Tốt nghiệp thủ khoa ngành đạo diễn điện ảnh khóa 23, Ðại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội; đoạt giải "Cánh diều bạc" trong Liên hoan phim ngắn toàn quốc năm 2007; cùng năm, nhận giải "Ong vàng" trong Liên hoan phim ngắn sinh viên lần thứ hai với tác phẩm "Ảo ảnh", đạo diễn trẻ Nguyễn Thế Vinh là gương mặt được chú ý trong thế hệ đạo diễn trẻ của điện ảnh nước nhà.
Đầu năm 2009, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh trẻ (TPD) kết hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp (L' Espace) tổ chức một buổi trình chiếu phim ngắn của các đạo diễn trẻ. Bộ phim ngắn "Ảo ảnh" của Nguyễn Thế Vinh nhận được thiện cảm của khán giả. Lý do, ngoài bản thân bộ phim, có lẽ một phần nhờ sự giao lưu chân thành, thái độ khiêm tốn, không lên gân, không đao to búa lớn của chàng đạo diễn trẻ.
Là con trai của cặp nghệ sĩ Phương Hoa - Minh Trí, hai tác giả đạo diễn từng nhiều năm đoạt các giải thưởng trong thể loại phim hoạt hình, Vinh lớn lên trong môi trường điện ảnh. Tuy nhiên, Vinh không nhìn về "nghệ thuật thứ bảy" như một địa hạt lung linh sắc mầu, hoặc một lĩnh vực gì đó đặc biệt mà coi nó đơn giản là một nghề bình thường như bao nghề nghiệp khác. Vinh thi vào trường điện ảnh theo dạng nửa yêu thích nửa... cho vui, chứ không phải quá hào hứng. Trường có lịch thi riêng, vì thế không ảnh hưởng đến thời gian thi các trường đại học khác. Ðến bây giờ, khi đã đạt được những giải thưởng có thể là niềm tự hào của bất cứ sinh viên điện ảnh nào, Vinh vẫn giữ cách nhìn đơn giản, nhẹ nhàng và không hề mang ảo tưởng, cả về bản thân lẫn nghề nghiệp. Cái cách Vinh nói về những bộ phim, về công việc, về các bạn học và đồng nghiệp cũng như những quan niệm về nghề nghiệp và cuộc sống thể hiện điều ấy.
Hiện tại, Vinh làm việc tại Hãng phim truyện 1, nơi được coi là môi trường năng động và tích cực hơn cả trong các hãng phim Nhà nước. Vinh hài lòng với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, với việc đi theo các đạo diễn đàn anh để học nghề là chủ yếu. Vinh là đạo diễn trẻ nhất ở đây. Nói về sự lựa chọn này, anh bảo, các hãng phim Nhà nước thường bị coi là trì trệ so với các hãng phim tư nhân hay các đài truyền hình, các công ty quảng cáo (những đất dụng võ của đạo diễn) nhưng có một ưu điểm hơn hẳn là có nhiều đạo diễn kinh nghiệm để học hỏi. Vinh xác định, còn trẻ, chưa quan trọng vấn đề thu nhập hay được làm phim, được có danh mà đơn giản mình được tiếp tục học việc, lấy kinh nghiệm. "Ngoài việc kén cá chọn canh, cũng phải biết bằng lòng với những điều mình có thể đạt được trong từng thời điểm" - đạo diễn trẻ tâm sự.
Cách đây một năm, Nguyễn Thế Vinh làm trợ lý đạo diễn phim "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Tham gia một ê-kip làm phim chuyên nghiệp và mạnh đều ở nhiều vị trí quay phim, thiết kế, diễn viên, âm thanh, ánh sáng... Vinh đã thu được nhiều bài học bổ ích.
Hồi mới tốt nghiệp, Vinh thực tập một năm ở Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC). Anh tham gia vào hai ê-kíp phim truyền hình dài tập. Làm phó đạo diễn trong "Gió làng Kình" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - Bùi Thọ Thịnh và trợ lý đạo diễn trong "Nhà có nhiều cửa sổ" của đạo diễn Phi Tiến Sơn và Vũ Hồng Sơn. Với "Gió làng Kình", anh học thêm được những bí kíp trong quá trình sản xuất, từ việc lên lịch quay, sắp ngày hẹn, cách tổ chức, cả việc bố trí quay sao cho nhanh gọn, khi cần liên hệ những đâu, nhờ những ai... Với "Nhà có nhiều cửa sổ" là những kinh nghiệm mới mẻ trong việc ghi hình đồng thời nhiều máy quay, việc thu tiếng trực tiếp, dựng phim tại hiện trường.
Trò chuyện với Nguyễn Thế Vinh, đạo diễn trẻ này luôn có những cái nhìn ít bi quan và không phàn nàn về thực trạng điện ảnh. Vinh cho rằng, so với một đất nước hơn 80 triệu dân như Việt Nam, thì thị trường phim ảnh sẽ còn nhiều tiềm năng. Và đấy là điều kiện hứa hẹn khá thuận lợi cho các nhà làm phim trẻ. Thêm nữa, dù thực trạng còn nhiều khó khăn, cả trong khâu sản xuất lẫn phát hành, thì cơ hội nghề nghiệp ở nước ta vẫn khả dĩ. So sánh ngay cả nền điện ảnh hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ, có thể hàng chục, thậm chí hàng trăm phim đình đám mỗi năm nhưng đằng sau "phần nổi của tảng băng chìm", hằng năm có đến hàng nghìn phim được sản xuất mà phần nhiều không được biết đến. Và trong guồng cạnh tranh khốc liệt ấy, những tên tuổi đạo diễn thành danh vẫn chỉ là tỷ lệ rất nhỏ trong hàng nghìn người đang lao động cật lực tìm kiếm cơ hội và chỗ đứng trong nghệ thuật.
Nhắc tới những trở ngại có phần thiệt thòi về kinh tế, về cơ hội, về khán giả... đối với những người theo đuổi nghệ thuật đích thực, Vinh có cái nhìn dịu dàng rằng: Ðây là câu hỏi ở mọi ngành nghề, không riêng gì điện ảnh. Với tâm lý tích cực ấy, Vinh quan niệm đạo diễn trẻ không nên câu nệ những công việc nhỏ, thậm chí lặt vặt, mà cần đi từng bước một.
Ðiềm tĩnh trong cái nhìn về thực tế và hào quang nghề nghiệp; khách quan và tỉnh táo trong việc tự đánh giá khả năng của bản thân..., đó là những phẩm chất đáng quý của một đạo diễn trẻ như Nguyễn Thế Vinh. Và điều này có lẽ khiến không ít "tài năng trẻ" suy nghĩ lại.
Hoàng Lê
(Nguồn: Báo Nhân Dân Điện Tử)