nhằm góp phần hình thành ở trẻ những tri thức, những kĩ năng sống cần thiết. Chỉ cần xem mục lục cuối mỗi cuốn SGK cũng sẽ thấy tính đa dạng của hệ thống chủ điểm, của loại hình văn bản mà các nhà soạn sách cung cấp cho học sinh nhằm hình thành kiến thức, kĩ năng cần thiết và giáo dục tính nhân văn cho trẻ.
Để đạt được mục đích khơi gợi cho trẻ niềm vui học, dĩ nhiên người đồng hành cùng các nhà soạn SGK là các nhà văn, nhà thơ, là các thầy cô giáo – những người không chỉ thắp lên mà còn duy trì, nuôi dưỡng ngọn lửa và lòng đam mê khám phá thế giới con chữ, thế giới nội tâm, thế giới tri thức cho các em.
Vậy còn quý bạn đọc của Lụcbát.com nghĩ sao?
TS. Nguyễn Thị Ly Kha
_______________
Địa chỉ tác giả:
TS. Nguyễn Thị Ly Kha - Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học
Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, 280 An Dương Vương, Quận 5, Tp HCM.
Điện thoại: 0918257296; Email: lykhanguyen@gmail.com