Thứ tư, 15/01/2025,


Gần nửa thế kỷ đọc thư - chờ chồng liệt sĩ (16/04/2010) 

Người đàn bà ấy vẫn ở vậy suốt từ năm 1965 đến tận bây giờ. Hình như bà đã quên mất khái niệm thời gian vì những dòng chữ trong bức thư cuối cùng mà người chồng chưa cưới gửi cho bà lúc nào cũng hiển hiện trong tâm trí bà từng giây, từng phút!

 

Mối tình qua những cánh thư…

 

 Bà Nguyễn Thị Kim Xuyên

Người đàn bà đó chính là bà Nguyễn Thị Kim Xuyên hiện đang sinh sống tại số 1 ngõ 19, đường Nguyễn Tạo – Thành phố Thanh Hóa. Tôi nghe kể về bà từ dạo tôi thực hiện cuốn sách “Chúng tôi & Mig17”. Mong muốn được có một lần gặp bà đã nhen nhóm trong tôi từ đó nhưng cho mãi đến nay nhân chuyến đi thực tế cho một bộ phim tôi mới thực hiện được. Bởi không hiểu sao ý nghĩ phải viết về mối tình chung thủy của bà luôn luôn nhắc nhở tôi như thể đó là món nợ phải trả cho độc giả.

 

Trước khi đến, tôi đã gọi điện cho bà nói về ý định của mình thế mà khi gặp được bà, tôi và những người cùng đoàn trong đó có cả người đồng đội của người yêu bà năm xưa vẫn không nén được xúc động, những giọt nước mắt cứ rịn ra trên khóe mắt của người anh hùng.  Nhìn các cơ trên khuôn mặt nhân hậu của bà cứ giật giật liên hồi, tôi biết bà đang cố kìm không khóc nhưng những giọt nước cô đọng bao nhiêu nỗi nhớ thương người chồng chưa cưới và cả một chút buồn tủi cho thân phận mình cứ tràn trong đôi mắt của bà, tưởng chừng chỉ cần một cái nắm tay của ai đó thôi là sẽ òa ra như suối.

 

***

 

Ngày ấy, cô thiếu nữ Kim Xuyên xinh xắn và học giỏi - con gái của một gia đình tiểu thủ công nghiệp ở cách nhà anh bộ đội Hoàng Văn Kỷ không xa là bao. Tuy ở hai làng khác nhau nhưng từ nhà cô sang nhà anh Kỷ chỉ khoảng vài trăm mét. Nhà cô thì ở làng dệt vải, còn nhà anh lại ở làng thuần nông. Do vậy lối sinh hoạt và làm ăn của hai nhà hầu như không giống nhau. Chỉ biết rằng, hồi anh Kỷ còn ở nhà, cứ mỗi lần qua ngõ nhà cô là hai má cô lại đỏ bừng lên như táo ửng.

Năm 1964, anh bộ đội Kỷ được nghỉ phép khoác ba lô về làng tìm cô “đặt vấn đề”, nhưng cô còn chưa dám đồng ý, phần vì bẽn lẽn, phần vì nghĩ “gia đình thuần nông của anh ấy liệu có chấp nhận gia đình mình là dân tiểu thủ công nghiệp hay không?” .

Thời gian thấm thoắt trôi mau, tới tháng 3 năm 1965 anh Kỷ lại về thăm nhà ít hôm. Lần này thì cô không thể dối lòng mình được nữa, cô đã nhận lời yêu anh. Kể từ hôm đó, đôi tình nhân trẻ như đôi chim non ríu ra ríu rít bên nhau như thể không có gì làm tan vỡ nổi mối tình trong sáng của họ.

Rồi cũng đến ngày anh Kỷ hết phép phải lên đường. Cô Xuyên xin phép bố mẹ theo anh lên Thị xã Thanh Hóa tiễn anh lên tàu. Lên tới ga Thanh Hóa, người ta lại thông báo thay đổi giờ tàu chạy, vì vậy đôi tình nhân có thời gian ở bên nhau thêm chút nữa. Thế là anh bộ đội Kỷ lại tiễn người yêu ngược trở lại một đoạn đường. Cô Xuyên không hề muốn xa anh tí nào, nhưng cô biết anh còn nhiệm vụ lớn, nên chỉ dám ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn anh, hỏi:

- Anh ra Hà Nội, thì về đâu?

Anh nhìn cô âu yếm:

- Anh về Tổng cục chính trị. Em về nhớ viết thư cho anh thường xuyên nhé. Anh sẽ nhớ em vô cùng.

 

Ít hôm sau buổi tiễn người yêu ra Hà Nội, thì có tin Không quân Mỹ đem quân đến ném bom cầu Hàm Rồng (ngày 3, 4-4-1965). Cô Xuyên như có linh tính gì đó và nỗi nhớ người yêu cứ mỗi ngày một nhiều thêm. Kể từ đó Kim Xuyên và Hoàng Văn Kỷ chỉ liên lạc với nhau qua những cánh thư – những lá thư luôn có lời của anh động viên Kim Xuyên cố gắng học tập, khắc phục khó khăn để  hoàn thành công tác.

Nhưng yêu anh là thế mà cô Xuyên chỉ biết anh là bộ đội chứ không biết gì thêm. Mãi cho đến khi cô nhận được một bức thư trong đó có đoạn: “… Khi anh chạm tay vào cò súng, một chùm đạn thật căng trùm lên thân chiếc F105 làm nó bốc cháy, cắm thẳng xuống đất, được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người, được Chính phủ tặng huân chương làm cho anh càng suy nghĩ vì thành tích của anh chưa có đáng là bao, có chăng đó cũng là công lao của Đảng, của nhân dân, anh chỉ là người thực hiện không có gì đáng kể…” thì lúc đó cô Xuyên mới biết anh là phi công tiêm kích, cô cứ tự hỏi mãi “Tại sao Đảng và Bác Hồ lại dạy được những người con ưu tú, tài giỏi như anh mà lại khiêm nhường đến vậy?”.

Cô Xuyên thấy tự hào quá, cô viết thư nói với anh: “Anh là phi công, vậy thì em sẽ cố gắng học tập để xứng đáng với anh.”. Ngay sau khi anh đồng ý, cô Xuyên ghi tên vào lớp Xét nghiệm y tế. Hồi đó ở quê, đã yêu nhau là có tục lệ “bỏ miếng trầu” (ăn hỏi), nhưng lễ bỏ miếng trầu của đôi uyên ương không giống như người ta. Vì Hoàng Văn Kỷ bận trực chiến nên không thể về quê được nên đã gửi bố anh (nhân chuyến đi thăm con) một số bánh kẹo, chè thuốc về gia đình cô Xuyên mong gia đình thông cảm, anh còn xin phép bố mẹ Kim Xuyên nếu có thể thì cho cô ra Hà Nội thăm anh một lần.  

Ước mong là thế những nào dễ thực hiện? Thời điểm ấy đúng lúc Kim Xuyên bận thi tốt nghiệp, nên có lúc phi công Hoàng Văn Kỷ gửi cho cô tới hai bức thư mà cô không kịp trả lời, thế là cô lại được nhận thêm bức nữa, bức thư ấy anh nói: “Nếu có giận anh thì ra thẳng đây mà giận này. Em cứ ra đây mà xem anh đã yêu em đến mức nào?”

 

Gần 50 năm vẫn thuộc lòng từng câu chữ trong những lá thư.

 

Tôi nghẹn ngào nghe bà Kim Xuyên kể lại mối tình gần năm mươi năm về trước, nhìn bà lật đật vào phòng lấy từ một chiếc hòm gỗ nhỏ những bức hình của Liệt sĩ Hoàng Văn Kỷ cho chúng tôi xem mà tất cả chúng tôi không một ai cầm được nước mắt khi bà nói: “Đây là tấm hình của anh ấy, tôi cứ ân hận mãi sao hồi đó cứ chần chừ không ra thăm anh!” - rồi đôi bàn tay bà khẽ sờ lên khuôn mặt của người yêu trong ảnh sao mà yêu thương, mà trân trọng đến thế.

Bà kể: “Anh thường gửi thư cho tôi bàn về việc tổ chức cưới, lúc đó tôi bảo anh: anh cứ công tác đi, em học xong ra trường nhận công tác lúc ấy cưới cũng chưa muộn… Cho đến khi tôi học xong, thì chúng tôi quyết định làm đám cưới. Anh đã báo cáo đơn vị sẽ tổ chức ngay tại đơn vị và bảo tôi phải chuẩn bị ra sớm…”

Có lẽ ngày hôm đó là một ngày khủng khiếp nhất đời bà. Tin từ đơn vị ông Kỷ về như sét đánh ngang tai. Bà Kim Xuyên choáng váng đến sững cả người khi biết ông hy sinh vào ngày 5/6/1967 trên bầu trời tỉnh Vĩnh Phúc. Nỗi đau khổ đến tột cùng như đứt ruột, đứt gan, bà đã cầm bút run run viết thư về đơn vị ông mà không thể nào tin nổi ông không còn trên cõi đời. Vừa mới nhận công tác tại Trạm sốt rét Ty Y tế Thanh Hóa được ít hôm, nhưng Trạm đã quyết định cho bà nghỉ một tuần về nhà vì sợ cú sốc này khiến bà không trụ nổi.

Bà về nhà mà mấy ngày liền không nuốt nổi một hạt cơm. Thẫn thờ như kẻ mất hồn tới cả tháng trời, sau đó được sự động viên của đơn vị, của cha mẹ, bạn bè nên bà mới nguôi đi phần nào. Nhưng từ đây, cuộc đời bà chỉ còn hình bóng của ông trong tâm trí. Trước kia, lúc ông chưa hy sinh thì bà lâu lâu mới về thăm nhà, nhưng kể từ khi ông khi sinh, bà thường về luôn. Mà không chỉ có thế, mỗi lần về thăm nhà là thế nào bà cũng phải sang nhà ông thắp cho ông nén nhang thì mới yên lòng. Có những lúc bà nghĩ, thôi không sang thắp hương cho ông nữa, vì cứ thế này bà sẽ không thể nào bớt nỗi nhớ và sự đau khổ sẽ cứ thế mà nhân lên nhưng thật là lạ, cứ lên giường nằm lại không tài nào ngủ được, lại phải chạy sang nhà ông một lúc rồi mới về nằm yên, như thể có một điều gì đó rất linh thiêng. Bà bảo: “Những năm tháng thiếu anh tôi rất đau khổ, chỉ riêng chuyện vắng bặt thư anh đã đủ đau khổ lắm rồi!”.

 

Bà Kim Xuyên cứ sống một mình như thế cho mãi tới năm bà hơn 40 tuổi, bố mẹ già và các em, kể cả các em của Liệt sĩ Hoàng Văn Kỷ đều mong bà có đôi có lứa, có chỗ nương tựa tuổi già nên đã mai mối cho bà một người. Thương bố mẹ và các em bà chấp nhận về nhà “người ta” mà không có tình yêu. Nhưng cuộc hôn nhân ấy cũng chỉ tồn tại trong khoảng vài tháng. Thật không may bà bị sỏi mật phải ra bệnh viện Bạch Mai mổ gấp. Ở nhà, “người ta” đã lục tìm thư từ của Liệt sĩ Hoàng Văn Kỷ gửi cho bà mà bà đã nâng niu cất giữ bấy lâu nay đốt hết. Khi bà trở về biết được, bà đau đớn quá, quyết định chia tay với “người ta” và ở vậy đến tận bây giờ.

Bà bảo: Cũng may là bức thư nào của anh Kỷ tôi cũng nhớ thuộc lòng đến từng câu chữ nên dù thư có bị đốt hết thì những gì anh Kỷ nói với tôi, tôi vẫn nhớ như in”. Nói rồi bà đọc luôn cho chúng tôi nghe:

“Đêm qua anh nằm mơ thấy em, một giấc mơ tuyệt đẹp làm cho anh sảng khoái và sung sướng vô cùng. Trong đêm đông giá lạnh, anh chẳng hiểu có cách nào mà em lại đến được với anh, bên chiếc giường nhỏ hẹp chỉ vừa đủ một người nằm. Anh nhường chỗ cho em, em lại nhường cho anh, cuối cùng hai đứa phải nằm chung một chiếc giường nhỏ chịu chật. Anh tưởng em sẽ trách anh, nhưng không, em không hề trách anh gì cả, trái lại em còn thương yêu anh hơn. Qua đôi mắt em, trong những ngày xa cách, anh như đọc được tất cả nỗi niềm mong đợi của em trong những ngày xa cách và anh càng cố ý im lặng để cho em ngủ nhưng em cứ ôm chặt lấy người anh kể cho anh nghe không thiếu chuyện gì từ chuyện gia đình đến chuyện em đang có kế hoạch phấn đấu thành Đảng viên… rồi em hỏi đến bao giờ thì hòa bình? Anh đang định trả lời em thì chuông đồng hồ báo thức 5 giờ kém. Anh tỉnh dậy mới hay đó chỉ là giấc mơ. Xuyên ạ! Người ta thường nói mơ điều lành là hay thấy điều dữ lắm, có đúng thế không? Nếu có đúng thì đó chỉ là thuyết duy tâm, còn người ‘duy vật’ như anh chắc chắn không bao giờ đúng được, bởi không có cái gì ngoài ý thức của con người trong thế giới bao la này. Khi còn thanh niên anh mơ được vào hàng ngũ của Đảng thì đã được Đảng kết nạp. Khi học trường sĩ quan, anh mơ được Đảng và Bác giao cho anh bay trên đôi cánh bạc, rẽ mây, vượt gió lao thẳng tới quân thù bắt chúng phải đền tội thì bây giờ ước mơ đó cũng đã thành hiện thực…  Anh muốn chứng minh rằng giấc mơ  gặp em hôm qua là một giấc mơ vô cùng chính đáng, không sớm thì muộn cũng sẽ thành hiện thực. Rồi đất nước sẽ hòa bình và chúng mình sẽ ở mãi bên nhau…”

 

Hơn bảy mươi tuổi và sống bằng những kỷ niệm ngọt ngào qua những bức thư của người chồng chưa cưới gửi từ gần năm mươi năm về trước, bà Kim Xuyên vẫn hàng ngày tụng kinh niệm Phật bên một ngôi chùa gần nhà - Ở đó có bát hương của Liệt sĩ Anh hùng LLVT – phi công Hoàng Văn Kỷ.

Chia tay chúng tôi, bà chỉ có mong muốn: “Ở nơi suối vàng, mong anh Kỷ hiểu cho tôi, tôi đã không ra thăm anh được một lần, thư từ của anh không còn nguyên vẹn, tôi không lường được lại có sự éo le đến như vậy”.

Còn tôi, tôi thấy bà là người phụ nữ quá đỗi chung thủy và tuyệt vời. 35 năm sau ngày Đại thắng, cuộc Kháng chiến chống Mỹ đã đi tới chiến thắng lẫy lừng mà ở trong đó có phần đóng góp rất lớn về tinh thần của những người phụ nữ như bà.

 

 

Ngày 24.3.2010.

Thủy Hướng Dương 

(Bài đăng trên báo Thời đại)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Đức Trường - suthuthach@gmail.com - 01682938853 - 47/459 Bạch Mai, Hà Nội  (Ngày 16/04/2010 11:49:10 AM)
     Cuộc sống hôm nay thật là tươi đẹp. Để có được như vậy, biết bao nhiêu người Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống giành và giữ đọc lập tự do cho dân tộc. Phía sau họ là những người Vợ, người Mẹ đã âm thầm hy sinh cả tuổi xuân của mình để chồng con yên tâm lên đường đánh giăc.
     Cuộc kháng chiến gian khổ và ác liệt đã qua lâu rồi, nhưng những Câu chuyện về họ vẫn nóng hổi và thật cảm động. Đó là những nén tâm hương tưởng nhớ người đã khuất. 
     Cảm ơn Thuỷ Hướng Dương đã kể cho chúng ta nghe một chuyện tình thật đáng trân trọng.
Các bài khác: