Thứ tư, 15/01/2025,


Ông già Bến Ngự sẽ tọa lạc bên sông Hương (17/04/2010) 

Sau 22 năm “đặt tạm” trong khuôn viên Khu di tích Lăng mộ và Nhà thờ cụ Phan Bội Châu (119 Phan Bội Châu - TP Huế), ngày 13/4, ông Ngô Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký ban hành Công văn số 1412/UBND-VH, đồng ý di dời tượng cụ Phan Bội Châu (Ông già Bến Ngự) về công viên 19 Lê Lợi - vị trí trung tâm của thành phố, bên bờ sông Hương, gần cầu Trường Tiền. Chủ trương này được đông đảo công chúng và giới nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở Huế quan tâm đón nhận.

Pho tượng đồng đẹp bậc nhất Việt Nam

Năm 1973, khi phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh sinh viên ở các đô thị miền Nam bị đàn áp mạnh, một nhóm trí thức, văn nghệ sĩ ở Huế đã tìm cách cổ vũ tinh thần yêu nước, phong trào tranh đấu chống chính quyền Sài Gòn bằng cách dựng tượng các nhà chí sỹ yêu nước. Một ủy ban dựng tượng danh nhân Việt Nam được lập ra và bức tượng đầu tiên là chân dung Phan Bội Châu.

 

              

Tượng “Ông già Bến ngự” đã có vị trí mới bên bờ sông Hương.

 

Bức tượng do họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn cùng một nhóm nghệ sĩ ở Huế tổ chức thực hiện tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và được đúc bằng đồng tại Phường Đúc (Huế) năm 1973. Bức tượng cao 4,5m thể hiện thần thái của nhà chí sĩ Phan Bội Châu với vầng trán cao rộng, chòm râu dài lột tả được nét thông thái, thâm trầm, đôi lông mày nhíu lại và đôi mắt quắc lên sáng ngời khí tiết của một sĩ phu. Theo đánh giá của giới chuyên môn đây là bức tượng đồng lớn nhất và đẹp vào bậc nhất nước ta hiện nay, có giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng lớn, gắn với lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Hành trình 22 năm

Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có một không hai này cũng chịu nhiều gian truân. Vì nhiều lý do, pho tượng nằm ở Phường Đúc đến hơn 10 năm sau đó mới được hoàn thiện, nhưng vấn đề đặt ra là bức tượng sẽ được đặt ở vị trí nào cho tương xứng vẫn là sự lựa chọn khó thống nhất. Năm 1988, sau nhiều lần cân nhắc, thành phố Huế đã tạm thời đặt bức tượng trong khuôn viên Khu di tích Lăng mộ và Nhà thờ cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự, nơi có diện tích khiêm tốn và tỷ lệ không gian không tương xứng với tác phẩm. Thế nhưng, có nghịch lý là việc “đặt tạm” đó lại kéo dài trong suốt 22 năm qua với sự tiếc nuối của nhân dân và các nhà nghiên cứu đối với giá trị nghệ thuật, tính lịch sử cách mạng sâu sắc của bức tượng.

Trong suốt 22 năm qua, đã hơn một lần vấn đề tìm vị trí tương xứng cho bức tượng cụ Phan Bội Châu đã được đề cập nhưng thật khó cho một tiếng nói thống nhất, mãi đến tháng 12/2009, một cuộc tọa đàm về chủ đề tượng Phan Bội Châu do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế tổ chức đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý. Một nhận định chung được đưa ra tại tọa đàm là sự cấp thiết tìm vị trí tương xứng cho bức tượng có giá trị nghệ thuật, tính lịch sử cách mạng sâu sắc này. Đích thân ông Hồ Xuân Mãn - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cấp thiết này.

Tại hội nghị bàn thống nhất vị trí đặt tượng cụ Phan Bội Châu do Sở VH,TT&DL tỉnh TT-Huế tổ chức vào ngày 31/3/2010 vừa qua với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đã đi đến thống nhất đề xuất di dời tượng cụ Phan Bội Châu về công viên 19 Lê Lợi, bên bờ sông Hương, gần với cầu Trường Tiền nhằm phát huy tối đa giá trị thẩm mỹ, tính truyền thống và lịch sử sâu sắc của bức tượng.

Vị trí xứng tầm

Theo TS sử học Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh TT-Huế: “Đặt bức tượng ở vị trí này là rất xứng tầm, góp phần bổ sung giá trị văn hóa cho tuyến đường Lê Lợi, tạo điểm nhấn quan trọng, từ cầu Trường Tiền chúng ta sẽ có công viên và tượng Phan Bội Châu, gắn với công viên Tứ Tượng, nằm trên một trục liên hoàn với Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liểu Quán, Trung tâm Dịch vụ Festival, phù hợp với cảnh quan chung hai bờ sông Hương, thu hút du khách trên tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu”. Về hướng đặt tượng, PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh TT-Huế nhận định: “Đặt tượng quay về hướng Đông là rất thuận lợi (phù hợp với ý tưởng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu) sẽ phát huy được tầm nhìn 3 mặt: phía cầu Trường Tiền, phía đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và phía đường Lê Lợi.

20 năm chịu cảnh tạm thời - một khoảng thời gian đủ để gọi là rất dài. Hơn bao giờ hết, giá trị thẩm mỹ, tính truyền thống và lịch sử của bức tượng cụ Phan Bội Châu phải được tôn vinh xứng đáng. Việc xác định vị trí thích hợp để đặt tượng không chỉ làm phong phú cảnh quan, làm đẹp cho TP. Huế mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của một lớp trí thức, thanh niên, sinh viên Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

 

Hải Đăng

(Nguồn: TT&VH Online)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: