Thứ sáu, 27/12/2024,


Người “lục sĩ” đa tài và đa tình (phần cuối) (02/09/2008) 

                                                        30 năm làm 'Sếp' của các nhà văn

     Mấy chục năm liền, trụ sở của cơ quan Văn nghệ Việt Nam chưa bao giờ vắng bóng Nguyễn Đình Thi. Ông là vị lãnh đạo đầy trách nhiệm, một viên chức mẫn cán. Làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam hơn 30 năm liên tục (1958 – 1989) chắc chắn “kỷ lục” này ông sẽ giữ vĩnh viễn, mà không một nhà văn Việt Nam nào có thể sánh được.

     Tuy tuổi đã cao, Nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn đảm nhiệm trọng trách là Chủ tịch của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

     Mấy năm cuối đời, Nguyễn Đình Thi không được khỏe lắm, nhất là từ khi ông bị tai nạn giao thông. Đó là vào năm 1996, một buổi chiều trên đường từ cơ quan về nhà bằng xe máy, ông bất ngờ bị một thanh chắn tàu hỏa đánh vào đầu, phải nằm viện cả tháng trời. Trong cái rủi hóa lại có cái may: sau tai nạn đó, ông được cấp trên quan tâm cấp cho cơ quan một chiếc xe hơi của Nhật để đưa đón phục vụ công tác.

     Thời còn đương chức, hằng ngày Chủ tịch Nguyễn Đình Thi thường có mặt tại Trụ sở 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội đều đặn vào các buổi sáng. Ông hạn chế tiếp khách, từ chối nhiều cuộc phỏng vấn của báo chí và truyền hình.

      Buổi trưa, bà Tuệ Minh, (người vợ thứ ba của Nguyễn Đình Thi) thường đến để làm bữa ăn cho chồng. Đã lâu lắm Nguyễn Đình Thi không đặt chân đến nhà hàng. Ông kiêng các loại rượu bia, các món xào lắm mỡ nhiều đạm. Vì thế, mâm cơm của vợ chồng ông thường có toàn đồ luộc: ngoài gạo “luộc” thành cơm đã đành, rau luộc và thịt cũng luộc.

      “Nguyễn Đình Thi là người không có bạn” - Tô Hoài nói vậy và Nguyễn Đình Thi cũng tự nhận rằng ông rất ít bạn bè. Ông không có thói quen ngồi quán, cũng không bao giờ lang thang “bát phố” như một số nhà văn khác.

       Buổi chiều, Nguyễn Đình Thi làm việc tại nhà. Ông vẫn đọc và viết đều đặn. Chúng tôi thấy trên bàn làm việc của ông có mấy tập tuyển văn học Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn. Sức viết của Nguyễn Đình Thi không còn ào ạt như xưa, nhưng sức đọc của ông thì vẫn thật đáng nể. Được biết, ngày nào ông cũng dành ra hai giờ đồng hồ để đọc ngốn ngấu một quyển sách nào đó.

      Lần đầu tiên sau nhiều năm làm báo tôi đã thật sự lúng túng, vì không biết phải bắt đầu bài viết từ đâu và kết thúc như thế nào? Muốn viết về Nguyễn Đình Thi, chắc chắn phải nghiên cứu cả đời. Năm 2000, Nhà xuất bản Giáo Dục đã ấn hành cuốn “Nguyễn Đình Thi về tác gia và tác phẩm” dày gần 400 trang khổ lớn. Các bài được chọn in trong cuốn sách đều đã được công bố trên các báo và tạp chí, nhưng chắc chắn tuyển chọn trên vẫn chưa đầy đủ.

      Bởi thế, vào thời điểm cuối năm 2001, khi cho công bố bài viết này, tôi chỉ hy vọng có thể góp thêm cho quý bạn đọc một góc nhìn nhỏ bé về Nguyễn Đình Thi...

 

      'Tôi là Nguyễn Đình Thi đây mà!'

      Sau ba ngày kể từ khi bài viết nêu trên được công bố, chuông điện thoại trong phòng làm việc của tôi reo vang.

      Tôi nhấc máy, từ đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông vừa lạ vừa quen:

      – Anh Đặng Vương Hưng đấy phải không?

      – Thưa vâng! – Tôi đáp theo thói quen, mỗi khi có bạn đọc gọi cho mình.

      – Tôi là Thi đây!

      – Dạ xin lỗi, Thi nào ạ?...

      – Tôi là Nguyễn Đình Thi đây mà!

      – Ô... Dạ vâng, thưa bác, cháu là Hưng đang nghe máy – Tôi không khỏi ngạc nhiên vì bất ngờ, bởi lão nhà văn đã chủ động gọi cho mình.

      – Tôi đã nhận được báo biếu do tòa soạn gửi và cũng đã đọc bài viết của anh rồi. Xin cảm ơn anh đã viết về tôi.

      – Thưa bác, bài in vội quá, nên cháu đã không kịp chuyển cho bác đọc trước.

      – Tôi gọi điện cho anh cũng vì chuyện ấy. Giá như anh đưa tôi đọc trước thì hay biết bao. Quả thật là tôi hơi bất ngờ, vì chưa có ai viết về tôi như anh đâu. Có một số chi tiết trong bài chưa chính xác...

      – Xin bác cho biết cụ thể, để cháu bổ sung và sửa chữa lại khi tái bản in thành sách.

 

      – Ví dụ như đoạn nói về chuyện bà Mađơlen Rípphô... Sở dĩ tôi không kết hôn với bà ấy là do có ý kiến khuyên bảo của Cụ Hồ là không có lợi cho Cách mạng, chứ không phải vì mấy cái chuyện cơm áo gạo tiền và tem phiếu thời bao cấp đâu. Rồi cả việc kiểm điểm chuyện sinh hoạt của tôi nữa, sự thật không phải như vậy ông Tô Hoài nhớ sai, nên đã nói lung tung đấy!

      – Cháu thành thật xin lỗi bác, không ngờ bài viết lại có nhiều khiếm khuyết đến vậy.

      – Dù sao thì chuyện cũng đã rồi. Nó cũng không trầm trọng lắm đâu. Nhưng mà anh em trong cơ quan người ta cứ xì xào... Lần sau anh phải rút kinh nghiệm đấy!

      Rồi không đợi tôi chào, lão nhà văn đã cúp máy đánh “rụp”.

 

       Nhà văn Nguyễn Đình Thi và tác giả bài viết năm 2001.

 

      'Chúng nó như con cháu, chấp làm gì!'

      Chuyện tưởng thế là xong. Nhưng nghe một người bạn tôi nói lại, mấy hôm sau sau đó, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một chuyến đi “về nguồn” cho một số nhà văn lão thành. Tình cờ, Nguyễn Đình Thi và Tô Hoài được Ban tổ chức bố trí ngồi cùng một xe. Dọc đường đi, Nguyễn Đình Thi còn trách Tô Hoài mãi:

      - Chuyện riêng của tôi, ông cứ đem ra kể vanh vách cho cánh báo chí nó nghe làm gì... mà tai hại là ông nhớ sai, họ lại  đưa cả lên mặt báo...

      Thật là già rồi mà còn hớ hênh và dại dột quá!

      Tô Hoài chỉ cười:

      – Thì thỉnh thoảng anh em báo chí chúng nó cũng cần phải có cái “xìcăngđan” để còn bán báo chứ! Mình là người lớn, chúng nó như con cháu, chấp  làm gì!

       Chưa hết, một đồng nghiệp của tôi cũng bảo:

       – Sau bài viết ấy, có lẽ nhà văn đã giận dỗi với chúng ta thật! Lâu lắm chẳng thấy cụ đến Tòa soạn mình chơi. Hôm nọ gặp ở bên cơ quan Hội, tôi đã cố chào thật to, nhưng chẳng thấy ông cụ nói gì, cứ lừ lừ mà bước đi thẳng. Cũng có thể ông cụ vô tình, không nghe tiếng...

       Vâng, cho tới ngày nhà văn Nguyễn Đình Thi đã thanh thản từ biệt cõi đời này để đi xa, rất xa... tôi vẫn tin là hồi đó ông đã vô tình, hoặc đãng trí vậy thôi. Một nhà văn lớn như ông, làm gì có chuyện “chấp vặt” lũ con cháu như chúng tôi!

 

                                                          Đặng Vương Hưng

                                          

                                                 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: